221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1273651
Giảm mâu thuẫn trong học sinh, gắn kết tình thày trò
0
Article
null
Phòng tư vấn hỗ trợ học sinh:
Giảm mâu thuẫn trong học sinh, gắn kết tình thày trò
,

Giảm các vụ việc mâu thuẫn đánh nhau trong học sinh, giúp cho việc giáo dục đạo đức học sinh đạt kết quả tốt hơn, không khí sư phạm và khí thế học tập trong trường tích cực hơn, thầy trò bớt đi khoảng xa cách, đó là kết quả đạt được từ mô hình phòng tư vấn hỗ trợ học sinh đang được triển khai tại trường THCS Bắc Kạn (Thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn).

Tin bài trên VNN:

Mô hình này được thực hiện trong chương trình hợp tác giữa Dự án PTGD THCS II (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Trung tâm Giáo dục môi trường và các vấn đề xã hội trong khuôn khổ cuộc thi “Sáng tạo Giáo dục”.

Thi ý tưởng, lấy nguyện vọng

Năm 2009, một cuộc thi mang tên “Ý tưởng và nguyện vọng của em về phòng tư vấn hỗ trợ học sinh- TVHTHS” đã được tổ chức cho gần 1.000 học sinh của trường THCS Bắc Kạn. Cuộc thi yêu cầu học sinh tự viết bài hoặc vẽ trình bày ý tưởng xây dựng một phòng tư vấn của chính các em.

Em Hoàng Thị Linh Đan, lớp 9 K thành thực: “Đối với em PTVHTHS phải là một không gian chia sẻ tâm lí tuổi mới lớn, nơi giúp em và các bạn vượt qua khó khăn của bản thân, để học tập tốt hơn. Tuy nhiên, Phòng phải đạt những yêu cầu: mọi thông tin cá nhân của các bạn được giúp đỡ phải được giữ bí mật; các thầy cô làm nhiệm vụ tư vấn phải luôn gần gũi, … để các bạn thấy đó là chỗ dựa vững chắc…

Có thể trường lập một blog… Con mong phòng TVHTHS không chỉ là nơi chia sẻ khó khăn mà còn là nơi đóng góp ý kiến của mỗi bạn về các hoạt động trong nhà trường… Mỗi lớp nên có một nhóm bạn nhận nhiệm vụ thu nhận ý kiến, một tuần hoặc một tháng nhóm sẽ gặp ban giám hiệu để trao đổi và nói lên ý kiến của mình…”

Mô tả ảnh.
Giờ ra chơi tại trường THCS Bắc Kạn
Em Dương Thị Quỳnh viết “Người ta hay nghĩ ai có khuyết điểm mới đến phòng TVHTHS. Các thầy cô phải làm sao cho học sinh chúng em hiểu rằng nơi đó còn là để tâm sự. Một lá thư, một một món quà đặc biệt, một cái nhìn âu yếm của bạn khác giới… đó là điều khiến chúng em ngại ngùng, lo lắng nhưng không biết tâm sự cùng ai. Không thể nói cho cha mẹ, bạn bè……Chỉ có phòng TVHTHS mới tìm được câu trả lời…

Em Phạm Thu Hằng viết: “Chúng em mong muốn trong trường học của mình có một phòng dành riêng cho chúng em và nơi đó có thầy cô vui tính, hiểu được những gì học sinh đang nói và đưa ra những lời khuyên thích hợp… Ngoài ra em muốn phía ngoài phòng có 1 hòm thư và cứ sau 2 ngày thư đến là lại có thư phúc đáp”.

Có học sinh không ngại thổ lộ hoàn cảnh gia đình của mình như em Bàn Thị Thương: “Gia đình em có 4 anh em, cha mẹ mất khi em mới 10 tuổi… Các em sống với bác. Gia đình bác cũng rất khó khăn… Em mong phòng TVHT sẽ giúp em học tốt hơn và em rất vui nếu như được nhà trường hỗ trợ một phần khó khăn đó…”

Ninh Thị Hảo, hiệu trưởng trường THCS Bắc Kạn nhớ lại: “Những bài viết và hình vẽ của học sinh gợi cho BGH chúng tôi những suy nghĩ rằng nếu xây dựng một phòng tư vấn hỗ trợ học sinh được như mong muốn của các em thì sẽ rất có lợi cho việc giáo dục đạo đức học sinh và chắc chắn sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”.

Phòng tư vấn- thầy và trò cùng xây

Trường THCS Bắc Kạn có gần 1.000 học sinh, 63 giáo viên. Trường có đủ phòng học và phòng học bộ

Mô tả ảnh.
Thư viện trường có khá nhiều đầu sách cho các em tham khảo
môn cho học 2 ca, có các phương tiện và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học của thầy trò. Không quá khó khăn để trường giành 1 phòng thuận tiện, có các phương tiện tối thiểu để thầy trò có một không gian thoải mái phù hợp. Cô Hảo nói: “Phòng tư vấn không đòi hỏi gì lớn chỉ cần có bàn ghế ngồi cho 1 vài học sinh và giáo viên, có thêm một vài trang trí như lọ hoa, tranh ảnh, quy tắc giao tiếp ứng xử văn hoá hoặc câu nói nhằm khích lệ sự chia sẻ của học sinh, học sinh cảm nhận mình được tôn trọng và thầy cô luôn lắng nghe ý kiến các em”.

Ban giám hiệu cử 2 giáo viên là cô giáo Nguyễn Thị Châu, Giáo viên dạy Toán- Lý và cô Ma Thị Phong, hiệu phó trường phụ trách thường trực ở phòng tư vấn này. Đây là những cô giáo vừa có trách nhiệm, có năng lực, có phương pháp thuyết phục tốt vừa sẵn lòng nhiệt tình chia sẻ với học sinh, tạo cho học sinh tâm lý được lắng nghe, tôn trọng.

Trường cũng tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của phòng tư vấn hỗ trợ học sinh trong nhà trường và các hoạt động của phòng tư vấn cho 29 giáo viên và tổng phụ trách Đội.

Với các em học sinh, nhà trường đã có một buổi “hội thảo” nho nhỏ với những học sinh cốt cán của 29 lớp. Tại đây, các thầy cô trao đổi mục đích, ý tưởng xây dựng phòng tư vấn hỗ trợ HS, hướng dẫn các em cách tư duy, nhìn nhận các vấn đề có thể chia sẻ với người phụ trách, khơi gợi các ý tưởng.

Các buổi chào cờ, các thầy cô giáo dành khoảng 15- 20 phút giới thiệu và hướng dẫn học sinh toàn trường cách khai thác, sử dụng phòng tư vấn và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, các ý tưởng xây dựng trường, lớp. Đặc biệt, ban giám hiệu tập trung giải thích cho HS hiểu rằng không có gì phải e ngại khi đến phòng tư vấn. Vì mọi bí mật riêng tư được đảm bảo giữ kín.

Đến nay, thầy và trò đã triển khai nhiều nội dung tư vấn như: cách học trên lớp, phương pháp tự học ở nhà, cách xử sự với bạn bè, với các vướng mắc thầy trò, gia đình, tư vấn về phát triển tâm sinh lý tuổi bắt đầu chuyển thành người lớn, tư vấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Trường còn mở hộp thư: “Điều em muốn nói” để các em học sinh nêu ý kiến nguyện vọng với nhà trường, nêu các ý tưởng về xây dựng nhà trường.

Bầu không khí sư phạm mới mẻ

Năm năm trước, ở trường đã từng xảy ra một số vụ việc tiêu cực trong học sinh như “xin đểu”, đánh nhau, đe dọa... Năm học 2003– 2004, nhà trường phát hiện 2 học sinh sử dụng hêrôin. Thực tế đó khiến những người tâm huyết với nghề, với trò như cô Hảo phải trăn trở. Làm thế nào để trường tìm biện pháp giáo dục ngăn chặn.

Mô tả ảnh.
Bà Ninh Thị Hảo, hiệu trưởng trường THCS Bắc Kạn: "Ban giám hiệu quan tâm hỗ trợ ý kiến cho giáo viên tư vấn khi cần thiết"
Năm 2008, may mắn được tham gia chuyến đi thực tế Singgapo, cô Hảo rất tâm đắc với cách giáo dục và tác động học sinh ở quốc gia này. Mô hình Trường có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, học sinh được tự do tham gia ý kiến về các vấn đề có liên quan đến chính các em, vì thế, các em rất tự giác thực hiện các quy định chung. Về nước, cô đem ý tưởng bàn bạc với tập thể giáo viên và được ủng hộ. Bước đầu, trường triển khai xây dựng mô hình Phòng giáo dục đạo đức học sinh.

Năm 2009, khi tham gia đề tài nghiên cứu khoa học của Trung tâm giáo dục môi trường và các vấn đề xã hội, phòng giáo dục đạo đức được đổi tên thành phòng TVHTHS với hình thức hoạt động mới hơn, gần học sinh hơn.

Hiện nay, theo cô Hảo, số lượng học sinh chủ động đến với phòng tư vấn để trực tiếp giãi bày còn chưa nhiều vì e ngại. Các em thường nêu ý kiến vào giấy gửi vào hòm thư của nhà trường “Điều em muốn nói”. Giáo viên phụ trách phòng tư vấn căn cứ vào đó mời các em đến chia sẻ trực tiếp. Nội dung tư vấn mà học sinh quan tâm nhiều hơn là tâm lý tuổi mới lớn, những vướng mắc tâm lý ở gia đình và trong nhà trường ( thầy- trò, bạn bè) khi có khoảng ngăn cách khó cải thiện được. Có em còn góp ý cho thầy cô cách để trường tránh khỏi bị ngập lụt hàng năm như hiện nay. Đây là ý kiến rất hữu ích với trường vì hiện nay cốt trường được xây dựng quá thấp so với xung quanh, mùa mưa năm nào cũng bị lụt.

Cô Hảo cho biết: Từ ngày có phòng tư vấn hỗ trợ học sinh, không những an ninh trật tự trong nhà trường ổn định hơn hẳn mà không khí sư phạm trong trường, quan hệ thầy trò trở nên thân thiện gần gũi hơn.

“Phòng tư vấn tốn ít tiền mà hiệu quả mang lại rất đáng kể. Các trường rất nên làm!”, cô Hảo khẳng định.

Theo cô Hảo, để lập phòng TVHTHS, mỗi trường cần có những điều kiện tối thiểu: một phòng riêng làm địa điểm; lựa chọn được giáo viên tư vấn nhiệt tình, hiểu tâm lí và có khả năng thuyết phục học sinh; nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí cho giáo viên phụ trách phòng TVHTHS (vì nhiệm vụ này không được trừ giờ lên lớp).

Để phòng TVHTHS duy trì và phát huy được hiệu quả lâu dài, để cho nhiều lớp học sinh được hưởng lợi, theo cô Hảo, cần có cơ chế thích hợp để các giáo viên yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác tư vấn. “Hiện nay, mỗi cô giáo thường trực phòng tư vấn đang được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng. Số tiền này không đáng bao nhiêu. Nên có cơ chế trừ giờ cho những giáo viên này. Thay vì mỗi tuần phải dạy 19 tiết/tuần, nên giảm bớt số tiết dạy và hỗ trợ thêm kinh phí cho các giáo viên với cương vị kiêm nhiệm”.

*Bà Ninh Thị Hảo, hiệu trưởng trường THCS Bắc Kạn: "Rút kinh nghiệm từ những vấn đề đã giải quyết được".

“Phải đảm bảo bí mật cho học sinh, nhưng cần ghi lại các vấn đề đã giải quyết, các ý kiến của các em và kết quả để rút kinh nghiệm cho các năm sau. Khi chưa có câu trả lời tư vấn sâu sắc thì hẹn học sinh một ngày gần nhất để chất lượng tư vấn được học sinh tin tưởng. Ban giám hiệu quan tâm hỗ trợ ý kiến cho giáo viên tư vấn khi cần thiết.

*Bà Phan Thị Lạc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và các vấn đề xã hội (CESED): "Việc học sinh chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến xây dựng nhà trường là xu thế chung của thời đại".

Xây dựng trường học thân thiện trước hết phải quan tâm đến xây dựng mối quan hệ xã hội thân thiện. Trong khoá tập huấn giáo viên cốt cán về Giáo dục Kĩ năng sống vào tháng 10- 11 năm 2008, khi chúng tôi trao đổi về vấn đề này, các đại biểu đến từ các trường phổ thông và Sở GD&ĐT đều mong muốn và đề nghị xây dựng phòng TVHTHS trong các trường học.

Mô hình phòng TVHTHS đã được triển khai tại nhiều nước trong khu vực. Phòng TVHTHS có chức năng chính là trợ giúp học sinh về mặt tâm lý, làm giảm thiểu tối đa những yếu tố gây khó khăn cho quá trình thích ứng, phát triển của học sinh, giúp giải toả các áp lực tâm lí; phát triển tối đa các khả năng tiềm ẩn. Hoạt động của phòng TVHTHS có thể đem đến các kết quả: nâng cao kết quả học tập, khắc phục những đặc điểm nhân cách không mong muốn ở từng học sinh, phát huy năng lực của các thể và của tập thể học sinh. Mặt khác qua tâm sự, qua sự tham gia của các em, giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường có thể thay đổi cách quản lí chỉ đạo, thay đổi cách nhìn nhận đánh giá học sinh, cách tác động sư phạm… hiệu quả hơn.

  • Hoài Nam
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,