Hoàng đế của xứ sở băng giá
13:18' 30/03/2004 (GMT+7)

Trong suốt mùa đông, Nam Cực trở thành nơi lạnh nhất trên Trái đất với nhiệt độ thường giảm xuống mức -50 độ C, buộc phần lớn chim phải di cư tới những vùng đất ấm hơn. Chỉ còn duy nhất chim cánh cụt Hoàng đế trụ lại lục địa băng giá này để sinh sản và tha hồ kiếm mồi. Khả năng nào giúp chúng làm được như vậy?

Chim cánh cụt con đang thò cổ ra khỏi túi trên chân chim bố.

Paul Ponganis, nhà sinh lý học thuộc Viện Hải dương Scripps ở San Diego đã nghiên cứu chim cánh cụt hơn mười năm, cho biết đây là một loài động vật có thể làm những công việc phi thường. Chúng có thể nhịn ăn dài ngày, ngừng thở 22 phút và lặn tới độ sâu 500m. Tất cả những khả năng đó giúp chúng sống ở một nơi cực kỳ khắc nghiệt. Nhờ vậy, chúng có thể khai thác các nguồn tài nguyên mà những loài chim khác không thể.

Làm việc ở Trạm McMurdo trên đảo Ross, ngoài khơi lục địa Nam Cực, Ponganis theo dõi hành vi lặn của một số chim cánh cụt bằng cách bắt một vài con và gắn máy quay tí hon vào lưng của chúng cũng như một số thiết bị đo mức oxy, nhịp tim và nhiệt độ. Theo Ponganis, chim cánh cụt bơi dưới nước dễ dàng như chim bay trên trời. Khi đó, cánh của chúng hoạt động y như cánh chim đang bay. Tuy nhiên, chim cánh cụt đập cánh hiệu quả hơn. Những cú lướt dài trở lại mặt nước có lẽ giúp cánh cụt Hoàng đế bảo toàn năng lượng trong những chuyến lặn sâu nhất.

Một đặc điểm nữa là chúng có xương đặc. Trong khi các loài chim bay trên trời có xương rỗng để giảm bớt trọng lượng thì chim cánh cụt dần mất đi đặc điểm đó, giảm sức nổi để có thể lặn sâu. Điều đặc biệt là chim cánh cụt Hoàng đế chưa bao giờ bị ướt. Những chiếc lông vũ ngoài cùng dẹt, được bôi trơn tốt và kín nước. Do vậy, mặc dù có một khoảng không giữa những chiếc lông này và da của chim song nước không thể xâm nhập, giúp chim không bị đóng băng ở biển Nam Cực. David Ainley, chuyên gia nghiên cứu các loài chim Nam Cực trong hơn 20 năm, cho biết: ''Chim cánh cụt có mật độ lông vũ cao nhất trong mọi loài chim, cứ 6,5cm vuông thì có 100 chiếc lông vũ''.

Lặn sâu để kiếm mồi.

Mặt trời biến mất hoàn toàn ngay khi mùa đông xuất hiện ở Nam Cực vào đầu tháng 5. Ánh sáng duy nhất trên vùng đất này bắt nguồn từ Mặt trăng. Đó là thời điểm chim cánh cụt Hoàng đế di chuyển lên băng. Lông vũ kín khí của chúng có vai trò đặc biệt quan trọng khi những cơn gió mùa đông gào rú xung quanh. Các nhà khoa học đã mặc những chiếc áo paca (áo da có mũ trùm đầu của người Eskimo) và kính để theo dõi hành vi của loài động vật này. Họ di chuyển trên băng bằng những cỗ máy PistenBully để giám sát và lắp dụng cụ đo cho chim cánh cụt.

Bên dưới lông vũ, nhiệt độ là 30-35 độ C trong khi nhiệt độ không khí bên ngoài là -20 tới -30 độ C. Sự chênh lệch 60 độ C được ngăn cách bởi một lớp lông vũ dày có 1cm. Vách ngăn tuyệt vời này có ý nghĩa sống còn bởi chim cánh cụt phải nuôi con trong điều kiện khắc nghiệt của Nam Cực và chúng làm điều này trong khi nhịn ăn. Ngay khi rời khỏi mặt nước, chúng sẽ không còn cơ hội để ăn. Trong vòng vài tuần, chim mái đẻ trứng và chuyển cho chim trống để tiếp tục bơi ra biển kiếm mồi. Chim đực giữ trứng trong một chiếc túi nhỏ trên bàn chân cho tới khi trứng nở. Bên trong túi, trứng được giữ ở 35 độ C - mức thân nhiệt trung bình của một con chim cánh cụt trưởng thành.

Hiếm khi di chuyển, nhịn ăn và đứng trong gió lạnh cóng, cánh cụt cha tuơng lai sẽ sụt 50% trọng lượng cơ thể trong khi ấp trứng trong hai tháng. Chìa khoá của sự sống sót này là tình trạng lộn xộn. Phần lớn chim đực thường kêu quang quác, ầm ĩ. Chúng đứng sát nhau thành từng nhóm với số lượng lên tới hàng nghìn trong khi giữ trứng. Sự lộn xộn giúp chúng giữ ấm cơ thể. Do không phải làm việc nặng nhọc để giữ ấm nên quá trình trao đổi chất chậm lại và đốt ít chất béo hơn. Chính vì lý do này mà chúng có khả năng sống sót trong khi nhịn ăn nhiều ngày.

Một lãnh địa của chim cánh cụt Hoàng đế.

Mặc dù các nhà khoa học chẳng hạn như Ponganis và Ainley đã phát hiện ra những điều lý thú liên quan tới sự tồn tại của chim cánh cụt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Nam Cực song vẫn còn một câu hỏi chưa được trả lời: Tại sao chúng lại lựa chọn để nuôi con trong mùa đông? Ponganis cho biết: ''Lý do là sự ổn định của băng biển. Chúng sinh sản và nuôi con trên những khối băng mà sẽ tan chảy trong mùa hè. Bắt đầu vào tháng 1, các lãnh địa của cánh cụt tan chảy. Ngay khi chim cánh cụt chào đời vào đầu tháng 8, chim mẹ trở về sau chuyến kiếm ăn ở biển, chăm sóc con cái để giúp chim bố nghỉ ngơi. Trong năm tháng sau đó, chim bố mẹ thay phiên nhau kiếm cá và mực để nuôi cánh cụt con".

Ngay khi Mặt trời bắt đầu sưởi ấm nước Nam Cực và băng bắt đầu tan, chim cành cụt Hoàng đế rời bỏ con cái, buộc chúng phải tự lập lần đầu tiên trong đời. Mùa hè bắt đầu vào tháng 12 ở Nam Cực khi thức ăn trở nên dồi dào hơn, tạo điều kiện dễ dàng cho chim cánh cụt con kiếm mồi. Trong khi đó, chim bố mẹ lại bắt đầu kiếm ăn trong vài tháng để chuẩn bị cho tháng 5 năm kế tiếp.

  • Minh Sơn (Theo NationalGraphics)
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Công bố Giải thưởng Lương thực thế giới 2004 (30/03/2004)
Spim và spam, thứ nào tăng nhanh hơn? (29/03/2004)
Với scramjet: máy bay vượt bảy lần tốc độ âm thanh (29/03/2004)
Chiếu sáng đường hẻm: Mô hình năng lượng hiệu quả (27/03/2004)
Sẽ có thêm nhiều tên miền mới trên Internet (26/03/2004)
Z-755: Chế tạo thành công máy ép rơm, cỏ khô (26/03/2004)
Tại sao muỗi truyền sốt rét lại không bị bệnh? (26/03/2004)
Bùng nổ dân số đô thị trên toàn cầu (25/03/2004)
Vì sao não người lại to hơn? (25/03/2004)
Phao dò tàu buôn lậu ma tuý (25/03/2004)
Sao Hoả từng có biển mặn (25/03/2004)
Khai sinh dạng carbon thứ năm: Bọt nano! (24/03/2004)
Opera: Điều khiển trình duyệt web bằng giọng nói! (24/03/2004)
"Giải mã" rượu vang của pharaoh Tutankhamun (23/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang