221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1313262
Từ tắc đường của hoa hậu tới "cao su" giờ của SV
1
Article
null
Từ tắc đường của hoa hậu tới 'cao su' giờ của SV
,

- Hoa hậu Ngọc Hân cũng đang là một sinh viên. Việc cô lỡ hẹn với Đại lễ ngàn năm vì tắc đường có nguyên nhân sâu xa là không sắp xếp hợp lý thời gian biểu của mình. Đây là chuyện không hiếm trong giới sinh viên.

Khi hoa hậu “cao su” giờ

SV ngành ngân hàng trong hội chợ việc làm. Với các nhà tuyển dụng, yêu cầu ứng viên chuyên nghiệp từ việc đúng giờ rất quan trọng. Ảnh: Thái Phương
Cho một lời nhận xét về sự việc này, có người chấp nhận, có người trách móc, phê phán. Nhưng phần đông, mọi người đều khó có thể thông cảm cho sự lỡ hẹn của cô gái đang gánh trên vai sứ mệnh hoa hậu.

Bạn Phạm Minh Giang, sinh viên năm 3 Trường ĐH Ngoại thương tỏ rõ ý kiến: "Không thể đổ lỗi cho đường tắc hay bận việc khác mà bỏ lỡ công việc. Ai cũng có thể hình dung được ngày hôm đó đường sẽ đông đến mức nào. Bây giờ khi đã muộn rồi thì mọi lý do đưa ra đều chỉ là bao biện”.

Nhiều bạn đồng tình: Ngọc Hân không chỉ là nhân vật quan trọng của buổi biểu diễn. Cô ấy còn là một hoa hậu, người nổi tiếng. Những lỗi lớn của cô ấy như thế này không thể được giải thích bằng câu “ai cũng có lúc phạm sai lầm.”

Chỉ có thể giải thích, Ngọc Hân đã quá chủ quan với công việc. Cô ấy không thiếu kinh nghiệm vì đã từng là một người mẫu chuyên nghiệp và tham gia không ít sự kiện văn hoá lớn.

Góc nào sinh viên cũng có thể “cao su”

Bài học của một sinh viên - Hoa hậu Ngọc Hân - có trở thành bài học chung của không ít sinh viên hay không?

Thực tế, sinh viên nào cũng cho rằng đúng giờ là rất quan trọng nhưng không ít người chưa bỏ được thói quen “cao su” giờ giấc.

Điển hình nhất là việc đi học muộn. Đây là chuyện bình thường của sinh viên vì hầu hết các thầy cô giáo và nội quy nhà trường đều rất "thoáng".

ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp… có quy định nếu sinh viên đi học muộn 15 phút vẫn được vào lớp bình thường.

Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh viên ĐH Ngoại thương cho biết, chuyện sinh viên ở vào lớp giữa giờ rất phổ biến. Chủ yếu các bạn chỉ bị nhắc nhở và các thầy cô cũng không hạn chế việc đó. Quan điểm để sinh viên tự ý thức vô hình trung làm ý thức đúng giờ của họ kém đi.

Các kiểu làm việc cao su nữa là hẹn giờ làm việc nhóm. Từng là một nhóm trưởng nên Nguyễn Thị Huyền, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thường xuyên phải “leo cây” vì đúng giờ hẹn, chỉ có mình Huyền ở nơi tập trung. Những thành viên còn lại chỉ đến sau 15 - 30 phút hoặc một tiếng nữa.

Rút kinh nghiệm, Huyền thường hẹn các bạn sớm hơn so với giờ mình đến. Thế nhưng, cũng không ít hôm, Huyền phải đợi dài cổ.

Kiểu “hẹn hò” của sinh viên lại càng co giãn đến mức không tưởng tượng nổi.

Một lần nhớ đời của Lê Thị Giang, sinh viên năm 3, ĐHQG Hà Nội là được nhóm bạn cho “leo cây” mỏi chân, mỏi cổ với 3 tiếng đồng hồ chờ đợi.

Hẹn nhau đi chơi lúc 17h nhưng đúng giờ, chỉ có mình Giang ở cổng trường. Đến 18h chiều có thêm một bạn, 18h30 thêm một người nữa và 19h30 tối mới thấy xuất hiện nhóm trưởng! Cố đợi thêm hai người nữa, vậy là 20h tối, nhóm của Giang mới xuất phát được. Mệt mỏi với kiểu đi chơi như thế, Giang cạch hẳn những buổi hẹn hò không ai nghiêm túc.

Cô em gái của Giang thường xuyên để bạn trai phải đợi 1, 2 tiếng là chuyện bình thường. Nếu anh chàng có phản ứng, chỉ cần cái liếc mắt là không dám phản ứng mạnh nữa.

Những “tấm gương” siêu co giãn

Hầu hết sự “thoáng” ở trường ĐH “tiếp tay” cho việc cao su giờ giấc. Nhưng bên cạnh đó, nhiều bạn sinh viên coi trọng giờ giấc rất bất bình khi ngay chính thầy cô giáo còn "cao su" hơn cả mình.

Một sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội kể: Ở trường, có những thầy cô giáo rất “kỳ lạ”! Thầy cô luôn yêu cầu sinh viên phải tuyệt đối đúng giờ, thậm chí chỉ vào sau cô vài bước đã bị xếp hàng cả dãy ngoài hành lang, nghe cô “ca nhạc” và trừ điểm chuyên cần.

Vậy nhưng, có những buổi học, cả lớp phải dài cổ chờ cô đến nửa buổi học. Cô vào lớp, không một lời giải thích.

Lớp của Đặng Thuỳ Trang, ĐH Ngoại thương lại có một thầy hết sức bất công: theo quy định, nếu giảng viên vào muộn 15 phút, sinh viên có quyền ra về. Vậy nhưng, thầy áp dụng ngược lại: thầy được “xí xoá” hoàn toàn, còn sinh viên sẽ phải đứng ngoài nếu chẳng may đến muộn giờ thầy.

Tuy nhiên, bị phạt như lớp của Giang lại khiến các bạn vô cùng ấm ức: đi học muộn, cô giáo phạt nặng bằng việc đứng ngoài nghe giảng, tiếp đó là viết bản kiểm điểm và xin chữ ký của thầy trưởng khoa, cuối cùng sẽ trừ điểm chuyên cần. Những thầy cô giáo thực hiện quy định “thép” như thế thường xuyên bị các bạn nói xấu sau lưng.

Các hoạt động nhỏ ở trường như khai giảng, toạ đàm, chương trình văn nghệ... thường xuyên “đi đầu” trong việc cao su giờ.

“Đúng giờ không chỉ là phép lịch sự mà còn là nguyên tắc rất quan trọng để giữ uy tín của mình trong mắt người khác về trách nhiệm và sự tôn trọng của mình đối với họ. Nếu một vài lần mình trễ hẹn thì những lần sau chẳng ai muốn hẹn hò hay dám giao những công việc quan trọng cho mình nữa.”- Nguyễn Thị Giang, cô bạn từng làm vỡ kế hoạch quan trọng của cả nhóm vì trễ hẹn chia sẻ bài học đáng nhớ.

  • Nguyễn Hường
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,