221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
243937
Phòng Giáo vụ = Nỗi "ám ảnh"?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Phòng Giáo vụ = Nỗi 'ám ảnh'?
,

(VietNamNet) - Cho dù thiếu nhân viên, hay vì công việc quá nhiều… Phòng Giáo cũng cần tôn trọng sinh viên, không thể đối xử với sinh viên như những người đi… xin!

 

Sinh viên… kêu!

 

(Ảnh: N. Hùng)

Nhiều sinh viên nói đùa: Vì là “sinh” viên nên cái “số” thường đi liền với… “xin": xin chuyển điểm, xin hoãn thi, xin thi lại, xin miễn giảm học phí, v.v… Tất cả những cái “xin” này đều liên quan đến Phòng Giáo vụ.

 

Gần 60 sinh viên khoa ngoại ngữ trường ĐH X. tại TP.HCM (xin phép không nêu tên trường) thay vì được thi tốt nghiệp vào ngày… tháng… năm… thì phải chờ đợi thêm ít nhất là bốn tháng nữa mới có thể thi. Lý do: Khi thi vào trường, họ được nghe thông báo nếu học hai trường ĐH, sẽ được chuyển điểm những môn học trùng nhau. Tuy nhiên, khi gần ra trường, một thông báo khác từ Phòng Giáo vụ lại nói rằng họ còn phải học thêm những môn mà họ được chuyển điểm!

 

T.L.T., học ngành Quản trị kinh doanh cũng tại trường ĐH X. này, kể: Mỗi lần đến Phòng Giáo vụ để hỏi những thông báo hay quy chế, sinh viên đều được các nhân viên tại đây trả lời qua loa, hoặc hướng dẫn không rõ ràng. Và điều “cực hình” đối với sinh viên là phải… nghe những lời không mấy nhẹ nhàng ở đây.

 

"Hành" chính với sinh viên

 

(Ảnh: N. Hùng)

Bao giờ, Phòng Giáo vụ cũng giải thích là công việc ở phòng là quá tải, nhân viên thì ít, không đủ người để xử lý tất cả những thắc mắc của sinh viên…

 

Hai sinh viên tên H. và Th., học lớp Anh văn cũng tại trường ĐH X. này, kể: Lần đầu tiên khi họ tới xin bảng điểm, một cán bộ Phòng Giáo vụ hẹn một tuần sau quay lại đây lấy. Đúng hẹn, khi họ đến thì ông trả lời: “Tôi không nhớ. Em lên lầu một hỏi thử xem”. Lầu một lại chỉ xuống gặp… ông. Cứ như vậy, phải ba tuần lễ sau, họ mới có được bảng điểm trong tay! Tương tự như vậy, các sinh viên khi đăng ký tín chỉ, được một vị giáo vụ Khoa Ngoại ngữ trả lời với giọng rất khó nghe. Hỏi lại thì bị… nạt!

 

Một trường hợp khác: Sinh viên V.P có điểm trung bình bốn năm học là 7,5 điểm nhưng lại không được làm luận văn theo quy định, do bị Phòng Đào tạo để… sót!

 

(Ảnh: N. Hùng)

Sinh viên T., Khoa Ngoại thương trường ĐH Y. cho biết: Lần nọ khiếu nại điểm vì giáo vụ Khoa làm lạc mất bảng điểm của anh, cô giáo vụ đã trả lời với thái độ không nhã nhặn, sau đó cũng không giải quyết đúng thắc mắc của anh…

 

Tình trạng nhiều trường mở thêm các hệ tại chức cũng làm cho công việc của Phòng Giáo vụ thêm quá tải. Có những lúc sinh viên vào trường gửi xe xong chuẩn bị vào lớp thì mới nhìn thấy một thông báo nằm “khiêm tốn” ở một góc bảng, đại thể: “Sinh viên lớp A, hôm nay học ở Cơ sở 2”. Một sinh viên nói: Có hôm, thầy trò vào lớp khác học rồi, phải đi lòng vòng, tìm lớp nào trống thì vô học đại. Chuyện này thì… xảy ra như cơm bữa!

 

Không chỉ các sinh viên cảm thấy bị phiền hà mà cả giảng viên cũng cảm thấy ái ngại khi phải làm việc với Phòng Giáo vụ. 17g, sinh viên lớp Luật thi học kỳ thì 14g30, thầy X. còn phải ngồi ở Phòng Giáo vụ để chờ nhận danh sách sinh viên dự thi mà nhân viên Phòng Giáo vụ thì… chưa kịp nhập vào máy tính. Trong thời gian cô nhân viên nhập danh sách thì cứ vài phút lại có một hai sinh viên ra ra vô vô để nhờ xem điểm, xác nhận điểm, chuyển điểm, v.v…!

 

(Ảnh: N. Hùng)

Tâm lý sinh viên thường muốn biết điểm thi sau mỗi kỳ thi học kỳ. Nhiều giảng viên cho biết họ đã chấm điểm, gửi điểm cho trường, nhưng cả một – hai tháng sau vẫn cứ còn bị sinh viên hỏi, bởi văn phòng nói phải chờ thầy chấm bài xong thì mới công bố điểm được...

 

Còn có nhiều thứ khác cần công khai thì không hề thấy Phòng Giáo vụ công khai. Nhiều sinh viên Trường ĐH X. kể: Khi họ vào trường đóng học phí thì trong biên lai đã ghi sẵn “Lệ phí VHTT: 15.000 đồng”. Sinh viên thắc mắc thì được Phòng Giáo vụ trả lời “VHTT là văn hóa thể thao chứ là cái gì. Vậy mà không hiểu hả?”!!!

 

Nên thông cảm?

 

Trường hợp sinh viên V.P. không được làm luận văn (như đã kể ở trên), ông trưởng Phòng Đào tạo của trường nói: “Sự thể đã vậy, bây giờ cũng muộn rồi, chúng tôi sẽ... tự làm kiểm điểm”.

 

(Ảnh: N. Hùng)

Trưởng Phòng Giáo vụ Trường ĐH X. thừa nhận một số cán bộ giáo vụ có những thái độ không nhã nhặn với sinh viên, nhưng ông cho rằng tất cả những thái độ của nhân viên giáo vụ đều không phải hoàn toàn do lỗi của họ. Công việc của Phòng thì nhiều, sinh viên đến thì cứ mong giải quyết công việc của mình ngay, mà thái độ của một số sinh viên cũng không được lễ phép cho lắm. Chính vì thế, họ nổi nóng, nhất là một ngày họ phải tiếp quá nhiều sinh viên.

 

Những trường hợp có số lượng sinh viên đông thì tình trạng “hạch sách” sinh viên ở Phòng Giáo vụ càng nhiều. Chẳng hạn với trường ĐH X., sáu nhân viên giáo vụ phải làm việc với trên dưới 27.000 sinh viên, khiến cho công việc ở đây càng quá tải, nhất là vào những ngày thi cử, tuyển sinh… Thầy C., trưởng Phòng Giáo vụ của một trường ĐH nói: “Sinh viên kêu thì kêu, nhưng cũng nên thông cảm cho chúng tôi”.

 

Lưu Tuấn Kiệt - Đào Nữ Minh Loan  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,