221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1277913
Hành trình lận đận chạy xin việc của một phó giáo sư
1
Article
null
Hành trình lận đận chạy xin việc của một phó giáo sư
,

- Lâu nay, hình ảnh các tân kỹ sư ra trường ngược xuôi chạy xin việc đã quá quen thuộc. Còn giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) là chức danh khoa học cao nhất của nhà giáo, từ năm 2009 cũng không thoát cảnh long tong "chạy xin việc". Phóng viên VietNamNetđã tiếp cận và nghe câu chuyện của một nhà giáo đã được Nhà nước công nhận là phó giáo sư, nhưng suốt nửa năm qua trên hành trình “chạy bổ nhiệm” khá độc đáo. Sau đây là câu chuyện mà chúng tôi ghi lại.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.
Niềm vui của các tân GS/PGS trong ngày công nhận. Ảnh: Lê Anh Dũng

6 tháng gõ 5 cửa

Tôi làm nghiên cứu sinh trong nước đề tài ”Mô phỏng quá trình dạy và học trên máy vi tính” (đây là đề tài khoa học liên ngành: điện tử, tin học và giáo dục) do một giáo sư đầu ngành điện tử hướng dẫn và được cấp bằng Tiễn sĩ kỹ thuật năm 2000 tại Viện Điện tử tin học. Hiện nay, tôi đang giảng dạy tại một trường đại học.

Năm 2003, tại hội thảo đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, GS Đỗ Trung Tá, khi đó là Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông đã chỉ thị rằng ”ứng dụng công nghệ thông tin & truyền thông (ICT) trong đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng thậm chí phải đi trước một bước so với việc ứng dụng ICT trong các lĩnh vực khác vì “giáo dục là quốc sách hàng đầu” của Việt Nam“. Tin lời GS Tá, tin lời người đứng đấu ngành ICT và muốn tiếp tục đề tài luận án Tiến sỹ, tôi toàn tâm nghiên cứu khoa học liên ngành: ICT và giáo dục.

Khi thông tin bùng nổ, sự liên ngành trong khoa học hiện đại dựa trên sự phát triển cao của các khoa học và biên giới giữa các ngành khoa học hết sức mong manh. Các bài báo khoa học của tôi là sự hội tụ của hai lĩnh vực ICT và khoa học giáo dục. Chẳng hạn: Áp dụng mô hình lý thuyết thông tin để nâng cao hiệu quả giảng dạy, áp dụng phương pháp mô phỏng trong dạy học chuyên ngành kỹ thuật điện tử, mô phỏng hệ mật mã lượng tử phục vụ giảng dạy,v.v...

Năm 2009, khi nộp hồ sơ xét PGS, tôi không biết nộp ở hội đồng ngành nào, vì nước ta không có hội đồng liên ngành giữa ICT & giáo dục mà chỉ có các hội đồng ngành liên quan như : hội đồng ngành giáo dục, hội đồng ngành điện tử và hội đồng ngành tin học.

Tôi quyết định nộp hồ sơ tại hội đồng ngành giáo dục và ngày 20/11/2009, vinh dự được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao giấy chứng nhận PGS tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Niềm vui ”chưa đầy gang”, từ ngày 21/11/2009 hành trình ”chạy bổ nhiệm” PGS của tôi bắt đầu.

Theo quy định mới (gọi tắt là quyết định 174) để được hoạt động như một GS hay PGS thì sau khi được Nhà nước công nhận, người đó phải được một cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm.

Đầu tiên, tôi xin được bổ nhiệm tại trường chủ quản nơi mình đang dạy các môn ICT. Ai cũng ủng hộ tôi, nhưng theo quy định mới, cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm GS, PGS phải theo đúng chuyên ngành mà cơ sở có nhu cầu”. Trong khi đó, giấy chứng nhận PGS của tôi thuộc ngành giáo dục học. Do vậy, Hội đồng khoa học của trường đã nhiều lần xem xét, đưa lên đặt xuống rồi quyết định... để lại nghiên cứu tiếp.

Tôi sang liên hệ xin bổ nhiệm PGS ở Trường Đại học Giáo dục, thuộc ĐHQG Hà Nội. Các ngành đào tạo của trường này chủ yếu là giáo dục khối phổ thông, không có ngành kỹ thuật, trong khi hướng nghiên cứu chuyên sâu của tôi là ứng dụng ICT để giảng dạy các chuyên ngành ICT bậc đại học. Vậy là cửa này cũng "gác".

Nghe thông tin Trường ĐH Y khoa Hà Nội đã thành lập Hội đồng giáo dục học, tên gọi rất giống chức danh PGS giáo dục học của tôi. Nhưng, khi đến nơi tìm hiểu ra, các thành viên trong hội đồng giáo dục học của trường Y khoa toàn là các GS về Gan, GS Mật, GS Ngoại, GS Nội, GS Nhi Khoa, GS Tâm Thần, GS Phụ khoa... Vậy là, dẫu có tên "hội đồng giáo dục học" nhưng trường cũng không cần PGS giáo dục học như tôi.

Không nản, tôi sang liên hệ xin bổ nhiệm PGS ở khoa Sư phạm kỹ thuật, thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ trưởng khoa, phó trưởng phòng tổ chức, trưởng phòng tổ chức của trường . . . đều ra sức ủng hộ vì tôi đã xin bổ nhiệm rất đúng ngành của trường. Thậm chí, hiệu trưởng nhà trường ban đầu cũng rất ủng hộ.

Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lại, trường đã đã trả lời, họ không thể đề nghị Bộ GD-ĐT bổ nhiệm trường hợp của tôi làm PGS của họ. Vì Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có trả lương cho tôi đâu mà đề nghị bổ nhiệm và quản lý. Họ sẽ giao nhiệm vụ cho tôi như thế nào trong khi tôi lại đang giảng dạy, đang là quân số ở trường đại học khác?

Mô tả ảnh.
Liệu sau 2 năm, tôi có phải tiếp tục bắt đầu lại hành trình được công nhận nếu không "xin được việc"? (Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Lê Anh Dũng)

Không nản, tôi lại sang liên hệ xin bổ nhiệm PGS ở khoa Sư phạm kỹ thuật của Trường Sư phạm Hà Nội. Lần này kiên trì ”vượt qua thử thách”, nhờ sự giúp đỡ vô tư của trưởng khoa, trưởng phòng tổ chức, tôi đã được Hiệu trưởng nhà trường ký công văn đề nghị Bộ GD-ĐT bổ nhiệm PGS cho tôi.

Hành trình ”chạy bổ nhiệm” của tôi đã gần đến đích và đang chờ Bộ trưởng GD-ĐT ký quyết định bổ nhiệm.

Nhưng giờ đây, quyết định bổ nhiệm PGS của tôi cũng chỉ để làm kỷ niệm cho vui vì nó không có giá trị gì đối với trường đại học tôi đang giảng dạy và nhận lương.

Giả sử, tất cả các trường đại học ở Việt Nam đều bổ nhiệm tôi là GS, PGS nhưng trường chủ quản không bổ nhiệm thì cuối cùng, tôi cũng vẫn trở về nhận bậc lương "giảng viên thường" ở trường chủ quản.

Tôi đã tột bậc lương "giảng viên thường". Năm 2010 này, tôi vẫn phải xin thi giảng viên chính để chuyển ngạch lương mới.Việc được công nhận là PGS không có ý nghĩa ít nhất về việc thay đổi chế độ lương với bản thân mình.

Có hình thành công nghệ bổ nhiệm?

Điều đáng nói, năm 2009 mới là lần đầu tiên xét bổ nhiệm GS/PGS nên chưa hình thành “công nghệ bổ nhiệm”. Nhưng nhiều rắc rối đã xảy ra.

Cùng một đất nước, đang tồn tại hai loại GS/PGS. Loại GS/PGS theo Nghị định 20 không có nhiệm vụ mới là loại GS/PGS suốt đời. Còn GS/PGS theo Quyết định 174 thì sau khi được bổ nhiệm, phải được hiệu trưởng giao nhiệm vụ mới và “bị” kiểm tra đánh giá sau 3 năm một lần.

Một số người, dự định sau khi được bổ nhiệm GS/PGS sẽ xin chuyển về các thành phố lớn. Từ đó, hình thành một loại GS/PGS được bổ nhiệm một nơi nhưng lại giảng dạy một nơi. Để hợp thức hóa, các GS/PGS mỗi khi chuyển công tác lại xin bổ nhiệm lại. Nó giống như hình thức chuyển nhượng cầu thủ của các câu lạc bộ bóng đá hay các đảng viên chuyển công tác phải chuyển sinh hoạt đảng.

Nhưng đáng nói hơn cả là người trực tiếp giảng dạy lại không được đề nghị bổ nhiệm. Còn những quan chức không tham gia giảng dạy lại được đề nghị bổ nhiệm.

Có nhất thiết phải bổ nhiệm GS/PGS cho các đối tượng là thứ trưởng, vụ trưởng, hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa không? Còn nếu bổ nhiệm thì ai giao nhiệm vụ cho họ, nếu chính họ tự giao nhiệm vụ, thì sẽ hình thành loại GS/PGS “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong khi, GS/PGS là chức danh khoa học cao quí dành cho những người trực tiếp giảng dạy đại học. Thế nhưng những người giảng dạy, trong đó có tôi, thì vẫn phải mướt mồ hôi long tong "chạy việc".

Quyết định 174 được gọi là quyết định đổi mới, nhưng đối với tôi, đó là quyết định làm mình phải chạy bổ nhiệm suốt 6 tháng qua.Và hành trình ”chạy bổ nhiệm” vẫn còn ”trên từng cây số” chưa biết ngày dừng.

  • Hạ Anh (Ghi theo lời kể của một PGS liên ngành)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,