221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
538844
Báo cáo tình hình giáo dục: có gì đột phá?
1
Article
null
Báo cáo tình hình giáo dục: có gì đột phá?
,

(VietNamNet) - Liệu có được cái nhìn thẳng thắn, những giải pháp đột phá nhằm 'chấn hưng giáo dục" trong báo cáo được dư luận ngóng chờ: báo cáo về tình hình giáo dục của Chính phủ dự kiến trình Quốc hội vào ngày 15/11 tới?

Soạn: AM 184079 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Bình đẳng nam nữ về giáo dục được đảm bảo là một trong những thành tựu của giáo dục theo báo cáo này.

Bản chỉnh sửa mới nhất của báo cáo đánh giá tình hình giáo dục sẽ có 3 phần chính: tình hình phát triển giáo dục từ năm 1998 đến nay (hơn 11 trang), các giải pháp phát triển giáo dục đến năm 2010 (hơn 8 trang) và kiến nghị với Quốc hội (khoảng 1 trang).

Trong phần tình hình phát triển giáo dục, có hơn 4 trang dành để nêu kết quả thực hiện các chủ trương phát triển giáo dục, được thể hiện theo các ý: từ bậc mầm non tới sau ĐH. Hơn 6 trang tiếp theo là phần đánh giá tổng quát về tình hình giáo dục, được bố cục theo hai ý: thành tựu (hơn 2 trang) và yếu kém (4 trang).

4 yếu kém, 3 nguyên nhân

"Thấp", "thiếu", "bất cập"...là những tính từ xuất hiện nhiều lần trong bản báo cáo ở phần đánh giá những yếu kém và tiêu cực của giáo dục.

Chất lượng giáo dục đại trà còn thấp so với yêu cầu, phương pháp giáo dục chậm đổi mới  là yếu kém đầu tiên được đề cập. Điều này thể hiện, ở giáo dục phổ thông vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiên về dạy chữ. Trong giáo dục nghề nghiệp và ĐH, người học còn thiếu cố gắng, thiếu trung thực trong học tập nên chất lượng đào tạo thấp. Cách dạy, học trong các nhà trường chủ yếu vẫn theo lối truyền thụ kiến thức một chiều, áp đặt.

 Các điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục còn bất cập là yếu kém thứ hai'; với các biểu hiện: giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của một bộ phận còn thấp. Thiếu chính sách cụ thể, đồng bộ và đủ mạnh để bảo đảm cho giáo dục phát triển bền vững...

Yếu kém thứ ba được thừa nhận: con em gia đình nghèo, gia đình có thu nhập thấp và con em đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn  trong tiếp cận học tập.

Yếu kém cuối cùng được đề cập tới là: một số hiện tượng tiêu cực trong giáo dục chậm được giải quyết. Điều này thể hiện ở chỗ, bệnh thành tích đã làm cho kết quả được báo cáo về phát triển giáo dục không phản ánh đúng thực chất. Nạn sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp... vẫn là mối nguy hại trực tiếp trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh chỉ ra yếu kém và tiêu cực, báo cáo cũng đã nêu ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, hai nguyên nhân chủ yếu được đề cập đến là tư duy giáo dục chậm được đổi mới sự kém cỏi trong quản lý về giáo dục. Những tác động khách quan làm tăng thêm các yếu kém, bức xúc của giáo dục cũng được "liệt kê" ở đây, mà cụ thể là: nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng cao, trong khi khả năng đáp ứng của ngành giáo dục và trình độ phát triển kinh tế của đất nước còn hạn chế: mức đầu tư cho giáo dục tính trung bình theo đầu người còn thấp so với yêu cầu bảo đảm chất lượng và so với các nước; khả năng tạo việc làm chưa thoả mãn nhu cầu của người lao động đã qua đào tạo.

Soạn: AM 184081 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Năm 2004, cả nước đã phát triển thêm 3.874 trường học ở các cấp bậc học so với năm 1998 là 33.309.

Tư duy mới về giáo dục

Bản báo cáo đã đề xuất những nội dung cụ thể của tư duy mới về giáo dục. Theo đó, mục tiêu giáo dục thời kỳ mới là "thế hệ trẻ do nhà trường đào tạo phải trung thực, năng động và sáng tạo, biết hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, có hoài bão, có ý chí vươn lên, tự lập thân, lập nghiệp, làm giàu cho bản thân và góp phần đưa đất nước ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu". Ngoài ra, nền giáo dục phải là nền giáo dục cho mọi người, trong đó xã hội hóa giáo dục là giải pháp cơ bản để huy động nguồn lực. Một nội dung khác của "tư duy mới" là "cần xác định các vấn đề của giáo dục trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN". Và cuối cùng, xem việc tăng cường khả năng hội nhập của nền giáo dục phải là động lực quan trọng chứ không chỉ là xu thế như nhìn nhận chung chung hiện nay.

5 năm tới: "bước đệm" tạo chuyển biến về chất lượng

Báo cáo đã đưa ra các giải pháp mang tính cấp bách từ nay đến 2010 làm tiền đề cho các bước phát triển mạnh mẽ hơn cho giai đoạn sau.

"Những việc cần làm ngay" năm 2005

Trước hết là việc mở rộng quy mô, đẩy mạnh XHH giáo dục, Chính phủ sẽ bắt đầu quá trình mở rộng này với việc: ở ĐH, tăng từ 5% lên 10% hằng năm để đến năm 2010 đạt mức 200 SV/1 vạn dân. Hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng liên thông, phát triển hệ thống dạy nghề, chú trọng dạy nghề trình độ cao. Đồng thời, ban hành chính sách tạo điều kiện để duy trì, củng cố và phát triển các trường ngoài công lập..

Tiếp theo, các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục được triển khai trên cơ sở: xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn quốc gia; xây dựng danh mục nghề và chương trình phát triển nhân lực quốc gia (hoàn thành vào năm 2006); thực hiện chương trình quốc gia về giáo viên; đưa vào triển khai hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục.

Để thực hiện công bằng trong giáo dục, Chính phủ sẽ điều chỉnh định hướng đầu tư từ ngân sách Nhà nước: tập trung cho giáo dục phổ cập, vùng khó khăn, chương trình nhân lực quốc gia; mở rộng tín dụng học tập...

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao khả năng chủ động hội nhập quốc tế như: chọn lọc chương trình tiên tiến của các nước phát triển vào giáo dục ĐH và nghề nghiệp; triển khai chiến lược dạy, học ngoại ngữ; xây dựng một số trường ĐH có trình độ quốc tế...

Một giải pháp khác nữa là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong giáo dục với việc đổi mới cơ chế, phân cấp quản lý giáo dục mạnh mẽ theo tinh thần "lấy việc quản lý chất lượng làm nhiệm vụ trọng tâm".

Cuối cùng, báo cáo đưa ra nhiều biện pháp xử lý triệt để các tiêu cực của giáo dục, mà cụ thể là hai chuyện "nổi cộm": dạy thêm học thêm và sử dụng văn bằng chứng chỉ, đánh giá kết quả không đúng thực chất. Trong đó, đáng lưu ý là việc xây dựng cơ chế đánh giá, sử dụng cán bộ căn cứ vào năng lực chức không quá thiên vào bằng cấp như hiện nay.

Bốn kiến nghị với Quốc hội

Thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, phê duyệt ngân sách giáo dục với tỷ lệ không dưới 18% NSNN, cho phép xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ mới là ba trong bốn đề xuất của Chính phủ với Quốc hội lần này.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề xuất một số chủ trương cần sớm thực hiện. Cụ thể là: xây dựng lộ trình giảm bớt một số kỳ thi; trước mắt: bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và văn bằng tốt nghiệp tiểu học từ năm 2005. Tạo điều kiện để các trường ĐH, CĐ công lập được tự chủ về tài chính và tổ chức nhân sự, không phân biệt giữa giảng viên trong biên chế và hợp đồng. Khắc phục tình trạng phân biệt đối xử đối với các trường ngoài công lập. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị, trên cơ sở các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất đủ để bảo đảm chất lượng đào tạo, tiến đến cho phép các trường có quyền tự chủ đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh. Cùng với đó, xây dựng và ban hành chính sách mới về học phí, học bổng áp dụng từ năm học 2005-2006... 

Một vài số liệu về giáo dục

Quy mô HSSV các cấp bậc học qua các năm từ 1998  đến 2004: riêng tỷ lệ HS theo học bậc tiểu học giảm còn lại tỷ lệ các bậc học khác đều tăng. Cụ thể, THCS tăng 18,8%; THPT tăng 57,8%; THCN tăng 66,1%; Dạy nghề dài hạn và ngắn hạn tăng 72%; CĐ, ĐH tăng 35,9%... 

Đội ngũ giáo viên (GV) công lập và ngoài công lập ở các cấp bậc học tính đến năm 2003 - 2004 là trên 1 triệu GV. Tổng số GV được bổ sung là 213.604 người, từ năm 1998.

Ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho giáo dục và đào tạo năm 2000 là 14,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 15% trong tổng NSNN. Con số chi cho giáo dục đào tạo năm 2004 là 34,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,1%. Với mức chi cho giáo dục đào tạo hiện nay, Bộ GD - ĐT dự kiến, đến năm 2005 chi GD-ĐT chiếm 18% trong tổng NSNN và 20% vào năm 2010

 

  • Kiều Oanh

  • Ảnh: Nguyên Vũ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,