,
221
483
Du học
duhoc
/giaoduc/duhoc/
176619
Gia hạn đề án 322 thêm 5 năm
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Gia hạn đề án 322 thêm 5 năm

Cập nhật lúc 11:27, Thứ Sáu, 02/01/2004 (GMT+7)
,

Tại sao phải điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện đề án này? Kinh phí cấp học bổng, phương thức và các tiêu chí tuyển chọn có gì thay đổi...? Ông Phạm Sỹ Tiến - Vụ trưởng, Trưởng ban điều hành các đề án đào tạo tại nước ngoài - để có câu trả lời cho những vấn đề này.

Ông Tiến cho biết:

Lễ ký kết quỹ giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ.

- Bộ GD-ĐT đã xin phép Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện đề án “Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (đề án 322). Theo đề nghị của Bộ GD-ĐT, đề án cần được gia hạn thực hiện ít nhất đến năm 2010, so với kế hoạch là đến 2005. Với đợt tuyển sinh cuối cùng vào năm 2010, đối với đào tạo nghiên cứu sinh cần 4-5 năm/khóa, đề án sẽ kết thúc vào khoảng năm 2014-2015.

- Nhưng thưa ông, tại sao cần phải gia hạn thêm thời gian? Việc gia hạn này có ảnh hưởng tới kinh phí dành cho đề án và số lượng học bổng hằng năm không? 

- Cần điều chỉnh kéo dài thêm thời gian thực hiện đề án 322 vì  trong giai đoạn đầu việc tuyển sinh gặp một số khó khăn khiến hai năm đầu không tuyển đủ chỉ tiêu. Đến thời điểm này, đề án 322 tuyển được 1.737 thí sinh, trong đó có 1.534 thí sinh trúng tuyển đi đào tạo sau ĐH. Hiện mới có 912 lưu học sinh đã được gửi đi đào tạo tại 18 nước.

Mặt khác, hiện ngoài đề án 322 còn có hai chương trình học bổng du học lớn là Quỹ giáo dục dành cho VN (VEF) của Hoa Kỳ và Đề án đào tạo cán bộ KHKT tại Liên bang Nga theo hiệp định xử lý nợ giữa hai nước, đều có thời gian thực hiện đến sau năm 2015. Học bổng của VEF chỉ giới hạn đào tạo trong một số ngành nghề và học bổng xử lý nợ với LB Nga chỉ cho phép đào tạo tại một số trường ĐH nhất định.

Vì vậy Bộ GD-ĐT muốn thực hiện song hành đề án 322 để chủ động trong đào tạo cán bộ KHKT. Chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh trong các lĩnh vực được cấp học bổng. Đối với những lĩnh vực mà VEF và đề án xử lý nợ với LB Nga cấp học bổng, chúng tôi sẽ hạn chế hơn để tập trung cử người đi đào tạo các ngành nghề khác.

Hơn nữa, kinh phí dự kiến chi từ năm 2000 - 2003 là 795 tỷ đồng, nhưng cũng mới chi hết khoảng 1/3. Do đó, việc kéo dài thời gian thực hiện trước mắt chưa ảnh hưởng đến ngân sách dành cho đề án. Về chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, kế hoạch tổng thể của đề án 322 qui định mỗi năm đào tạo 400 người, trong đó có 360 học bổng đào tạo sau ĐH và 40 học bổng đào tạo ĐH.

Để đạt được số lượng này một cách có chất lượng, từ năm 2004 chúng tôi sẽ điều chỉnh thành 210 học bổng tiến sĩ, 175 học bổng thạc sĩ và 55 chỉ tiêu thực tập sinh. Còn số lượng học bổng đào tạo ĐH giữ nguyên.

- Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn cấp học bổng du học bằng ngân sách năm 2004 có gì thay đổi không, thưa ông?

Trong số thí sinh đã trúng tuyển du học của đề án 322, các ngành KHKT chiếm 37,6%, khoa học tự nhiên 14%, kinh tế - quản lý 15%, khoa học xã hội và nhân văn 12,25%, nông - lâm - thủy sản 12,54%, y - dược 6,84%, nghệ thuật 1,8%. Cán bộ các trường ĐH được tuyển chiếm 57,26%, cán bộ các viện nghiên cứu là 20,17% và cán bộ các cơ quan nhà nước chiếm 22,57%.

- Trong ba năm vừa qua, thực tế cho thấy đề án không tuyển đủ chỉ tiêu hoặc nhiều người trúng tuyển vẫn chưa thể đi du học là do một nguyên nhân quan trọng: trình độ ngoại ngữ của thí sinh nhìn chung yếu. Đa số thí sinh sau khi trúng tuyển phải cần bồi dưỡng thêm một năm để nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Vì vậy từ năm 2004 ngoại ngữ sẽ được lấy làm một tiêu chí quan trong tuyển chọn ngay từ đầu. Yêu cầu tối thiểu về ngoại ngữ đối với người đi học tiến sĩ và thạc sĩ là 500 điểm TOEFL hoặc 5,5 IELTS, đối với thực tập sinh yêu cầu phải đạt 450 TOEFL hoặc 5,0 IELTS. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ phối hợp giữa các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nước với các cơ sở đào tạo nước ngoài, tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh chuẩn bị về chuyên môn, ngoại ngữ, phương pháp học tập...

Đối với thực tập sinh sẽ bồi dưỡng ngắn hạn về ngoại ngữ (khoảng hai tháng) trước khi đi nước ngoài. Chúng tôi cũng đang đề nghị các bộ ngành có liên quan cấp kinh phí đầy đủ cho việc bồi dưỡng ngoại ngữ trong nước để đạt chất lượng tốt, cho phép lưu học sinh học ngoại ngữ ở nước ngoài trong khoảng 10 tuần, làm quen với môi trường học tập ở nước ngoài...

- Thưa ông, theo phản ảnh của nhiều lưu học sinh, hiện mức sinh hoạt phí cấp cho họ tại nhiều nước còn quá thấp so với mức sống ở những nơi này. Đề án có xem xét đến việc sửa đổi chế độ này?

- Qua khảo sát của các đoàn cán bộ trong đề án 322 và theo yêu cầu của một số đại sứ quán VN ở nước ngoài, chúng tôi cũng nhận thấy mức sinh hoạt phí đối với một số địa bàn chưa hợp lý. Vì vậy chúng tôi đang đề nghị với Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh tăng mức sinh hoạt phí đối với lưu học sinh trong khuôn khổ đề án ở một số nước.

Mức cấp sinh hoạt phí sẽ cố gắng để tương đương với mức học bổng của các nước cấp cho SV quốc tế. Hiện chúng tôi đang chờ ý kiến của Chính phủ và Bộ Tài chính, có thể mức sinh hoạt phí mới sẽ được áp dụng từ năm 2004. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đề nghị cấp khoản kinh phí mua sách và tài liệu học tập hằng năm cho lưu học sinh. Đối với lưu học sinh tại Nga và Trung Quốc sẽ tính luôn vào tiền sinh hoạt phí; đối với lưu học sinh tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu đề nghị ở mức 200 USD/năm.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,