,
221
479
Xu hướng
xuhuong
/khoahoc/xuhuong/
431984
Nước dằn và cuộc xâm lăng của sinh vật xâm hại
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Nước dằn và cuộc xâm lăng của sinh vật xâm hại

Cập nhật lúc 14:29, Thứ Hai, 31/05/2004 (GMT+7)
,

Con tàu không gian trở về Trái đất, vô tình mang theo một dạng sống ngoài vũ trụ. Tàu hạ cánh, và sinh vật lạ được "sổ lồng". Trái đất hóa ra lại là một nơi định cư hết sức lý tưởng - nó ổn định cuộc sống, ăn thực vật và muông thú xung quanh rồi sinh sản rất nhanh. Không thể nào giết chết hoặc cạnh tranh được "vị khách không mời" này, các cư dân Trái đất bắt đầu chết dần...

Phải chăng đây là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng? Không, chuyện hoàn toàn có thật. Nhưng những sinh vật lạ xâm lược Trái đất không đến từ không gian mà là từ các vùng khác nhau trên hành tinh xanh của chúng ta, và phương tiện di chuyển của chúng cũng không phải là tàu không gian, mà là... tàu biển.

Cuộc xâm lăng của sinh vật biển

Xả nước dằn = xả theo hàng triệu sinh vật xâm hại tại cảng.

Mỗi ngày, gần như chuyến tàu đi biển hay đi hồ nào cũng mang theo hàng triệu "khách trốn vé", xâm nhập khi thuỷ thủ lấy thêm nước dằn vào vỏ để giữ ổn định thân tàu. Bằng cách này, ước tính ngày nào cũng có khoảng 4.000 loài đi du lịch vòng quanh thế giới, trong đó có phù du, tảo, cá, sứa và những động vật không xương sống khác. Andreas Tveteraas, chuyên gia tàu biển của Quỹ Thiên nhiên Hoang dã WWF, cho biết: "Hoạt động "đi nhờ tàu" này có quy mô rất lớn. Mỗi giờ, chỉ riêng ở Mỹ đã có khoảng 7,5 triệu lít nước dằn được xả ra các vùng biển nước này. Tổng cộng, mỗi năm có khoảng 10.000 tỉ lít nước dằn được chuyên chở đi khắp thế giới, và tất nhiên là mang theo rất nhiều sinh vật và mầm bệnh."

Khi tàu thuyền đến đích (có thể cách nơi xuất phát đến hàng ngàn kilomet), những kẻ "đi nhờ tàu" được thả ra ngoài theo nước dằn. Một số không tồn tại được trong môi trường mới, nhưng một số không những sống được mà còn sống rất "đàng hoàng". Các sinh vật lạ này có thể trở thành những kẻ xâm hại, nhanh chóng đánh bật động thực vật địa phương, gây hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái, kinh tế và thậm chí sức khỏe của con người. Tveteraas nói: "Các loài xâm hại là một trong những mối đe doạ nghiêm trọng đến đa dạng sinh học toàn cầu, và chúng đã trở thành mối quan ngại hàng đầu của nhiều khu vực biển."

Những "sát thủ máu lạnh"

Hoạt động của WWF về xử lý nước dằn

Trong vài năm qua, WWF đã hợp tác với IMO để cơ quan này có thể chấp nhận Công ước quốc tế liên quan đến vấn đề xử lý nước dằn. Vấn đề này đã được IMO lên lịch trình 15 năm nay, nhưng chỉ mới được chấp nhận tại Hội nghị Quốc tế IMO về Nước dằn Tàu biển, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 2 năm nay tại London, Anh. WWF sẽ phấn đấu sao cho Công ước nhanh chóng được phê chuẩn và có hiệu lực càng sớm càng tốt. Bên cạnh đấy, WWF cũng sẽ cố gắng sao cho ngành vận tải biển có trách nhiệm thực hiện các điều sau:

• Thiết bị xử lý nước dằn phải được lắp trên các tàu hiện có càng sớm càng tốt theo khả năng của công nghệ hiện nay.

• Tiêu chuẩn tối ưu cho thiết bị xử lý nước dằn để những tiến bộ công nghệ phải được phản ánh qua mức "tẩy trùng" ngày càng cao trong nước dằn.

• Bảo vệ những khu vực dễ bị tổn thương của các vùng biển cao (70% đại dương nằm ngoài quyền hạn pháp lý quốc gia), bởi vì vùng biển cao đang trở thành bãi thải nước dằn có nguồn gốc từ bờ biển.

• Luật lệ chặt chẽ đối với việc cấp phép đặc biệt cho việc không phải xử lý nước dằn, bởi vì vấn đề này sẽ trở thành lỗ hổng trong Công ước, khiến cho Công ước trở nên vô tác dụng.

• Có yêu cầu đặc biệt trong những khu vực nhạy cảm, do các nước ven biển có liên quan đặt ra.

Một trong những ví dụ điển hình nhất là Biển Đen. Một loài sứa mào phàm ăn (Mnemiopsis leidyi) có nguồn gốc từ Bắc Mỹ đã quét sạch các đàn cá, huỷ hoại nền ngư nghiệp thương mại và làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái biển nơi đây. Qua một chuyến "đi nhờ" tàu từ bờ biển Đại Tây dương của nước Mỹ năm 1982, loài sứa mào đã ăn cả động vật phù du, thức ăn của các loài cá có giá trị thương mại cao ở Biển Đen, lẫn trứng và ấu trùng của cá. Không hề gặp một "đối thủ đáng gờm" nào tại nơi ở mới, lũ sứa sinh sôi nảy nở với tốc độ nhanh đến mức báo động. Đến giữa những năm 1990, chúng đã chiếm đến 90% toàn thể cư dân Biển Đen, nơi có lượng tôm cá nhiều hơn cả toàn bộ số hải sản đánh bắt được hàng năm trên toàn thế giới. Và sau đó, lũ sứa đã nhanh chóng mở rộng lãnh thổ sang tận vùng biển Azov láng giềng.

Cuộc xâm lược của loài sứa mào đã khiến cho ngành hải sản thương mại Biển Đen gần kiệt quệ trong mấy năm liền. Ngành hải sản một thời thịnh vượng đã thiệt hại khoảng một tỉ đô la kể từ ngày lũ sứa xuất hiện. Và ngành cá tại vùng biển Azov, vốn đã phải chịu sức ép của ô nhiễm và đánh bắt tràn lan, đã sụp đổ hoàn toàn. Số phận các loài lớn hơn cũng không khá khẩm gì hơn: Số lượng cá heo cũng giảm mạnh vì nguồn thức ăn chính của chúng là cá đã không còn nữa. Toàn bộ hệ sinh thái bị phá vỡ, bởi sứa mào cũng chính là nguyên nhân làm giảm lượng ô-xy tại Biển Đen. Giờ đây, chúng đã tràn vào vùng biển Caspia và gây ra mức tàn phá tương tự. TS Erkki Leppakoski, chuyên gia sinh vật lạ thế giới thuộc ĐH Abo Akademi (Phần Lan), cho biết: "Thảm họa này là lời cảnh báo cho cộng đồng tàu biển quốc tế về nguy cơ hoạt động thải nước dằn ở vùng biển nước ngoài gây ra."

Thực vật lạ cũng có khả năng tàn phá không kém cạnh so với động vật xâm hại. Tại Australia, tảo bẹ châu Á (Undaria pinnatifida) - loài tảo biển màu nâu có lá rộng - đang nhanh chóng xâm chiếm các khu vực mới và thay thế dần những cộng đồng cỏ biển địa phương, vốn là nền tảng nuôi dưỡng và cung cấp thức ăn cho nhiều loài giáp xác và cá có giá trị thương mại cao.

Ngoài ra, sự xuất hiện của các loài lạ còn có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Tại Philippines, tảo lạ đã từng "bùng nổ" vài lần, gây nên hiện tượng thuỷ triều đỏ. Loài tảo này và những chất mang độc tính cao mà chúng tạo ra trong quá trình phát triển được hấp thụ vào cơ thể của các loài ngao sò ốc hến. Khi ăn phải hải sản bị nhiễm độc, chất độc có thể khiến cho con người bị liệt, thậm chí tử vong.

Khi các loài xâm hại biển lọt vào một hệ sinh thái mới, hậu quả mà chúng gây ra thường không thể cứu vãn được. Vì thế, việc vận chuyển nước dằn và các loài xâm hại ở biển dường như đã trở thành thách thức lớn nhất đối với môi trường mà ngành vận tải biển toàn cầu đang phải đối mặt. Tveteraas giải thích: "Ngành vận tải biển phải tham gia cuộc đấu tranh vì một tương lai bền vững. Và để làm được điều này, chúng ta phải nhanh chóng xóa bỏ nguy cơ thảm họa môi trường gây ra do không xử lý nước dằn đúng mức. Giải pháp tốt nhất là cấm xả nước dằn chưa được xử lý."

Trách nhiệm của ngành vận tải biển

Có rất nhiều phương pháp diệt sinh vật trong nước dằn, chẳng hạn chiếu tia cực tím, khử ô-xy và lọc. Thiết bị xử lý nước dằn hiện đã được sử dụng trên các tàu nhỏ như tàu chở khách. Tuy vậy, đối với một lượng nước dằn khổng lồ trên tàu chở hàng thì cho đến nay vẫn chưa có cách gì xử lý nổi trong một quãng thời gian hạn hẹp cả.

Thuỷ triều đỏ, "sát thủ" có sự hậu thuẫn của tảo bẹ châu Á.

Có một cách khác: Xả nước dằn tại vùng biển sâu rồi lại lấy nước tại đây, nơi có ít sinh vật hơn so với nước tại vùng duyên hải. Một số nước, trong đó có Mỹ, Canada, Australia và New Zealand đã chấp nhận sử dụng biện pháp này để giảm thiểu số lượng sinh vật lạ lọt vào cảng nước mình. Các nước này còn đưa ra khuyến cáo là không nên lấy nước dằn tại những vùng có khả năng chứa nhiều sinh vật, chẳng hạn như vùng biển nông, và không nên xả nước ra những khu vực nhạy cảm.

Tuy nhiên, vì vấn đề này có tính chất toàn cầu nên cần phải có một công ước nhằm kiểm soát việc lấy và xả nước dằn. Cuối cùng thì hồi tháng 2 vừa qua, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) - cơ quan Liêp Hợp Quốc chịu trách nhiệm về vận tải biển quốc tế - cũng đã chấp nhận một công ước như thế. Một khi đã được phê chuẩn và áp dụng, Công ước này sẽ buộc tất cả mọi tàu thuyền phải thực hiện Kế hoạch Quản lý Nước dằn: Từ sau năm 2009, tàu thuyền mới phải được trang bị thiết bị xử lý nước dằn. Từ năm 2016 trở đi, quy định này sẽ được áp dụng cho tất cả mọi tàu thuyền. Đồng thời, tàu thuyền phải thay đổi nước dằn cách bờ 200 hải lý trước khi vào cảng.

Andreas Tveteraas cho biết: "Công ước mới này là một bước đi hoàn toàn đúng đắn. Nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng cho các quốc gia và thuyền trưởng vô nguyên tắc lợi dụng. WWF sẽ cố gắng để đảm bảo cho Công ước này được nhanh chóng đưa vào thực tế và nghiêm chỉnh thực hiện nhằm giải quyết tốt vấn đề. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng thuyết phục các chủ tàu hoặc người thuê tàu có trách nhiệm xử lý nước dằn càng sớm càng tốt."

Dù sao, vào lúc này, sinh vật xâm hại vẫn tiếp tục những chuyến chu du của chúng vòng quanh thế giới. Ai mà biết được chúng sẽ tìm được môi trường sống mới vào lúc nào và ở đâu!

Khánh Hà (Tổng hợp)

,
,