221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
235843
Luật Giáo dục hay luật của Bộ Giáo dục?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Luật Giáo dục hay luật của Bộ Giáo dục?
,

(VietNamNet) - "Ở ta có lệ bất cứ chính sách nào do ngành làm cũng đối xử ưu tiên với ngành của họ" - GS Hoàng Tuỵ đã nhận xét vậy khi góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Thực sự có phải như vậy?

Nhu cầu học tập "phi chính quy" của người dân hiện nay rất lớn.

Trong các ngày từ 8 đến 10/4, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hội đồng Tư vấn Khoa học Giáo dục của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các buổi góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục.

So với chín lần trước, bản dự thảo mới nhất này đã có một số thay đổi quan trọng. Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc giao thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp cho hiệu trưởng trường học; các trường ĐH được chủ động xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh sau đó trình để duyệt; bổ sung chi tiết những quy định về dạy nghề; cân nhắc có nên bỏ loại hình trường bán công trong hệ thống giáo dục, v.v... Đây là những vấn đề thời sự của đời sống giáo dục hiện nay.

Trường bán công: Đưa vào, hay đẩy ra?

Đã không ít lần dư luận phàn nàn về sự "kỳ cục, chẳng giống ai" của bốn loại hình nhà trường hiện đang tồn tại trong hệ thống giáo dục quốc dân: dân lập, công lập, bán công, tư thục. Thực ra, việc này có nguyên nhân sâu xa từ Hiến pháp 1992, quy định loại hình nhà trường gồm: công lập, dân lập và các hình thức khác. Luật Giáo dục năm 1998 đã cụ thể hóa "các hình thức khác" thành bán công và tư thục.

Tuy nhiên, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường THPT  Mari Curie cho biết: Gọi "dân lập" là cách gọi... lén vì thực ra, một tổ chức hội nghề nghiệp đứng ra bảo trợ cho trường dân lập chỉ là hình thức, đầu tư tiền của, điều hành vẫn là cá nhân hoặc nhóm cá nhân.

Về vấn đề này, dự thảo đã chỉnh sửa bằng cách không đưa tên gọi "trường bán công" vào. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển giải thích: Đối với loại hình trường bán công, để tồn tại hay không cần lưu ý tới hai vấn đề: Thứ nhất, số lượng rất lớn các trường bán công, nhất là ở mầm non và tiểu học. Thứ hai, quyền sở hữu về tài sản (trường bán công chung hai nguồn vốn: Nhà nước và tư nhân). GS Phạm Thị Trân Châu, ĐHQG Hà Nội đề xuất: Ở bậc mầm non và tiểu học, vẫn nên có loại hình trường bán công, còn bậc CĐ-ĐH chỉ nên để loại hình dân lập và tư thục. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang thì đề nghị: Nên có lộ trình tư thục hóa các trường bán công bởi hiện nay, xu hướng cái gì cũng đẩy về phía "công" sẽ gây nên sự quá tải cho Nhà nước về giáo dục.

Bộ trưởng Hiển cho biết: Sau nhiều lần lấy ý kiến, nhìn chung, đối với loại hình trường, để sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, vừa phù hợp với thực tiễn, lại đúng Hiến pháp, có ý kiến đề nghị chỉ nên có hai loại hình: công lập và dân lập với lưu ý: loại hình dân lập được gắn nội hàm tư thục; còn công lập, khi tự chủ cao thì bao gồm cả bán công.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị "mạnh dạn gọi đúng tên". GS Phạm Khiêm Ích gay gắt: Ta có cách nói không sòng phẳng. Anh Khang (hiệu trưởng trường dân lập Mari Curie) đã nói "dân lập" là "gọi lén", sao ta không gọi thẳng ra là tư thục, gọi tư thục thì có chết ai không?".

Hai Bộ "giành nhau" cái Tổng cục!

Theo Luật Giáo dục 1998, hệ thống giáo dục quốc dân gồm có: mầm non, phổ thông, nghề nghiệp, ĐH và sau ĐH, phương thức giáo dục không chính quy. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp gồm: trung học chuyên nghiệp (THCN) và dạy nghề. Có lẽ những tiếng kêu than về đào tạo nghề mất cân đối trầm trọng, nên trong lần sửa đổi luật lần này, đã có nhiều thay đổi theo hướng tăng mạnh phần giáo dục nghề. Cụ thể là giáo dục nghề nghiệp như lâu nay sẽ tách làm hai: "dạy nghề" và 'bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ". Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Bộ LĐ-TB và XH ở mục "dạy nghề" và quy định: Dạy nghề có ba trình độ - trình độ bán lành nghề, trình độ lành nghề và trình độ cao. Tương ứng với đó sẽ có ba loại văn bằng, chứng chỉ: chứng chỉ nghề, bằng nghề và bằng nghề trình độ cao.

Hiện nay, Vụ THCN thuộc Bộ GD-ĐT quản lý trực tiếp các trường THCN, Tổng cục Dạy nghề (tách từ Bộ GD trước đây)  "nắm" hệ thống các trường dạy nghề đang thuộc Bộ LĐ-TB và XH .

Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Vũ Ngọc Hải bật cười: "Việc tiếp thu ý kiến của Bộ LĐ-TB và XH là tốt, nhưng đây là luật của một nước, không phải của một Bộ! Tại sao lại có thể gọi là "bán lành nghề", bởi "lành nghề không phải khái niệm đào tạo". Tôi đi các tỉnh, dự nhiều hội thảo, thấy việc để "Tổng cục Dạy nghề" ở Bộ LĐ-TB và XH, người ta  kêu quản lý thế ở bên dưới không biết thực thi thế nào? Còn thay tên gọi THCN đã quen thuộc bằng "bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ" thì có tăng được nội dung giảng dạy thực hành của loại hình đào tạo này không?"!

GS Trần Xuân Nhĩ, Hội Khuyến học Việt Nam dứt khoát "không được dở dơi dở chuột": "Quản lý giáo dục phải thống nhất về Bộ GD-ĐT". GS Phạm Trương Thị Thọ, ĐHQG TP.HCM  lại đề xuất: Nên tách Tổng cục Dạy nghề ra khỏi Bộ LĐ-TB và XH và Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp khỏi Bộ GD-ĐT để "sáp nhập" thành một tổng cục trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, ý kiến này không khả thi theo xu hướng cải cách hành chính hiện nay.

"Bỏ rơi" phi chính quy?

Sau nhiều lần lên tiếng, ý kiến của Hội Khuyến học đã được ghi nhận. Trong mục "phương thức giáo dục phi chính quy", dự thảo lần này đã bổ sung thêm một loại cơ sở giáo dục không chính quy là Trung tâm Học tập Cộng đồng (TTHTCĐ) do Hội Khuyến học tổ chức tại các xã. Ông Nguyễn Xuân Thụ, Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Trong kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến năm 2005 tại 10% số xã trong cả nước có TTHTCĐ, nhưng khi Hội Khuyến học "nhảy vào làm", đến 2004, đã có hơn 3.000 trung tâm, đạt tỷ lệ 50%. "Vì vậy, phải tạo cơ chế pháp lý thích ứng cho loại hình này phát huy hiệu quả." - ông Trần Xuân Nhĩ kiến nghị.

GS Vũ Ngọc Hải phân tích: "Luật Giáo dục sửa đổi vẫn "nặng" về giáo dục trong nhà trường. Trong khi đó, quan điểm mới về giáo dục hiện nay là "học tập suốt đời". Gần 60 triệu người dân không ngồi học trong nhà trường có nhu cầu lớn về học tập mà Luật chỉ dành một mục giáo dục phi chính quy. Ngay cách gọi là "phương thức" dường như không đúng "tầm" của nó!".

Cũng đồng tính với việc cần phải chú trọng đến mảng giáo dục ngoài nhà trường, nhưng ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang lại lưu ý: Việc giáo dục ngoài nhà trường không chỉ đơn thuần là đưa thêm các TTHTCĐ vào Luật và chỉ có của Hội Khuyến học! Cần phải huy động các hội nghề nghiệp khác "góp sức".

Ban soạn thảo (BST) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục gồm đại diện lãnh đạo và chuyên viên của Bộ GD-ĐT, LĐ-TB và XH, Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành liên quan. BST đã tổ chức nghiên cứu các chuyên đề liên quan trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, các quy định của các Bộ, ngành; sưu tầm các luật về giáo dục mới ban hành của một số quốc gia, tổ chức hội thảo ở 24 tỉnh, thành. Đã có 21 Bộ, ngành và cơ quan gửi văn bản góp ý kiến, hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh gửi phiếu đóng góp. Chính phủ đã dành một buổi trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2004 để xem xét, thảo luật về dự thảo lần 9. Dự thảo lần 10 này đã có nhiều tiếp thu, thay đổi so với lần 9. Công việc còn tiến hành từ nay đến tháng 11/2004.
  • Hạ Anh 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,