221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1316703
“Cô thích uống rượu vang đỏ...”
1
Article
null
“Cô thích uống rượu vang đỏ...”
,

- Những năm học đầu cấp 3, người tôi gầy đét như một thanh củi khô, trong khi lũ bạn cùng trang lứa đứa nào củng phởn phơ trổ dáng.

Nguyên nhân cơ bản nhất là nhà tôi nghèo đến mức chẳng có đủ gạo mà ăn. Những chiều được nghỉ học đi làm ruộng, mẹ tôi thường nói: “Con không cố gắng học thì cả đời sẽ gắn với cây lúa như thế này”.

Như một ám ảnh sợ hãi về cái nghèo, tôi lao vào học. Tôi học để sau này không phải làm ruộng nữa, học để tương lai của mình không còn giống mẹ: đói khát và nhịn nhục trước những trận đòn của bố.

Mặc dù thành tích học tập luôn đứng đầu lớp nhưng trong lòng tôi mặc cảm khủng khiếp: mỗi lần đứa bạn thắc mắc tại sao không mặc áo ấm vào mùa đông, tôi lại đỏ mặt xấu hổ; mỗi khi lũ bạn gợi ý đến nhà chơi, tôi lại khéo léo từ chối vì lỡ đâu ở nhà bố uống rượu say, nhìn thấy tôi dẫn bạn về. bố lại chửi; tôi sợ nhiều thứ…Thành ra, dần dần tôi cách xa bạn bè, chúng nó cũng chẳng cần chơi với tôi.

Mô tả ảnh.

Trường tôi có tiếng về kỷ luật học sinh nên mọi thứ đề phải chuẩn. Mỗi lần nhà trường thu tiền nhiều hay ít, chúng tôi cũng phải nộp đúng thời hạn.

Có lần, mẹ chưa kịp vay tiền, tôi không nộp đúng hạn, lớp bị trừ điểm thi đua là cô chủ nhiệm lại trách phạt làm tôi xấu hổ thêm.

Dần dần, tôi cũng sinh ra ác cảm với các thầy cô. Tôi học để không ai nói động đến mình. Vậy mà không hiểu tại sao, các bạn lại bầu tôi làm tổ trưởng.

Chủ nhiệm lớp tôi năm lớp 10 là cô giáo dạy môn Địa. Cô dạy rất hiểu bài, các công việc của lớp cô đều quan tâm sát sao tới từng “mũi kim sợi chỉ”.

Chính vì vậy mà phong trào nề nếp của lớp tôi lúc nào cũng đứng đầu trường.

Nhưng cả lớp đứa nào cũng sợ vì cô quá nghiêm khắc. Mọi vi phạm của chúng tôi ,dù là nhỏ nhất, cũng bị cô phạt bằng nhiều hình thức khác nhau.

Lớp toàn con gái, đứa nào cũng có biết bao tâm sự. Nhưng chưa đứa nào có ý định tìm cô để “tư vấn” như hồi tôi còn học ở cấp 2 trường làng.

Riêng các bạn cán sự thì lại hay đến nhà chơi và được cô rất quý. Tôi thường thấy các bạn bàn nhau tặng cô đôi dép, hộp phấn hay thỏi son….

Buổi họp Tết Nguyên Đán đặc biệt

Hôm đó, cô chủ nhiệm thông báo các cán bộ lớp ở lại để bàn kế hoạch tổ chức chúc mừng các thầy cô nhân dịp tết Nguyên Đán.

Nghe cô thông báo, tôi thấy hơi lạ vì từ trước tới giờ, các giáo viên chủ nhiệm mà tôi học không hề làm việc này. Chúc mừng các thầy cô theo hình thức như thế nào là do lớp tự thống nhất với nhau.

BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC

Buổi họp diễn ra đầy đủ các ban bệ: lớp trưởng, bí thư, lớp phó học tập, các tổ trưởng.

Cô mở đầu:

- Sắp tới là tết cổ truyền. Cô muốn thông qua các em về công tác chuẩn bị để sao cho lớp mình tổ chức chúc tết các thầy cô được trang trọng.

Chưa ai nói gì, cô lại tiếp:

- Các em đã bàn bạc thống nhất kế hoạch với nhau chưa?

Một vài bạn trả lời:

- Thưa cô, chưa ạ!

Cô hơi gắt:

- Đến thời điểm này mà chúng ta chưa chuẩn bị gì là hơi chậm đấy.

Bạn lớp trưởng nhanh ý:

- Thưa cố, chúng em cũng đã bàn qua với nhau thôi nhưng tổ chức như thế nào thì cần sự góp ý của cô để ngày lễ được ý nghĩa.

Cô tươi tỉnh trở lại:

- Được, cô tổ chức buổi này cũng vì việc đó. Rút kinh nghiệm nhiều khóa trước rõ có lòng chúc mừng các thầy cô nhưng vì vụng về nên lại làm các thầy cô phiền lòng. Vậy em đã có ý tưởng gì?

Lớp trưởng trả lời:

- Em mới dự trù kinh phí để mua quà chúc mừng các thầy cô dạy ở lớp thôi ạ. Nhưng em chưa bàn mua quà gì.

Cô gật đầu rất nhẹ, sau đó cô đột ngột quay lại hỏi:

- Theo Trinh thì chúng ta nên mua quà gì cho thích hợp?

Từ trước tới giờ, ngày tết hay 20/11, chúng tôi thường mang hoa và thiếp mừng đến nhà các thầy cô giáo, đó là những bó hoa sặc sỡ mua ở chợ làng được gói bằng rất nhiểu nilông xanh đỏ.

Sau vài lời chúc mừng theo khuôn mẫu chúng tôi túa ra vườn nhà các thầy cô vặt tất cả loại quả gì có thể ăn được, kể cả búp ổi xanh, có thầy cô chuẩn bị sẵn bánh kẹo, chúng tôi đến cùng nhau chén sạch, chẳng ngại ngần gì. Các thầy cô cũng vui vẻ ân cần hỏi chuyện từng đứa, không khí rất thoải mái. Nghĩ vậy, tôi liền trả lời cô:

- Thưa cô, chúng ta chọn mua tặng mỗi thầy cô một bó hoa thật đẹp cùng thiệp mừng.

Các bạn tự nhiên im lặng. Cô chủ nhiệm đột ngột không cười nữa, đổi hẳn giọng:

- Chị tưởng mua được hoa đẹp dễ lắm sao? Ngày tết ai bán hoa cho chị? Hơn nữa, ngày hôm đó bao nhiêu lớp mua, quanh đây lại có ba bốn trường…

Tôi định khẳng định tiếp với cô là có thể mua được hoa, nhưng cái Thu ngồi cạnh cấu vào đùi tôi ra hiệu đừng nói nữa. Tôi im bặt. Thu đứng lên:

- Thưa cô, theo em, chúng ta vẫn mua tặng mỗi thầy cô một bó hoa tượng trưng nhưng kèm với hoa là một món quà thật ý nghĩa ạ.

Cô tươi tỉnh trở lại:

- Được! Em có ý tưởng gì không?

- Thưa cô! Em nghĩ nên mua kèm hoa là một bộ ấm chén uống nước.

Buổi họp tiếp tục bởi bao nhiêu ý kiến khác nhau, người mua cái này, người mua cái nọ. Các bạn quay ra thảo luận sôi nổi với cô. Riêng tôi ngồi im chẳng dám nói gì, cô cũng chẳng hỏi gì đến ý kiến.

Cuối cùng, cô nói với các bạn:

- Cô nghĩ rằng ngày tết, các thầy cô giáo ai cũng có nhiều hoa và quà. Cái khéo của người chúc mừng là nên tìm hiểu sở thích của từng thầy cô rồi sau đó mình mua quà cho có ý nghĩa.

Rồi cô liệt kê ra một loạt sở thích khác nhau của từng giáo viên dạy trong lớp:

Thầy A. thích calavat bằng lụa, cô B. thích đi giày màu trắng, thầy C. thích áo sơ mi kẻ sọc, cô D. thích uống sữa tươi không đường. Còn cô và gia đình thích uống rượu vang đỏ. Tổng hợp chi phí phát sinh tăng gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu của lớp.

Một tuần sau, cô cho bầu lại cán sự. Bạn Hường được sử làm tổ trưởng thay tôi, các cán sự khác vẫn giữ nguyên.

Đã 15 năm trôi qua, tôi đã thành đạt, cô cũng đã nghỉ hưu. Tuy vậy, buổi họp hôm đó vẫn ám ảnh tôi như một kỷ niệm buồn.

Tôi buồn cho sự quê mùa của mình ngày đó. Tôi buồn khi nhớ nét mặt của mẹ tất tả sang nhà hàng xóm vay một bao thóc và bán vội đi để cho tôi có tiền kịp đóng quỹ lớp. Và hình như có một nỗi buồn nào đó nữa mà tôi không thể lí giải được.

  • Ngọc Trinh

**************

Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Bài được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,