221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
233550
Chất lượng giáo dục chưa cao nào phải vì... tiền ít!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Chất lượng giáo dục chưa cao nào phải vì... tiền ít!
,

(VietNamNet) - Tại hội thảo góp ý cho việc chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục của hơn 20 nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn tự nguyện vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã ngạc nhiên khi GS Nguyễn Xuân Hãn đưa ra con số: Mỗi năm, ngành giáo dục có tới 4 tỷ USD.

Một nơi "đón tiếp" thí sinh luyện thi ĐH. (Ảnh: Nguyên Vũ)

Sai vì không có tiêu chuẩn

Lâu nay, ý kiến đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhiều học giả đều chung nhận định "giáo dục xuống cấp". Tại hội thảo về chất lượng giáo dục hồi tháng 12 do Bộ GD-ĐT và báo Nhân Dân tổ chức, GS Hoàng Tuỵ cho rằng: ngành giáo dục có "ba khối u dị dạng" cần cắt bỏ. Theo nhà văn Nguyên Ngọc tại một hội thảo hôm 6/3, thì  "giáo dục của chúng ta đang hỏng, không phải có tính chất cục bộ mà hỏng trong toàn hệ thống". Theo cách hiểu của nhiều người, có lẽ nguyên nhân tiền ít đã khiến chất lượng giáo dục hiện tại có những đánh giá nói trên. Thực sự có phải như vậy?

Các nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn tâm huyết với giáo dục đã tự nguyện tổ chức một hội thảo mang tên Nghiên cứu Cải cách Giáo dục để thảo luận và đóng góp ý kiến vào việc chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục nước nhà. Hội thảo có  ba mục tiêu cụ thể: Thứ nhất: Đánh giá thực trạng giáo dục hiện nay. Thứ hai: Nêu những vấn đề lớn cần giải quyết để vượt qua khó khăn, đưa giáo dục tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Thứ ba: Đề xuất các phương hướng chính nhằm chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục, đáp ứng các yêu cầu phát triển của xã hội.

Thành phần tham gia hội thảo ban đầu có 23 người gồm các GS Việt Nam đang giảng dạy và nghiên cứu tại: ĐH Polytechnique Paris; ĐH Paris 1, ĐH Paris 5, ĐHQG Hà Nội, Viện Toán học, ĐHQG TP.HCM; ĐH Waseda (Tokyo); ĐHSP TP.HCM;  ĐHBK Hà Nội, Bộ KHCN. Ngoài ra, còn có nhà văn Nguyên Ngọc. Thành viên ở xa không tham dự được sẽ gửi tham luận về.

"Con em chúng ta không có tiền học giáo dục thể chất khi một số nhà lãnh đạo vẫn có tiền chơi golf." - GS Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, nói đầy bức xúc. 

"Tổng số tiền ngành giáo dục thu được hiện nay rất lớn. Tiền của người học nhưng người học lại không được đối xử đúng." - GS Hồ Ngọc Đại bổ sung.

GS Nguyễn Xuân Hãn cung cấp con số khiến không ít người ngạc nhiên: Mỗi năm, ngành giáo dục có tới 4 tỷ USD. GS Hãn tính toán: Theo số liệu chính thức của Bộ GD-ĐT, từ năm 1996 đến năm 2003, số lượng HS-SV tăng khoảng gần bốn triệu (từ 18,3 triệu lên 22 triệu em) nhưng kinh phí đầu tư cho GD-ĐT tăng gần gấp bốn lần, từ 8.100 tỷ lên đến 30.000 tỷ đồng, ấy là chưa kể khoảng 900 triệu USD vay của nước ngoài và tiền thu của dân (cỡ 50% tổng chi cho GD-ĐT) - theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, chất lượng giáo dục thấp là do cải cách giáo dục lần nào của ta cũng sai. Muốn cải cách giáo dục thì phải chọn lấy một tiêu chuẩn mà cơ sở ấy không ai đánh đổ được. "Và cơ sở ấy chính là cuộc sống!" - GS Hồ Ngọc Đại đề xuất - "Nói cụ thể hơn, nền giáo dục bây giờ phải phục vụ cho 95% số người đi học chứ không phải 5% như ngày trước".

GS Hãn cho biết thêm: Số tiền dành cho việc làm sách giáo khoa mỗi năm khoảng 100 triệu USD nhưng hiện trạng sách giáo khoa thường xuyên bị chỉnh lý và chuyện sinh viên thiếu và đói sách thì cứ liên tiếp diễn ra. Việc này không phải do số tiền 100 triệu USD ít ỏi mà chính là do cách làm: sách giáo khoa của bậc phổ thông là một chỉnh thể thống nhất thì bị "cắt khúc" thành bốn dự án độc lập; giáo trình ĐH thì "chạy" theo Thái Lan trong khi chính những chuyên gia giáo dục của nước này đã cảnh báo cách làm của họ sai rồi, đừng có theo!".

Sao lại để thương mại hóa trong "nháy nháy"?

Thực tế, sức ép vào ĐH ngày càng tăng trong mỗi kỳ tuyển sinh ĐH và sự đóng góp của người dân với giáo dục cho thấy nhu cầu khá lớn về học tập của người dân. Vì vậy, trong những năm gần đây, liên tiếp các trường ĐH được thành lập mới. GS Hoàng Xuân Phú đã kêu lên về phong trào "đại học hóa cao đẳng": Có trường CĐ rụp một phát biến thành ĐH chỉ sau một cái quyết định trong khi bây giờ, nếu đem giáo viên ra để "cân, đo, đong, đếm" thì chỉ có một phần xứng đáng là giảng viên ĐH.

Nhà thơ Việt Phương thì cho rằng: Hiện nay, đã có nhiều ý kiến đề cập tới việc phổ cập ĐH. Vậy chỉ nên xem là "hướng điên rồ" hay là một vấn đề đáng phải suy nghĩ. Ông bày tỏ: Có một cụm từ ta đề ra trong nghị quyết, qua một số văn kiện nhưng cứ dần dần thấy tinh thần của nó không đậm mà nhạt dần đi, đó là "xã hội học tập". Theo ông, việc phát triển cơ sở đào tạo trình độ ĐH là hướng tất yếu để làm đậm thực sự một xã hội học tập. Thế nhưng phải có sự phân tầng rõ rệt mà cụ thể nên có ba phân hệ: siêu, làng nhàngthấp. Phân hệ "thấp" nhằm đáp ứng nhu cầu: cần gì học nấy. GS Hoàng Tuỵ đồng tình với "phân hệ"này và bổ sung: Điều quan trọng là phải xác lập được sự liên thông cho cả ba cấp độ này song thực thi sự liên thông đó không phải dễ dàng.

GS Trịnh Công Diệu phát biểu: Xã hội hóa học tập của ta hiện nay đang là "bắt xã hội đóng góp những cái lẽ ra Nhà nước chịu trách nhiệm". Theo GS Diệu, Nhà nước phải chịu trách nhiệm về "phụ cấp giáo dục" và "bồi dưỡng nhân tài" để tạo ra lực lượng tinh hoa. Còn những cái khác, theo quy luật thị trường, có cầu ắt phải có cung. Vì vậy, trong một loại hình giáo dục nào đó nên chấp nhận "giáo dục là hàng hoá", nghĩa là có yếu tố thương mại.

Nhà thơ Việt Phương bổ sung thêm thông tin: Hiện nay, Ngân hàng Thế giới có 15 ngành dịch vụ, 41 phân ngành với 150 loại dịch vụ mà giáo dục là một trong những phân ngành đó. Vì vậy, nên chấp nhận thương mại trong giáo dục vì thương mại hiện đại có mục tiêu phi lợi nhuận là phát triển. Không nên quan niệm thương mai là xấu xa khiến trong các văn bản, chữ thương mại hóa giáo dục cứ để trong "nháy nháy".

Tăng tiền lương cho giáo viên có phải là khâu đột phá?

Sau khi "bắt bệnh" ba khối u của ngành giáo dục (sách giáo khoa nặng nề, thi cử và dạy thêm học thêm tràn lan), GS Hoàng Tuỵ đã đề xuất nhiều biện pháp "giải phẫu", trong đó có giải pháp: Tăng lương cho giáo viên. GS Hoàng Tuỵ lý giải: Tăng lương là điều kiện CẦN, không phải điều kiện ĐỦ. Hiện có một thực tế là lương của Nhà nước cấp không ai đủ sống, nhưng những người sống bằng lương vẫn sống được, chứng tỏ của cải xã hội không phải là thiếu. Như vậy, tất cả các khoản bổng, lộc ngoài lương phải đưa vào lương một cách đàng hoàng để giáo viên không còn phải dành 4/5 sức lực của mình "kiếm tiền" ngoài.

Tuy nhiên, GS Hoàng Xuân Phú cho hay việc tăng lương không phải giải pháp khả thi bởi hiện nay lương giáo viên trong hệ thống thang bảng lương không phải là thấp và hiện nhân viên ngành giáo dục "ăn" tới hơn nửa tổng lương hành chính sự nghiệp. GS Hồ Ngọc Đại nêu quan điểm "cuộc sống là tiêu chuẩn" của mình: Hiện nay dân số nước ta khoảng 80% sống ở nông thôn, như vậy phần lớn giáo viên sống ở khu vực này. Hiện tại tiền lương của giáo viên ở nông thôn đã khá ổn định: "Tôi hỏi lãnh đạo một huyện ở Thái Bình thì ở đây 75% lương đã chi cho giáo dục rồi. Vấn đề lương chỉ thực sự là bài toán đối với giáo viên ở khu vực thành thị".

Nhiều ý kiến đồng tình: Nếu đề xuất tăng lương, nhân ý này ngành giáo dục sẽ "đòi lương cao" nhưng thực tế sẽ không giải quyết được cơ bản chất lượng giáo dục!

  • Hạ Anh 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,