Ngô Bảo Châu và thời cơ mới cho Toán học Việt Nam?

Cập nhật lúc 06:13, 28/07/2010 (GMT+7)

- VietNamNet xin giới thiệu nguyên văn bài viết của GS. Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và GS. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học nhận định về khả năng GS. Ngô Bảo Châu có đoạt Giải thưởng Fields và tương lai Toán học Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Ngô Bảo Châu - Ứng cử viên "nặng ký" cho giải thưởng Fields

GS Ngô Bảo Châu là một nhà toán học trẻ, nhưng đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu toán học đặc biệt xuất sắc, được thế giới ca ngợi.

Anh là học sinh Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1988 ( khi mới 16 tuổi ) và 1989. Sau 15 năm gần như “ẩn dật”, dành toàn bộ thời gian miệt mài học tập và nghiên cứu toán học tại Paris, năm 2004, tên anh xuất hiện trở lại trên báo chí ngày càng dồn dập hơn, với những thành tích ngày một lớn hơn và bất ngờ hơn! Và không chỉ trên báo chí Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới!

Ngo Bao Chau 1.jpg
GS. G.Laumon và học trò Ngô Bảo Châu

GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh là người con duy nhất của GS.TSKH Ngô Huy Cẩn ( Viện Cơ học, Viện KH-CN VN ) và PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền ( Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ).

Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố GS, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu ( 23/7/1910-23/7/2010 ) có mời anh tham dự, nhưng rất tiếc anh không dự được vì đã có kế hoạch từ trước đi báo cáo khoa học, giảng bài và gặp gỡ các nhà khoa học tại Bắc Kinh trong một tuần.

Chúng tôi muốn nhắc đến tên GS Tạ Quang Bửu ở đây vì ông đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng toàn dân ta, cho sự phát triển giáo dục đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học và góp phần quan trọng đào tạo ra nhiều thế hệ các nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam, trong đó có GS Ngô Huy Cẩn, GS Ngô Bảo Châu, …

Năm 2004 GS Ngô Bảo Châu đã được trao Giải thưởng Toán học Clay danh giá cùng với GS G. Laumon. Năm 2006, anh được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha).

Như vậy anh là người Việt Nam thứ ba có vinh dự này. Trước anh là hai GS người Việt Nam ở nước ngoài, đó là GS. F. Phạm và GS. Dương Hồng Phong.

Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.

Tháng 6 vừa qua, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie), dày 169 trang, đã được chính thức công bố trên tạp chí Publications Mathématiques de L’IHÉS, do NXB Springer phát hành.

Không đầy một tháng nữa, anh được mời đọc báo cáo toàn thể tại Đại hội Toán học thế giới, tổ chức tại Ấn Độ, từ ngày 19 đến 27/8. Với hàng loạt kỳ tích nêu trên, anh là một ứng cử viên nặng kí cho Giải thưởng Fields năm nay.

Mặc dầu vậy, anh vẫn rất dè dặt và khiêm tốn khi nói về điều này: “Các Đại hội Toán học thế giới từ trước đến nay, đa số nhà khoa học dưới 40 tuổi được mời báo cáo toàn thể ở Đại hội đều được trao Giải thưởng Fields tại Đại hội đó. Lần này chỉ có hai nhà khoa học, tôi và một người Brazil, dưới 40 tuổi được báo cáo tại phiên toàn thể “.

Trong 70 năm qua (1936 – 2006), cả thế giới có tất cả 48 nhà toán học được trao Giải thưởng Fields. Năm nay, có hai người dưới 40 tuổi là Ngô Bảo Châu và một người Brazil trong tổng số 20 người được báo cáo tại phiên toàn thể của Đại hội Toán học thế giới.

Người ta thường ví Giải thưởng Fields như là Giải thưởng Nobel trong Toán học, bởi vì theo di chúc từ năm 1901 của người sáng lập Thụy Điển A. Nobel, Giải thưởng Nobel không dành cho Toán học. Thế nhưng Giải thưởng Fields lại chỉ được trao cho những thiên tài toán học phát lộ sớm, vì điều kiện tiên quyết của nó là chỉ trao cho những người không quá 40 tuổi vào năm trao giải.

Cứ bốn năm một lần, Giải thưởng được trao tại các kì Đại hội Toán học thế giới và mỗi lần có không quá 4 người được nhận. Như vậy, tính bình quân, mỗi năm có tối đa một người được nhận Giải thưởng.

Trong 70 năm qua, 1936 – 2006, cả thế giới có tất cả 48 nhà toán học được trao Giải thưởng Fields. Mới chỉ có 11 nước vinh dự có công dân của mình đạt Giải thưởng Fields. Đó là: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Phần Lan, Italia, Thụy Điển, Đức, New Zealand và Úc, trong đó chỉ có 3 người có quốc tịch Châu Á, đều là người Nhật và có hai người gốc Hongkong-Trung Quốc là Shing-Tung Yau ( Quốc tịch Mỹ ) và Terence Tao ( Quốc tịch Úc ) đã được trao Giải thưởng Fields.

Năm nay Ban Giải thưởng Fields đã quyết định chọn 4 người để trao Giải thưởng, nhưng tên cụ thể còn hoàn toàn bí mật. Ngô Bảo Châu năm nay 38 tuổi.

Với những kì tích được cả giới toán học thế giới ngưỡng mộ, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng Ngô Bảo Châu sẽ là một trong 4 cái tên danh giá sắp tới.

Và nếu vậy thì Việt Nam sẽ không chỉ nằm trong Top 10-15 Olympic Toán phổ thông quốc tế mà còn nằm trong Top 11-12 nước của thế giới được nhận Giải thưởng Fields.

Ngày 19/8/2010 sắp tới, tại phiên khai mạc Đại hội Toán học thế giới tại Hyderabad, Ấn Độ, chúng ta sẽ được biết điều bí ẩn khát khao đó.

Cuộc tiếp thân mật và cảm động

Ngô Bảo Châu về nước đầu tháng 7 vừa rồi với hai mục đích: thăm gia đình và làm việc. Thế nhưng, với lịch làm việc dày đặc, thời gian còn lại của anh dành cho bố mẹ, họ hàng, người thân và bè bạn rất ít.

Anh phải tập trung hoàn thiện bản báo cáo toàn thể tại Đại hội Toán học thế giới. Anh đã đến nói chuyện tại Trường hè sinh viên do Viện Toán học tổ chức.

Anh lại còn phải sang Bắc Kinh giảng bài và gặp gỡ các nhà khoa học một tuần. Giữa tháng 8, anh lên đường sang Ấn Độ. Vì vậy, chuyến trở về của anh được giữ khá kín, ít người được biết.

Mô tả ảnh.
Cuộc trò chuyện thân mật giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước với GS.Ngô Bảo Châu

Nhân dịp về thăm gia đình và làm việc tại Việt Nam, ngày 21/7/2010, GS. Ngô Bảo Châu đã được GS. Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN), tiếp và mời dự bữa cơm trưa thân mật.

Chúng ta còn nhớ, sau khi được phong GS của Trường Đại học Paris 11 năm 2004, khi 32 tuổi, một năm sau anh được HĐCDGSNN phong đặc cách GS Việt Nam. Chủ tịch HĐCDGSNN lúc đó là GS Phạm Minh Hạc. Và cho đến nay anh là người trẻ nhất được phong GS ở Việt Nam, năm 33 tuổi.

Cùng dự buổi tiếp còn có GS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hai thành viên thường trực của HĐCDGSNN: GS Bành Tiến Long, Phó Chủ tịch, GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư kí và PGS. Đỗ Tất Ngọc, Chánh Văn phòng. GS. Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, GS. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam và PGS. Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội. GS. Ngô Bảo Châu nguyên là học sinh Trường Thực nghiệm Giảng Võ của GS. Hồ Ngọc Đại, Trường THCS Trưng Vương và Trường THPT chuyên Toán-Tin (ĐH KHTN, ĐHQGHN) và sinh viên École Normale Supérieure ( Pháp ).

Bắt đầu cuộc gặp gỡ thân mật, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chúc mừng thành tích khoa học đã đạt được của GS Ngô Bảo Châu và hi vọng anh sẽ được trao Giải thưởng cao quí sắp tới.

Đáp lại lời chúc mừng, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ niềm xúc động khi được HĐCDGSNN tiếp đón và làm việc. Sau khi tóm lược hai ba câu về kết quả nghiên cứu Toán học của mình, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ nguyện vọng được cống hiến cho sự phát triển Toán học Việt Nam nói riêng và nền khoa học Việt Nam nói chung, ở một mức độ cao hơn và hiệu quả hơn, so với những hoạt động giảng dạy trực tiếp mà bấy lâu nay anh vẫn tích cực tham gia, mỗi khi có điều kiện về nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho GS. Châu và những nhà khoa học xuất sắc khác là người Việt Nam ở nước ngoài, như hộ chiếu đặc biệt, nhà ở, điều kiện nghiên cứu khoa học, phương tiện đi lại...

Hoan nghênh và đáp lại nhiệt tình của GS. Ngô Bảo Châu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng, thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ sẽ làm hết sức để tạo điều kiện tốt nhất cho GS. Châu và những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, sức lực và thời gian để phát triển Toán học và khoa học Việt Nam.

Như một minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ, GS. Nguyễn Thiện Nhân nhắc tới Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Toán học Việt Nam soạn thảo (mà ông là Trưởng ban chỉ đạo), cùng với ba thành viên khác nữa là GS. Đào Trọng Thi, GS. Hoàng Văn Phong và Ông Nguyễn Việt Hồng. Chương trình có Ban cố vấn gồm GS. Hoàng Tụy, GS. Đặng Đình Áng, GS. Nguyễn Khoa Sơn và GS. Lê Dũng Tráng ( Việt kiều tại Pháp ).

Ban soạn thảo Chương trình gồm 10 GS: Trần Văn Nhung, Lê Tuấn Hoa, Nguyễn Lê Hương, Phạm Kỳ Anh, Hoàng Ngọc Hà, Phan Quốc Khánh, Phạm Thế Long, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Văn Ngữ và Ngô Việt Trung.

Sau khi đánh giá chung về thực trạng Toán học ở Việt Nam, khu vực và trên thế giới, Chương trình nêu rõ một số giải pháp mang tính chất đột phá, nhưng khả thi, nhằm đưa Toán học Việt Nam ở tất cả các cấp độ, từ trung ương đến địa phương, từ lý thuyết đến triển khai ứng dụng, phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển của khoa học, kinh tế và an ninh, quốc phòng của nước ta.

Làm gì để phát triển Toán học Việt Nam?

Khi vào phần chính của câu chuyện, GS. Nhân, GS. Châu và những người tham dự tập trung vào các giải pháp cơ bản của dự thảo Chương trình. Một trong những điểm then chốt của Chương trình là thành lập một Viện Nghiên cứu và Đào tạo cấp cao về Toán.

Mô tả ảnh.
Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng toán học Clay. Ảnh: sưu tầm.

Một trong những mô hình có thể tham khảo cho viện kiểu mới này chính là Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (IAS, Mỹ), nơi GS Ngô Bảo Châu được mời tới làm việc từ năm 2007 cho tới nay. Chính tại nơi đó, GS Ngô Bảo Châu đã tìm được ý tưởng đột phá để giải quyết thành công và sau đó hoàn thiện công trình để đời của mình: Chứng minh “Bổ đề cơ bản”.

Có điều rất thú vị là chính A. Einstein đã từng làm việc tại đây. Cũng tại IAS này, sau 7-8 năm liên tục theo đuổi, A. Wiles ( nhà toán học người Anh ) đã giải quyết hoàn toàn Bài Toán cuối cùng của Fermat, một giả thuyết vô cùng hắc búa đã thách đố loài người suốt ba thế kỷ rưỡi. IAS là viện Toán học số một thế giới. Nó là một khuôn mẫu hay để thúc đẩy phát triển Toán học. Do vậy nhiều nước sau đó đã lập những viện tương tự như IHES của Pháp, Viện Toán Max-Planck của Đức, RIMS của Nhật, KIAS của Hàn Quốc, …

Với “biên chế" và chi phí rất ít, Viện này sẽ là nơi để giảng viên toán các trường đại học, các tân tiến sĩ toán, … thỉnh thoảng đến trong một thời gian ngắn để tập trung triển khai những ý tưởng nghiên cứu của mình. Viện sẽ là nơi giao tiếp giữa các nhà toán học Việt Nam thuộc nhiều thế hệ ở trong nước và ngoài nước, trong đó có những nhà toán học xuất sắc cao niên như GS Hoàng Tụy, trẻ trung như GS Ngô Bảo Châu và rất nhiều tài năng khác.

Bằng hình ảnh dễ hiểu nhưng khá chính xác, GS Bộ trưởng Phạm Vũ Luận so sánh cơ chế hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán như Trường viết văn Nguyễn Du

Bằng hình ảnh dễ hiểu nhưng khá chính xác, GS Bộ trưởng Phạm Vũ Luận so sánh cơ chế hoạt động của Viện như Trường viết văn Nguyễn Du, nơi đã góp phần đào tạo và nuôi dưỡng bao nhiêu nhân tài văn học của nước nhà.

Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng GS Ngô Bảo Châu đã có 17 năm học tập và làm việc tại các trường nổi tiếng của Pháp: ĐH Paris 13, ĐH Paris 11. Anh đã làm việc gần 4 năm tại IAS Princeton. Đã từng làm việc khá lâu tại IHES của Pháp, Viện Toán Max-Planck của Đức. Đã đến báo cáo khoa học tại nhiều viện và trường nổi tiếng của thế giới.

Như vậy, anh không chỉ có một vị thế và uy tín khoa học rất cao, mà còn trực tiếp học hỏi được kinh nghiệm điều hành của các trung tâm toán học thế giới. Kinh nghiệm của anh sẽ rất có giá trị trong việc triển khai hoạt động của Viện Nghiên cứu và Đào tạo cấp cao về Toán, cũng như toàn thể Chương trình phát triển Toán.

Kết thúc buổi tiếp thân mật, GS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong một ngày gần đây sẽ có dịp trao trọng trách cho GS Ngô Bảo Châu và hy vọng anh sẽ đóng góp ngày một nhiều cho nền khoa học của nước nhà.

GS Nhân cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT, HĐCDGSNN phối hợp với các cơ quan hữu quan, như Bộ Ngoại giao, Bộ KH-CN, Bộ Tài chính, Văn phòng CP, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho GS Châu và những nhà khoa học xuất sắc khác là người Việt Nam ở nước ngoài, như vấn đề hộ chiếu đặc biệt, nhà ở, điều kiện nghiên cứu khoa học, phương tiện đi lại,…

Điều đáng lưu ý là nhiều nhà toán học và khoa học Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài, trong đó có GS Ngô Bảo Châu, vẫn giữ quốc tịch và mang hộ chiếu Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ giao trọng trách GS. Ngô Bảo Châu về Toán học trong một ngày gần đây.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ giao trọng trách cho GS. Ngô Bảo Châu về Toán học trong một ngày gần đây.

Sau gần 2 giờ trao đổi thân mật, mọi thành viên tham dự đều thấy buổi tiếp của GS Chủ tịch HĐCDGSNN rất thú vị, hiệu quả và tin tưởng vào một sự khởi đầu tốt đẹp.

Toán học Hàn Quốc vào những năm 70 không hơn gì Toán học Việt Nam, nhưng bây giờ đã vượt xa chúng ta, trở thành điểm tựa cho sự phát triển khoa học và công nghệ của Hàn Quốc.

Theo đánh giá bước đầu của Ban soạn thảo, nền toán học Việt Nam hiện nay vẫn đang chiếm vị trí khiêm tốn thứ 50 đến 55 trên thế giới.

Với sự quyết tâm của Chính phủ, sự cố gắng của toàn thể cộng đồng các nhà toán học Việt Nam ở trong và ngoài nước và sự đóng góp của những ngọn cờ đầu như GS Ngô Bảo Châu, chúng ta sẽ cố gắng giảm nhanh khoảng cách với các nền Toán học như Hàn Quốc.

Chúng ta cũng không nên quá say sưa với thành tích đã đạt được ở bậc dưới là các Huy chương Olympic Toán PT quốc tế từ năm 1974 đến nay, và ở bậc trên cùng là Giải thưởng Fields ( nếu có ), mà còn phải tiếp tục phấn đấu tiến tới, vì ngay các nước trong khu vực, như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, …họ cũng rất quyết tâm và vượt lên rất nhanh. Quyền tự hào của mỗi cá nhân và dân tộc là chính đáng, nếu nó hợp lý và có cơ sở!

Các tác giả bài viết này là những người làm toán nên mới chỉ đề cập đến toán học Việt Nam. Các ngành khoa học và công nghệ khác của đất nước chúng ta, như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Y học, …, với nhiều nhà khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước, khi được Chính phủ quan tâm, đầu tư, cũng sẽ phát triển nhanh chóng và có triển vọng to lớn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

  • Trần Văn Nhung - Lê Tuấn Hoa

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Khán giả VNN, VTC, 18:09, 08/08/2010

Đọc xong thấy khó hiểu quá. Hiểu được đại ý là Ngô Bảo Châu có khả năng được 1 giải tương đương với giải Nobel.

Vũ Đình Dương, Hà Nội, 20:25, 07/08/2010

Tôi thấy đây là một vinh dự cho Việt Nam kể cả khi GS Châu có đạt giải Field hay không. Tôi không đồng ý với ý kiến của yuu yuu. Tôi thấy bạn nên xem xét lại những ý kiến của mình và góp ý sao cho có văn hóa.

vuong manh linh, hai duong, 04:57, 07/08/2010

Chúc anh luôn khỏe mạnh, vui vẻ và đạt được nhiều thành công hơn nữa.

yuu yuu, Viet Nam, 14:30, 04/08/2010

Tôi không có ý kiến gì về bài báo này. Đây là bài báo được viết bởi 2 nhà toán học mà tôi khá ngưỡng mộ,
Trong bài báo trên có nhắc đến 1 nhà toán học mà tôi có hiểu biết ít nhiều: Terence Tao, Gs Tao sinh ra ở Uc, làm việc ở Mĩ, mang 2 quốc tịch Uc-MĨ, nói chung từ lúc sinh ra đến khi nổi tiếng Gs còn không thể viết nổi quá 10 chữ Trung Quốc, thế nhưng nếu vô tình bạn đọc báo Trung Quốc trong giai đoạn 2006 đến nay, bạn sẽ phải bất ngờ vì tưởng vị giáo sư này là đứa con "ruột" của toán học Trung Quốc, ...vì thế bài báo của 2 vị giáo sư trên là hoàn toàn bình thường.

Lễ trao giải của Field medal sẽ được diễn ra gần với ngày kỉ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, tôi đang chờ đợi 1 bài báo của 1 nhà báo chuyên nghiệp với một nội dung hoặc tiêu đề buồn cười như: Rồng thiêng Thăng Long phù hộ độ trì cho nhà Toán học Việt Nam giành đc Nobel toan hoc( hay đại loại thế....hahaha.)

Nguyễn Lê Nguyên, 12:25, 03/08/2010

Vinh danh những con người làm rạng danh Tổ quốc! Nhưng 2 tác giả là giáo sư mà viết như vậy thì tôi...bó tay.

Có phải GS Châu là sản phẩm của nền toán học Việt Nam không mà vô tư đưa Việt Nam đi so sánh với các quốc gia khác? .

Trường, 21:54, 02/08/2010

Tôi muốn góp ý với bạn một vài ý, có gì bạn bỏ qua:
-Prize chứ không phải price.
-Giải Fields không được biết đến rộng rãi không phải vì tầm của nó không bằng Nobel, chỉ vì các công trình đoạt giải khó có thể nói một cách dễ hiểu với đại chúng, còn về vinh dự thì có thể có phần hơn, vì 4 năm mới có 1 lần, dưới 40 tuổi. và vì toán học đã phát triển một mức quá cao nên chọn lựa là rất khó.
Tôi cũng đồng ý với bạn về cách viết của ông Nhung, báo chí vào cuộc đã làm lệch lạc cách nhìn về Fields và GS.Châu. Giả sử GS.Châu không có giải, báo chí lại mổ xẻ lệch lạc hơn nữa. Việc đạt giải Fields là một vinh dự chứ không phải nghĩa vụ, nếu sau này GS.Châu tiếp tục có những công trình lớn nữa thì cơ hội đễ Toán học VN phát triển là rất lớn. Các nhà toán học họ nhìn vào công trình chứ không chỉ nhìn vào giải Fields.

nguyen luan, ha giang, 20:10, 02/08/2010

Tôi cũng là một người đam mê toán học.

Từ rất nhỏ tôi đã từng học các trường chuyên lớp chọn đã tham gia nhiều giải thi toán trong nước từ cấp trường huyện tỉnh và quốc gia.

Tuy nhiên việc học toán ngiên cứu toán học gúp bản thân suy nghĩ tư duy hơn.

Hiên nay tôi là một nhà quản lý kinh tế nhưng tôi vẫn nghiên cứu toán học theo niềm đam mê.

Giáo sư Ngô Bảo Châu là một nhà toán học tuy nhiên trình độ toán học của anh không phải được đào tạo toàn bộ từ trong nước mà ở nước ngoài từ các viện nghiên cứu ở nước ngoài.

Tôi ngĩ anh chưa đào tạo được một hoc sinh, sinh viên nào tại Việt Nam. Nếu có thể, anh còn yêu và trân trọng quê hương anh thì anh nên về Việt Nam cùng các GS trong nước xây dựng một Viện hoặc (một trung tâm ngiên cứu toán học) nhờ những kinh nghiệm quản lý tại các viện toán mà anh đã từng tham gia. Còn nếu anh có nhận được giải thưởng gì trên thế giớ thì việc xếp hạng toán học của Việt Nam cũng không thể tăng lên hơn được.

Trình độ toán của người Việt Nam cũng không tăng lên được nếu các GS toán trong nước ta vẫn còn ưa hình thức như tác giả bài viết. Ông có biết ở các vùng cao núi đá phía bắc việt nam các cháu còn đang phải học lớp ghép không. còn bao nhiêu giáo viên đang dứng trên bục giảng mà trình độ được đào tạo từ trương trình xóa mù chữ không ?

Còn bao nhiêu học sinh cấp 2; 3 còn chưa biết cộng trừ nhân chia do ngồi nhầm lớp và giáo viên đứng nhầm lớp chưa. Theo thiển nghĩ của tôi trình độ toán học là trình độ toàn dân chứ cá nhân một con người được đào tạo nghiên cứu ở nước ngoài lại làm cho trình độ toán học cả một dân tộc được nâng lên để xếp hạng với thế giới thì thật buồn cười.

Mong các GS có tâm huyết với dân tộc hãy xem xét khi viết lách như thế nào để những người yêu toán chúng tôi hiểu được. Chứ viết như trên thì khó hiểu quá. Khó hiểu GS VIệt Nam quá!

Nguyễn Hoàng Hưng, Thanh Xuân, Hà Nội, 13:28, 02/08/2010

GS Ngô Bảo Châu có được thành tích như ngày hôm nay, nhờ phần lớn thời gian học tập (21 năm tính từ năm 1989 khi sang Pháp để học tại Đại học Paris 6), bản thân anh có 2 quốc tịch Việt Nam và Pháp chứ không phải là duy nhất quốc tịch Việt Nam.
Việt Nam tham gia các kỳ thi toán quốc tế từ năm 1974 đến giờ và hầu như chưa bao giờ nằm ngoài Top 10 với rất nhiều thế hệ đạt huy chương vàng. Những người đó bây giờ làm gì và có đóng góp gì cho nền toán học Việt Nam và Thế Giới???
Toán học là con đường để đạt được các thành tựu của khoa học và công nghệ phục vụ cho sự phát triển sản xuất của một xã hội, chứ không phải đạt được các giải cao về toán học là mặc nhiên coi có nền tảng trí tuệ cao.
Liệu chúng ta có để ý và so sánh sự khác nhau giữa con đường dẫn để đạt một chiếc huy chương vàng Toán học của một học sinh Việt Nam và một học sinh ví dụ như Mỹ chẳng hạn???

Huỳnh, Thái Nguyên, 22:13, 31/07/2010

Tôi đã từng nghe tên tuổi anh Châu khi còn đang là HS phổ thông. Qua bài báo này tôi hiểu rằng bài báo muốn nói tới sự quan tâm của Đảng với nhà nước trong thời điểm hiện nay với những tài năng trẻ.

Hy vọng rằng, Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài cho đất nước. Một mình anh Châu có thể không làm lên khu rừng, nhưng nếu có nhiều người hợp tác với anh Châu tôi nghĩ nền KH Toán học của chúng ta sẽ phát triển.

Theo tôi, nền KHKT của chúng ta có phát triển đươc không phải có một cuộc cách mạng thực sự trong cơ chế, chính sách đãi ngộ, sử dụng nhân tài.

Quang Minh, Hanoi, 10:56, 30/07/2010

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của một số bạn nhận xét về bài viết này.

Không ai phủ nhận tài năng của anh Châu, nhưng tôi nghĩ rằng cũng đừng tô vẽ anh Châu như một thiên tài hay một vĩ nhân Việt Nam.

Trong một xã hội còn trọng bằng cấp như ở Việt Nam thì bài viết trên của Giáo sư Nhung sẽ tạo cảm giác ảo tưởng rằng chúng ta đang có trình độ cao về khoa học cơ bản và ứng dụng, rằng chúng ta sẽ ở tốp bao nhiêu nước về đỉnh cao toán học v.v. và v.v.

Xin đừng vẽ viễn cảnh như vậy.

Đã đến lúc, ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật để hiểu tố chất của người Việt Nam phù hợp với việc phát triển khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng.

Đừng lấy một ví dụ về anh Châu mà tự huyễn hoặc mình, hoặc tự huyễn hoặc cả một nền giáo dục.

Thật buồn khi đọc dòng viết: "Và nếu vậy thì Việt Nam sẽ không chỉ nằm trong Top 10-15 Olympic Toán phổ thông quốc tế mà còn nằm trong Top 11-12 nước của thế giới được nhận Giải thưởng Fields."

Tư duy của những người làm lãnh đạo giáo dục cấp cao mà còn như vậy thì làm sao mà có thể tạo ra một nền giáo dục phát triển được.

Cuối cùng, tôi chỉ xin góp ý với Giáo sư Nhung một số điều nhỏ nhặt:

- Đừng quá đề cao ý nghĩa của Field Price để làm tăng tầm ảnh hưởng đến những kế hoạch phát triển thiếu thực tiễn khác cho nền toán học Việt Nam.

Giải Field là một trong những giải cao quý nhất của những nhà toán học, nhưng theo thiển nghĩ của tôi, nó chưa mang được tầm của giải Nobel (cả về ý nghĩa khoa học lẫn vật chất).

Người sáng lập giải, John Charles Fields, mong muốn giải thưởng công nhận sự đóng góp to lớn của các nhà toán học trẻ tuổi (U40) trong lĩnh vực toán học. Vì vậy đó không phải là một giải thưởng dành cho các thành tựu trọn đời của các nhà toán học. Điều đó dẫn đến việc bỏ sót các nhà toán học lớn khác mà công trình tốt nhất, có giá trị khoa học nhất của họ được hình thành trong giai đoạn sau 40 tuổi. Theo tôi được biết thì một giải thưởng toán học khác tương tự như giải Nobel (cả về cách thức lựa chọn và giá trị vật chất của giải) đó là Giải Abel (Abel price).

- Đừng quá đề cao thành tích của anh Châu mà quên mất một điều rằng Việt Nam chúng ta, trong đó có các doanh nghiệp làm sản xuất các sản phẩm công nghiệp như chúng tôi, rất cần một nền khoa học ứng dụng phát triển, chứ không phải là những giải thưởng Olympic Toán học phổ thông hay Field và thậm chí là Nobel nếu như chúng không mang tính ứng dụng vào thực tiến.

Có thể có người sẽ phản đối tôi vì cho rằng tầm nhìn của tôi là ngắn và tủn mủn. Nhưng xin thưa rằng sự thật là như vậy. Trước mắt, với tố chất tự nhiên, với cách thức giáo dục hiện tại của chúng ta, xin đừng nghĩ nhiều tới tàu bay, tàu vũ trụ.

Chúng tôi những người làm sản xuất sẵn sàng trả chi phí nghiên cứu cho các nhà khoa học hàng đầu của chúng ta chỉ để có thể chế tạo công nghiệp loại thép chịu nhiệt làm pittong cho động cơ xe máy.

Câu trả lời là: có thể làm ra, nhưng chi phí sản xuất cao gấp hàng chục lần so với nhập linh kiện cùng loại từ Trung Quốc, và chúng tôi không đủ khả năng bù lỗ cho chi phí sản xuất trong nước cao như vậy.

Thưa GS Nhung, tôi viết những dòng này không phải là để phản bác ông, mà ngược lại, đất nước này rất cần những người giỏi và có tâm như anh Châu, nhưng một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân, một cây đại thụ không làm nên một cánh rừng.

Hãy nhìn vào thực tiễn cuộc sống để hiểu chúng ta cần tuyên truyền cho cái gì và thực sự cần phải phát triển cho cái gì.

Tôi không nhìn thấy Hàn Quốc, Iran, Malaisia, Singapore, Australia thậm chí Bắc Triều Tiên trong danh sách Top Field price nations của ông.

Nhưng có lẽ hiếm người nghĩ rằng nền toán học của họ ở trình độ thấp hơn ta vì một lẽ đơn giản thôi: từ lâu họ đã tự chế tạo được ô tô, máy bay, tên lửa hành trình, tàu ngầm còn chúng ta chưa tự làm nổi 100% cái xe hai bánh gắn máy mà có lẽ 10-15 năm nữa cũng không còn mấy người dùng, giống như xe đạp ngày xưa.
Trân trọng chào ông.

Vinh Hòa, Nha Trang, 21:41, 29/07/2010

Mong sao VN ta có thật nhiều người tài giỏi để làm rạng danh đất Việt và góp phần phát triển đất nước, để “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”. Nhà nước cần phải có những chính sách cụ thể, có hiệu quả để phát triển nhân tài và tận dụng người tài trong và ngoài nước.

NGUYỄN ANH, HA NOI, 21:40, 29/07/2010

Đọc hết bài viết, tôi hoàn toàn đồng ý với anh Nguyễn Nam Định là hai tác giả (là các nhà toán học Việt Nam) đang "làm toán ngược". Với quy trình này thì làm sao toán học Việt Nam có thể trong Top 10-15 hay Top 11-12 được nhỉ?!

GS Châu giờ là người Pháp rồi (xemthêm: http://smai.emath.fr/IMG/pdf_ICM-L1v3l.pdf), nhưng hy vọng anh vẫn giử quốc tịch Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương.

Chúc GS Châu và Gia đình sức khoẻ.

abenythq, Bình Dương, 08:42, 29/07/2010

Chia sẻ niềm vui với GS Ngô Bảo Châu

Nguyễn Nam Định, Hà nội, 08:38, 29/07/2010

Không biết liệu với các làm như trên (khi có người thành đạt chúng ta vời về phong chức tước, nhưng hệ thống, cơ chế làm việc vẫn nằm trong cái chung hiện tại) thì cuối cùng sản phẩm có lại trở về như những Lê Bá Khánh Trình hay như bao tài năng trẻ trước đó. Sau những hào quang ở nước ngoài, về nước ... Rồi cái gì sau đó chúng ta tất đều đã biết.
Xin được nói thêm với hai tác giả: đúng là các anh (chị?) làm toán. Nhưng cách diễn đạt trong bài viết trên làm người đọc có cảm nghĩ các anh/chị thích làm toán ngược.
Xin đa tạ tòa soạn đăng tải.

Nguyễn Việt Nam, Thüringen, Deutschland, 04:02, 29/07/2010

Tài năng của giáo sư Ngô Bảo Châu thì quá là tuyệt vời và đã được quốc tế công nhận ở đỉnh cao.

Tuy nhiên, tôi thấy ngành Toán học Việt Nam "vơ vào mình" kiểu "thấy người sang bắt quàng làm họ" như thế này thì quả là điều đáng bàn.

Giáo sư Ngô trưởng thành và thành danh ở ngoài Việt Nam; giống như một hạt giống tốt nẩy mầm tại Việt Nam và sau đó được bứng trồng sang đất nước khác, được các Giáo sư nước ngoài hướng dẫn và tạo điều kiện rất tốt để phát triển khả năng của mình.

Nay Giáo sư thành danh thì công đầu sẽ không thuộc về ngành toán học Việt Nam vốn đã ngày càng tụt hậu so với các nước mà trước đây còn kém ta (ví dụ như Hàn Quốc, Thái Lan, v.v...).

Tôi biết trong ngành toán học có anh Phạm Hữu Anh Ngọc, trước đây công tác tại Đại học Huế, cũng là một người có nhiều công trình khoa học được xuất bản trên các tạp chí quốc tế, từng đoạt nhiều học bổng danh tiếng (JSPS của Nhật, Alexander von Humboldt của CHLB Đức, v.v... ), nhưng ở Việt Nam anh dường như không có đất để phát triển.

Theo tôi thì nước nhà cần phải phát triển ngành toán học để sao cho có thể cung cấp môi trường tốt nhất cho các nhà toán học Việt Nam phát triển ngay trên đất nước mình.

Đây chỉ là quan điểm riêng của tác giả với mong muốn nước nhà nói chung và ngành toán học Việt nam không ngừng phát triển, sánh vai được với các nước trong khu vực. Tôi chân thành cảm ơn quý Báo và bạn đọc gần xa. Thüringen, 29-07-2010.

letrungkien7, Japan, 00:29, 29/07/2010

Thật đáng tự hào vì Ngô Bảo Châu. Bản thân mình là một học sinh mê toán cả thời cấp ba nhưng cuối cùng đã không theo con đường nghiên cứu Toán (nhiều lúc cũng thấy tiếc).
Nhưng mà cái cách bài viết nói là nếu Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng FIELD thì Việt Nam sẽ vô top này top nọ thật là buồn cười. Ngô Bảo Châu là người Việt Nam nhưng hoàn toàn không phải là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam. Chả có gì liên quan đến toán học Việt Nam với việc có một người Việt Nam được đào tào hoàn toàn và nghiên cứu tại nước ngoài được vinh danh ở đâu đó cả.

Bùi Ngọc Hậu , Long xuyên An giang, 22:28, 28/07/2010

Đây là việc làm rất cần thiết , không nên chỉ là nói , mà phải bằng công việc cụ thể.

Trong nhiều năm qua cơ chế của nhà nước ta chưa tốt để nước ta tụt hậu nhiều, để nhiều GS và TS ngồi cãi nhau không nghĩ ra cái gì mà chỉ mượn danh để ngồi nhầm.. nên muốn phát triển thì cơ chế để thành hiện thực như các công trình toán học của GS Ngô Bảo Châu và các GS khác.., cần phải minh bạch và rõ ràng và quyết tâm của người đứng đầu chính phủ.

Tran Xuan, Ha Noi, 22:04, 28/07/2010

Một bài viết rất hay, đúng chuyên môn và đặc biệt làm cho độc giả hình dung khá rõ về nền toán học Việt Nam, cũng như hiểu biết về GS Ngô Bảo Châu là ai.

Chúng ta hãy trân trọng những tài năng và lấy họ làm mục tiêu nhưng cũng không nên quá kỳ vọng vào những điều ảo tưởng, hãy tự tin bước trên đôi chân và khả năng của mình.

Các phóng viên viết bài về các ngôi sao bóng đá hãy học hỏi cách để viết bài của 2 vị tác giả này.

Trần Phi Hùng, Đà Nẵng, 21:09, 28/07/2010

Đọc những thông tin về GS Châu tôi thực sự ngưỡng mộ, việc tiếp đón của những nhà quản lý giáo dục VN với những nhân tài như GS Châu là cần thiết và cần được chú ý hơn nữa. Hy vọng là một mô hình Viện nghiên cứu và đào tạo cao cấp về Toán sớm ra đời với một Viện trưởng đầy tài năng.

Hà Minh Dũng, Thanh Hóa, 18:44, 28/07/2010

Bài viết của các thầy rất hay và tâm huyết ! Tôi cũng mong nhà nước sớm có chính sách để phát triển toán học , vì toán học luôn là đầu tàu để phát triển khoa học kĩ thuật .

Nhan, Hanoi, 13:03, 28/07/2010

Chỉ có con đường học , phát triển khoa học cơ bản,khoa học công nghệ mới biến Việt nam thành rồng được.

Mong Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho giáo dục nước nhà để ngày càng có nhiều người giỏi như G.S Bảo Châu.

Chúng ta cùng chờ giây phút G.S Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields.

Văn Minh, 07:44, 28/07/2010

Thành tích của Ngô Bảo Châu là rất đáng nể dưới góc độ nỗ lực cá nhân. Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để anh Châu được tiếp tục phát huy sức sáng tạo và công việc của mình cũng như truyền đạt lại kiến thức, tinh thần làm việc cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, khi các cá nhân có thể đặt mục tiêu phấn đấu trở thành những người xuất sắc như anh Châu, mục tiêu của ngành Toán, của quốc gia không thể là thứ hạng về trình độ, so sánh với các nước trên khu vực hay thế giới.

Đó chỉ là cái danh đơn thuần, theo những tiêu chí do người khác đặt ra, hoàn toàn không có liên hệ gì đến Việt Nam.

Đã là mục tiêu của ngành, là mục tiêu của quốc gia, điều quan trọng nhất là phải đáp ứng các lợi ích quốc gia, lợi ích của số đông đồng bào, của nền công nghiệp, nền sản xuất. Đạt được danh hiệu này khác có thể có ý nghĩa chính trị, văn hóa, nhưng ngần ấy chưa thể đủ với một quốc gia.

Vì vậy, tôi thấy ngành Toán cần quy hoạch phát triển theo hướng đáp ứng các nhiệm vụ phát triển đất nước, các nhu cầu thực tế của nền sản xuất, chứ không thể phát triển chỉ để ganh đua về mặt học thuật, chỉ để ghi tên vào thứ hạng nọ thứ hạng kia. Mọi cái danh chỉ là hão huyền nếu đằng sau cái danh đó là sự đóng góp ít ỏi cho sự phát triển của xã hội.

Bùi Tiến Dũng, Đài KTTV Tây Bắc, 07:41, 28/07/2010

Tôi thật sự sung sướng khi được biết Việt Nam có một G.S trẻ và tài năng như vậy Tôi tin tưởng tuyệt đối với thành công của nền toán học Việt Nam và các ngành khác nữa. Tôi thật sự mừng vì được bết về G.S Châu....

Các tin khác