221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
237613
Nâng cấp bậc Đại học, chờ đến bao giờ?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM:
Nâng cấp bậc Đại học, chờ đến bao giờ?
,

(VietNamNet) - Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2003, đã có người nêu câu hỏi chất vấn: Vì sao ở phía Nam không có Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh? Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị đã trả lời đại ý rằng: Cố gắng đến 2005–2006, sẽ nâng cấp ĐH cho Trường CĐ Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Cụ thể, nhà trường phải có đội ngũ giảng viên sau đại học nhiều hơn…

 

Thầy Trần Trung Quang (trái) và diễn viên kiêm giảng viên Hữu Nghĩa đang giao lưu với sinh viên Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Đó không phải là một tin vui (!?). Bởi nhiều lần, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở TP.HCM và cả ở tạp chí Sân khấu Việt Nam đã nêu những bất hợp lý trong việc không nhanh chóng nâng cấp bậc ĐH cho trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Một nhận định đã được nhấn mạnh: Càng chậm nâng cấp bậc đại học cho trường CĐ Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM bao nhiêu năm thì những thế hệ trẻ năng động và tài năng ở phía Nam càng phải… chịu thiệt thòi nhiều hơn trong bấy nhiêu năm.

 

Quả là không phải nỗi bức xúc của riêng ai, nếu còn tâm huyết với tầm phát triển trong tương lai của sân khấu - điện ảnh phía Nam. Chúng tôi đã gặp Nhà giáo ưu tú Hà Quang Văn – hiệu trưởng Trường CĐ Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, và có một buổi trao đổi với ông về vấn đề này:

 

Xin cho biết cảm nghĩ của ông sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi người ta có nhắc tới đội ngũ giảng viên của trường còn thiếu?

 

Ông Hà Quang Văn: Chỉ cho trồng chanh thì lấy đâu ra... cam?

- Ông Hà Quang Văn: Đối với các trường nghệ thuật phía Nam, chứ không riêng gì trường chúng tôi, đó là một đòi hỏi khó thực hiện. Từ giải phóng đến nay, trong miền Nam hoàn toàn không có trường đại học chuyên ngành sân khấu – điện ảnh thì làm sao đòi hỏi có trình độ sau đại học?. Cả hệ thống đào tạo ở phía Nam bao nhiêu năm qua là vậy, do đó chúng tôi đòi hỏi được nâng cấp đại học chính là để vài năm nữa có thể có một đội ngũ giảng viên có cấp bậc sau đại học, hay thạc sĩ, tiến sĩ…

 

Đây là một “trận chiến” căng thẳng, nếu nhìn ở góc độ chiến lược thì quyền lợi quốc gia cần phải được coi trọng. Xưa nay, ông bà ta có câu: “Trồng gì thì gặt nấy”. Nếu cho một ví dụ tượng hình: Hệ Cao đẳng như một “vườn chanh”, còn hệ Đại học là một “vườn cam”. Chúng ta chỉ cho trồng chanh, tới mùa thu hoạch lại muốn phải có cam, thì lấy đâu ra? Cũng như chúng ta muốn xóa nạn mù chữ thì phải mở lớp, mở trường chứ. Gần 30 năm dài, phía Nam không có trường đào tạo cấp bậc đại học chuyên ngành nghệ thuật thì làm sao có cử nhân đại học? Đòi hỏi thạc sĩ, tiến sĩ còn xa vời hơn nữa! Không thể bắt nộp bằng cấp rồi mới cho mở trường.

 

- Tuy nhiên, mấy năm qua, nhà trường cũng đã liên kết với Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội để đào tạo nhiều lớp đại học về đạo diễn và lý luận phê bình. Bên cạnh đó, trường cũng rất khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ?

 

Thầy và trò cùng diễn trong một tiết mục kịch nói tại buổi gặp gỡ giao lưu với các giảng viên trường CĐ SK - ĐA TP.HCM

- Do đòi hỏi bức xúc từ thực tế đào tạo và do nhìn thấy trọng trách của mình, nên trường đã nỗ lực hết sức để bổ sung đội ngũ. Cụ thể là sau năm 1985 vẫn còn nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài về, nên trường tạo điều kiện cho số giảng viên này bảo vệ luận án tiến sĩ và thạc sĩ. Cho tới nay, nhiều người đã tới tuổi sắp về hưu. Và bây giờ, đội ngũ này chẳng còn ai.

 

Một nguồn đào tạo khác là do liên kết với Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội để mở những lớp tại chức, chủ yếu là đào tạo cán bộ. Cán bộ ở các đơn vị, địa phương, gởi người đến học rồi học xong thì lấy về, không có sẵn lực lượng để trường trọng dụng. Hơn nữa, khi nào trường ngoài Hà Nội dư chỉ tiêu thì chúng tôi mới “có chỗ”. Do đó, khâu đào tạo tại chức này bị hạn chế rất nhiều, vì chúng tôi không thể chủ động được. Một nguy cơ đặt ra trước mắt là sẽ tới lúc trường chúng tôi chỉ tuyển... công chức (!), còn các sinh viên phía Nam chỉ có thể có bằng trung cấp hay cao đẳng mà thôi…

 

Được biết mấy năm qua, bản thân ông Hà Quang Văn đã phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để tranh đấu cho việc nâng cấp bậc đại học cho trường. Vì thế, có thể dễ cảm thông với những nôn nóng, bức xúc và thẳng thắn trao đổi của ông. Vậy mà cho tới nay, các cấp có thẩm quyền vẫn chưa có những tác động tích cực cho việc nâng cấp bậc Đại học đối với Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

 

Trong cách liên kết với trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội để đào tạo các lớp đại học, 100%giảng viên giảng dạy đều là người tại chỗ của trường CĐ này đảm trách. Nói cách khác, nhà trường đã đủ sức đào tạo cấp bậc đại học trong nhiều năm qua, nhưng lại không đủ… “tư cách” để trao bằng cấp cho sinh viên (?).

 

Thầy giáo kiêm diễn viên và đạo diễn Công Ninh (phải)

Nhìn lại những năm trước đây, các tên tuổi đã làm nên một “thời gian vàng” cho sân khấu kịch nói phía Nam như: Trần Ngọc Giàu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Thành Lộc, Việt Anh, Quốc Thảo, Thanh Thủy, Minh Hải, Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Công Ninh, Trương Hùng Minh (Minh Nhí), Bá Lân,… Họ là một đội ngũ diễn viên, đạo diễn làm nên “lịch sử vẻ vang” một thời; và hiện nay vẫn đang còn là những “trụ cột” của các sân khấu trên địa bàn TP.HCM. Nhưng mấy ai biết họ đều chỉ mang bằng… trung cấp, cao đẳng! Quả là một thiệt thòi rất lớn cho nhiều thế hệ làm nghệ thuật ở phía Nam và thiệt thòi cho công tác đào tạo nhân tài sân khấu kịch nói, cải lương và điện ảnh phía Nam!

 

Hiện tại, Trường CĐ Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM đã trong tư thế sẵn sàng: Bộ VH-TT cấp hơn 60 tỷ đồng cho trường xây dựng cơ sở vật chất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác đào tạo. Trường đã có một Nhà hát ("Thế Giới Trẻ") làm địa điểm biểu diễn, cũng như cho sinh viên thực tập ngay từ năm đầu tiên trúng tuyển vào trường. Trong năm qua, đã có thêm ba sinh viên của trường (Hồng Thắm, Thy Trang và Vũ Huy) đoạt Huy chương Vàng Giải Triển vọng Trần Hữu Trang – một giải thưởng lớn và có uy tín ở phía Nam.

 

Về điện ảnh, trong hai cuộc liên hoan phim toàn quốc, sinh viên của trường đều đoạt giải cao, đem vinh dự về cho trường (như Vũ Ngọc Đãng, Tống Thành Vinh, Mỹ Khanh, v.v…). Cũng trong năm nay, ba công trình nghiên cứu của ba giảng viên Hoàng Thị Hạnh, Đỗ Hương và Phan Bích Hà đã đoạt tiêu chuẩn xuất sắc cấp Bộ… Đây chính là những thành quả cụ thể, thuyết phục về chất lượng đào tạo có hiệu quả của nhà trường.

 

Nhìn lại tất cả những cố gắng và thành quả đã có, có thể thấy trường CĐ Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM đã tích cực tự vận động hết sức mình. Vậy mà vẫn… “lực bất tòng tâm”, trường vẫn không được lưu ý để có điều kiện làm tốt hơn nữa trọng trách một trường đào tạo sinh viên nghệ thuật có uy tín ở phía Nam.

 

Nếu đặt quyền lợi quốc gia làm trọng, đã đến lúc cần phải có sự can thiệp của Nhà nước: Cần phải có một cách nhìn công bằng để chấm dứt cảnh những tài năng sân khấu – điện ảnh ở phía Nam tiếp tục chịu thiệt thòi, muốn học lên cao nữa thì chẳng biết học ở đâu; và chấm dứt cảnh chờ đợi một cách thụ động những chỉ tiêu “hợp tác đào tạo”…

  • Bài: Liên Chi
  • Ảnh: Thanh Tân
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,