221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
233977
Giáo dục ĐH Việt Nam: Thay "chặn lũ" bằng "phân lũ"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Giáo dục ĐH Việt Nam: Thay 'chặn lũ' bằng 'phân lũ'
,

(VietNamNet) - Vấn đề "không mới nhưng vẫn thời sự" trong giáo dục ĐH Việt Nam là bài toán giữa quy mô và chất lượng đã được đề cập ráo riết trong hai ngày hội thảo đổi mới giáo dục ĐH.

"Giao quyền tự chủ nhiều cho các trường ĐH, để các trường chủ động tuyển sinh". (Ảnh: Hạ Anh)

Có số lượng mới có chất lượng

"Chất lượng và hiệu quả đào tạo kém, thiếu liên tục, tuyển sinh bất cập và tốn kém, chưa đạt được tiêu chuẩn hội nhập quốc tế". Ba nhận xét tổng quát trên của ông Nguyễn Văn Ân, cố vấn trưởng Công ty IBMI cũng là cách nhìn khá phổ biến về giáo dục ĐH hiện nay. Nhiều cuộc hội thảo và các ý kiến cũng đã đề cập tới nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là chuyện lớp học quá đông, thư viện thiếu thốn, phòng thí nghiệm nghèo nàn, không đảm bảo các tỷ lệ như: số sinh viên/giảng viên, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu dạy và học - như đánh giá của PGS Nguyễn Thiện Tống, trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

-Xét theo tỷ số sinh viên/thanh niên trên độ tuổi học ĐH: Nền giáo dục ĐH được xem là dành cho số ít khi tỷ số này thấp hơn 15%, được xem là đại chúng hóa khi tỷ số đó đạt từ 15 đến 50%, và được gọi là phổ cập hóa khi tỷ số đó đạt trên 50% (Theo "From Mass Higher Education to Universal Access: The American Advantage", trong "Defense of American Higher Education" - The Johns Hopkins University Press, 2001).

Tỷ lệ này ở các nước: Canađa và Mỹ: trên 80%. Hàn Quốc: trên 70%. Các nước thuộc OECD: trung bình trên 50%. Trung Quốc: 18%. Việt Nam: khoảng 8% (dẫn theo tham luận của GS Lâm Quang Thiệp, ĐHQG Hà Nội)

Có lẽ vì vậy nên mặc dù hiện nay tỷ lệ sinh viên/vạn dân hay tỷ lệ sinh viên/thanh niên trong độ tuổi học ĐH của Việt Nam còn thấp, GS TSKH Trần Hữu Phát, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đề xuất: "Chỉ tuyển vào ĐH những thí sinh vừa nắm chắc kiến thức bậc phổ thông vừa có khả năng tư duy độc lập. Tuyển không đủ số lượng thì thôi, nhất thiết không được hạ số lượng". Giáo sư Ngô Gia Hy, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hùng Vương còn khẳng định dứt khoát: "Cương quyết không hy sinh chất lượng cho số lượng. Tuyển sinh phải phù hợp với tình hình cơ sở, trang bị, nhân sự của trường". GS Đỗ Trần Cát kiến nghị "giảm quy mô đào tạo hiện nay vì quá khả năng thực tế của Việt Nam, không thể lấy căn cứ là chỉ tiêu số sinh viên/số dân của các nước phát triển hơn Việt Nam".

Tuy nhiên, GS Lâm Quang Thiệp, ĐHQG Hà Nội cho rằng ý tưởng "hạn chế" số lượng để tập trung cho chất lượng là "biện pháp cổ điển", bởi lẽ số sinh viên ĐH nước ta tăng lên quá nhanh nhưng con số đó vẫn chưa đủ so với yêu cầu nguồn nhân lực và không phải giảm số lượng thì mặc nhiên có chất lượng, mà đôi khi phải có số lượng mới có chất lượng. Lời giải khả thi mà GS Lâm Quang Thiệp đề xuất: Về lâu dài, cần phân luồng học sinh ngay từ cấp bậc học thấp nhất, riêng đối với dòng học sinh hướng vào ĐH. Nghĩa là thay vì "chặn lũ", chúng ta nên "phân lũ"!

Nhìn nhận dưới góc độ "phát triển con người", GS Phạm Phụ, trường ĐH Bách khoa TP.HCM đánh giá: Việc hạn chế quá mức sự mở rộng quy mô giáo dục ĐH cũng có nghĩa là hạn chế việc nới rộng cái vòng "thắt cổ chai" trên con đường đi của tuổi trẻ.

"Cơ hội vô cùng to lớn đối với giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay là nhu cầu được đi học của người dân. Ở nước ta, mọi người tranh nhau để vào trường ĐH; trong khi ở nhiều nước trên thế giới, các trường ĐH cạnh tranh nhau trong việc tìm kiếm sinh viên." - TS Trần Thọ Đạt, trường ĐH Kinh tế quốc dân nêu ý kiến. Theo một nghiên cứu gần đây của các học viên cao học thuộc Dự án Kinh tế phát triển Việt Nam - Hà Lan tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư vào ĐH hiện nay là tương đối cao. Như vậy, nhu cầu và khả năng sẵn sàng chi trả của xã hội đối với bậc đào tạo này vẫn còn rất lớn. Do vậy, ngành GD-ĐT hoàn toàn có khả năng mở rộng cung để đáp ứng nhu cầu của xã hội với giá cả cao hơn, theo đúng quy luật cung - cầu của thị trường.

Dựng lại kim tự tháp giáo dục ĐH

Theo đề xuất của GS Lâm Quang Thiệp, việc "phân lũ" sẽ hướng vào hai dòng chính là trường ĐH truyền thống và các loại hình đào tạo chính quy; dòng thứ hai hướng vào các trường ĐH mở hoặc các loại hình đào tạo mở của một số ít trường ĐH truyền thống có điều kiện. PGS Trần Ngọc Kim, trường ĐH dân lập Phương Đông bày tỏ: "Để giáo dục và đào tạo tốt, phải phân tầng, phân tuyến, phân hệ, phân luồng. Riêng ĐH, nếu có chuẩn hóa thì cũng phải có nhiều tầng, nhiều tuyến".

Nhìn nhận một cách có hệ thống, PGS Nguyễn Thiện Tống, trường ĐH Bách khoa TP.HCM phân tích: Từ thập niên 1960, thế giới phải đối diện với thực tế mới là sự bùng nổ và phân hóa giáo dục ĐH. Còn khắp Tây Âu, từ đại chúng hóa được dùng để nói lên sự gia tăng nhanh chóng của số lượng sinh viên ĐH. Vì vậy, cần có một hệ thống phân hóa đa dạng các loại trường ĐH khác nhau theo đuổi mục đích khác nhau".

PGS Tống đề xuất chi tiết: "chúng ta cần xây dựng và phát triển các Viện ĐH đa lĩnh vực - loại nghiên cứu ở phần đỉnh kim tự tháp giáo dục ĐH, và các trường đại học cộng đồng ở phần đáy của kim tự tháp giáo dục ĐH mà chúng ta đang thiếu trầm trọng. Các trường ĐH giảng dạy ở giữa kim tự tháp giáo dục ĐH của chúng ta đang đào tạo trùng lắp vượt quá nhu cầu, trong khi lại để khoảng trống nhu cầu ở phía trên và phía dưới của thị trường này"!

"Khoán 10" trong giáo dục ĐH, bao giờ?

Hơn 200 ý kiến đề xuất gửi tới hội thảo và nhiều ý kiến tranh luận trong ba nhóm hội thảo với ba chủ đề đã góp nhiều ý tưởng cho chủ đề "đổi mới giáo dục ĐH". Bức xúc nhất của các cơ sở đào tạo ĐH là: Các trường thiếu chủ động vì bị Bộ GD-ĐT chi phối quá nhiều!

Cô giáo Trần Thị Lan, dạy tiếng Anh tại trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội nói: Ta cứ nói chưa có chương trình là đúng thôi, vì hiện nay chưa có quyền tự quyết. Muốn làm tốt cũng không được vì bị... khống chế chương trình. “Cho đến nay, trong nhiều hoạt động tác nghiệp, các trường ĐH không được tự điều hành quản lý mọi công việc của mình và vẫn đang chịu sự chi phối của Bộ GD-ĐT.” - PGS TS Ngô Doãn Đãi, phó Ban Đào tạo của ĐHQG Hà Nội, nhận xét.

Chính vì vậy, "một khuyến nghị mang tính tổng quan và chắc chắn cũng đã nhiều lần được đề nghị tại nhiều diễn đàn và xin nêu lại tại diễn đàn này là: Hãy tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của trường ĐH" - TS Trần Thọ Đạt nói - "Trên toàn thế giới hiện nay đang có xu hướng cắt giảm ngân sách công cộng cho giáo dục ĐH. Mức độ tham gia trực tiếp, sâu hơn nữa của Chính phủ vào giáo dục ĐH có thể sẽ dẫn đến kết quả vượt quá khả năng cung cấp đủ về tài chính".

Thực ra, vấn đề quyền tự chủ đã được đặt ra trước đó và được nhấn mạnh tại hội nghị giáo dục ĐH vào tháng 9/2001. Khi đó, PGS Nguyễn Hữu Chỉnh, ĐHQG Hà Nội đã đề cập tới cơ chế "khoán 10" trong giáo dục. Thứ trưởng Trần Văn Nhung mới đây đã đề cập tới việc Bộ GD-ĐT đang soạn thảo cơ chế phân cấp mạnh cho cơ sở về chủ động nhân sự. Như vậy, cùng với Nghị định 10 vào năm 2002 giao quyền tự chủ về tài chính, các trường sẽ có chủ động về tiền củacon người.  

Tuy nhiên, thực thi đề xuất này không phải chuyện đơn giản. Trong thực tế, sự "độc chiến" của cơ quan quản lý vẫn đang được biểu hiện ở nhiều công việc. Rõ rệt nhất với việc cải tiến tuyển sinh (hiện đang làm mất rất nhiều lao lực và tâm trí của Bộ GD-ĐT) theo giải pháp "ba chung" đã bị phản đối vì "không chỉ không đúng quy luật phát triển mà còn không đúng tính sư phạm trong giáo dục" - theo PGS Trần Ngọc Kim. Còn về phía các trường ĐH, theo nhìn nhận của "người trong cuộc", TS Đỗ Huy Quang, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, thì: "chủ trương tăng tính trách nhiệm, tăng quyền tự chủ, khoán biên chế, khoán kinh phí cho các trường ĐH càng làm cho tính khép kín của mỗi trường tăng lên", do đó tạo ra "rào cản" liên thông giữa các loại hình trường trong "tháp giáo dục ĐH".

Từ năm 2001 tới nay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức ba hội thảo lớn về giáo dục ĐH. Các vấn đề xới xáo từ hội nghị giáo dục ĐH tháng 9/2001 tiếp tục lặp lại tại hội thảo này. Tại hội nghị giáo dục ĐH, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khi ấy đã đề cập tới một trong những cái "khó" là: các học giả ít chịu thừa nhận ý kiến của nhau! Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trong lời phát biểu khai mạc hội thảo phần nhiều mang tính lễ nghi ngày hôm qua 30/3 cũng đã nói: Để thực hiện những đòi hỏi của xã hội, những người làm quản lý giáo dục phải đổi mới tư duy và tiếp nhận rộng rãi ý kiến đóng góp của người dân trong và ngoài nước, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.

Chúng tôi muốn kết thúc bài viết này bằng trăn trở của GS Phạm Phụ: Việc đào tạo ĐH ở ta hiện nay chưa hướng đến việc "xây dựng những con người có khả năng và khuynh hướng luôn cố gắng đạt được sự thoả thuận với nhau", nói cách khác là thiếu phần "học để sống với nhau" trong bốn cột trụ của giáo dục hết sức sâu sắc mà UNESCO đã nêu từ năm 1996: "Học để biết, để làm, để sống với nhau và để làm người".

  • Hạ Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,