221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
202102
Quy chế ĐH tư thục: Không thể cứ... đi vòng quanh mãi!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Quy chế ĐH tư thục: Không thể cứ... đi vòng quanh mãi!
,

(VietNamNet) - Dù Quy chế trường ĐH tư thục đã là bản dự thảo thứ 10 song vẫn còn nhiều ý kiến thắc mắc và tranh luận khá gay cấn tại buổi hội thảo tổ chức vào hôm qua 13/2 ở TP.HCM. Trong khi đó, vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Bành Tiến Long cho biết Quy chế sẽ được hoàn thiện trong tháng 3/2004 để trình lên Chính phủ duyệt ban hành!

10 lần dự thảo, vẫn chưa tìm ra cơ chế?!

TS Phạm Đình Phương, Trường ĐH Dân lập Văn Lang, dường như không dồn nén được những bức xúc mỗi khi bàn đến cơ chế hoạt động của hệ thống trường ĐH dân lập và tư thục, vì vậy ông “mở màn”: “Tôi muốn hỏi quý vị (Bộ GD-ĐT): Nếu trong tương lai, hệ thống trường ĐH tư thục hoạt động hiệu quả, lớn mạnh (đây là sự tất yếu của hầu hết các trường ĐH tư thục của các nước), thì có được đổi tên thành Viện ĐH hay không? Chứ như hiện nay, mô hình dân lập và tư thục của chúng ta là mô hình gì? Nếu là doanh nghiệp thì phải xác định có lời hay không có lời, từ đó chúng ta mới xác định một số vấn đề đâu là quyền sở hữu Nhà nước hay tư hữu…”.

Giáo sư Phạm Phụ: Lợi nhuận, nói sao đây?

Luật Giáo dục cấm hành vi thương mại hoá giáo dục. Như vậy, nói làm sao chuyện “lợi nhuận” này? Có chỉ đạo không nêu ra chuyện này, hoặc "nói mờ". Trong giáo dục, phải nói có văn hoá. Nếu nói “có lợi nhuận” thì người học nghe trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận thì ai dám vào học? Ở Mỹ, năm 1994, mức học phí trung bình phải đóng là 12.000 USD/ sinh viên. Nghĩa là có lợi nhuận…

TS Nguyễn Xuân Đình: Tính thuế, khi trường hoạt động ổn định

Chúng ta nên học cách làm của Trung Quốc, Thái Lan, những nước này có xa xôi gì chúng ta đâu. Họ làm rất thành công. Cái gì người ta làm rồi thì mình cố gắng làm lại. Trường ĐH An Giang thành lập, Nhà nước cho 550 tỉ, trường ĐH Hồng Đức cũng được 570 tỉ, nhiều trường khác còn cao hơn... Vì vậy, ít nhất khi thành lập trường tư thục thì cũng nên được đầu tư 1/2. Và phải tính khi nào trường hoạt động ổn định thì hãy tính thuế.

Ý kiến này vừa dứt, hàng chục vị giáo sư, tiến sĩ và những nhà đầu tư tham dự buổi hội thảo đều nhấp nhỏm hưởng ứng, xì xào… Quả thật, việc xác định mô hình hoạt động ĐH tư thục đang được chuẩn bị hình thành trong nay mai tại Việt Nam cho đến nay vẫn là chuyện “dễ nói nhưng rất khó làm”. Trong khi đó, với sự phát triển tất yếu của xã hội, việc ra đời loại hình ĐH tư thục sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ  xã hội hoá giáo dục ĐH, tạo điều kiện xây dựng một xã hội học tập suốt đời.

TS Lê Tuệ, Trường CĐ Dân lập Công nghệ thông tin TP.HCM, băn khoăn: “Tôi cũng bức xúc về những việc sau: Trước khi xây dựng mô hình ĐH tư thục, chúng ta có tham khảo mô hình của các nước hay không? Nhà nước quản lý như thế nào? Rồi Bộ quản lý ra sao? Tại sao đã dự thảo đến 10 lần rồi vẫn chưa thống nhất một quy chế?”.

Sau khi dẫn giải ngay trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia có đến hàng trăm trường tư thục hoạt động, mà hoạt động hiệu quả cao, TS Tuệ khẳng định: “Việc sớm xác định mô hình hoạt động ĐH tư thục là hết sức cần thiết. Chúng ta không thể cứ đi vòng quanh mãi, vướng mãi vào cơ chế bao cấp này nọ thì không thể đủ lòng tin tưởng để phát triển được!”.

GS Nguyễn Xuân Đình, hiệu trưởng Trường CĐ Dân lập Kỹ nghệ TP.HCM, nói thêm: “Tôi thấy Trung Quốc dứt khoát phát triển giáo dục ĐH tư thục. Phải như vậy mới được.Còn ở ta, tôi thấy lúc đầu thì tư nhân hoá, rồi rụt rè… Đến khi chuẩn bị gia nhập WTO, lại chủ trương cho phép tư nhân đầu tư hoạt động, rồi lại rụt rè!”.

"Miếng bánh" lợi nhuận sao mà gay...

Một trong những vướng mắc lớn trong hoạt động ĐH dân lập và tư thục ở nước ta hiện nay là có được quyền chia lợi nhuận hay không chia lợi nhuận trong quá trình hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó, thực tế còn sờ sờ trước mắt: Điều 17 Luật Giáo dục quy định “Cấm mọi hành vi thương mại hoá hoạt động giáo dục”!

“Đó là cốt lỏi của vấn đề. Chúng ta đừng lan man nói nữa, tập trung giải quyết nó đi! Giải quyết rồi, chúng ta mới nhẹ nhàng đi đứng, làm việc.” - GS Nguyễn Xuân Đình nhấn mạnh như vậy. GS Đình nêu vấn đề cụ thể: "Trường. anh bỏ tiền ra xây dựng. Kết cục là không được… phân chia tài sản thì làm sao. Nếu doanh nghiệp đã bỏ vốn ra làm ăn thì người ta có quyền sở hữu định đoạt và phân chia tài sản của họ. Còn đằng này… Xin Bộ giải thích cho! Bởi nếu vậy thì không ai dại gì bỏ tiền ra cả...".

Thu thuế, nên hay không nên với ĐH tư thục?

Một vấn đề gay cấn khác cũng khiến cho các đại biểu quan tâm đến: ĐH tư thục nên hay không nên nộp thuế. Trước mô hình tư thục là mô hình ĐH dân lập đã mở ra cách đây trên chục năm trời. Ngay khi mô hình ĐH dân lập ra đời và hoạt động, có nhiều người lại liên tưởng đến chuyện… bán thuốc tây. Bởi trong kinh doanh thuốc tây, bất cứ ai được cấp phép hoạt động và cố gắng thuê cho được cái bằng, rồi hẳn nhiên thuê người đứng bán, còn những hệ quả xã hội xảy ra liên lụy như thế nào thì không cần biết đến. Vì vậy, khi “đụng” tới chuyện nộp thuế, ông Cao Xuân Tiến - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hùng Vương bức xúc nói thẳng: “Trong quy định, nói trường ĐH tư thục bình đẳng với các trường công lập, dân lập, bán công về nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường, của giảng viên, của người học… Nếu nói như vậy, trường công lập không nộp thuế thì tư thục cũng phải không nộp thuế chứ?”

Về chủ đề này, GS Phạm Phụ, thành viên của Ban dự thảo Quy chế ĐH tư thục nói rằng ông đã khá… phân vân vì không biết nên dùng từ nào cho chính xác: “lợi nhuận” hay “ phi lợi nhuận”, hay “không vì mục đích cực đại lợi nhuận” trong quy định hoạt động mô hình trường tư thục. Ngay sau đó, ông Lê Hoàng Bình - phó hiệu trưởng, thành viên Hội đồng quản trị Trường ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM đã đứng lên phát biểu:  “Tôi cho rằng, vì từ “lợi nhuận” mà phải chịu đóng thuế thì “từ lợi nhuận” không có chỗ trong giáo dục. Vì vậy, nên thống nhất với nhau cách gọi là… “không lợi nhuận” trong hoạt động trường tư thục” (!?).

Theo ông Bình, trong việc quản lý và sử dụng tài sản, cũng không thể quy định sau 10 đến 15 năm nhà đầu tư có quyền rút số vốn ban đầu, nếu có nhu cầu. Ông nhấn mạnh: "Không thể có khái niệm “rút vốn”, vì làm như thế người ta bỏ vốn ra, rồi “anh” lại cho rút vốn thì chẳng khác nào khi người ta gầy dựng xong xuôi rồi lại… đuổi đi lúc nào cũng được?”. Bên cạnh đó, theo ông Bình, lại càng không thể làm theo dự thảo quy chế đối với trường hợp “trừ vốn”. Ông Bình ví dụ: Khi lập trường, một mét vuông giá vàng 50 "cây". Đến khi trừ vốn, giá vàng lên 70 "cây"/mét vuông thì vốn trừ ra không còn giá trị nữa. Nếu vậy, sẽ không ai dám bỏ vốn ra đầu tư để phát triển trường tư thục.

Cho tới cuối buổi hội thảo, nên hay không nên đóng thuế, nếu đóng thuế thì nên ở giai đoạn nào đối với trường tư thục vẫn còn là những chuyện… bỏ ngỏ.

Đầu tư cơ sở trường lớp, giảng viên: Càng khó so sánh!

Để trường tư thục có được 6-10m2/sinh viên thì ngay cả trường công lập cũng không kham nổi. Trong ảnh: Một phòng thi của trường đại học công lập.

Cùng liên quan đến đồng vốn đầu tư, một trong những trở ngại lớn nhất là đầu tư cho xây dựng cơ sở trường lớp. Với mô hình trường ĐH dân lập trước đây, nhiều trường ngay khi thành lập cũng chỉ vỏn vẹn trong tay vài trăm triệu đồng. Chỉ vài trăm triệu mà trong năm đầu tiên cũng làm “nên hồ nên cháo” cả vài tỉ đồng. Chính vì thực tế đó mà Bộ GD-ĐT lần này dự tính: vốn pháp định (vốn tối thiểu khi thành lập trường) là 15 tỉ đồng; diện tích trường phải đạt từ 6-10m2/ sinh viên, diện tích sàn cho sinh viên học tập từ 3-6m2/sinh viên…

Thế nhưng hầu như các đại biểu không một ai hài lòng với quy định này. Ông Cao Xuân Tiến nêu: “Với quy định 6m2/sinh viên đối với trường tư thục, tôi xin hỏi: Ngay cả các trường ĐH công lập hiện nay liệu đã thực hiện được chưa? Một mét vuông đất ở TP.HCM là hàng chục "cây: vàng. Với hàng ngàn sinh viên thì trường tìm đâu ra đất để thành lập?”.

Về quy định trường tư thục trong năm đầu phải đạt bao nhiêu % đội ngũ giảng viên cơ hữu, rồi sau bao nhiêu năm số lượng này tăng lên…, ông Cao văn Phường (trường ĐH Dân lập Bình Dương) không ngần ngại nói lời chối từ: “Không nhất thiết phải làm như thế. Vì trường tư thục mới thành lập mà buộc có đội ngũ cơ hữu đông thì liên quan đến hợp đồng, bảo hiểm… Không khéo, nếu xảy ra kiện tụng lao động thì càng…khó khăn!”.

Đi sâu vào phân tích bản dự thảo lần 10 này, nhiều giáo sư, chuyên gia giáo dục và các nhà đầu tư vẫn thấy chưa thể yên tâm do còn rất nhiều vấn đề phải tranh luận tiếp. Tuy vậy, ai cũng ý thức được việc phát triển mô hình ĐH tư thục là tất yếu, theo xu hướng phát triển nền giáo dục nước nhà đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Có lẽ vì vậy, mặc dù Quy chế hoạt động ĐH tư thục vẫn chưa tìm được thống nhất trong dự thảo nhưng nhiều nhà đầu tư, những chuyên gia tâm huyết với sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà đã gởi sẵn lên bàn Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhiều hồ sơ xin thành lập trường.

Trương Hiệu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,