221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
871594
Ba cái "chốt" của giáo dục
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Ba cái 'chốt' của giáo dục
,
(VietNamNet) - Trong bài viết của mình, GS. TSKH Đỗ Trần Cát, cho rằng, giải bài toán "chất lượng giáo dục VN" cần quan tâm "ba cái chốt:" thiết lập chương trình giáo dục và đào tạo chuẩn; xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo có đức, có tài và lập lại kỷ cương trong GD-ĐT.

Dưới đây là bài viết của ông.

Có thể ví ba vấn đề này như 3 cái chốt quyết định chất lượng của giáo dục VN. Đây là 3 vấn đề cơ bản cần phải quan tâm trước tiên.

Thiết lập chương trình giáo dục và đào tạo chuẩn

Chương trình giáo dục và đào tạo (gọi tắt là chương trình - CT) có tính chất quyết định chất lượng, nhưng lâu nay lại là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức ở nước ta.

Chúng ta thường nghe, đọc cụm từ “CT, sách giáo khoa” trong các văn bản, trên báo chí. CT  và sách giáo khoa là hai vấn đề khác nhau, việc ghép chúng lại với nhau thể hiện là chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng quyết định của CT đối với chất lượng GDĐT.

CT gồm: CT khung quy định số năm học, các môn học và số giờ của mỗi môn học cho một cấp học, một bậc học và CT từng môn học, quy định nội dung và số giờ cho từng nội dung của môn học.

CT thể hiện mục tiêu GDĐT.

 Hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều thống nhất một CT khung:

Bậc phổ thông từ 11 đến 12 năm. Ở nhiều nước phát triển hiện nay không có phân ban ở bậc trung học, mà thay bằng việc phân loại các trường để phân luồng học sinh sau THPT.

Bậc ĐH gồm 3 mức:

- Mức dưới ĐH (undergraduate) học 3 hoặc 3,5 năm cấp bằng bachelor hoặc bằng licence

- Mức ĐH (graduate) học tiếp 2 năm cấp bằng master;

- Mức sau ĐH (postgraduate) cấp bằng PhD hoặc tương đương.

CT của Việt Nam hiện nay  khác nhiều so với thế giới.  

Sự khác biệt này là một trong những nguyên nhân làm chất lượng GDĐT của VN thấp hơn các nước và hạn chế khả năng hội nhập.

Ở cấp THPT, chúng ta áp dụng chương trình phân ban, nhưng đang có nhiều bất cập.

Ở bậc ĐH, chúng ta có 4 cấp học với thời gian học kéo dài, CT nhiều môn học trùng lặp, vừa thừa vừa thiếu nên chất lượng kém các nước.

Tỷ lệ số giờ giữa các môn học của một ngành học chưa hợp lý.

Chúng tôi đề nghị tổ chức hệ thống GD-ĐT VN như sau:

- Sau khi học xong THCS, HS sẽ được vào một trong 2 loại trường : loại trường thứ nhất là các trường THPT không phân ban; thứ hai là các trường học nghề, nhận những HS còn lại.

Ở bậc ĐH chỉ cần 3 trình độ là cử nhân, thạc sỹ (hoặc kỹ sư cho các ngành kỹ thuật, hoặc bác sỹ, dược sỹ cho các ngành y, dược) và tiến sỹ, thay vì 4 trình độ như hiện nay .

CT học của 3 trình độ này phải vừa có tính độc lập, vừa có tính liên thông mà không trùng lặp. Các môn học cho từng trình độ và nội dung môn học phải phù hợp với thực tế VN có tham khảo chương trình các nước khác.

Cần mạnh dạn bỏ bớt một số môn học, một số nội dung của môn học không cần hoặc đã lạc hậu, thêm một số môn học, một số nội dung cập nhật kiến thức.

Tổ chức thêm các trường dạy nghề, trường đào tạo thợ bậc cao để thu hút số HS không vào được ĐH.

Trong những năm qua chúng ta quá nhấn mạnh đến vấn đề SGK mà chưa coi trọng vấn đề cốt lõi hơn là CT. Thay vì việc tổ chức viết và in SGK, Bộ GDĐT cần làm hai việc khác, đó là:

1) Ban hành một CT chuẩn có tính pháp lý áp dụng chung trong toàn quốc.

2) Duyệt cho phép xuất bản, sử dụng trong nhà trường những SGK đáp ứng CT do Bộ GDĐT ban hành, đảm bảo đúng về khoa học và có tính sư phạm. Việc viết SGK giao cho các trường và các thầy giáo, cô giáo.

Xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo có đức, có tài

Việc xây dựng đội ngũ thầy cô giáo gồm  đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ.

Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các thầy cô có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, đủ năng lực GD-ĐT học trò thành những người có ích cho XH.

Việc sử dụng và đãi ngộ các thầy cô  phải phù hợp với năng lực và kết quả công việc của họ. Đãi ngộ phải đủ để họ yên tâm làm việc và đủ để xã hội tôn trọng họ. Phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người không đủ tiêu chuẩn nhà giáo.

Nếu chúng ta có các thầy cô giáo biết vì HS, có khả năng truyền tải đầy đủ nội dung môn học cho HS thì chắc là sẽ không có học thêm, dạy thêm tràn lan. Nếu các thầy cô nghiêm túc thì làm sao có tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích? Tất nhiên để giữ được nghiêm túc thầy cô phải có chỗ dựa là dư luận xã hội và các cấp lãnh đạo.

Xây dựng một đội ngũ thầy cô có chuyên môn giỏi, đạo đức tốt là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược cần được ưu tiên thực hiện cùng với việc xây dựng CT chuẩn.

Lập lại kỷ cương trong giáo dục-đào tạo

Ở các cơ sở giáo dục và ở các cơ quan quản lý GDĐT việc lập lại kỷ cương gồm các nội dung:

1) Có các quy định đúng và thực hiện đúng các quy định.

2) Khi thực hiện các quy định phải có phân biệt người làm tốt, có hiệu quả với người làm không tốt, không có hiệu quả để xử lý.

 3) Lãnh đạo các cấp phải bảo vệ cái đúng, xử lý nghiêm các sai phạm.

 4) Trả lương cho cán bộ quản lý của ngành theo kết quả việc làm của họ. Lương phải đủ để họ yên tâm làm việc và đủ để họ phải suy nghĩ khi có nguy cơ bị đuổi việc. Song song với việc trả lương thích đáng, phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người không đủ năng lực và kém đạo đức.

Đây là những điều ai cũng biết, nhưng thực hiện lại rất khó, vì các vấn đề của GDĐT liên quan đến toàn XH. Khó có thể tách GDĐT Việt Nam ra khỏi tình trạng chung của XH VN.  

Ví dụ: Thầy cô giáo sẽ rất khó giáo dục HS không nói dối nếu như nói dối là hiện tượng phổ biến và được dung túng trong XH.

Ngành GDĐT sẽ không thể lập lại được kỷ cương nếu không có sự hậu thuẫn của toàn XH. Tuy nhiên, ngành GDĐT cần thấy rõ vai trò tiên phong của mình, chủ động trong việc lập lại kỷ cương, cùng với sự hỗ trợ tích cực của XH.

Một trong những việc cần làm trước tiên trong việc lập lại kỷ cương là làm cho trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.

Chúng ta cần dừng ngay việc mở rộng quy mô đào tạo ĐH, chấm rứt hoạt động của các trường ĐH không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo chuẩn đã quy định. Hiện nay đội ngũ thầy cô giáo không đáp ứng được số trường ĐH và số SV đang có. Tỷ lệ thầy cô giáo trên SV của VN đang ở mức thấp không thể chấp nhận. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường vượt xa khả năng của thực tế XH:  chúng ta đã nhận vào trường ĐH cả những HS đúng ra không thể tốt nghiệp THPT.

  • GS.TSKH. Đỗ Trần Cát (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,