Sao Hoả từng có biển mặn
17:54' 25/03/2004 (GMT+7)

Các nhà khoa học tại Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tuyên bố: hố Eagle - địa điểm hạ cánh của robot tự hành Opportunity - từng là bờ của một vùng biển mặn và nông trên Sao Hoả. Theo họ các bằng chứng thuyết phục do robot thu thập làm cho kết luận này là chắc chắn.

Đây là khối đá mang tên ''Cơ hội cuối cùng''. Nó cho thấy các lớp trầm tích được hình thành do nước chảy.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có được bằng chứng trực tiếp rằng một vùng nước tĩnh và lỏng từng tồn tại trên bề mặt Sao Hoả. Nhiều chuyên gia từ lâu tin vào điều đó song vịêc có được bằng chứng chắc chắn sẽ làm thay đổi những chuyến thăm dò trong tương lai. NASA rất vui mừng về thành công này. Sean O'Keefe, giám đốc NASA cho biết: ''Nhóm nghiên cứu mặt đất đã đạt được điều mà chúng tôi chỉ dám mơ''.

Nhân tố thuyết phục chủ yếu là việc quan sát các đường trầm tích cong cong - kết quả của sự chuyển động nhẹ của một dòng nước. Trầm tích được hình thành bởi gió có hình mẫu hoàn toàn khác biệt. Mặc dù nhóm khoa học tại NASA đã thu thập được những hình ảnh trên cách đây ba tuần song họ quyết định tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực trầm tích biển. Sau hai tuần, kết quả đã rõ ràng: đó là trầm tích được hình thành từ nước chảy. Một số khối đá có các lớp mịn, được hình thành bởi những gợn nước có độ sâu ít nhất là 5cm và có thể còn sâu hơn nữa. Những gợn nước đó chảy với tốc độ 10-50cm/giây.

Còn nhớ, vào các ngày 2/3 và 6/3, các nhà thiên văn tuyên bố kết quả phân tích của robot tự hành Spirit và Opportunity cho thấy đất đá tại một số vùng trên Hoả tinh đã từng ướt sũng nước. Steve Squyres, giám đốc khoa học phụ trách hai robot tự hành, đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa kết quả trên và bản báo cáo ngày 2/3: ''Nó giống như sự khác biệt giữa nước mà bạn có thể lấy được từ một chiếc giếng và nước mà bạn có thể bơi ở trong đó''. Không chỉ bị ướt sũng nước, những khối đá này được hình thành từ nước chảy.

Bằng chứng về khoáng chất cũng chỉ ra nước cực mặn, có lẽ là một phần của một vùng nước lớn. Nó có thể là đại dương phía Bắc mà một số nhà nghiên cứu trước đây cho rằng đã từng tồn tại trên Sao Hoả. Các nhà khoa học vẫn chưa biết kích cỡ và cách vùng nước trên hình thành. Kết quả thăm dò tiếp theo của Opportunity có thể giúp trả lời một câu hỏi quan trọng nữa: biển mặn này đã tồn tại bao lâu. Sean O'Keefe cho biết khám phá trên chắc chắn sẽ tác động tới tốc độ triển khai kế hoạch đưa người lên Sao Hoả của Chính phủ Mỹ hiện nay.

Vào hôm 22/3, Opportunity đã bò ra khỏi hố Eagle rộng 22m để thăm dò một vùng đồng bằng gợn sóng. Các nhà kiểm soát mặt đất dự định gửi lệnh yêu cầu robot vượt qua quãng đường dài 750m trên vùng đồng bằng này tới một hố rộng 200m nơi có trầm tích lộ thiên. Trầm tích ở thành hố có thể cung cấp nhiều bằng chứng hơn về nước đọng. Phát hiện trên của Opportunity cho thấy nếu có hoá thạch tồn tại trên Sao Hoả, vùng Meridiani Planum nơi Opportunity hạ cánh là nơi tìm kiếm tốt nhất. Tuy nhiên, thiết bị trên robot tự hành này không thể làm được công việc đó.

Spirit và Opportunity đã truyền về Trái đất hơn 18.000 bức ảnh và 250.000 số đo từ bề mặt Sao Hoả. Sứ mạng của hai robot tự hành này dự kiến kết thúc trong vòng 90 ngày Sao Hoả (92 ngày Trái đất), song chúng có thể hoạt động quá thời hạn đó. Spirit hạ cánh vào ngày 4/1 ở hố Gusev trong khi Opportunity hạ cánh 20 ngày sau đó ở vùng đồng bằng Meridiani Planum.

  • Minh Sơn (tổng hợp) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khai sinh dạng carbon thứ năm: Bọt nano! (24/03/2004)
Opera: Điều khiển trình duyệt web bằng giọng nói! (24/03/2004)
"Giải mã" rượu vang của pharaoh Tutankhamun (23/03/2004)
Phát hiện sai sót chết người trên tàu con thoi (23/03/2004)
54 đề tài đoạt giải Sáng tạo KHKT TP.HCM 2003 (23/03/2004)
Thần Vệ nữ và chị Hằng hội ngộ (23/03/2004)
Những chú cá nổ mìn (22/03/2004)
Hàn Quốc: Tan vỡ hy vọng "sạch cúm gà"! (22/03/2004)
Chim và khỉ... giao tiếp để tránh kẻ thù (22/03/2004)
Hàng rào hóa chất để bảo vệ vườn nấm (22/03/2004)
Dùng robot cung cấp năng lượng cho Hubble (21/03/2004)
Khi phân bón được biến thành... thuốc nổ (21/03/2004)
Vừa ra mắt, Sedna đã "đèo bòng" (21/03/2004)
Phát hiện đàn đá cổ đại ở Ấn Độ (21/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang