(VietNamNet) - Ngày mai 4/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) sẽ xem xét đề nghị của đại biểu Nguyễn Đức Dũng (tỉnh Kon Tum) về việc thành lập Uỷ ban lâm thời (UBLT) điều tra chất lượng giáo dục. Lần đầu tiên, một đại biểu QH đã dùng quyền của mình để yêu cầu QH lập UBLT. Nhân sự kiện này, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Đức Dũng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng. (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Ông Nguyễn Đức Dũng cho biết: "Cuối kỳ họp thứ 4, QH khoá X, sau khi nghe bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển trả lời chất vấn, tôi đã có đơn gửi Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đề nghị thành lập UBLT điều tra về chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay. Đây là vấn đề mà cử tri cả nước luôn bức xúc và rất quan tâm".
Thưa ông, lý do nào khiến ông phải đề nghị UBTVQH thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra về giáo dục?
Dự kiến, chiều mai 4/3, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục và Thanh thiếu niên, nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Đan sẽ báo cáo với UBTVQH về đề nghị của đại biểu Nguyễn Đức Dũng. Sau đó, UBTVQH sẽ thảo luận, cho ý kiến. Theo Nội quy của UBTVQH, nếu 2/3 số uỷ viên tán thành với đề nghị của đại biểu Nguyễn Đức Dũng thì vấn đề này sẽ được Uỷ ban trình, xin ý kiến QH tại kỳ họp tháng 5 tới. |
- Đại biểu Nguyễn Đức Dũng: Hiện giáo dục đang là vấn đề bức xúc, cử tri và dư luận hết sức quan tâm. Tuy vậy, đánh giá về hệ thống giáo dục và cải cách giáo dục ở ta hiện nay lại chưa thực sự thống nhất, vì rất khó. Phía dư luận thì cho rằng chất lượng giáo dục của ta là kém, đã đến mức báo động. Thế nhưng về phía ngành, mà cụ thể là bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông (giáo dục đại trà) không phải thấp mà là cao (?).
Giáo dục liên quan đến sự phát triển của đất nước, không chỉ với thế hệ hiện nay mà còn liên quan đến nhiều thế hệ sau. Vì thế, tôi thấy đây là vấn đề cần phải làm rõ, mà muốn làm rõ được thì cần phải có một UBLT của QH để điều tra, từ đó có kết luận chính thức về vấn đề: Chất lượng giáo dục của ta thấp hay cao, so với thế giới và khu vực? Mặt khác, cần kiểm tra xem cải cách giáo dục của chúng ta có đạt được kết quả như mục tiêu của QH đã đề ra, hay là có “vấn đề” gì đây.
Từ các kết luận đó, có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi để nhanh chóng khắc phục những yếu kém, tồn tại của giáo dục hiện nay, nâng cao chất lượng và chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Nhận định riêng của ông về chất lượng giáo dục?
- Tôi cho là chất lượng giáo dục của ta kém, đã đến mức báo động! Có những tài liệu của quốc tế nhân định rằng chất lượng giáo dục của ta hiện thua Thái Lan đến 50 bậc, không biết tài liệu đó chính xác đến mức nào, nhưng dù thế nào thì cũng phải xem xét. Mà thực sự, chất lượng thấp còn thể hiện qua kỳ thi phổ thông và đại học vừa qua.
Đặc biệt, tình trạng thương mại hóa trong giáo dục vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Nó làm cho chất lượng giáo dục thấp.
Hay ngay như vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan cũng không được khắc phục.
Trên đây là những vấn đề, nếu cương quyết là làm được. Nhưng chính ngành giáo dục không có những biện pháp kiên quyết. Dù QH chất vấn nhiều lần, trong báo cáo thực hiện “lời hứa” gửi các đại biểu, dù Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã có một vài động thái để giải quyết song những biện pháp mà Bộ trưởng đưa ra mới chỉ dừng ở việc ra “văn bản” để chấn chỉnh.
Ai cũng thấy: Việc ra văn bản và tổ chức thực hiện là... hai vấn đề khác nhau!
Khi xét thấy cần thiết, UBTVQH tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của QH hoặc của đại biểu QH trình QH quyết định thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định. (Điều 12, Luật hoạt động giám sát của QH) |
Ông đề nghị điều tra những vấn đề cụ thể nào?
- Trong văn bản gửi UBTVQH, tôi đề nghị điều tra hai vấn đề: Thứ nhất, làm rõ chất lượng giáo dục của chúng ta ra sao? Thứ hai, việc tiến hành cải cách giáo dục của chúng ta hiện nay thế nào, có đạt được được mục tiêu và hiệu quả mà chúng ta đề ra hay không? Và có tiêu cực gì trong việc thực hiện các dự án giáo dục đó?
Nếu kết quả điều tra đúng như dư luận và ông đã nhận định thì sẽ phải giải quyết ra sao?
- Trong Luật Giám sát đã có quy định rõ: Trước hết, tìm đúng thực trạng để có giải pháp khắc phục. Còn về trách nhiệm của các đồng chí được Nhà nước giao cho quản lý lĩnh vực đó thì phải xem xét trách nhiệm ấy như thế nào. Nếu thực sự đồng chí ấy năng lực kém, hay “có vấn đề này, vấn đề khác” thì phải đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét trách nhiệm. Nếu cần thiết thì phải bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng nếu những đồng chí mà có lòng tự trọng, thực sự thấy năng lực mình yếu kém thì cũng không nên “tham quyền cố vị”, nên xin từ chức là tốt nhất.
Ông có tin là đề nghị của mình sẽ được UBTVQH chấp thuận?
- Cái này thì tôi chưa biết. Nhưng đề nghị là quyền của đại biểu QH. Còn việc UBTVQH có chấp thuận để đưa ra QH, xin ý kiến QH có chấp thuận cho thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra hay không là quyền của Uỷ ban Thường vụ.
Xin cảm ơn ông!
-
Hà Linh (thực hiện)