221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
723688
Giáo dục: Khi chính sách tiền nong bị "chặt khúc"
1
Article
null
Giáo dục: Khi chính sách tiền nong bị 'chặt khúc'
,

Với cung cách mỗi vụ chức năng chủ trì một đề án, đường ai nấy đi, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu qui định học phí, HB ban hành không được thực tế đón nhận hoặc phải liên tục điều chỉnh và bổ sung.

Soạn: AM 599414 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các tân SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm thủ tục nhập học. Rất nhiều SV nghèo cần có học bổng để hỗ trợ quá trình học tập - Ảnh: Như Hùng

Số suất HB sẽ giảm?

Mức học bổng cao nhất đối với SV có thể lên tới 600.000 đồng/tháng so với 160.000 đồng hiện nay.Đó là nội dung dự thảo thông tư liên tịch mới hướng dẫn sửa đổi chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với HSSV các trường đào tạo công lập đang được Bộ GD - ĐT xây dựng và đưa ra lấy ý kiến.

Theo lý giải của ông Phùng Khắc Bình, vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) - đơn vị chủ trì soạn thảo qui định mới về HB và trợ cấp xã hội cho HSSV, mức tăng HB trong dự thảo thông tư được căn cứ trên cơ sở mức tăng lương tối thiểu của Nhà nước.

So với thời điểm ban hành qui định HB hiện hành, lương tối thiểu đã tăng gấp 2,5 lần, vì vậy mức HB cũng cần phải tăng tương ứng.

Cách tính toán này cơ bản thuyết phục được các trường về nguyên tắc. Nhưng khi xem xét đến khả năng thực hiện, các cán bộ quản lý đào tạo, tài chính của rất nhiều trường ĐH, CĐ, THCN đều chỉ ra một thực tế bất cập trong chủ trương tăng HB. Đó là nguồn kinh phí dành cấp HB không tăng, nếu mức tiền tăng sẽ dẫn đến số lượng HS, SV được nhận HB ở các trường giảm.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một ví dụ. Đại diện nhà trường cho biết hiện mỗi năm quĩ HB của trường có khoảng 3,6 tỉ đồng. Nếu so với mức tăng như dự kiến, ước tính mỗi năm trường cần phải chi tới 9 tỉ đồng cho HB.

Dĩ nhiên khoản “trội” này sẽ không thể tìm được nguồn bù đắp khi tổng nguồn kinh phí của nhà trường chưa tăng thêm. Như vậy số SV được cấp học bổng sẽ phải ít đi rất nhiều. Còn nếu chi đủ 9 tỉ đồng/năm so với hơn 40 tỉ đồng chi thường xuyên của nhà trường, quĩ HB sẽ chiếm hơn 20%.

“Những trường có nguồn quĩ HB lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội còn bị ảnh hưởng thì đối với những trường như trường tôi mức HB mới sẽ thật sự gây khó khăn” - đại diện Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội cho biết.

“Với qui mô SV toàn trường khoảng 20.000, cũng tương đương Trường ĐH Bách khoa HN, nhưng quĩ HB hằng năm của chúng tôi chỉ có 600 triệu đồng, hiện chỉ cấp được HB cho 0,6% SV. Nếu tăng lên đến mức như trong dự thảo của bộ thì tỉ lệ SV được nhận HB của trường còn hầu như không đáng kể”.

Đó là chưa kể theo chủ trương đổi mới quản lý tài chính của bộ, không ít trường ĐH đang và sẽ phải tự đảm bảo 100% kinh phí thường xuyên, không được cấp ngân sách.

Đối với những trường này, nguồn kinh phí dành cho quĩ HB và thực hiện các chính sách xã hội như miễn giảm học phí, trợ cấp... thật sự là một thách thức đầy khó khăn.

Chính vì vậy, đại diện Trường ĐH Ngoại thương phải đặt câu hỏi: “Những trường tự chủ tài chính sẽ thực hiện chế độ HB như thế nào, có áp dụng theo qui định chung đang được xây dựng hay không, và nếu cũng thực hiện theo mức HB chung trường lấy kinh phí từ đâu để bù đắp lại?”.

Ngoài ra, do kết quả học tập của SV các khối trường rất khác nhau. Nếu như cứ qui định “cứng” đạt kết quả học tập từ 7,0 trở lên được cấp HB, các trường khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ... có nguy cơ vỡ quĩ HB vì kết quả học tập của SV những trường này thường đạt rất cao.

Học bổng một đằng, học phí một nẻo?

Hiện song song với qui định mới về HB đang được xây dựng, Bộ GD-ĐT cũng đang chủ trì xây dựng qui định mới về học phí trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Nhưng khác với qui định về HB được đưa ra lấy ý kiến công khai từ bản dự thảo lần thứ nhất, văn bản qui định mức học phí mới tuy sắp hoàn thiện nhưng vẫn đang nằm trong vòng bí mật.

Dư luận chỉ biết được vài ba thông tin chung chung, sơ sài trong khi học phí là một vấn đề mà phạm vi ảnh hưởng, mức độ quan tâm của xã hội còn rộng lớn hơn so với qui định về HB.

Khi Bộ GD-ĐT xây dựng đề án học phí mới, đặt ra việc xem xét điều chỉnh tăng mức học phí để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là ở bậc ĐH, CĐ và THCN, rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục và cá nhân trong xã hội đã lên tiếng khẳng định: khi xem xét vấn đề tăng học phí phải đi liền với việc xây dựng chính sách HB, trợ cấp xã hội, tín dụng đào tạo phù hợp, đảm bảo cơ hội học tập cho các đối tượng khó khăn trong xã hội, con em gia đình nghèo...

Nhưng với cách xây dựng qui định học phí, HB riêng biệt như hiện nay, chúng ta khó có thể hi vọng Bộ GD-ĐT sẽ có một hệ thống chính sách tài chính hợp lý cho cả nhà trường lẫn người học.

Không chỉ những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách sẽ thiếu đồng bộ, ngay cả những vấn đề mang tính kỹ thuật cũng có nguy cơ “vênh” nhau giữa hai qui định riêng rẽ này.

Xin nêu một ví dụ: hệ thống giáo dục ĐH đang được vạch ra lộ trình chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Không biết qui định đóng học phí đã tính đến vấn đề này như thế nào (vì còn đang được bảo mật), trong khi qui định cấp HB thì hoàn toàn khiến nhiều trường không khỏi băn khoăn: HB vẫn qui định cấp theo tháng, theo niên chế.

Dường như Bộ GD - ĐT đã quá quen với cách làm “chặt khúc” mà dư luận từng phản ứng gay gắt khi bộ thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, SGK phổ thông với ba “khúc” tiểu học, THCS, THPT riêng rẽ thuộc về những dự án hoàn toàn riêng biệt, thiếu sự kết nối và kế thừa mang tính hệ thống. Cách xây dựng qui định HB, học phí hiện nay cũng vậy.

Với cung cách mỗi vụ chức năng chủ trì một đề án, đường ai nấy đi, thiếu một sự điều hành tổng thể, đảm bảo cả tính khoa học và điều kiện khả thi trong thực tiễn, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu qui định học phí, HB của Bộ GD-ĐT ban hành không được thực tế đón nhận hoặc phải liên tục điều chỉnh và bổ sung.

(Theo Thanh Hà - Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,