221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1256292
Đốt đuốc Danko tìm anh hùng của 9X Nga
1
Article
null
Đốt đuốc Danko tìm anh hùng của 9X Nga
,

 - Theo lối mòn, người dân Nga vẫn đang gõ cửa làng văn để tìm “thầy đời”. Nhưng Olga Odisharova khẳng định rằng, với giới 8X, 9X … các thiên hùng ca và tiểu thuyết lãng mạn không còn hấp dẫn. Dưới đây là phần tiếp theo của bài viết: "Văn học Nga đương đại: Hình tượng anh hùng đã tàn héo, phôi pha".

Xem phần 1 TẠI ĐÂY.

Đốt đuốc Danko đi tìm người anh hùng

Có thể thấy, văn học Nga trước nay chỉ trình làng một số dạng (type) nhân vật anh hùng. Xin đề cử:

Thứ nhất là những anh hùng thách thức thực tại bằng sự tồn vong của chính mình, (kiểu như Heracles, Prométhée), như Pavel Korchagin; anh hùng nổi loạn (kiểu Từ Hải,Tôn Ngộ Không), như Pugatchov (trong "Con gái viên đại uý"). Hình tượng anh hùng này có độ lặp cao trong văn học Liên Xô và cận Xô viết. Khá phổ biến trong thời đại khởi nghĩa đồng loạt và bão táp cách mạng, tiến lên “kỷ nguyên mới của xã hội loại người”. Người đọc say mê những thần tượng này. Văn học đã thôi thúc người đọc muốn hành động như họ, muốn giống họ.

Thứ hai là người anh hùng lưu lạc, những “hiệp sĩ bị ruồng bỏ”, kể cả típ Don Quixote, như Pechorin. Khá phổ biến trong thời kỳ suy thoái. Người đọc cảm thông, nhưng không muốn giống họ.

Thứ ba, người anh hùng mà “cái chết hoá thành bất tử”, tìm kiếm không ngừng ý nghĩa của cuộc sống như Adrey Volkonsky trong “Chiến tranh và hoà bình”, chàng Danko tim cháy thành ngọn đuốc của Gorky … Người đọc bị lôi cuốn bởi họ như theo vì sao dẫn đường.

Anh hùng phạm tội - dằn vặt, như Raskonikov ("Tội ác và hình phạt"), Nehliudov ("Phục sinh"); (nữ) anh hùng cùng quẫn - chung tình: Anna Karenina, Maslova (Phục sinh)… Buộc người đọc tham gia vào quá trình tư duy, và khởi xướng những suy ngẫm về lỗi lầm trong quá khứ.

Sẽ có rất nhiều cách phân loại, và đều chỉ là áng chừng. Vì người Nga thường có tính cách phức tạp, thường hành động không thể dự đoán. Tâm hồn Nga mẫn cảm mà quyết liệt, khoáng đạt mà bí ẩn. Nhưng nét chung của văn học kinh điển Nga vẫn là anh hùng ca theo khuôn mẫu, hồi kết thường là lúc nhân vật anh hùng chết, hay ít nhất cũng hy sinh như vật tế (sacrifice/жертва) thần tình yêu, như Katia Maslova trong Phục sinh, Sonia Marmeladova ("Tội ác và hình phạt").

Thời Xô viết, việc xây dựng nhân vật trung tâm của tác phẩm được ví như việc tạo khuôn đúc các sản phẩm từ thép. Sự thật theo hiện thực xã hội chủ nghĩa không hẳn đã là kinh nghiệm của nhà văn, mà là những gì lãnh đạo coi là điển hình, là xứng đáng để miêu tả. Do đó nhân vật chính phải chính, tức là tích cực. Đó là người mẫu mực (ideal, như chữ Iulia Shliahova đã dùng ở trên), suốt đời tranh đấu cho lý tưởng, có sứ mạng làm gương cho toàn xã hội XHCN, luôn cầu tiến, có tâm hồn không vẩn đục bởi hồ nghi.

Ngày nay, khi chấp nhận cách chia văn học thành fiction (tác phẩm hư cấu) và non – fiction (không hư cấu), người đọc Nga dường như muốn tìm kiếm các nhân vật sống, cho dù đấy là phản anh hùng (anti – hero). Thậm chí, nhiều nhà hoạt động truyền thông còn cho rằng sự phân biệt nhân vật thành hai tuyến chính diện - phản diện chỉ là vô vị. Điều này gợi lại cách định nghĩa của phương Tây: nhân vật phản diện chỉ thuộc thể loại fiction.

Cách mạng nhung đã sinh ra những nhân cách … xám

Theo Rostova E.G (chủ biên đại từ điển “Russia”), trong bài viết "Phải chăng văn học Nga thôi không sản sinh những anh hùng?", “Nga có nền văn hoá dựa vào văn học (литературоцентрична), có nghĩa là trung tâm của văn hoá Nga là tác phẩm văn học hư cấu (художественная литература/fiction). Thể loại và người anh hùng trong văn học đối với người Nga quan trọng hơn thể loại và nhân vật của các loại hình nghệ thuật khác”.
Nhưng theo nhà văn Lev Vishnia ( ), cách mạng nhung đã “triệt sản” cái khả năng văn học sản sinh ra nhân vật anh hùng nổi loạn, vì nó không cần đến họ. Nó (cách mạng nhung) “chỉ sinh ra những nhân cách xám xịt, tầm thường”, bất cần quá khứ, và lịch sử với họ là thứ đồ bỏ (хлам) … Họ sống cuộc sống trước mắt, chỉ “sống cho hôm nay”.

Đó là vì trước “Thời gian khổ” này, đã là một “Thời gian khổ” khác - thời kỳ ảo vọng, thời trì trệ. Nay người ta muốn tin vào những nhân vật có thực, không muốn tin vào nhân vật giả tưởng. Nhân vật của đời thực (истинный), dù có xấu thì vẫn “được điểm”, vì “hắn” chân thành (искренний). Sự lương thiện và đúng đắn tuyệt đối của nhân vật chính diện trở nên không đáng tin trong của một xã hội tù đọng, hủ bại. Trong quá trình tìm kiếm vô thức những gì là tự nhiên, là chấp nhận được với thế giới quan của họ, người đọc giũ bỏ các hình tượng họ cho là giả tạo Vì thế “người ta tin vào Bulgakov, Nabokov, Voinovitch, chứ không tin vào các đối thủ của họ, có sách in hàng triệu bản”.

Hình mẫu hiện nay là kẻ thành đạt. Cho dù người đó có vô luân, thì vẫn hấp dẫn được người đọc, bởi vì hắn ĐANG SỐNG. Người đọc, người xem muốn nhìn thấy người của đời thực, đó là nguyên nhân vì sao một số phim nhiều kỳ được ưa chuộng, cũng là nguyên nhân “thành công” của “sách ngoài luồng”, “phim con heo” (чернухa). Người ta đã mệt mỏi với những xác chết biết đi của văn học cận hiện đại, và muốn nhìn thấy CUỘC SỐNG.

Đó cũng là lý do thành đạt của nhà văn “trung uý” đời mới, nhưng đã trạc ngũ tuần V. Pelevin, với các nhân vật chính luôn sống thấp thỏm, mà vô cảm chưa từng thấy.

Vì sao hiện nay trong các trang sách đầy rẫy những vụ tự tử, những kẻ tâm thần, những cái chết vô nghĩa, rồ dại, còn nội dung thì nhảm nhí? Đó là do mất lòng tin vào đồng loại, tệ hơn nữa, mất lòng tin vào công lý.

Ngày càng có nhiều người tin vào quỷ Satan ư? Vì truyền thông đang cung cấp cách hiểu (толкование) như vậy về thế giới.

Theo Vishnia, chí anh hùng “vô chính phủ” (nihilist) vẫn bàng bạc khắp nơi trên mảnh đất văn chương Nga thời hiện đại … Vậy là các “đầu trọc” hiện nay, đã được “thụ thai” bằng cách khác, không phải từ văn học truyền thống. Một khi “đầu trọc” đã thành văn hoá nhóm (sub – culture), đã được xem là “thần tượng” của giới trẻ Nga, và các đầu trọc Nga không rời thứ “văn hoá” này cả khi đã quá tuổi đầu xanh, thì chắc không quá lời khi nói người anh hùng của văn học Nga đương đại gồm cả những tay ‘đầu trọc”.

Cũng có thể vì thế mà các Tchitchikov tân thời (chữ dùng của Rostova E.G) hiện đang phát tài nhờ muôn vàn áp phe “những linh hồn chết” trên khắp nơi nơi, đã được sinh viên Olga Odisharova “vinh danh” ở đầu diễn đàn.

Theo lối mòn, người dân Nga vẫn đang gõ cửa làng văn để tìm “thầy đời”. Nhưng Olga Odisharova khẳng định rằng, với giới 8X, 9X … các thiên hùng ca và tiểu thuyết lãng mạn không còn hấp dẫn.

  • Lê Đỗ Huy (Tổng hợp)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,