221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1288527
Tâm sự của chàng sinh viên báo chí từng chạy xe ôm
1
Article
null
Trải nghiệm từ công việc part time:
Tâm sự của chàng sinh viên báo chí từng chạy xe ôm
,

- “Đến quãng đấy đường tối, vắng người. Cảnh giác, mình cũng bảo thằng đó: Em chở anh tới đây thôi. Anh cho em xin tiền lấy bữa cơm qua tối. Hắn trấn tĩnh: Cứ đi đi sợ gì. Hú hồn, qua gương kính, mình thấy nó chuẩn bị rút gì từ túi quần ra nên chủ động đạp mạnh phanh. Thằng đó ngã nhào về phía trước. Mình lồm cồm chạy tới xe, lao đi, vừa đi vừa hô hào cướp cướp” – Đã hơn một năm không còn chạy xe ôm nữa nhưng những kỉ niệm sẻ chia của Duyệt vẫn còn hôi hổi nóng.

TIN LIÊN QUAN

Mặc kệ thế gian lườm nguýt, việc mình mình làm

Duyệt hiện là sinh viên năm cuối, khoa Báo chí, Học viện Báo chí&Tuyên truyền. Lý do cậu không làm xe ôm nữa: “Đơn giản, mình muốn tập trung vào học tập, lo chụp ảnh, sau ra trường còn kiếm việc. Thời gian làm xe ôm chẳng học hành được gì mà”.

Mô tả ảnh.
Duyệt trong ngày nhận bằng tốt nghiệp cử nhân báo chí.

“Mình chạy xe ôm từ học kì hai năm học thứ hai. Tính ra cũng được 5-6 tháng gì đó. Trước mình làm bồi bàn ở quán nộm trên đường Nguyễn Phong Sắc nối dài. Sau một thời gian, mình được cất nhắc lên làm quản lí của quán.

Quán mình làm ở vị trí khá đẹp, ngay đoạn rẽ vào từ đường Xuân Thủy sang Nguyễn Phong Sắc nối dài. Sẵn con xe Dream cũ, thêm cái biển gắn lên đó mình bắt đầu đời chạy xe ôm.

Tự nhiên có thằng sinh viên nào xuất hiện, chiếm mất khách từ đầu đường Xuân Thủy rẽ vào, mấy ông xe ôm chỉ đón được khách từ trong ngõ đi ra, họ cứ lườm nguýt mình suốt. Kệ, việc mình mình làm. Sợ gì. Họ cũng thừa biết mình từ quê ra Hà Nội, cực chẳng đã mới phải làm cái nghề này chứ có sung sướng gì”.

- Thế còn bạn bè biết cậu chạy xe ôm không vì chỗ này khá gần trường Học viện?

- Biết hết chứ. Xe ôm thì cũng là một nghề, miễn là kiếm được đồng tiền chân chính. Mấy bạn trong lớp thỉnh thoảng cũng đi xe ôm của mình. Thường thì khoảng 20 ngàn đồng/lượt.

Làm xe ôm cho cả thầy cô trong trường

- Mọi người có nói gì cậu không?

- Về bạn bè. Chúng nó thấy mình lên lớp chỉ toàn ngủ nên chỉ nhẹ nhàng khuyên mày làm gì thì làm, cố gắng giữ gìn sức khỏe, còn lo học hành nữa.

- Còn gia đình?

- Mãi sau mình mới dám nói. Bố mẹ nghe xong chỉ khuyên đừng chạy nữa, nghỉ mà lo học hành. Tiền bố mẹ khó khăn cũng cố gắng lo cho con. (Dừng lại một chút, mắt đượm buồn).

- Quên, thời gian làm xe ôm mình còn chạy xe chở cả các thầy cô trong trường. Mình cũng thật thà nói mình là sinh viên của trường. Thầy cô cũng chỉ khuyên như trên thôi.

- Cậu chạy "cuốc" nào là dài nhất?

- Cuốc dài nhất là chở tủ lạnh về Vĩnh Phúc. Mình chở giúp bạn của thằng bạn. Nó nhiệt tình quá nên mới đi. Chuyến đó được 150 ngàn đồng.

- Cậu còn nhớ ngày nào chạy xe kiếm được nhiều nhất không?

- À, là đợt lụt ở Hà Nội hồi năm 2008. Mình nhớ hôm đó kiếm được 500 ngàn. Cuốc đầu mình chở một chị từ khách sạn gần đó đến Công viên thú Thủ Lệ đón con rồi lại vòng về Từ Liêm. Lúc đầu, mình làm giá chỉ 40 ngàn đồng. Khi về, chị đưa cho 100 ngàn, bảo không phải trả lại cũng không quên cảm ơn.

Tới đó, lại có anh khách đi từ Hoàng Quốc Việt đến Sân bay Nội Bài. Mặc cả luôn 100 ngàn đồng. OK, ông kia gật đầu ngay: “Chỉ mong chú đừng đòi thêm là được”. Cứ mấy cuốc toàn 100 ngàn cả. Được 500 ngàn thì cũng mất luôn 200 ngàn sửa xe. Nghĩ cũng mệt mỏi lắm.

Pha hút chết nhớ đời

Thời gian đầu Duyệt học sáng nên chiều chạy cả ngày từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối mới nghỉ. Sau cái vụ hút chết đó, Duyệt rút kinh nghiệm, chỉ chạy từ trưa đến 6-7 giờ tối là nghỉ.

“Hôm đó khoảng 7-8 giờ tối. Mình ngồi trên xe, ngó sang bên đường thấy rõ ràng hai thằng đó đèo nhau bằng xe máy. Rồi chúng đỗ xe ở gần trường mình, thằng kia phóng đi, một thằng lững thững đi sang phía mình hỏi chạy xe ôm.

Lạ, thấy nghi nghi nhưng mình vẫn đi. Thằng đó bảo mình đi về Học viện cảnh sát. Đi đường đến gần Cầu Diễn thì rẽ phải vào đường nhỏ. Được 15 phút thì ít đèn, đường tối dần.

Mình chủ động dừng xe, giọng nhỏ nhẹ: “Em chở anh tới đây, thôi anh cho em xin ít tiền về mua hộp cơm. Thằng đó trấn tĩnh: “Cứ đi đi sợ gì đâu”. Dấn thêm chút nữa, gặp một quán trà đá ven đường, mình chủ động dừng lại vào mua điếu thuốc tranh thủ hỏi luôn bà chủ đoạn đường tới có hay xảy ra trộm cướp không. Bà này cười cười: “Cứ đi đi, có gì đâu mà sợ”. Thế là lên xe đi tiếp.

Vừa lái xe vừa run. Mình đi khá chậm, mắt không quên để ý vào gương xe. Hú hồn, được đâu vài phút sau, qua gương kính, mình thấy nó chuẩn bị rút gì từ túi quần ra nên chủ động đạp mạnh phanh. Thằng đó ngã nhào về phía trước. Mình lồm cồm chạy tới xe, lao đi, vừa đi vừa hô hào cướp cướp.

Cậu biết không, về tới nhà, cầm bát cơm lên ăn mà tay mình cứ run run, cố mãi mới nuốt nổi lưng cơm.

Lại một lần nữa mình phải miễn cưỡng đèo hai thằng mặt mũi kiểu côn đồ về đến Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm mà không dám lấy tiền. May mà còn giữ được người ngợm”.

Đến năm thứ ba, Duyệt ngừng hẳn không chạy xe ôm nữa: “Trước mình tính cố làm để mua máy ảnh, mua xe mới. Nhưng nghĩ lại thấy sức khỏe giảm sút, học hành "xuống dốc" nên quyết định phải dừng lại, tập trung vào học hành. Mọi người biết được cũng mừng lắm”.

Điều Duyệt rút ra được sau quãng đời làm xe ôm là phải biết tỉnh táo, nhìn người mà chạy. Cũng như sau này ra đời làm báo, mỗi người một tính cách, phải biết “lúc nhu lúc cương” mới mong lấy được thông tin, hoàn thành bài vở.

  • Văn Chung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,