221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
709990
"Việt Nam sẽ có trường ĐH cạnh tranh với thế giới!"
1
Article
null
'Việt Nam sẽ có trường ĐH cạnh tranh với thế giới!'
,

(VietNamNet) - "Giáo dục ĐH Việt Nam sẽ có thay đổi căn bản về quy mô cũng như trình độ đào tạo từ năm 2006. Các trường tự chủ hơn và người học sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn mô hình học phù hợp. Giáo dục ĐH sẽ phân tầng mạnh mẽ để có những trường nổi lên cạnh tranh với khu vực, cạnh tranh với thế giới. Các trường tiên tiến sẽ là những "đầu tàu" để kéo hệ thống GDĐH lên. Tuy nhiên, việc triển khai cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sức ì trong tư duy".

Soạn: AM 565956 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bà Trần Thị Hà: "Có những tư duy rất cũ trong quản lý giáo dục, như: lúc nào cũng lo làm sai, lúc nào cũng lo người ta "phá rào"...

Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD - ĐT) Trần Thị Hà cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet xung quanh đề án Đổi mới GDĐH Việt Nam - mà theo như một GSĐH đã thận trọng "đây là công việc hệ trọng, ảnh hưởng tới tương lai của 10, 15 năm sau".

ĐH Việt Nam sẽ phân tầng mạnh mẽ

Bà Hà cho biết, đề án Đổi mới GDĐH Việt Nam đề cập đến vấn đề đổi mới tổng thể, đổi mới và phát triển hệ thống GDĐH. GDĐH sẽ phân tầng mạnh mẽ, thực hiện nguyên tắc "tự chủ và trách nhiệm xã hội cao" của các trường trên các mặt: tổ chức, nhân sự, tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Vì vậy, phải tạo ra cơ chế để các trường tốp trên chủ động đặt ra những quy định phù hợp đảm bảo chương trình đào tạo có thể cạnh tranh được.

Trước mắt, sẽ có đề án xây dựng 14 trường ĐH trọng điểm gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Cần Thơ), ĐH Bách khoa Hà Nội,  ĐH Y Hà Nội, Y Dược TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân,  ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội và ĐH Nông lâm TP.HCM.

-  Thưa Vụ trưởng, liệu những đổi mới căn bản mà đề án đưa ra có giải quyết được những yếu kém, bất cập về chất lượng đào tạo chưa tương xứng; học chưa gắn với hành, mục tiêu, nội dung và quy trình đào tạo chậm đổi mới....diễn ra hiện nay?

Đề án không làm đơn lẻ một số nhiệm vụ mà mang tính tổng thể các nội dung cần phải thực hiện.

Ví dụ như, để nâng cao chất lượng thì chương trình phải đổi mới; kèm theo đó, phải đổi mới phương pháp giảng dạy; tài liệu học tập và đội ngũ giáo viên cũng phải chuẩn lên ở mức độ tương ứng. Rồi thì, cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính; hơp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học phải đi liền với nhau...

Để thực hiện tất cả các nhiệm vụ đó, phải chia nhỏ những vấn đề trọng tâm để cái gì làm trước, cái gì làm sau. Trong đề án chia ra 3 giai đoạn, gắn kết với 3 thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm. 

Trước mắt, trong giai đoạn 2006 - 2010, sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như mở rộng quy mô. Bên cạnh việc xây dựng một số trường mới; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, có thể mở rộng quy mô đầu vào của ĐH mở, tức là sẽ để cho ĐH mở sẽ trở lại với hình hài ban đầu khi người ta thiết kế: mở rộng đầu vào và xiết chặt hơn trong quá trình đào tạo. 

Song song với đó, sẽ có những hình thức phân luồng để tránh giảm tải nhưng vẫn tạo điều kiện cho người học tiến tới mục tiêu đặt ra là phải học ĐH. Hướng đổi mới sẽ tạo cho người học có thể vào học từ Trung cấp lên CĐ và tiến đến ĐH từ những chương trình liên thông.

- Vấn đề mở rộng quy mô đồng thời vẫn bảo đảm được chất lượng sẽ được giải quyết như thế nào, khi mà, với quy mô hiện tại, bài toán chất lượng giáo dục ĐH hiện nay vẫn còn không ít chuyện nổi cộm?

Bên cạnh mở rộng quy mô, nhiệm vụ nữa tới đây là phải đổi mới được nội dung chương trình giảng dạy. Hiện nay, Bộ đã ban hành được hơn 100 chương trình khung. Đây sẽ là nền tảng cơ bản để các trường xây dựng chương trình đào tạo. Các trường phải bám vào những chương trình khung đó để lấy "cốt". Sau đó, tùy thuộc "màu cờ sắc áo" và mục tiêu  đặt ra, các trường có thể tham khảo chương trình đào tạo của các nước hoặc tham khảo lẫn nhau.

- Như vậy, vai trò của Bộ GD - ĐT, các trường trong lộ trình đổi mới giáo dục ĐH sẽ như thế nào để đạt được kỳ vọng mà cuộc đổi mới này đặt ra?

Bộ GD - ĐT phải tập trung quản lý các công việc Nhà nước về GDĐH như: xây dựng các quy phạm pháp luật để hướng dẫn trong việc tổ chức, thực hiện đào tạo; tăng cường kiểm tra của Nhà nước đảm bảo quyền lợi của người học cũng như chất lượng đào tạo. 

Còn các trường, phải chủ động trong khuôn khổ mà các văn bản pháp luật cho phép. Cụ thể: chủ động trong việc chọn thầy, chọn giáo viên. Về mặt tài chính, được chủ động đến mức để đảm bảo đủ chi phí trong quá trình đào tạo, trong nghiên cứu khoa học - tức là vừa có hướng nghiên cứu mới cho trường, vừa nhận được những nghiên cứu khoa học mà nhà nước giao. Trong hợp tác quốc tế, được chủ động mời các giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu, thậm chí làm quản lý trường...

Soạn: AM 565958 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Giảng đường ĐH Xây dựng Hà Nội, một trong ít trường đang đào tạo theo niên chế tín chỉ (Ảnh: Nguyên Vũ)

Đang tìm mô hình cho trường "đầu tàu"

- Trong 8 nhiệm vụ đặt ra của đề án thì những nhiệm vụ cơ bản nào sẽ được triển khai ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Đề án Đổi mới GDĐH Việt Nam?

Khi Chính phủ thông qua đề án trong phiên họp tháng 7, một loạt các chương trình đã bắt đầu triển khai. Ví dụ như: trong 8 nhiệm vụ đặt ra, Bộ đã họp triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến. Những trường có đề xuất đưa chương trình tiên tiến vào đào tạo đã gửi kế hoạch lên để xem xét.

Đề án cũng đặt vấn đề xây dựng các trường hàng đầu, các trường tiên tiến như thế nào. Những tổ tư vấn để chuẩn bị cho việc xây dựng mô hình cũng đang được thành lập  Tổ tư vấn đó đứng ra xây dựng mô hình, điều kiện đáp ứng, tiêu chuẩn... 

Trong năm 2006, sẽ chuyển một số trường sang đào tạo theo hình thức tín chỉ để đến năm 2010, toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH chuyển sang cách này, tạo thuận lợi cho người học tích luỹ dần kiến thức theo khả năng và điều kiện của mình, có thể di chuyển học tập dễ dàng trong nước và quốc tế.

- Vấn đề nâng chất lượng các trường ĐH sẽ bắt đầu từ đâu để việc tăng quy mô cũng như đa dạng loại hình và trình độ đào tạo trong thời gian tới đạt hiệu quả?

Có thể nói, hiện nay, người học lựa chọn ngành nghề hoàn toàn rất tự phát, cứ thấy học ngành này nhiều người sử dụng thì theo. Tuy nhiên, Bộ cũng có những định hướng với vai trò là trung gian, để qua đó định hướng việc điều chỉnh cơ cấu này. Ví dụ: việc phân bổ chỉ tiêu: Đối với những ngành càng khó đào tạo thì phải làm sao có những chỉ tiêu để giảm tải được độ cạnh tranh trong tuyển chọn.

Hoặc trong phân bổ kinh phí. Tới đây sẽ không phân bổ một cách bình quân nữa mà phải hướng làm sao những ngành cần thì phải phân bổ kinh phí vào đó nhiều hơn.

Về trình độ, cũng phải khuyến khích mở thêm trường, tăng thêm số lượng chỉ tiêu cho hệ CĐ. Còn lại, sẽ có những chương trình đào tạo liên thông giữa các bậc học để có thể học lên tiếp, vào ĐH. Muốn liên thông được, các trường phải nâng chất lượng đào tạo, Bộ chỉ tạo ra các điều kiện, các tiêu chuẩn. Còn trường này có liên thông với trường kia hay không, đó là việc của các trường. Có tự chủ như vậy để các trường tự khẳng định chất lượng, tiếng tăm của mình.

"Mô hình nào thì cũng phải phù hợp với điều kiện và văn hóa Việt Nam"

- Hệ thống GDĐH và nghiên cứu khoa học của nước ta phần lớn được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cũ. Trong đề án đặt ra sẽ xây dựng một số trường ĐH mới có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Mô hình trường mới này sẽ học hỏi kinh nghiệm của nước nào, thưa Vụ trưởng?    

Nếu nói hiện nay mình theo môn hình của Liên Xô cũ thì cũng chưa hẳn. Vì qua bao nhiêu năm, đã có thay đổi từ hình thức văn bằng... Còn các trường mới theo mô hình nước nào thì hôm làm việc với GS Henry Rosovsky của ĐH Harvard, ông ấy nói một câu rất hay mà mình cho đó là kinh nghiệm. Ông nói "Một trường ĐH tiên tiến, hàng đầu dù theo mô hình nào thì cũng phải phù hợp với điều kiện và văn hóa của Việt Nam".

Cho nên, nếu mà nói theo hẳn mô hình của nước nào thì không có. Vì thực tế, cũng hiếm có một nước nào khẳng định mình có một mô hình riêng. Các nước đều có những giao thoa giữa hình thức, cách thức đào tạo. 

Đề án Đổi mới GDĐH Việt Nam đặt vấn đề sẽ có trường tiên tiến và trường hàng đầu. Còn trường mới hay lên từ trường nào thì Chính phủ phải có chỉ đạo, tổ công tác sẽ tư vấn để xây dựng ra mô hình. Trên cơ sở đó, thấy trường nào lên hay thành lập trường mới.

Hướng đổi mới sẽ tạo điều kiện trong phân tầng cho các trường. Khi Chính phủ quyết định danh sách 14 trường để xây dựng thành trường trọng điểm là tính đến chỗ dựa chất lượng cho toàn hệ thống và đại diện cho các ngành nghề. Các trường này, với sự hỗ trợ của Nhà nước, phải tự vươn lên để đạt mục tiêu đó. Tuy nhiên, như vậy vẫn còn nhiều và chúng ta không đủ lực thực hiện. Vả lại cũng phải có một vài trường có đẳng cấp quốc tế với sự trợ giúp kinh nghiệm, tài chính... của các nhà khoa học quốc tế.

- Thưa Vụ trưởng, thay vì nâng cấp một trường sẵn có với những tồn tại, những bất cập đã được nói đến lâu nay lên theo tiêu chuẩn tiên tiến thì thành lập một trường mới với sự chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo sư... có thể sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn chăng? 

Đúng là mỗi cách làm sẽ có những thuận lợi và bất lợi riêng. Để xây dựng trường mới, nếu có đủ tiền để làm tốt ngay từ đầu - kể cả thuê những người nước ngoài có kinh nghiệm quản lý trường; tìm kiếm GS, xây dựng chương trình... thì có thể đạt được ngay những tiêu chuẩn đề ra. Nhưng cũng có cái khó vì đầu tư cho một trường như thế sẽ rất lớn, kể cả về đất đai, vị trí... và cũng phải có thời gian vận hành để cho bộ máy quản lý được "bôi trơn". 

Còn nâng cấp những trường đã có sẵn thì phần đầu tư sẽ đỡ hơn nhiều, nhưng lại vướng sức ì của bao nhiêu năm đã quản lý và vận hành theo cách cũ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.

Tiền làm đổi mới lấy ở đâu?

"Qua quá trình làm việc với các GS VN, các nghiên cứu sinh - học sinh VN, các GS của Harvard tin người VN có tố chất để làm được. Vì thế, họ rất ủng hộ ý tưởng xây trường, và sẽ giúp đỡ về: tư duy trong nghiên cứu khoa học, trong quản lý trường, phát triển chương trình, huy động GS Mỹ cùng hỗ trợ và giúp đỡ VN"

 - Vượt qua sức ì trong tư duy là khó khăn rất lớn. Còn tiền đầu tư thì có nhiều nguồn khác nhau để kêu gọi. Vậy Bộ có nghĩ đến việc kêu gọi đầu tư từ các nguồn khác nhau, như từ các doanh nghiệp hay các tổ chức chẳng hạn?

- Khi xây dựng mô hình cho trường ĐH hàng đầu, sẽ có nhiều cách làm được đặt ra để có thể đánh giá xem cách làm nào là tốt nhất. Nhưng thật ra, đào tạo ĐH thì đầu ra cũng là cho các doanh nghiệp, nên họ cũng có trách nhiệm hỗ trợ, đóng góp cho các trường. Khơi dậy nguồn vốn của doanh nghiệp là việc các trường phải tự làm. 

Với cơ chế tự chủ, các trường được chủ động trong việc sử dụng nguồn tài chính, kể cả tiền đầu tư của nhà nước, tiền kinh phí thu được từ tuyển sinh. Còn về "nguồn tiền" thì các trường đều rất cần tiền đầu tư của Nhà nước, cũng như các khoản vay vốn dự án, vì tiền thu từ học phí của học sinh không đáng kể, không thể trang trải các chi phí đào tạo.

- Được biết, Bộ GD-ĐT đã có đoàn sang thăm Harvard tham khảo để xem xét về khả năng hợp tác?

- Trong chương trình làm việc với Harvard (trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 6/2005), Thủ tướng có đặt vấn đề muốn Harvard giúp Việt Nam xây dựng trường hàng đầu. Lần này, đoàn của Bộ GD-ĐT sang để tìm hiểu kỹ hơn cho những bước hợp tác tiếp theo. Các GS của Harvard muốn biết hiện trạng đào tạo của VN, và hướng phát triển của chúng ta trong tương lai, để xem họ có thể giúp chúng ta được không.

Khi nghe Thứ trưởng Bành Tiến Long nói về hướng phát triển ĐH, họ đã rất tin và đánh giá cao năng lực của người VN. Họ cũng thừa nhận, nhiều nước có rất nhiều tiền nhưng vẫn không xây dựng được ĐH có tiếng tăm. Nhưng qua quá trình làm việc với các GS VN, các nghiên cứu sinh - học sinh VN, họ tin người VN có tố chất để làm được. Vì thế, họ rất ủng hộ ý tưởng xây trường, và sẽ giúp đỡ về: tư duy trong nghiên cứu khoa học, trong quản lý trường, phát triển chương trình, huy động GS Mỹ cùng hỗ trợ và giúp đỡ VN. Đó là sự giúp đỡ rất lớn, và tất cả mới là sự bắt đầu. 

- Vậy sau chuyến đi của Thủ tướng, đã có những kế hoạch gì, những hành động gì tiếp theo để triển khai ý tưởng của Thủ tướng?

- Chính phủ đã có công văn yêu cầu nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ GD-ĐT, triển khai những bước tiếp theo, thể hiện qua đề án, những chương trình làm việc cụ thể với các GS. Bộ sẽ có văn bản báo cáo cụ thể với Chính phủ, và chờ Chính phủ chỉ đạo những bước tiếp theo cần làm gì.

- Để thực hiện công việc hệ trọng của nền GDĐH VN này, nguồn kinh phí sẽ được lấy ở đâu?

Chúng tôi đang có một dự án hỗ trợ kỹ thuật để thiết kế cho dự án GDĐH, sẽ vay tiền của World Bank. Hiện nay, nhóm tư vấn đang cùng Ban quản lý dự án thiết kế báo cáo tiền khả thi để trình Chính phủ. Những công việc dự kiến sẽ làm trong dự án vay tiền cũng gắn với đổi mới GDĐH Việt Nam.

Cản trở lớn nhất: sức ỳ của tư duy

 '"Có những tư duy rất cũ trong quản lý giáo dục, như: lúc nào cũng lo làm sai, lúc nào cũng lo người ta "phá rào"... Dù đã phân cấp hết cho một trường đào tạo thạc sĩ: từ tuyển sinh cho đến cấp bằng, nhưng nhiều khi người ta cũng không biết được phân cấp hết, có nhiều cái vẫn cứ hỏi.."

- Ngoài kinh phí, khó khăn phải đối mặt trước mắt khi thực hiện Đề án đổi mới GDĐH xác định là những gì?

Vấn đề quản lý là cái khó đầu tiên phải đối mặt. Có những tư duy rất cũ trong quản lý giáo dục, như: lúc nào cũng lo làm sai, lúc nào cũng lo người ta "phá rào"... Cho nên, đề án cũng đặt các điều kiện cần đổi mới tư duy quản lý, vì có muốn hay không thì quá trình thực hiện cũng đổi mới rồi.

Khó khăn nữa là sức ì trong nếp quản lý bao nhiêu năm, tạo cho người ta những đường mòn. Như cơ chế xin - cho chẳng hạn. Dù đã phân cấp hết cho một trường đào tạo thạc sĩ: từ tuyển sinh cho đến cấp bằng, nhưng nhiều khi người ta cũng không biết người ta được phân cấp hết nên có nhiều cái vẫn phải hỏi...

Thứ ba, nếu muốn nâng cao chất lượng thì làm sao phải để cho bản thân giáo viên phải thấy đổi mới là cấp thiết; đổi mới phải gắn liền với sự nghiệp của mỗi người - đây là vấn đề lớn. Nếu mỗi giáo viên hiểu, không đổi mới - có thể bị loại khỏi guồng máy thì họ sẽ phải cố gắng trong phương pháp giảng dạy và trau dồi kiến thức, trong công tác nghiên cứu... Nếu bây giờ, giáo viên và cán bộ quản lý (cả vi mô và vĩ mô) có những đổi mới về tư duy và phương pháp làm thì có thể thành công lớn. 

Trong nội dung các "tiểu đề án" sẽ có những giải pháp rất cụ thể để giải quyết những tồn tại đặt ra. Khi tạo ra môi trường phát huy khả năng của từng giảng viên thì sẽ tạo động lực để từng người làm việc, giảng dạy, nghiên cứu và viết sách... 

- Trong đề án có đặt ra mục tiêu cụ thể về việc giáo dục VN sẽ bắt kịp trình độ của khu vực hay thế giới vào năm nào không?

- Cũng rất khó, vì trong lúc ta phát triển thì họ cũng phát triển rất nhanh. Các mục tiêu của đề án đặt ra đều tính đến sự khả thi. 

- Nghĩa là, Vụ trưởng tin vào sự khả thi của đề án này?

Tôi thật sự tin. Với đề án này, quan điểm chỉ đạo cũng như hướng làm đã rất rõ ràng, nên chúng tôi chỉ phải chịu sức ép về thời gian và năng lực thôi, còn chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đóng góp ý kiến từ trên xuống cũng như từ dưới lên. Điều đó thể hiện sự trông chờ của xã hội đối với giáo dục.

- Xin cảm ơn Vụ trưởng!

Dùng "ngoại lực" cho GD ĐH

-Thiết lập các nguyên tắc và thủ tục thông thoáng cho phép nước ngoài hoặc trường ĐH có chất lượng của nước ngoài đầu tư 100% vốn xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế hoặc mở chi nhánh ở nước ta. Xây dựng cơ chế về đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH ngoại nhập (cả chương trình thông thường và chương trình on-line), tham gia xây dựng mối liên kết với các tổ chức kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế nhằm bảo vệ người học trong nước.

-Xây dựng các trung tâm du học tại chỗ, mời chuyên gia quốc tế đào tạo chất lượng cao, hoặc đào tạo đan xen để giảm thất thoát chất xám.

- Tận dụng mọi khả năng thu hút chuyên gia giỏi từ nước ngoài hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu. Xây dựng chính sách đồng bộ, thu hút chất xám từ Việt kiều và sử dụng công dân VN học từ nước ngoài về.

- Trong giai đoạn 2011-2020: Trọng tâm là hình thành hệ thống giáo dục ĐH hiện đại, mạng lưới các trường ĐH hợp lý, hội nhập quốc tế và đạt trình độ chất lượng khu vực.

(Trích "Đề án đổi mới GD ĐH VN")

  • Thực hiện: Kiều Oanh - Khánh Linh

  • Biên tập: Hạ Anh

Ý kiến của bạn:

  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,