221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1228987
Với vũ khí nguyên tử, nhân loại trả lời: không!
1
Article
null
Với vũ khí nguyên tử, nhân loại trả lời: không!
,

- 64 năm trước, đúng ngày này 9/8, một quả bom nguyên tử nữa đã hủy diệt thành phố thứ hai của đất nước Mặt Trời Mọc - Nagasaki. Trong tình hình thế giới hiện nay, nội dung bài viết sau đây của một nhà khoa học hạt nhân VN vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Vietnamnet trân trọng giới thiệu lại...

Hơn sáu thập niên đã đi qua, nhưng nhân loại, và trước hết là người dân Nhật chưa thể nào và có lẽ không bao giờ quên những ngày Thứ Hai đen tối và Thứ Năm kinh hoàng của năm 1945.

Mô tả ảnh.
Thành phố Nagasaki ngày nay. Ảnh:khoahoc.com.vn.
Trong hơn sáu thập niên ấy, các nhà sử học cũng vẫn chưa tìm được câu trả lời chung: Cuộc huỷ diệt nguyên tử có thực sự cần thiết đối với sự đầu hàng của phát xít Nhật và chấm dứt Thế chiến II? Nếu có, chỉ cần một vụ Hiroshima là đủ ? Sao lại thêm một cuộc thảm sát thứ hai - Nagasaki.

Dẫu vậy, không còn ai nghi ngờ về sự thảm khốc của loại vũ khí giết người hàng loạt này gây ra.

Sức huỷ diệt mạnh như 15 ngàn tấn thuốc nổ thông thường TNT, nó đã biến 92% thành phố thành gạch vụn và tro tàn, làm chết hơn 20 vạn người. Đó là bom ném xuống Hiroshima, lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày  thứ hai, 6 tháng 8 năm 1945, là loại bom Urani (chứa 1kg U235 giàu), dài 3,3 mét, đường kính 0,7 mét, nặng 4 tấn, có tên gọi mĩ miều là "Chú nhóc con" (Little Boy).

Sức tàn phá không kém 21 ngàn tấn TNT, đã phá huỷ hoàn toàn  6,7 km2 nhà cửa (1/3 số nhà của Nagasaki)  và sát hại 2/3 số dân thành phố (7,3 vạn người chết và 7,5 vạn người bị thương). Đó là quả bom nguyên tử thứ hai ném xuống Nagasaki, lúc 11 giờ 2 phút trưa ngày thứ sáu, 9 tháng 8,. Một  quả bom nguyên tử loại khác, bom Plutonium (chứa Pu239), dài khoảng 3,25 mét, đường kính 1,52 cm, nặng 4,5 tấn, có tên gọi hài hước là "Chàng béo phì" (Fat Man),

Những ngày định mệnh tháng 8/1945 đó, sự kiện tang tóc đối với 30 vạn dân lành Nhật Bản đó như một lời cảnh báo về mối đe doạ mới, một nguy cơ khủng khiếp đối với toàn nhân loại - nguy cơ nguyên tử.

Kể từ ngày đó, dù Thế chiến II đã chấm dứt, nhưng thực sự mối đe doạ nguyên tử càng ngày càng tăng.

Sáu mươi năm trước, chỉ có mỗi nước Mỹ sở hữu vài quả bom A cỡ nhỏ. Ngày nay, hàng ngàn quả bom hạt nhân với đủ kích cỡ chất đầy kho các siêu cường hạt nhân Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung quốc và các "tiểu cường" Ấn Độ, Pakistan, Israen ... Chưa kể những quốc gia như CHND Triều Tiên, Iran … đã có trong tay hay đang bị nghi ngờ muốn có loại vũ khí này.  Bên cạnh bom A (bom phân hạch), còn có bom khinh khí hay bom H (bom tổng hợp nhiệt hạch). Bên cạnh bom "macro" mạnh gấp hàng trăm lần loại bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki là bom mini hay bom chiến thuật chỉ sát thương phạm vi hẹp, bom nơtron hay "bom sạch" chỉ giết người mà không phá huỷ nhà cửa và "nền văn minh nhân loại". Bên cạnh phương tiện ném bom là máy bay đủ loại, còn có tên lửa đủ kiểu, đủ tầm gần xa, có thể đưa thần chết đến bất cứ địa điểm nào trên trái đất.

Năm 1970, để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng "dịch nguyên tử" đến nhiều quốc gia, một hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân; gọi tắt là NPT ra đời. Đến nay đã có khoảng 190 nước ký vào hiệp ước NPT và hiệp ước đã có một số tác dụng nhất định ngăn chặn những nước chưa có vũ khí hạt nhân đi đến với vũ khí này. Nhưng mối đe doạ của loại vũ khí huỷ diệt không vì thế mà giảm đi. Nhiều nước có tiềm năng hạt nhân như Ấn Độ, Pakistan, Israen vẫn không tham gia NPT, nhưng nào ai ngăn cản được họ “im lặng” đứng vào "câu lạc bộ" bom nguyên tử. CHND Triều Tiên đã vào nhưng lại vừa rút ra khỏi NPT (năm 2003). 

Mô tả ảnh.
Hình "nấm nguyên tử" trên đất nước Nhật bản, tháng 8 năm 1945. Ảnh: TL.
Đặc biệt các "ông lớn nguyên tử" đâu có sẵn sàng giảm tiềm lực vũ khí hạt nhân của mình và chưa bao giờ nói đến sẽ làm gương cùng với mọi quốc gia khác huỷ bỏ hoàn toàn loại vũ khí mà toàn nhân loại lo sợ và ghê tởm. Các hiệp định cấm thử vũ khí hạt nhân, hiệp ước chống tên lửa đạn đạo chính họ đặt bút viết nên, rồi chính họ xé bỏ.

Thật không công bằng khi các cường quốc nguyên tử vẫn giữ độc quyền, vẫn dùng công cụ nguyên tử để áp đặt các quốc gia khác đi theo quỹ đạo của mình, phục vụ quyền lợi riêng, ngay bây giờ, trong tình hình thế giới đã thay đổi, cuộc chiến tranh lạnh không còn tồn tại nữa. Chính điều này càng kích thích một vài quốc gia trỗi dậy lòng ham muốn sống chết phải có trong tay loại bom nguyên tử, dù chỉ một vài quả, để phòng thân, để đối trọng hay để mặc cả.

Trong bối cảnh đó, việc ngăn cản sự lan truyền vũ khí hạt nhân sang một nước mới là rất cần thiết. Việc ngăn chặn loại vũ khí nguy hiểm này, dù là một quả bom mini hay một quả bom bẩn (chỉ chứa chất phóng xạ), rơi vào tay những kẻ khủng bố là rất cấp bách. Và điều quan trọng hơn cả chính là ý thức và trách nhiệm của tất cả các quốc gia phấn đấu cho một mục tiêu chung: ngày càng ít nguy cơ hạt nhân và "cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân" như Nguyên TTK LHQ Kofi Annan đã nói.

Tưởng nhớ những người dân thường xấu số trong ngày định mệnh ở Hiroshima và Nagasaki hơn 60 năm trước, điều nên làm của mọi người có lương tri trên trái đất là cùng nhau phấn đấu, cùng có chung tiếng nói Vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Với vũ khí nguyên tử, toàn nhân loại hãy trả lời: không!

  • Trần Thanh Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,