221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
173843
Ngọc Linh, từ cây sâm quý đến thương hiệu quý
1
Article
null
Ngọc Linh, từ cây sâm quý đến thương hiệu quý
,

(VietNamNet) - Sâm Việt Nam (tên khoa học là Panax Vietnamensis Ha. et Grushv. Araliaceace), trước đây còn có nhiều tên gọi như sâm Ngọc Linh, sâm trúc, hay sâm... K5 (do được phát hiện trong thời kỳ chống Mỹ ở xã vùng cao Trà Linh - huyện Trà My, tỉnh Quảng  Nam thuộc Khu V cũ).  Sâm được xem là nguồn gen quý của nước ta, cần được bảo vệ và phát triển thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp dược liệu. Và tín hiệu vui vừa xuất hiện từ Trà Linh, qua “Dự án Sâm K5”.

Tìm sâm Ngọc Linh? Hãy đến Trà Linh...

Vườn sâm giống ở Quảng Nam.

Cây sâm thường xuất hiện ở độ cao từ 1.500m trở lên, đạt mật độ cao nhất ở khoảng từ 1.700-2.000m dưới tán rừng già. Ở Việt Nam, cây sâm có mặt chủ yếu với số lượng khoảng 400.000 cá thể tại vùng Trà Linh (ngoài ra, một số ít còn được trồng ở Kontum).

Xã vùng cao Trà Linh ở phía Tây Nam huyện miền núi Trà My, tỉnh Quảng Nam, có núi cao từ 800m trở lên, trong đó có đỉnh Ngọc Linh cao nhất miền Nam Việt Nam (2.598m). Lớp đất vàng đỏ trên đá granitnai dày trên 50cm, đặc biệt đất ở vùng  thôn 2 có độ mùn cao, tơi xốp, rừng nguyên sinh còn rộng, rất thích hợp cho sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Vào đầu tháng 1 hàng năm, sâm xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ đông. Thân khí sinh lớn dần lên thành cây sâm trưởng thành có 1 tán hoa. Tới tháng 4 - tháng 6, cây nở hoa và kết quả. Tháng 7 bắt đầu có quả chín và kéo dài đến tháng 9. Cuối tháng 10, phần thân khí sinh tàn lụi dần và bắt đầu giai đoạn ngủ đông hết tháng 12. Và thời gian này cũng là thời gian thu hoạch tốt nhất phần thân rễ.

Quả tập trung ở trung tâm của tán. Sau 2 tháng, quả bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm,  vàng lục, rồi đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả. Mỗi quả chứa một hạt, một số quả  chứa những 2 hạt. Số quả trên cây bình quân khoảng 10-30 quả.

Dược sĩ Đặng Ngọc Phái – Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết: Cây sâm có rất nhiều tác dụng trong dược liệu, thậm chí... kẹo sâm bán cũng rất chạy. Hiện giá 1kg sâm khô lên tới 10 triệu đồng.

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, phần thân rễ của cây sâm Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những sâm trên thế giới có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã được nghiên cứu sử dụng từ lâu.

Từ Trại Trà Linh đến Dự án “Sâm K5”

Vườn ươm sâm.

Từ năm 1979, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Trại Dược liệu Trà Linh để tái sinh cây sâm. Tuy vậy, do chưa tập trung đầu tư và khai thác không hợp lý nên trại vẫn chưa phát triển thực sự.

Năm 1995, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học-Công nghệ - KHCN) tỉnh Quảng Nam đã đầu tư để nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ và phát triển cây sâm Ngọc Linh với kết quả bước đầu khả quan.

Nhằm hình thành vùng nguyên liệu sâm tại đây và đưa cây sâm trở thành loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong vùng dự án, Sở đã chủ trì thực hiện dự án “Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu sâm K5 tại xã Trà Linh”.

Gọi tắt là “Dự án Sâm K5”, tổng kinh phí đầu tư đến 563 triệu đồng . Dự án được xem như một biện pháp rất cần thiết nhằm nâng cao đời sống và trình độ dân trí của bà con dân tộc Xê Đăng trong xã, gắn với việc xây dựng mô hình ứng dụng KHCN phát triển nông nghiệp bền vững tại xã, đồng thời góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn của hệ thống sông Thu Bồn.

Dĩ nhiên, việc triển khai dự án ở địa bàn đặc biệt khó khăn này của tỉnh Quảng Nam thật không dễ chút nào. Giao thông hầu như tắt nghẽn vào mùa mưa. Thiên tai cũng “góp phần” gây khó, như gió lốc của các năm 2001-2003 làm gãy toàn bộ những cây sâm đang độ cho quả, dẫn đến thiếu hụt hạt giống để gieo ươm trong các năm cho đúng số lượng; rồi đợt lụt lớn năm 2001 cuốn trôi số lượng lớn hạt sâm đang chờ nẩy mầm... Chưa hết, vì có cả yếu tố sinh thái - như chim chóc, côn trùng, các loại gặm nhấm - cũng tác động xấu đến kết quả nẩy mầm sau khi gieo hạt. Vì vậy, mô hình ươm giống và mô hình vườn sâm trong dân bước đầu không đạt chỉ  tiêu số lượng đề ra. 

Sẽ phát triển thương hiệu sâm Việt Nam?

Qua rút kinh nghiệm để khắc phục các yếu tố bất lợi, hai năm qua, dự án đã đạt những thành công đáng ghi nhận. Đối với vườn sâm nhân dân, đã thuyết phục người dân trồng theo nhóm, hộ để dễ quản lý, theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật; phối hợp các ngành địa phương quy hoạch lại đất rừng nguyên sinh giao cho dân để trồng sâm. Nhờ hoàn chỉnh quy trình sản xuất sâm giống với sự hỗ trợ của Viện Dược liệu cùng Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, Trà Linh đã trồng được 342.700 cây. Trong đó, vườn sâm giống của Trại dược liệu trồng 267.700 cây; vườn sâm nhân dân - với 75 hộ tham gia trồng trên diện tích quy hoạch 8ha - đạt 75.000 cây.

PGS-TS Phạm Dương Thanh Liêm, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu dự án, nhận định: “Dự án chủ yếu phát triển cây sâm quý hiếm, mô hình trồng khó khăn chứng tỏ có sự nỗ lực rất lớn”. Tuy vậy, ông  lưu ý phải tính đến “vấn đề kinh tế”: Nếu trồng xong thì bao giờ khai thác, phát triển thương hiệu sâm như thế nào?,...

Tương tự, TS Mai Thành Phụng, Ủy viên Hội đồng, nêu hàng  loạt câu hỏi: Việc đa dạng hóa sản phẩm cây sâm sẽ thực hiện như thế nào? Làm sao giải quyết được đầu ra, hướng đi của sâm, đa dạng hóa sản phẩm theo Dự án Sâm K5?,...

Theo TS Phụng, cần nâng cao chất lượng và tiềm năng của cây sâm, tìm nơi kết hợp để bảo đảm và nâng cao năng suất cây sâm. Nếu thực sự muốn chiếm lĩnh thị trường, cần quan tâm đến vấn đề giá thành. Hơn nữa, cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân và đầu tư các điều kiện khác phúc lợi cho dân như y tế, giáo dục… Ông đề nghị tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến người dân và có chương trình thực sự đầu tư cho dân ở vùng này, tạo điều kiện thích nghi cho người dân và cây sâm trong điều kiện kinh tế-xã hội và du lịch sinh thái.

  • Cam Lu - Trương Hiệu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,