,
221
7945
Khoa học - Công nghệ
khcn
/khoahoc/khcn/
950778
Săn tìm loài cá lạ xâm lấn hồ Trị An
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Săn tìm loài cá lạ xâm lấn hồ Trị An

Cập nhật lúc 15:06, Thứ Năm, 28/06/2007 (GMT+7)
,

Một loài cá lạ, được gọi là cá Hoàng Đế và có xuất xứ từ Nam Mỹ hiện đang phát triển mạnh ở hồ Trị An, Đồng Nai... Nó đe dọa phá vỡ cân bằng sinh thái ở hồ và tiêu diệt các loài cá bản địa sống ở đây!

>>Sinh vật lạ xâm lấn: Ai cho nhập, phải chịu trách nhiệm>>

>>Cá Hoàng Đế hay cá Vược Mỹ xâm lấn hồ Trị An>>

Anh Phùng Mỹ Trung, một nhà nghiên cứu độc lập là người đã phát hiện loài cá này đang xâm lấn hồ Trị An. Dưới đây là bài viết của anh Phùng Mỹ Trung gửi riêng cho VietNamNet kể lại phát hiện của mình. Nội dung trong bài viết là quan điểm riêng của tác giả.

Đánh cá trên hồ Trị An (Ảnh: P.M. Trung)

Vào giữa tháng 10/2006, một ngư dân ở hồ Trị An đã báo cho tôi biết về sự xuất hiện của một con cá rất lạ mà từ trước tới giờ, anh ta chưa bao giờ nhìn thấy loài cá nào như vậy.

Ngạc nhiên và kể cả tò mò… 21 giờ đêm, tôi phóng xe máy chạy một mạch lên bè cá Trị An cách nhà gần 60km.

Hành trình săn tìm cá lạ

Hồ Trị An (Ảnh: P. M. Trung)
Trên đường đi, tôi sướng rên người vì ngỡ mình sẽ tìm ra một loài cá mới. Thật không may cho tôi, con cá lạ mà anh ngư dân bắt được đã bị một con mèo xơi mất trước khi tôi kịp nhìn thấy nó.

Thất vọng, buồn... cả đêm trôi qua mà tôi vẫn thao thức, không sao ngủ được trên chiếc bè cá bồng bềnh với suy nghĩ miên man về một loài cá lạ để rồi, sáng hôm sau, lại phải phóng xe máy chạy một mạch về cơ quan để tiếp tục công việc mưu sinh. Lại thêm một vòng đường 60km nữa…

Thế rồi, tôi lại miên man nghĩ về con cá lạ: "Chưa nhìn thấy "mày", "tao" chưa yên tâm được…". Những ngày nghỉ cuối tuần, tôi lại tranh thủ thời gian vượt quãng đường dài 120km (cả đi lẫn về) để mò về làng cá bè Trị An với quyết tâm… bắt "nó": Tôi "treo" giá 100.000đ cho anh ngư dân nào tóm được chú cá lạ! (Nói vui vậy thôi, chứ ngư dân ở đây rất sẵn lòng với tôi dù họ không hiểu rõ tôi "bám" con cá lạ để làm gì…)

Phùng Mỹ Trung sinh năm 1970, tốt nghiệp ĐH Kinh tế. Công tác tại Cục Kiểm lâm Đồng Nai từ năm 1992–2003. Từ năm 2003 đến nay, công tác tại Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin – Cục Hải quan Đồng Nai.
Phùng Mỹ Trung có lòng đam mê nghiên cứu sinh vật học từ những ngày làm việc trong ngành kiểm lâm và tiếp tục có những nghiên cứu riêng trong lĩnh vực này. Phùng Mỹ Trung có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải thưởng như đề tài "CD Sinh vật rừng VN 1.0", đạt giải nhất “Trí tuệ Việt Nam 2000” (cùng với Võ Sỹ Nam); đề tài "CD sinh vật rừng VN 2.0" đạt giải thưởng Vifotec 2005; đề tài "Website www.vncreatures.net" đạt giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn 2006.

Vào trưa một ngày Chủ nhật, vợ anh Pha, một chủ bè cá mua khoảng 60kg cá con của một người đặt đú cá. Số cá con mua được để dùng làm mồi nuôi cá bè.

Nhìn đống cá nhỏ ngồn ngộn, bất chợt tôi nghĩ, biết đâu trong cái đống này lại chẳng có cái gì may mắn, thôi thì đãi cát tìm vàng… Thế là tôi xin vợ anh Pha cho tôi được rửa, cắt cá làm mồi cho cá lóc nuôi bè.

Trong lúc làm cá, tôi không quên chú ý tìm kiếm con cá lạ mà anh Pha, chồng chị đã cho tôi biết. Khi cắt gần hết đống cá, con bé út nhà anh Pha bỗng la lên: "Con cá mà chú Trung cần tìm kìa… Con này giống y chang con hôm trước bố cháu bắt được". Tôi mừng quý‎‎nh và "thưởng" ngay cho cô bé 50.000đ!

Cầm con cá lạ trong tay, tôi ngắm nghía, chụp hình đếm vảy và thực hiện công việc cần thiết của một nhà phân loại sinh vật! Tôi chụp ảnh Macro mọi góc cạnh của con cá: Đầu, vây, đuôi của con cá chết ấy và làm tiêu bản.

Con cá bé tí ấy có chiều dài khoảng 5cm với cái miệng rất rộng cùng 3 sọc ngang trên thân rất mờ, cái đuôi có 1 chấm đen rất rõ lan ra tận đến vây đuôi..

Tôi nghĩ ngay đây phải là loài mới vì chưa thấy con cá nào lạ như vậy trong danh mục cá Việt Nam mà tôi đã dày công nghiên cứu. Thế là tôi quyết tâm tìm kiếm tiếp mẫu cá lạ này với một hy vọng tràn trề, phát hiện ra một loài mới của Việt Nam.

Hàng tuần, cứ thứ 7 và Chủ nhật tôi lại lên bè cá thăm hỏi các ngư phủ để tìm hiểu xem họ có bắt được con cá lạ nào nữa không và có phát hiện được con cá lạ nào cỡ lớn không. Thế nhưng suốt khoảng 4 tháng trời, vẫn là sự tìm kiếm vô vọng về một loài cá lạ giữa lòng hồ Trị An còn mênh mông...

Cho đến khoảng tháng 2/2007, khi bề mặt nước lòng hồ cạn dần, một số thông tin của ngư phủ cho hay đã có những mẻ lưới dính vài con cá lạ với kích thước lớn hơn và dễ nhận ra hơn so với con cá mà tôi đã từng… "trích thưởng" 50.000 đồng để có được.

Tin vui đến vào một ngày Chủ nhật đầu tháng 3/2007… Trong một mẻ lưới chụp trà, anh Pha đã bắt được một đàn cá lạ gồm 26 con khá to mà con to nhất là 13cm. Trong số 26 con trong đàn cá lạ, có 2 con càng lạ hơn nữa vì ở phía đầu của chúng có một cục gù lên với màu sắc vằn vện hơn, đẹp hơn (mãi sau này tôi mới biết đó là con đực, còn những con còn lại là cá cái... )


Cá Hoàng Đế, chụp vào tháng 6/2007 (Ảnh: P.M. Trung) 
Thấy đã gần đi đến đích, tôi theo các ngư phủ lênh đênh theo thuyền đánh cá để đi bắt… cá lạ! Thế nhưng cũng không phải dễ. Chúng luôn tìm cách tránh né và tỏ ra rất khôn lanh. Mỗi khi những con trong đàn bị dính lưới thì những con phía sau đều nhảy vọt lên vượt qua lưới rất nhanh nhẹn, vì thế rất khó bắt được chúng. Dù sao, cuối cùng, tôi cũng đã thỏa mãn được sự tò mò khi "săn" được khá đầy đủ mẫu vật cá lạ với nhiều con, nhiều kích cỡ khác nhau. Nhờ đó, tôi có thể tìm hiểu về chúng kỹ càng hơn…

Kẻ xâm lấn nguy hiểm...

Sau nhiều ngày mày mò, quan sát, mô tả và tra cứu, so sánh, đối chiếu tài liệu, tôi mới biết mình chưa có cái may mắn phát hiện một loài mới. Hóa ra, cái con cá mà tôi tưởng là cá lạ đó thì hình của nó đã nằm chình ình ở trang 485 trong cuốn "Các loài cá nước ngọt trên thế giới" mà tác giả là Herbert R.Axelord cùng cộng sự và xuất bản năm 1995 của Nhà xuất bản TFH Publicaton,Inc ấn hành.

Hóa ra, con cá lạ này có tên tiếng Anh là: Peacock Bass, tên khoa học: Cichla ocellaris chúng thuộc họ cá Hoàng Đế Cichlidae và bộ cá Vược Perciformes. Cá Hoàng Đế có thân thon dài, vây lưng dài hình chữ V. Miệng rộng, hàm dưới nhô ra dài hơn hàm trên. Một đốm đen khá lớn rất đặc trưng với viền màu bạc lớn bao quanh rộng đến tận vây đuôi. Vây lưng màu xám bạc vây bụng có màu trắng vàng, với 3 vạch lớn màu đen quanh thân, giữa các vạch đen là những chấm đen.

Nó - con cá Hoàng Đế có xuất xứ từ vùng Amazon, Nam Mỹ xa lắc, xa lơ nào đó trôi giạt về lòng hồ Trị An này của Việt Nam.

Tôi lại nghiên cứu tiếp, và cảm nhận được nỗi thất vọng ê chề khi biết đó là một kẻ ngoại lai xâm lấn...

Khi lòng hồ Trị An nước cạn xuống mức thấp thì những mẻ lưới của ngư dân ở đây bắt được khá nhiều cá Hoàng Đế có kích thước lớn. Nhiều khi trong một vài mẻ lưới, cá Hoàng Đế lại nhiều hơn các loài cá bản địa!

Một câu hỏi đặt ra, phải chăng sự xâm lấn của cá Hoàng Đế đã khiến cho những loại cá bản địa sinh sống ở lòng hồ Trị An ngày càng ít đi?

Và, biết đâu đến một lúc nào đó hồ Trị An sẽ tràn ngập cá Hoàng Đế khi ta biết rằng đây là loài cá chuyên ăn mồi sống và không ăn mồi chết.

Một kịch bản kinh hoàng đang diễn ra ở lòng hồ Trị An: Một lúc nào đó, cá Hoàng Đế sẽ chén sạch một số loài cá bản địa sinh sống trong hồ Trị An và dẫn đến mất cân bằng sinh thái ở hồ, một số loài cá bản địa sẽ bị tuyệt chủng do trở thành mồi ngon không thể thiếu được của cá Hoàng Đế? 

Một kịch bản như trên đâu phải là chuyện viễn tưởng! Điều đó đã từng diễn ra với thảm hoạ ốc bươu vàng hay cây mai dương mà đất nước chúng ta đang phải gánh chịu. Những câu hỏi đặt ra như một lời thách thức với cộng đồng.

Cá Hoàng Đế, chụp vào tháng 6/2007 (Ảnh: P.M. Trung) 
Phát hiện ra con cá "lạ" này, tôi sẵn sàng cùng cộng đồng chia sẻ thông tin để hiểu hoặc giải tỏa được băn khoăn về mối hiểm hoạ này (nếu cá Hoàng Đế quả thật không thể gây ra tác hại khôn lường về mặt sinh thái)...

Những câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp: Tại sao các loài du nhập lại có thể dễ dàng xâm nhập và chiếm lĩnh các nơi cư trú và thay thế các loài bản địa đến vậy? Phải chăng là khi du nhập vào Việt Nam và có mặt ở nơi ở mới, chúng không gặp phải loài thiên địch của chúng như các loại côn trùng, động vật ký sinh, nấm bệnh đe dọa... nên chúng cứ mặc nhiên phát triển?

Tôi e ngại, đến một ngày kia thảm hoạ của cá Hoàng Đế gây ra nó còn khủng khiếp hơn đại dịch ốc bươu vàng hay cây mai dương...  Cách đây vài ngày, khi tôi gửi tấm ảnh về loài cá Hoàng Đế cho một  người bạn là chuyên gia về phân loại cá ở nước ngoài,  anh ấy ngạc nhiên đến độ không hiểu bằng cách nào nó có thể mò đến được Việt Nam và sinh sống ở lòng hồ thuỷ điện Trị An!

 

Đặc điểm cá Hoàng Đế

Cá Hoàng Đế thường gặp ở vùng nước ngọt. Theo các nhà khoa học, chúng có khả năng chịu mặn ở nồng độ 18 phần ngàn. Cá chịu lạnh kém. Đối với cá dài 80mm chúng không sống được ở nhiệt độ dưới 16oC. Với cá có chiều dài 85 -140mm ngưỡng nhiệt độ gây chết là dưới 15,6oC và trên 37.9oC. Trong điều kiện đủ thức ăn, cá có thể đạt đến chiều dài 250-300 mm và đạt độ trưởng thành sinh dục khoảng dưới 12 tháng. Con đực lớn hơn con cái.

Về sinh sản, cá Hoàng Đế sinh sản hữu tính, mỗi lần đẻ từ 2.000-3.000 trứng. Cá bố mẹ sẽ canh ổ trứng trong khoảng 9 tuần, sau đó bầy cá con di chuyển đến vùng bờ nơi có nhiều thực vật. Loại cá này có đặc tính phân chia lãnh thổ và rất hiếu chiến.

Cá Hoàng Đế là loài cá ăn mồi sống. Chúng kiếm ăn ban ngày và không hoạt động về đêm. Chúng bắt mồi nhờ vào tốc độ truy đuổi nhanh. Ở hồ Trị An, qua theo dõi, thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ như Mè dinh Puntius gonionotus, cá trắng Puntius binotatus, Cá lòng tong đá Rasbora argyrotaenia … Kích thước tối đa của loài này có thể đạt tới chiều dài 500-600mm

Cá Hoàng Đế được các nhà khoa học mô tả như một loài cá ăn thịt có khả năng làm thay đổi hệ sinh thái nơi nó được du nhập.

  • Phùng Mỹ Trung

    Ý kiến của bạn:

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,