221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
986308
Tháng 12/2007: Học liệu mở sẽ online
1
Article
null
Tháng 12/2007: Học liệu mở sẽ online
,

(VietNamNet) -  Nếu huy động được giảng viên trong các trường đại học đóng góp nội dung cho Học liệu mở dưới dạng các module nhỏ, chúng ta sẽ có một kho tri thức đồ sộ, phủ kín các lĩnh vực và sẵn sàng cho việc tạo các giáo trình phục vụ cho việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

Học liệu mở là gì?

Học liệu mở sẽ là nguồn cung cấp tài liệu hữu ích cho SVVN

Thuật ngữ Học liệu mở (OpenCourseWare) được Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ) khai sinh vào năm 2002 khi MIT quyết định đưa toàn bộ nội dung giảng dạy của mình lên web và cho phép người dùng Internet ở mọi nơi trên thế giới truy nhập hoàn toàn miễn phí.

Hiện nay trang web về học liệu mở của MIT có trên 1500 môn học (course) bao gồm bài giảng, lịch học, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi, bài thí nghiệm để người dùng có thể tham khảo cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của mình.

Với tiêu chí “Tri thức là của chung của nhân loại và tri thức cần phải được chia sẻ”, rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới đã tham gia phong trào học liệu mở. Hiện có 1 Hiệp hội Học liệu mở (OpenCourseWare Consortium) để chia sẻ nội dung, công cụ cũng như phương thức triển khai học liệu mở sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.

Giảng viên, sinh viên và người tự học ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là từ các nước đang phát triển như Việt Nam, đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận các tri thức mới.

Chương trình Học liệu mở Việt Nam

Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2005 của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, phái đoàn Việt Nam đã được MIT giới thiệu về chương trình học liệu mở của họ. Phía Việt Nam nhận thấy Học liệu mở của MIT là một nguồn tài nguyên vô cùng hữu ích cho chương trình đổi mới giáo dục đại học.

Việt Nam cần phải làm gì đó để mang nguồn tài nguyên này về cho người dùng trong nước. Về nguyên tắc, bất kỳ ai có máy tính nối mạng Internet đều có thể truy nhập được Học liệu mở của MIT, tuy nhiên có một số lý do chính cản trở người dùng Việt Nam trong việc sử dụng các học liệu mở một cách trực tiếp:

1. Kiến thức nền nói chung của sinh viên Việt Nam và sinh viên MIT rất khác nhau.

2. Trình độ tiếng Anh của đa số sinh viên Việt Nam chưa được tốt để có thể đọc hiểu nội dung Học liệu mở bằng tiếng Anh.

3. Sự khác nhau về phương pháp giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên giữa Việt Nam và MIT

4. Người dùng Việt Nam không có được nguồn giáo trình và tài liệu tham khảo dồi dào như sinh viên MIT.

Dự án Học liệu mở Việt Nam ra đời vào tháng 11/2005. Mục tiêu của dự án là xây dựng các phương thức để xoá bỏ các rào cản đối với người dùng Việt Nam, để có thể tận dụng một cách tối đa các nguồn học liệu mở sẵn có.

Tháng 12/2007: Học liệu mở sẽ online

Hơn 30 chuyên gia Việt Nam là giảng viên từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước đã được mời tham gia xây dựng nội dung cho 24 môn học trong các ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, Khoa học Máy tính và Công nghệ Sinh học (8 môn học/ngành học).

Theo dự kiến, 24 môn học mẫu sẽ được hoàn thành và đưa lên mạng vào tháng 12/2007 và sẵn sàng để các giảng viên và  sinh viên tham khảo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu từ đầu năm 2008.

Ngoài việc đầu tư xây dựng nội dung mẫu, dự án Học liệu mở Việt Nam còn hợp tác với trường đại học RICE (Hoa kỳ) để sử dụng bộ công cụ phần mềm Connexions trong việc xuất bản và chia sẻ nội dung lên Internet một cách mềm dẻo.

Về cơ bản nội dung trong hệ thống phần mềm Connexions sẽ được lưu trữ dưới hai định dạng:

1. Module: là một chủ đề nhỏ hoặc một phần hoàn chỉnh của chủ đề lớn.

2. Course:  là tập hợp các module được sắp xếp theo một trình tự nhất định để tạo thành một giáo trình.

Cách tổ chức nội dung theo module và course làm cho việc xuất bản, sử dụng và tái sử dụng nội dung mềm dẻo và dễ dàng hơn bao giờ hết. Bất kỳ tác giả nào khi đăng ký một tài khoản trên hệ thống đều có thể đóng góp nội dung.

Bảo vệ tác quyền khi chia sẻ

Từ các ý tưởng ban đầu, công cụ soạn thảo module sẽ giúp tác giả xuất bản các module lên kho dữ liệu chung. Các giảng viên khi cần xây dựng giáo trình cho môn học của mình chỉ việc xây dựng bộ khung của giáo trình trước  bằng công cụ soạn thảo course sau đó  tìm các module phù hợp đã có sẵn trong kho dữ liệu chung để đưa vào.

Một module có thể được sử dụng trong nhiều course khác nhau, một tác giả có thể sử dụng module của tác giả khác trong course của mình. Thậm chí một tác giả có thể tạo một bản sao một module của tác giả khác và tiến hành sửa đổi để phù hợp với yêu cầu của mình hơn, trong các trường hợp này hệ thống đảm bảo tác giả gốc vẫn có quyền tác giả đối với các module đã được sửa đổi.

Theo khảo sát của dự án, việc yêu cầu một giảng viên viết nội dung cho một giáo trình, thậm chí một chương của giáo trình là rất khó khăn.

Tuy nhiên, ai cũng có thể viết một vài trang (module) về vấn đề mình quan tâm. Nếu có thể huy động được toàn bộ giảng viên trong các trường đại học đóng góp nội dung dưới dạng các module nhỏ, chúng ta sẽ có một kho tri thức đồ sộ, phủ kín các lĩnh vực và sẵn sàng cho việc tao các giáo trình phục vụ cho việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

Dự án Học liệu mở Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc cung cấp giáo trình tham khảo cho việc chuẩn bị thực hiện đào tạo đại học theo tín chỉ của Bộ GD-ĐT.

Hiện tại, 3 trung tâm dữ liệu của dự án tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cũng như các máy chủ do VEF tài trợ đặt tại 14 trường thành viên đã hoạt động trong chế độ thử nghiệm và sẽ được khai trương sớm cùng với việc đào tạo sử dụng phần mềm Connexions tại các trường đại học trên cả nước để các tác giả có thể đóng góp nội dung.

Ngoài ra VEF cũng đang hợp tác với tổ chức Creative Commons và một công ty luật Việt Nam để tiến hành chuyển đổi giấy phép Creative Commons, được sử dụng trong hầu hết các dự án học liệu mở, sang tiếng Việt để các tác giả Việt Nam có thêm công cụ cấp phép và bảo vệ quyền tác giả khi chia sẻ nội dung.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Dự án Học liệu mở Việt Nam – Vietnam OpenCourseWare,Quỹ Giáo dục Việt Nam, Phòng 502 – Tháp Hà Nội, 49 Hai Bà Trưng, Hà Nội;Tel: (84-4) 936-3670; Email: vocw@vef.gov; website: http://www.vocw.edu.vn.

  • Trần Việt Hùng

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,