221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1272236
Xã hội sẵn sàng "trả giá" cho cái tài của tiến sĩ?
1
Article
null
Xã hội sẵn sàng 'trả giá' cho cái tài của tiến sĩ?
,

Lời tòa soạn: VietNamNet nhận được bài viết của bạn đọc có bút danh Nguyễn Hoàng, tốt nghiệp tiến sĩ ở Đức năm 1975, hiện đã 62 tuổi. Bài viết có tiêu đề "Tiến sĩ "ngoại", trí thức "salon" và các hệ quy chiếu" của ông như một tiểu kết cho câu chuyện mà đông đảo bạn đọc quan tâm thời gian qua. Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu bài viết này.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.

Trưng bày thành tựu đào tạo sau ĐH tại hội nghị tổng kết bậc đào tạo này (tháng 1/2006). Ảnh: Lê Anh Dũng.

Sau “tiến sĩ ngoại”“trí thức salon”, sau “sự nhức lòng của tiến sĩ ngoại“ là các yêu cầu họ phải “hy sinh lợi ích cá nhân vì đất nước”. Sau ý kiến của những người trong cuộc, ý kiến của các tác giả, là ý kiến của các bà vợ tiến sĩ cùng rất nhiều bạn đọc thuộc các giai tầng khác nhau. Họ thường xuất phát từ hệ quy chiếu đơn lẻ, mang tính chủ quan áp đặt của riêng mình, đôi khi khá xa lạ với chủ đề đặt ra ở đây. Một cuộc tranh luận như thế này sẽ không có hồi kết thỏa đáng cho các bên tham gia. Càng khó tìm ra lời giải chung cho vấn đề tạm coi là bức xúc này.

Ở đây, chỉ xin lạm bàn một chút về các hệ quy chiếu hay cách nhìn nhận và đánh giá một vấn đề, mong sao tìm được mẫu số chung để cho các bên tranh luận hiểu và thông cảm với nhau hơn.

Xin tạm nêu ra một vài hệ quy chiếu có liên quan tới vấn đề TS và “trí thức salon":

1. Hệ quy chiếu phương tiện và mục đích hay TS và nhu cầu TS (theo các chức năng TS) của xã hội.

1.1.Điểm xuất phát thứ nhất của hệ quy chiếu này là nhu cầu và khả năng đầu tư xã hội cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mà TS hay tri thức chỉ là một loại phương tiện để thực hiện mục đích đó mà thôi.

Ở các nước phát triển, nhu cầu nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm mới rất cao mang tính sống còn. Nguồn lực đầu tư khổng lồ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chủ yếu đến từ các công ty tập đoàn kinh tế tư nhân (thường chiếm khoảng 90% tổng mức đầu tư) và từ ngân sách nhà nước (thường chiếm dưới 10%).

Có thể so sánh như thế này: Một công ty đa quốc gia như Samsung có nhu cầu đầu tư nghiên cứu phát triển là 2.600-3.000 triệu USD/ năm.

Trong khi đó, toàn bộ ngân sách (tiền thuế của dân) của Bộ KH&CN VN cho hoạt động của tất cả các ngành khoa học và công nghệ của một nước 85 triệu dân là khoảng chưa đầy 2% GDP mà đôi khi không dùng hết (ước khoảng 500 triệu USD/ năm). Nhu cầu và khả năng đầu tư cho KHCN của khu vực tư nhân Việt Nam, ngược lại, còn rất nhỏ bé, chủ yếu là ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến của thế giới.

Như vậy, nhu cầu và khả năng đầu tư của đất nước cho lĩnh vực này còn quá hạn chế (nếu đem so sánh chỉ bằng một phần của một công ty đa quốc gia của Hàn Quốc) chủ yếu dựa vào ngân sách ít ỏi của nhà nước.

Từ đó, còn nhiều bất cập giữa phương tiện và mục đích. Ta có thể hiểu các TS, GS của VN chưa thể có công trình khoa học xứng đáng cả về lượng và chất. Ngược lại, họ cũng không có lý do chính đáng để kêu ca về vai trò và sự đãi ngộ một khi xã hội chưa sẵn sàng trả giá cho điều này.

Tạm bỏ qua những tiêu cực trong môi trường làm việc, trong phân bổ kinh phí và một số hiện tượng tham nhũng mức độ cao trong thực hiện các đề tài của giới khoa học và quản lý khoa học nước nhà thì những tranh luận về tài năng, sự đãi ngộ hay hy sinh thực ra chưa có nhiều ý nghĩa thực tiễn vào giai đoạn hiện nay.

1.2. Đào tạo ĐH và CĐ - chức năng thứ hai của các TS và GS

Việt Nam đang "lạm phát" các trường ĐH và CĐ và rất thiếu các GS, TS trong đội ngũ giảng dạy của họ. Đây lẽ ra là môi trường lý tưởng cho các TS, đặc biệt là TS ngoại.

Tuy nhiên, sự khủng hoảng về chất lượng đầu vào, về chất lượng đội ngũ giảng dạy, về chất lượng giáo trình và chương trình, về phương pháp đào tạo và cái cách đào tạo theo chỉ tiêu tiền chùa kiểu bao cấp khiến cho các TS, GS rất khó thực thi chức năng đào tạo của mình một cách có giá trước các nhu cầu chính đáng của xã hội. “Tị nạn giáo dục “ mà báo chí phải nói tới có thể là biểu hiện sâu sắc về sự khủng hoảng, mất phương hướng của lĩnh vực này.

Khi mà giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ VN vẫn còn mang tính tự thân, chưa thực sự tương thích với các nhu cầu thực tiễn kinh tế xã hội vì chất lượng bất cập như hiện nay, hoặc xã hội chưa có được những nhu cầu về những chuyên ngành cao sâu nào đó (vì ngay ứng dụng các thành tựu của thế giới cũng còn khó khăn) hoặc bộ máy đang cần những tài năng kiểu khác thì vấn đề ưu đãi các TS ngoại, những “người tài” (nhưng chưa khả dụng) như đang nêu ở đây vẫn chưa thể có lời giải.

Nguyên tắc cơ bản mang tính quy luật là “cái tài “ tự nó phải có giá, và xã hội cũng phải sẵn sàng trả giá cho nó. Đi ngược lại nguyên lý này, cả xã hội và TS đều cùng thất bại hoặc dẫn đến sự biến chất, đánh mất mình và phải trả giá. Chúng ta sẽ tiếp tục nói về những điều này ở các hệ quy chiếu tiếp theo.

2. Hệ quy chiếu của sự biến chất và trả giá khi tiến sĩ và giáo sư thành “tri thức salon”

Khi nói về “ tri thức salon”, tác giả Lê Thị Liên Hoan có một cái nhìn ghê gớm và không khoan nhượng. Tuy nhiên, cần tìm “cái lý tồn tại“ của hiện tượng này mới mong khắc phục được.

2.1. Do hoàn cảnh: Khi khá nhiều TS, GS không thực thi được thiên chức của mình như là công cụ phát triển KH&CN để thực thi các mục tiêu phát triển của xã hội như nêu ở điều 1 do xã hội chưa có nhu cầu hoặc chưa có cơ chế sàng lọc chất lượng các nhà khoa học thì hệ quả của nó thường là sự biến chất và biến tướng của chính các thành phần này.

Bằng cấp trở thành các cổ phiếu đặc biệt hùn vốn cho việc đầu tư thăng quan tiến chức hoặc thành thẻ VIP cho các hội nghị kiểu câu lạc bộ trưng diện và đánh bóng cá nhân bằng các phát biểu ồn ào. Nhưng nếu theo dõi hệ thống, sẽ thấy đấy chỉ là những đoạn ghi âm được phát đi phát lại khá nhiều lần.

2.2. Do truyền thống văn hóa chuộng bằng cấp: Từ trong truyền thống của người Việt, mục tiêu của việc học hành, thi cử là giật lấy mảnh bằng, đỗ đạt làm quan cho vinh thân, phì gia, một người làm quan cả họ được nhờ.

Trong tâm thế của người Việt, cái sự học không phải để hành, để làm ra sản phẩm giúp ích cho đời. Ngay cả Văn Miếu nổi tiếng cũng chỉ đề cao sự học, sự đỗ đạt làm quan ăn lộc vua ban chứ ít nói đến sự hành, sự đóng góp cụ thể của các bậc sĩ phu ấy cho sự phát triển mang tính cải cách khai sáng cả một dân tộc kém phát triển trong suốt thời phong kiến lạc hậu.

Chẳng thế mà ở ta, thày luôn nhiều hơn thợ. Nhiều năm, con đường duy nhất của hàng triệu học sinh phổ thông là thi vào đại học và đi làm quan chức nhà nước. Người ta sẵn sàng học suốt đời để lấy các bằng cấp thật cao như TS, TSKH mà ít lo xem phải làm gì khi mang mảng bằng đó ở trên đời.

Vậy “trí thức salon” Việt Nam có thể có truyền thống và nguồn gốc sâu xa hơn nhiều và giải quyết nó không thể bỏ qua yếu tố tâm lý, văn hóa truyền thống cũ kỹ của dân tộc.

3. Hệ quy chiếu quyền lợi và nghĩa vụ

Đây là phần tranh luận sôi nổi nhất, nhưng tiếc rằng, không thể là điểm gốc để giải quyết các vấn đề có liên quan.

Một bên ủng hộ các TS ngoại bức xúc về chế độ làm việc và đãi ngộ, ủng hộ họ đi làm cho nước ngoài. Một bên kêu gọi sự hy sinh lợi ích cá nhân vì đất nước với tất cả sự hăng hái của mình.

Có nhiều thí dụ rất đời thường và sống động được dẫn ra: TS, PGS đi làm cục phó, nhưng vẫn đào tạo nhiều chuyên gia giỏi và tổ chức cơ sở nghiên cứu riêng; sau khi tập trung “chơi chứng khoán” được đôi chục tỷ, hai vợ chồng tiến sĩ nọ ra nước ngoài sống và làm việc; những bức xúc về môi trường làm việc chứ không đơn thuần về tiền lương, v.v... Có thể hiểu và thông cảm, nhưng có nước nào đào tạo TS chủ yếu để đi làm quan chức hoặc kinh doanh không và nếu kế hoạch 2 vạn TS thành công thì VN sẽ làm gì với họ cho có hiệu quả?

Chúng ta có nhầm lẫn một lần nữa ở đây giữa phương tiện và mục đích?

3.1. Khi hệ quy chiếu 1 không được giải quyết triệt để theo “Nguyên tắc cơ bản mang tính quy luật là “cái tài TS “ tự nó phải có giá, và xã hội cũng phải có nhu cầu và sẵn sàng trả giá cho nó”, thì không có cơ sở để giải quyết mối tương quan quyền lợi và nghĩa vụ. Khi chưa xác định rõ mục đích thì phương tiện dù có tốt đến mấy cũng chỉ là trả giá đắt mà thôi.

3.2. Cách tư duy phải hy sinh cái này cho cái kia, đặt các quyền lợi hoặc nghĩa vụ đối kháng với nhau thực ra rất lạc hậu, dễ gây ra sự phân rã các nguồn lực và không giúp cho một dân tộc trưởng thành, một đất nước phát triển và con người sống nhân bản hơn.

Tại sao không áp dụng cơ chế win- win cho tất cả: cá nhân, cộng đồng và đất nước trên cơ sở nhất thể hóa các lợi quyền và nghĩa vụ của các thành phần xã hội?

Từ lâu thế giới đã đi theo con đường như vậy và nhiều nước đã gặt hái được những thành công và phát triển rực rỡ. Bao giờ Việt Nam có được nhận thức, cơ chế và môi trường cho giải pháp này?

Nếu không, sẽ tiếp tục có: sự chảy máu chất xám (thứ mà ta chưa dùng được hoặc chưa muốn dùng), sự “tị nạn giáo dục” đáng buồn cho một dân tộc có tiềng là hiếu học, sự biến chất của con người: tiến sĩ sẽ không còn là tiến sĩ nữa (không gắn bó với nghiên cứu khoa học và đào tao, thích làm quan chức và kinh doanh hơn), hoặc tri thức biến dạng thành “tri thức salon”.

  • Nguyễn Hoàng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,