221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1021032
3 trò không làm xong tiến sĩ, cho thầy nghỉ 5 năm
1
Article
null
3 trò không làm xong tiến sĩ, cho thầy nghỉ 5 năm
,

(VietNamNet) - Bỏ thi đầu vào và thay thế bằng hình thức phỏng vấn. Mỗi luận án phải có một bài báo đăng ở tạp chí uy tín nước ngoài. Mỗi suất làm tiến sĩ trong nước được hưởng tối thiểu 120 triệu đồng. Công khai danh mục các cán bộ khoa học có đủ khả năng hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS). Thầy hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh mà không làm xong luận án thì cho dừng 5 năm.

Đây là những biện pháp mà Bộ GD-ĐT dự kiến thực hiện để chấn chỉnh công tác đào tạo tiến sĩ. Dưới đây là những thông tin mà Phó Vụ trưởng Vụ ĐH&Sau ĐH (Bộ GD-ĐT), Nguyễn Thị Lê Hương trao đổi với VietNamNet.

4 ngành không cần bài đăng trên tạp chí nước ngoài 

Bà Nguyễn Thị Lê Hương
Bà Nguyễn Thị Lê Hương
 - Thưa bà, Quy chế đào tạo tiến sĩ mới sắp tới sẽ có những thay đổi gì nổi bật?

Trong dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có nhiều điểm thay đổi khá cơ bản và sâu sắc, đáp ứng nguyên lý chung là nâng cao đánh giá đầu ra, đặc biệt quan tâm đến chất lượng luận án "ra lò".

Cụ thể, mỗi luận án phải có ít nhất 1 bài báo đăng ở các tạp chí uy tín nước ngoài. Chỉ 4 ngành (Mỹ thuật, An Ninh, Quốc phòng và Khoa học Chính trị) không yêu cầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế nhưng phải có nhiều bài được đăng tải trên các tạp chí trong nước. 

Đây là yêu cầu bắt buộc,có tính đột phá để nâng chất lượng luận án. Vấn đề này, cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tôi xin nói thêm là ở những tạp chí nước ngoài, họ có một chuẩn mực về hội đồng biên tập và phản biện. Còn các tạp chí ở Việt Nam, nhất là ngành khoa học xã hội và kinh tế, thường là cơ quan ngôn luận của một hội hoặc tổ chức nào đó, chứ không hẳn là một tạp chí khoa học nên nhiều khi chức năng phản biện rất hạn chế.

Điểm mới nữa là sẽ không còn tổ chức thi tuyển các môn chuyên ngành và ngoại ngữ "đầu vào" như trước. Vì thực tế, khi thi không thấy có ai trượt. Số người trượt chuyên môn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi đưa ra quy định mới này, chúng tôi đã khảo sát và nhận thấy chỉ cần xét qua nghiên cứu và phỏng vấn, hoàn toàn có thể đánh giá được năng lực của từng NCS.

Cùng với đó, ngân sách dành cho 1 NCS trong nước tối thiểu từ 110 triệu - 120 triệu đồng. Ngoài ra, sẽ có từ 3 - 6 tháng thực tập về lĩnh vực nghiên cứu ở nước ngoài. Chính sách này chỉ áp dụng cho những giảng viên làm luận án tiến sĩ. Đối với sinh viên làm NCS, nếu có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về làm giảng viên các trường ĐH, cũng sẽ được thụ hưởng như vậy.

ĐH sẽ tự đặt quy chế

- Chuyển từ thi tuyển sang hình thức phỏng vấn, nhiều lo ngại rằng sẽ định tính nhiều hơn nên sẽ khó cho kết quả khách quan?

Việc làm luận án tiến sỹ gắn với trách nhiệm của người hướng dẫn. Trong quy chế mới, chúng tôi quy định rất chặt chẽ trách nhiệm của người hướng dẫn. Cụ thể: Các cơ sở đào tạo phải công khai danh sách cán bộ khoa học đủ năng lực hướng dẫn NCS và danh mục hướng nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu… để NCS có thể chọn người hướng dẫn.

Nếu 2 NCS không hoàn thành luận án, thầy hướng dẫn phải tạm dừng để giải trình lý do. Nếu thêm NCS thứ 3 không hoàn thành luận án, thì thầy sẽ bị dừng hướng dẫn đến 5 năm.

- Thông thường, quy định ngay từ đầu không chặt sẽ là "kẽ hở" để lách đã từng xảy ra. Vậy tại sao đã xóa bỏ hình thức đào tạo không tập trung, lại còn xem xét "đặc cách" cho một số trường hợp?

Việc xem xét chỉ được thực hiện với những trường hợp là người của cơ sở đào tạo tiến sĩ. Do vậy, nếu không lên lớp học thì họ vẫn có mặt ở cơ sở...

Tới đây, sẽ không còn hình thức đào tạo tiến sĩ không tập trung mà buộc người học phải học tập trung. Chỉ một số trường hợp như người của cơ sở đào tạo tiến sĩ được xem xét học không tập trung. Lâu nay, việc đào tạo tiến sĩ không chất cũng một phần do 100% các cơ sở đào tạo không tập trung. 

- Với 100% các cơ sở chuyển sang tập trung như vậy thì có đủ nguồn giảng viên hay không và cơ sở vật chất đầu tư cho đào tạo sẽ có những biến đổi thế nào? Đặc biệt là điều kiện phòng ốc trang bị cho NCS làm nghiên cứu?  

Quy chế quy định rõ: Khi đào tạo tập trung, đội ngũ giảng viên phải đảm bảo tỷ lệ bao nhiêu, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng ra sao... Một cơ sở có "tuổi đời" 30 năm không thể đặt vấn đề là không đủ điều kiện đáp ứng.

Mặt khác, các cơ sở tới đây sẽ được toàn quyền quyết định từ việc đào tạo đến cấp bằng. Do vậy, các cơ sở phải có chỗ làm việc cho NCS, tổ chức sinh hoạt, xêmina, lịch định kỳ tiếp NCS, kiểm soát toàn bộ quá trình hoạt động đào tạo...

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi cũng đã có khảo sát. Thực tế, nhiều cơ sở chưa có chỗ làm việc cho NCS mà thường bố trí ngồi cùng phòng với bộ môn. Do vậy, quy chế ban hành sẽ là quy định khung bắt buộc. Căn cứ vào đó, các cơ sở đào tạo tiến sĩ xây dựng cho mình quy chế phù hợp nhưng không được thấp hơn quy định khung do Bộ GD-ĐT ban hành. Lâu nay, các trường chưa có quy chế riêng nên việc thực hiện thường bị động. Nên để các trường tự đặt ra cho mình những quy định đào tạo phù hợp sẽ tạo được những cách triển khai mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Công khai danh mục nghiên cứu và thầy hướng dẫn

Trưng bày thành tựu đào tạo sau ĐH tại hội nghị tổng kết 30 bậc đào tạo này. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trưng bày thành tựu đào tạo sau ĐH tại hội nghị tổng kết 30 bậc đào tạo này. Ảnh: Lê Anh Dũng
- Cũng không ít ý kiến cho rằng, vì nội dung đào tạo tiến sĩ của Việt Nam chỉ như “chương trình đào tạo cử nhân thu nhỏ” đã dẫn đến những hệ lụy rằng: NCS chẳng cần lên lớp, nghiên cứu chuyên môn… nhưng vẫn bảo vệ thành công luận án...

Chương trình đào tạo tiến sĩ tới đây sẽ được bổ sung một số môn học trình độ tiến sĩ. Đây vừa là thay đổi nhưng cũng là thách thức đối với các cơ sở đào tạo. Trong tuyển đầu vào, yêu cầu ngoại ngữ đối với NCS được nâng cao hơn đủ để tham khảo tài liệu. Tiếng Anh phải đạt điểm TOEFL 450 điểm.

Nói là chương trình cử nhân thu nhỏ không đúng. Bởi, chương trình đào tạo do các trường chủ động, nếu chưa đáp ứng nhu cầu là do cơ sở chưa đủ năng lực để xây dựng các chuyên đề, xêmina... Ở một số nước có tên tuổi trong đào tạo tiến sĩ thì chương trình học bao giờ cũng có một số môn học thêm. Do vậy, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn... sẽ được quy định cụ thể để dần khắc phục những hạn chế trong đào tạo hiện nay.

- Trong đổi mới công tác đào tạo tiến sĩ tới đây, bà có đề cập đến việc công khai danh mục các cán bộ khoa học có đủ khả năng hướng dẫn NCS. Hình thức này sẽ được thực hiện thế nào?

Sẽ công khai trước mỗi kỳ tuyển sinh 3 tháng. Với đào tạo tiến sĩ mỗi năm có 2 đợt chiêu sinh vào cuối tháng 2 và tháng 8. Như vậy, đợt cuối tháng 2 thì những thông tin liên quan đến NCS sẽ công bố tháng 11; và đợt tháng 8 sẽ công bố vào tháng 5 trên trang web của Bộ GD-ĐT.

Thông tin công bố sẽ bao gồm: Danh mục các hướng nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề tài nghiên cứu kèm theo danh sách các nhà khoa học có thể nhận hướng dẫn NCS, số lượng NCS có thể tiếp nhận ở từng hướng nghiên cứu hoặc lĩnh vực nghiên cứu...

Với những thông tin như vậy, NCS có thể lên web để chọn người hướng dẫn phù hợp.

Dự kiến, quy chế đào tạo tiến sĩ sẽ được ban hành tháng 1/2008. Thời gian cho các cơ sở xây dựng quy chế đào tạo từ 1-1,5 năm. Đến ngày 30/6/2009, các cơ sở đào tạo phải hoàn thành việc xây dựng chương trình tuyển sinh và tổ chức giảng dạy bổ sung các môn học theo chương trình mới cho NCS.

- Cảm ơn bà!

  • Kiều Oanh (thực hiện)

********************************

Ý kiến của bạn về những đề xuất cải tiến công tác đào tạo tiến sĩ: 

Ho ten: NTB
Dia chi: ĐHTN
Email:
Tieu de:
Noi dung: Tuyển NCS không nên tuyển những người tốt nghiệp thạc sĩ ở chuyên ngành khác với chuyên ngành học ở đại học (chuyển đổi). Vì thời gian chuyển đổi là rất ngắn (khoảng 2-4 tuần), trong khi đó, kiến thức của một chuyên ngành ở đại học phải học 4-5 năm, cho nên việc chuyển đổi chỉ là hợp lí hoá chứ người chuyển đổi không có kiến thức sâu trong ngành được chuyển đổi.

 

Ho ten: Đình Nhân
Dia chi: Đai Hoc bach Khoa TP HCM
Email: dinhnhan1999@hotmail.com
Tieu de: 3 trò không làm xong tiến sĩ
Noi dung: Sau khi đọc bài phỏng vấn này, tôi xin chỉ có một câu hỏi và có lẽ câu hỏi này nhắm chủ yếu vào chất lượng của mọi lĩnh vực chứ không chỉ trong giáo dục. Câu phát biểu: "3 trò không làm xong tiến sĩ, cho thầy nghỉ 5 năm" theo tôi sẽ không giải quyết được vấn đề chất lượng giáo dục. Câu hỏi của tôi là: Thế nào là "gọi là", "được cho là", "được đánh giá là" LÀM XONG MỘT LUẬN ÁN TIẾN SĨ? Câu hỏi trên, theo tôi đó mới là vấn đề mấu chốt cho việc giải quyết chất lượng đào tạo hiện nay, không chỉ TS mà cao học, tốt nghiệp đại học hay thậm chí cả tốt nghiệp phổ thông nữa. Chứ nếu bảo chung chung là "LÀM XONG TS" thì rõ ràng chúng ta vô tình hay cố ý không nhận ra vấn đề chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH hiện nay. Thật vậy, cho đến ngày hôm nay đã có không biết bao nhiêu bức xúc về các Luận án TS, CH đạt loại giỏi và thậm chí xuất sắc có nghĩa là "Làm xong TS" đấy nhưng nội dung, chất lượng chúng như thế nào? Trong ý nghĩa đó, việc "Làm xong TS" tại Việt Nam mình thật sự không phải là điều khó! Do vậy, phát biểu "3 trò không làm xong tiến sĩ, cho thầy nghỉ 5 năm" theo tôi là chưa hiểu rõ thực trạng GD ĐH Việt Nam.

 

Ho ten: Jack Trần Văn Quyến
Dia chi:
Email: quyentv99@yahoo.com
Tieu de: Như thế nào là Tiến sĩ chất lượng?
Noi dung: Đó là câu hỏi đặt ra cho tất cả những người quản lý đào tạo Tiến sĩ. Theo tôi, để được cấp bằng Tiến sĩ, người làm NCS phải đạt được những tiêu chí sau:

 

1. Về mặt lý thuyết: Phải hiểu được lý thuyết chuyên ngành của anh đã theo học và hành nghề trước đó.

 

2. Về ứng dụng: Anh phải có sáng tạo khác và hơn những ứng dụng đã có và anh phải tự mình làm ra mô hình để chứng minh cái sáng tạo của riêng anh.

 

Nếu đạt được 2 tiêu chí đó thì cấp bằng Tiến sĩ. Còn những NCS về khoa học cơ bản thì phải đưa ra tiêu chí khác, có thể phải có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và một vài tiêu chí khác. Tôi vẫn băn khoăn ở chỗ tiêu chí gì để chọn các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín? Người hướng dẫn nào được gọi là đủ năng lực hướng dẫn? Tại sao lại phải đặc cách? Đào tạo tập trung hay không tập trung có phải là yếu tố quyết định đến chất lượng Tiến sĩ?
 

Ho ten: Bùi Phong
Dia chi: Hànội
Email: newgreenfield@yahoo.com
Tieu de: Chúng ta sẽ có thêm nhiều tiến sỹ... dởm
Noi dung: Tôi đang công tác trong một trường Đại học tại Hà Nội. Tôi thấy, có một hiện tượng nhiều người thầy có lương tâm biết nhưng ít được đề cập đến, đó là việc thầy sợ trò không hoàn thành luận án tiến sỹ hơn cả trò. Nguyên nhân của việc này là quy định để các thầy làm hồ sơ phong phó giáo sư hoặc giáo sư là phải hướng dẫn bao nhiêu thạc sỹ, bao nhiêu tiến sỹ. Vô hình chung, các thạc sỹ và tiến sỹ trở thành đối tượng mà nhiều thầy cần. Các thầy sẽ cố gắng cho họ tốt nghiệp hay bảo vệ thành công bằng nhiều cách khác nhau. Tất nhiên, nhiều cách không qua học vấn. Như vậy, qui định này là một việc hết sức phi lý. Đáng lẽ, qui định phải ngược lại. Phải là phó giáo sư hay giáo sư rồi thì mới được hướng dẫn thạc sỹ, tiến sỹ với khối lượng công việc thế nào đó. Nay, đọc bài viết này, tôi thấy quy định phải cho nghiên cứu sinh làm thành công, nếu không thầy bị liên lụy. Nghe qua có vẻ là cách làm chặt chẽ nhưng ngẫm kỹ, đây là cách bật đèn xanh cho các thầy không trung thực trong khoa học. Chúng ta còn có thêm nhiều tiến sỹ bằng thật, kiến thức... dởm. Tất nhiên, đây cũng không chỉ là nguyên nhân duy nhất.
 

Ho ten: Nguyễn Minh Phương
Dia chi: Hà nội
Email:
Tieu de: Những đòi hỏi không khả thi?
Noi dung: Tôi không thảo luận về các tiêu chí trong dự thảo của Bộ Giáo dục về đổi mới đào tạo TS mà chỉ tham gia một khía cạnh bàn về "NCS phải có ít nhất một bài báo, công trình trên tạp chí quốc tế". Theo tôi, quy định này bất khả thi, vì sao?

 

Đầu tiên, để đăng được bài báo, công trình trên các tạp chí quốc tế (nước ngoài theo nghĩa rộng, chưa nói đến các tạp chí uy tín thế giới, được giới học giả công nhận) đòi hỏi không chỉ người viết phải có độ chín và sâu về khả năng nghiên cứu, khả năng ngôn ngữ thành thạo (tiếng Anh, Pháp hoặc Đức, Tây Ban Nha...); mà còn đòi hỏi người hướng dẫn cũng phải có kinh nghiệm và uy tín quốc tế, chưa kể, bài báo hoặc công trình nghiên cứu sẽ được phản biện bởi ít nhất hai học giả chuyên sâu về chuyên ngành đó phản biện.

 

Bên cạnh đó, các bài viết, công trình nghiên cứu phải có một lượng tài liệu tham khảo đọc và xử lý tốt nhằm tránh tình trạng "cũ người, mới ta". Chính đây là một rào cản quá lớn đối với các NCS Việt Nam khi tiếp cận với tài liệu. Lưu ý rằng, tại các trường ĐH lớn trên thế giới, các GS, TS của họ cũng chỉ dám phấn đấu đăng được 1-2 công trình nghiên cứu là đã quá uy tín cho công sức và thời gian họ dành hết cho việc đọc và nghiên cứu. Còn ở ta, NCS vừa học, vừa làm, cơ sở vật chất không có, thiếu thốn, nhiều trường không có nổi một phòng làm việc, nghiên cứu, thư viện nghèo nàn về tài liệu tham khảo, nhất là loại chuyên ngành vốn rất đắt đỏ, máy tính nối mạng không có hoặc kém hiệu quả; lo "cơm áo gạo tiền" thì lấy đâu ra thời gian để đọc, nghiên cứu và viết.

 

Thứ hai, đến bản thân các GS, TS hướng dẫn tại Việt Nam, hoàn thành mọi vấn đề, còn chưa làm được thì thử hỏi, tại sao phải đẩy phần trách nhiệm khó khăn đó về NCS. Nhiều người với mác học hàm, học vị đầy mình, nhưng đến bài báo cho "ra hồn" tại Việt Nam cũng còn chưa xong, thì nói gì đến quốc tế. Làm công tác quản lý, kiêm nhiệm quá nhiều đến độ không có thời gian dành cho nghiên cứu khoa học, NCS thì lấy đâu ra sản phẩm, công trình để công bố cho thiên hạ hay làm tham khảo cho NCS.

 

Theo chúng tôi, có lẽ, Bộ GD cần tập trung vào việc chấn chỉnh lại chất lượng của các tạp chí trong nước, thiết lập ra các tiêu chí riêng cho từng tạp chí khi đăng các bài viết của NCS, người có học hàm, học vị và dần dần nâng cao các tiêu chí này theo tiêu chuẩn quốc tế, khuyến khích viết bằng ngoại ngữ, thì có lẽ sẽ khả thi hơn so với các yêu cầu và đòi hỏi "gây sốc" như dự thảo này nhằm để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu của Bộ GD là đến 2020, sẽ có "20.000 TS được đào tạo".

 

Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng và ưu tiên tuyển đi đào tạo tại nước ngoài trong các đề án của nhà nước để hình thành đội ngũ cán bộ KHKT nguồn. Đương nhiên, cử đi đào tạo như vậy, ngoài việc cấp đủ kinh phí ăn ở, phải có phần kinh phí cho mua sách, tài liệu tham khảo học tập cho LHS. Ngoài ra, cần tăng cường kinh phí cho các cơ sở nghiên cứu, trường ĐH, tổ chức hội nghị, hội thảo để thúc đẩy trao đổi học thuật và nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới. Có như vậy, chất lượng đào tạo TS của chúng ta mới thực chất hơn, chứ không phải cứ yêu cầu phải có ít nhất một bài báo, công trình nghiên cứu quốc tế là bảo đảm "chất lượng tiến sĩ" được.

 

Sau cùng, đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, đề bạt, chính sách đãi ngộ phải xứng đáng với công sức và thành quả đóng góp của cả thầy và trò mới tạo ra động lực cho học tập, nghiên cứu được. Điều này nghe chừng chúng ta còn phải đuổi theo các nước dài dài.

 


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin liên quan

,
,
,
,