221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
203794
TS Lê Vinh Danh: Phải xem ĐH tư thục như một doanh nghiệp dịch vụ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Góp ý dự thảo Quy chế ĐH tư thục:
TS Lê Vinh Danh: Phải xem ĐH tư thục như một doanh nghiệp dịch vụ
,

(VietNamNet) – “Cần phải xem trường ĐH tư thục như một doanh nghiệp dịch vụ. Nếu phủ định quyền mưu cầu lợi nhuận một cách hợp pháp của loại hình này, sẽ không bao giờ tạo được động cơ khiến người dân có khả năng sẵn sàng thành lập trường tư và đầu tư thích đáng để nó thành trường có chất lượng.” - TS Lê Vinh Danh, phó hiệu trưởng ĐH Bán Công Tôn Đức Thắng (TP.HCM) nói.

Theo ông, điều gì là cần thiết nhất đối với việc soạn thảo Quy chế ĐH tư thục?

- Tiến sĩ Lê Vinh Danh: Tính am hiểu về các hoạt động của các trường ĐH tư thục, về hiện thực cuộc sống và những đòi hỏi sắp tới của cuộc sống, cũng như những am hiểu về các quy chuẩn luật pháp, nguyên tắc san định quy chế là những yếu tố tối cần thiết. 

Nếu thật sự hiểu được những điều này và kết hợp với sự cố gắng, những người chấp bút hoặc những nhóm làm việc của Bộ GD-ĐT có thể tạo ra một quy chế có chất lượng. Trong trường hợp sự am hiểu là không đầy đủ đối với thực tiễn hoạt động của ĐH tư thục, với nhu cầu phát triển của xã hội và khả năng biến đổi của hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện nay thì dù có cố gắng đến đâu, tôi cho rằng họ vẫn không thể tạo ra một quy chế phù hợp.

Dẫn chứng có thể nêu ra rất nhiều. Chỉ riêng chuyện nhóm làm việc đã đưa ra đến 10 lần với 10 bản dự thảo, tổ chức đến 10 lần hội thảo, mà Quy chế ĐH tư thục của họ vẫn bị phản bác bởi nhiều người, nhiều trường thì điều đó đã nói lên được tính không chuyên nghiệp, và không có phương pháp của các chuyên viên.

Thế nhưng được biết chính ông cũng đã từng là thành viên tham gia góp ý cho Dự thảo. Và năm 2003, ông đã đưa ra những góp ý của mình?

- Vâng. Vào đầu năm 2003, thông qua sự vận động của TS Đặng Văn Định, phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn phòng Thủ tướng, có một nhóm làm việc đã được hình thành, gồm các chuyên viên chấp bút chính của các dự thảo Quy chế ĐH bán công, ĐH dân lập và ĐH tư thục, có sự tham gia của TS Định cùng một số chuyên gia ở TP.HCM, trong đó có tôi. Thế nhưng vào phút cuối cùng, người chấp bút dự thảo Quy chế ĐH tư thục đã không tham gia.

Khi nhóm làm việc đến Vũng Tàu, tôi mới biết rằng do Bộ GD-ĐT lúc ấy đã định trình Thủ tướng ban hành Quy chế ĐH dân lập, ĐH tư thục dựa trên Dự thảo lần thứ 9. Tuy nhiên, các chuyên viên Văn phòng Thủ tướng thấy có nhiều điều không ổn trong các bản dự thảo này nên quyết định tổ chức một nhóm làm việc hẹp, gồm các chuyên gia có am hiểu để góp ý và điều chỉnh lại các dự thảo này. Chúng tôi làm việc tại Vũng Tàu trong hai ngày liền, và thực sự đã mổ xẻ rất chi tiết, rất cụ thể và góp ý tất cả các vấn đề tôi cho rằng quan trọng đối với Quy chế ĐH dân lập lẫn tư thục.

TS Lê Vinh Danh: Cần đưa ra làm lại dự thảo Quy chế ĐH tư thục, bởi với cách làm như hiện nay thì đến dự thảo lần… thứ 15, xã hội vẫn còn than phiền và quay lưng với nó! (Ảnh: Trương Hiệu) 

Ông có thể cho biết cụ thể những góp ý khi soạn thảo lúc ấy?

- Trước hết, chúng tôi cho rằng cần định nghĩa các loại hình ĐH bán công, dân lập, tư thục một cách thật rõ ràng, sau đó xác định bản chất của từng loại ĐH, rồi mục tiêu hình thành, cách tổ chức của từng loại, để rồi xác định điều quan trọng là tài chính, cách huy động vốn của từng loại ĐH, và cách thức quản trị tài sản, tài chính.

Chúng tôi đã làm việc rất đầy đủ, nghiêm túc. Có những điều khoản của Dự thảo lần 9 bị loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là những điều khoản do chúng tôi đưa ra. Một số điều khoản được chúng tôi soạn cả hướng dẫn, và chi tiết hóa.

Sau lần làm việc này, chuyên viên của Văn phòng Thủ tướng cho chúng tôi biết rằng toàn bộ những góp ý của chúng tôi đã được gởi về Bộ GD-ĐT, kèm theo lời yêu cầu rằng bộ phận chuyên viên soạn thảo của Bộ cần dựa vào những góp ý này để bổ sung, điều chỉnh lại bản mới, trình Thủ tướng quyết định.

Vậy mà sau gần một năm, điều đáng buồn là phần góp ý về Quy chế ĐH tư thục của nhóm chúng tôi đã không được chuyên viên của Bộ GD- ĐT để tâm tới. Hệ quả là cách đây mấy ngày, họ đã đưa ra bản dự thảo thứ 10, và tổ chức cuộc hội thảo thứ 10 để lấy ý kiến các trường như chúng ta đã biết. Về hình thức, Dự thảo mang tên thứ 10 song thực chất vẫn là bản dự thảo thứ 9.

Có nghĩa là Bộ GD-ĐT hầu như không tiếp thu bất kỳ một vấn đề gì từ nhóm làm việc ở Vũng Tàu?

- Đúng vậy! Tôi cho rằng ở đây có một thái độ không nghiêm túc của những chuyên viên phụ trách soạn thảo Quy chế ĐH tư thục. Nhóm chuyên viên này thực sự không coi trọng ý kiến của các chuyên gia, cũng không quan tâm những góp ý của tất cả các trường, các nhà giáo, những nhà quản lý có kinh nghiệm của 9 lần hội thảo trước. Bởi nếu họ thật sự quan tâm tới những góp ý trên, tôi tin rằng họ không thể đưa ra ở hội thảo lần thứ 10 một bản dự thảo hầu như không sửa đổi.

Chính vì vậy, tôi nghĩ còn lâu lắm để Quy chế ĐH tư thục này có thể đạt được tính hợp lý nhằm có thể ứng dụng một cách hiệu quả trong đời sống, tạo sức bật cho hệ thống ĐH tư thục nói riêng và hệ thống giáo dục nước nhà nói chung, tương thích với nhu cầu xã hội.

Ý kiến của ông về vấn đề tài chính, cách quản lý, phân chia tài chính trong mô hình ĐH tư thục - một trong các trọng tâm hiện đang gây nhiều băn khoăn?

- Tôi cho rằng có một điều các chuyên viên của Bộ có lẽ đã bỏ qua song lại là điều quan trọng: Đó là cách nhìn nhận về tài chính - tài sản và cách thức quản trị trường ĐH tư thục
 

TS Lê Vinh Danh: Tránh né quyền mưu cầu lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư vào ĐH tư thục là lảng tránh quyền sở hữu tài sản một cách hợp pháp và quyền được quyết định những vấn đề liên quan đến tài sản và tài chính của họ một cách hợp pháp.

Theo tôi, có mấy nguyên nhân. Trước hết, phải nói rằng các chuyên viên luôn lệ thuộc quá nặng vào những Quy chế tạm thời được soạn từ những năm 1993-1994, được Bộ GD-ĐT lúc ấy xác định là rất tạm thời nhằm tạo điều kiện cho các trường dân lập, bán công, tư thục ra đời.

Từ đó đến nay đã hơn 10 năm rồi, vậy mà Dự thảo lần thứ 10 của Quy chế ĐH tư thục hầu như không khác gì nhiều so với những điều đã có năm 1994. Trong khi xã hội chúng ta đã tiến nhanh, Quy chế và cách nghĩ về Quy chế của một vài chuyên viên của Bộ lại hầu như không thay đổi. Quả là đáng tiếc!

Một điều đáng tiếc khác: tôi cho rằng chuyên viên soạn thảo của Bộ đã né tránh một vấn đề có thật, mà việc né tránh này sẽ làm chúng ta không thể giải quyết được rốt ráo vấn đề ĐH tư thục, tìm ra cơ chế nào giúp nó phát triển tốt nhất…

Họ né tránh gì, thưa ông?

- Đó vẫn là vấn đề tài chính, tài sản của các ĐH tư thục, cách thức quản trị tài chính!

Theo nhóm chuyên gia chúng tôi, phải và cần phải xem trường ĐH tư thục như một doanh nghiệp dịch vụ. Dĩ nhiên trong đó, chúng ta có thể phân ra ĐH tư thục vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, tùy theo cách đặt vấn đề khi xin phép của nhóm xin mở trường tư. Nhưng trước hết, chúng ta hiểu bản chất của trường ĐH tư là được lập ra bởi một nhóm cá nhân. Do vậy, việc mưu cầu lợi nhuận là không thể tránh được đối với họ. Nếu phủ định quyền mưu cầu lợi nhuận một cách hợp pháp của họ, chúng ta sẽ không bao giờ tạo được động cơ khiến người dân có khả năng sẵn sàng thành lập trường tư và đầu tư thích đáng để nó thành trường có chất lượng.

Quy luật của nền kinh tế thị trường là: nơi nào, việc nào có lợi ích thì nơi đó, nhà sản xuất và nhà cung ứng dịch vụ mới chú trọng phát triển dịch vụ. Một khi dịch vụ sinh lợi một cách hợp pháp, và được thừa nhận, nhà cung ứng sẽ quan tâm đến người sử dụng dịch vụ. Bởi chỉ khi quan tâm đến người sử dụng dịch vụ, họ mới có điều kiện phát triển cơ hội kiếm lời.

Khi nhà sản xuất hay cung ứng dịch vụ quan tâm đến người sử dụng dịch vụ, anh ta có khuynh hướng làm sao cho dịch vụ cung ứng của mình đạt chất lượng tốt nhất nhằm lôi kéo khách hàng. Từ đó, xã hội có những dịch vụ hoàn thiện, phù hợp nhu cầu người dân, có được hệ thống giáo dục tốt.

Vì vậy, nếu tránh né quyền mưu cầu lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư vào ĐH tư thục, chúng ta đã lảng tránh quyền sở hữu tài sản một cách hợp pháp và quyền được quyết định những vấn đề liên quan đến tài sản và tài chính của họ một cách hợp pháp. Lúc ấy, chúng ta sẽ khó thể tạo ra được những cơ chế hợp lý nhằm khuyến khích mọi thành phần nhân dân tham gia đầu tư, phát triển hệ thống giáo dục.

Theo ông, đâu là lộ trình cần có để đưa những vấn đề quan trọng như vậy vào dự thảo Quy chế?

- Từ những ý kiến trên, tôi muốn nói rằng dự thảo Quy chế ĐH bán công, dân lập, tư thục nói chung, và dự thảo Quy chế ĐH tư thục nói riêng, cần được chỉnh sửa một cách bài bản. Con đường cần bắt đầu như thế này:

Trước tiên, Bộ GD-ĐT cần tổ chức lại các nhóm chuyên viên làm việc này. Họ phải bao gồm những chuyên gia thực sự am hiểu giáo dục tư thục, có những chuyên gia làm việc thực tiễn, đang lăn lộn với các trường, với xã hội để hiểu rằng hiện nay xã hội chúng ta đang tiến triển tới đâu. Và những tiến triển này đang đòi hỏi những nhu cầu về trường tư thục trong tương lai phải như thế nào. Khi và chỉ khi hiểu được nhu cầu xã hội như thế nào, chúng ta mới định ra được, tiên lượng, dự báo được Quy chế cần có nội dung như thế nào để thích ứng với hiện tai và tương lai.

Bước thứ hai, sau khi có chuyên gia rồi, cần tiến hành thảo luận một cách kỹ lưỡng ở từng điều khoản, với sự góp ý của những người am hiểu về Chính sách công. Phải hiểu: Quy chế không phải là sự sao chép những quy chế đã có từ trước rồi thêm thắt vào những điều gì đó theo tinh thần những quy định, văn bản mới hiện nay rồi đưa ra lấy ý kiến và gọi đó là “cái mới”! Tôi rất không đồng ý với cách làm ấy. Đó là quan điểm về cách làm.

Còn riêng về bản thân Quy chế ĐH tư thục dự thảo lần thứ 10, tôi thấy còn quá nhiều điều phải thay đổi. Đến mức nên đưa ra làm lại, bởi với cách làm như hiện nay, đến dự thảo lần… thứ 15, xã hội vẫn còn than phiền và quay lưng với nó. Và không sớm thì muộn, bản thân nó cũng phải điều chỉnh! Vì vậy, tôi đã không đi dự hội thảo hôm ấy mặc dù được mời, vì tôi biết chắc có đi dự thì cũng chẳng thay đổi được gì so với dự thảo trước đó.

Nếu vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, mô hình ĐH bán công, dân lập, tư thục nên tồn tại như thế nào trong hệ thống giáo dục quốc dân?

- Theo tôi, tương lai chỉ nên có hai dạng trường: trường công, và trường tư. Những loại hình đang lở dở như bán công, dân lập cần sớm chuyển hình thức và bãi bỏ.

Cần phân ra hai loại trường công: trường công trọng điểm mà ở đó Nhà nước bao cấp hoàn toàn (từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, chi thường xuyên, học bổng…) nhằm đào tạo nhân tài, cán bộ nòng cốt, đầu ngành cho các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Với loại trường này, việc thi tuyển cần đặc biệt nghiêm túc, đầu ra được Nhà nước bố trí công việc, không để cho người đã được đào tạo thất nghiệp. Thứ hai là trường công không trọng điểm, được đầu tư cơ sở và trang thiết bị; con những khoản chi thường xuyên, chi lặt vặt khác sẽ lấy từ học phí. Như vậy, loại trường này thực chất là trường bán công hiện nay. Do đó, theo tôi, nên chuyển những trường bán công hiện nay thành trường công không trọng điểm, bỏ hẳn loại hình bán công. Trường nào không thích hợp chuyển sang công thì chuyển sang trường tư.

Mặt khác, bản chất các trường dân lập là trường tư. Nguồn vốn ban đầu, nếu có, thực chất là của tư nhân, còn các tổ chức đứng ra bảo trợ chỉ là hình thức. Vì vậy, nên tạo điều kiện cho họ chuyển sang trường tư nếu họ muốn. Tôi tin rằng nếu chúng ta có được một quy chế trường tư hợp lý, hợp pháp thì hầu hết các trường dân lập hiện nay sẽ xin chuyển sang trường tư!

Nghĩa là dứt khoát phải xây dựng Quy chế theo cơ chể “mở”?

- Đúng vậy! Nếu chúng ta thừa nhận trường tư, do tư nhân thành lập là thuộc về tư nhân, thì đồng thời chúng ta phải coi trọng quyền quản trị tài sản - tài chính của họ, đồng thời coi trọng quyền mưu cầu lợi ích, miễn là lợi ích đó hợp pháp, nằm trong khuôn khổ luật cho phép.

Vì vậy, việc xây dựng một quy chế tư thục có những điều “mở” để cho các trường dân lập, bán công có thể chuyển sang trường tư là việc cực kỳ cần thiết, giúp tổ chức lại cơ cấu giáo dục hiện nay theo lợi ích của người học và quyền sở hữu.

Khi, và chỉ khi có sự rõ ràng và minh bạch trong sở hữu và quản lý sở hữu, chúng ta mới có một hệ thống giáo dục lành mạnh, minh bạch và dễ quản lý. Tính hiệu quả của hệ thống chắc chắn sẽ được nâng cao.

Xin cám ơn ông!

Trương Hiệu (thực hiện) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,