Khi nào máy kéo trở về làng?
08:49' 04/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Thời gian qua tại nhiều địa phương đã ban hành lệnh cấm xe công nông do loại này gây ra nhiều tai nạn giao thông. Nhưng công nông lại gồm hai loại, trong đó có xe máy kéo nhỏ đa chức năng rất cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Vấn đề là loại xe này không phải là thủ phạm gây ra tai nạn, nhưng cũng bị cấm. Do bị gọi chung dưới tên công nông, nên cả nhà chế tạo và nông dân đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong sản xuất.

Bao giờ công nông lại được ra đường?

Ngày 2/3/2004 Hội thảo về xe máy kéo vận chuyển đa chức năng tham gia giao thông do Hội nông dân Việt Nam và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM)  với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng đã được tổ chức, nhằm xác định tên gọi cụ thể và xây dựng hành lang pháp lý cho loại xe này.

Báo cáo của VEAM cho thấy hai thương hiệu máy kéo Bông Sen và Cổ Loa của Tổng công ty này đã được sản xuất cách đây gần 20 năm và khá nổi tiếng trong nước. Đây là loại xe có 5 - 6 chức năng như làm đất, bơm nước, xay xát, vận chuyển, phát điện... được sản xuất hàng loạt trên dây chuyền công nghiệp, có tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ, có đăng kiểm và được cấp phép sản xuất, lưu hành của các cơ quan như Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ (cũ).

VEAM là DN có sản lượng xe lớn nhất cả nước với khoảng 10.000 xe/năm. Từ năm 2002 về trước, loại xe này có thể tiêu thụ được 9000xe/năm, thế nhưng với lệnh cấm ban hành ngày càng nhiều tại các địa phương đã làm cho lượng xe tiêu thụ năm 2003 chỉ còn hơn 200 chiếc. Sản phẩm tồn đọng lên đến hàng chục tỷ đồng, công nhân không có việc làm, trong khi người nông dân cần xe  không dám mua, không có phương tiện để sản xuất nông nghiệp.

Vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau

Trước khi Hội thảo diễn ra, ông Nguyễn Văn Quyền Phó cục trưởng Cục đường Bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) trả lời phỏng vấn báo Nông Thôn Ngày Nay cho biết  Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo chỉ thị về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông trong đó khái niệm công nông được dùng chung cho cả xe máy kéo nhỏ (xe đa năng) và xe vận chuyển nhỏ (công nông đầu ngang). Cụ thể xe máy kéo nhỏ là loại xe gồm phần đầu kéo có công suất đến 20 mã lực, lái bằng càng hoặc vô lăng và thùng hàng kéo theo sau (có thể tháo rời đầu kéo) hoạt động trên đường giao thông công cộng có các công dụng như cày xới phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp vừa là phương tiện vận tải, vừa sử dụng làm nguồn động lực để chạy máy bơm nước, máy xay xát, phát điện...

Còn xe vận chuyển nhỏ (thường gọi là công nông đầu ngang) là loại xe có kết cấu tương tự như xe ôtô được sản xuất lắp ráp tận dụng từ các tổng thành của ôtô cũ lắp động cơ diesel 1 xi lanh mà một số địa phương gọi là công nông đầu ngang hoặc xe độ chế, xe cải tiến, xe bục bịch... Ông Quyền cũng thừa nhận, trên thực tế tai nạn giao thông nhiều chỉ có ở xe vận chuyển  nhỏ (công nông đầu ngang). Theo dự thảo này  xe vận chuyển nhỏ sẽ bị cấm sản xuất và hạn chót để cấm lưu hành là 31/12/2007, còn xe máy kéo nhỏ thì không bị cấm, tuy nhiên xe máy kéo khi tham gia giao thông phải có đăng ký, người điều khiển phải có giấy phép lái xe do các sở giao thông công chính đào tạo và cấp bằng.

Nhưng tại Hội thảo, ông Lã Ngọc Khuê cố vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu: Muốn giải quyết khó khăn này, trước hết phải xác định được tên gọi cho nó cụ thể là cái gì, để có cách đối xử hợp lý. Sở dĩ loại xe này bị cấm vì  tên nó là xe công nông. Theo ông Khuê ngay cả tên gọi là xe máy kéo vận chuyển đa chức năng được đưa ra trong Hội thảo này cũng  không chính xác. Như vậy loại xe này sẽ bị coi là xe vận chuyển và sẽ bị điều chỉnh bởi những qui định về xe vận chuyển khi tham gia giao thông như người lái xe phải có bằng lái, xe phải đảm bảo những tiêu chuẩn an toàn như các xe vận chuyển khác trên đường, phải có đăng kiểm cấp quốc gia, có đăng ký... như vậy sẽ rất khó cho nhà sản xuất và người sử dụng, mà thực ra nó không phải như vậy. Ông Khuê cho biết hành lang pháp lý cho loại xe này thực ra đã có. Theo Luật Giao thông đường bộ qui định thì đây là loại xe máy chuyên dùng. Xe máy chuyên dùng bao gồm: xe máy thi công, xe máy dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp. Đây chính là hành lang pháp lý và căn cứ vào đây để xây dựng, ban hành những qui định cụ thể cho nó, như vậy loại xe này sẽ không bị cấm khi lưu hành nữa. Trong luật cũng nói rõ loại xe này được phép tham gia giao thông trong phạm vi qui định, (phạm vi này do UBND các tỉnh được phép ban hành tại địa phương mình). Nhưng loại xe này không được tham gia vào kinh doanh vận tải, chỉ được chở phân ra ruộng và chở thóc về nhà.

DN nản lòng

Là nhà sản xuất, VEAM rất ngạc nhiên về những lời phát biểu này, lại có thêm một khái niệm mới được đưa ra. Vậy như thế nào là đúng để các doanh nghiệp còn biết lối mà theo? Và nếu đúng như lời ông Khuê nói, những xe này không được kinh doanh vận tải, thì rất không thực tế. Có người nêu câu hỏi vậy xe có được chở thóc lên huyện, tỉnh để xuất khẩu? Không kinh doanh thì vận chuyển cho gia đình, cho người thân có được không? Và những ngày nông nhàn xe không tham gia kinh doanh vận tải thì để làm gì? như vậy hiệu quả sử dụng có cao, trong khi hàng năm tại khu vực nông thôn có khoảng 300 triệu tấn hàng hoá các loại cần vận chuyển. Khi khai thác tốt chức năng vận chuyển xe còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, nhanh chóng thu hồi vốn... Nếu vận tải chỉ dành cho ôtô thì nông dân đâu có nhiều tiền để sắm ôtô. Một chiếc xe máy kéo giá chỉ 15 triệu rất phù hợp với túi tiền của nông dân, còn xe ôtô vận tải nhỏ thì cỡ phải 100 triệu đồng...

Ông Quản Thắng Chủ tịch hội đồng quản trị VEAM cho biết nếu mọi sự không rõ ràng còn kéo dài, thì DN chúng tôi sẽ không sản xuất loại xe này nữa. Năm 2003 chỉ tiêu thụ được 200 xe thì sản xuất để làm gì? Chúng tôi sản xuất sản phẩm phục vụ nông nghiệp, góp phần cơ giới hoá nông thôn, giải phóng sức lao động cho nông dân, làm tăng hiệu quả sản xuất  mà bị cấm, thì thôi.

Đây thực sự là ý nghĩ rất tiêu cực, nhưng không phải không có lý. Nếu vậy thiệt thòi nhất có lẽ vẫn chỉ là nông dân bởi họ không biết lấy gì để làm đất, bơm nước, xay xát, phát điện và vận chuyển? Và quan trọng hơn cả là làm sao có thể nâng cao năng suất lao động?

  •  Trần Thuỷ
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Triển lãm ngành nhựa và cao su quốc tế tại Thái Lan (04/03/2004)
Quảng Nam: Cấp giấy phép đầu tư nước ngoài trong 24 giờ (03/03/2004)
Công nghiệp tỉnh Bình Dương tăng trưởng cao nhất nước (01/03/2004)
Phát miễn phí 20.000 sơ đồ các tuyến xe buýt (27/02/2004)
Cần tuyển dụng 25.000 lao động trong năm nay (27/02/2004)
Triển lãm quốc tế về công nghệ đóng tàu. (27/02/2004)
VDC giảm cước dịch vụ Internet (25/02/2004)
Đà Nẵng: Hai dự án FDI đầu tiên năm 2004 đầu tư vào KCN (24/02/2004)
Khách của VN Airlines được sử dụng chuyến bay của Air France và ngược lại (23/02/2004)
Hỗ trợ 200 tỷ đồng phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (19/02/2004)
Ra mắt công ty bảo hiểm tư nhân đầu tiên (19/02/2004)
Sẽ trở thành tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu VN ? (17/02/2004)
Nghiên cứu xây dựng "Khu thử nghiệm ô tô, xe máy quốc gia" (12/02/2004)
Một số DN đã phải ngừng sản xuất thép (11/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang