221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
106647
Tăng học phí, chất lượng có tăng theo?
1
Article
null
Tăng học phí, chất lượng có tăng theo?
,
Bộ Giáo dục Đào tạo đang trình Chính phủ một đề án điều chỉnh khung học phí (HP), dự kiến áp dụng từ 1/1/2004. Nếu đề án này được phê duyệt, HP ở tất cả các cấp học và đào tạo (trừ tiểu học) đều sẽ tăng. Đặc biệt, mức trần HP đại học (ĐH) sẽ tăng từ 180.000đ/tháng hiện nay lên 250.000đ/tháng, tương đương 36%. Nhưng tăng HP có phải là con đường tốt nhất? HP tăng rồi liệu chất lượng giáo dục có tăng tương ứng, nếu như cỗ máy giáo dục nước nhà hiện vẫn còn nhiều bất cập, từ chương trình đến sách giáo khoa, từ cơ sở vật chất đến con người...
 
Khi còn sống, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng trăn trở: "Giáo dục nước ta chưa phải là tốt. Đừng nghĩ mình ít tiền. ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm. Nếu ít tiền mà làm hỏng, thì nhiều tiền càng hỏng hơn".
 
Khung HP hiện nay được áp dựng từ năm 1998. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GDĐT đến thời điểm hiện nay khung HP này đã trở nên ''không thực tế''. Vì vậy, việc điều chỉnh khung học phí lần này là bước đầu đổi mới theo lộ trình để dần dần có thể xác lập một cơ chế thu học phí, cấp học bổng, trợ cấp hợp lý, công bằng hơn.
 
Thực trạng học phí
 
Theo tính toán, mức HP hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí đào tạo thực tế cho một sinh viên. Tuy nhiên hiện nay, với đa số các trường, HP chiếm tới 2/3 tổng số nguồn thu của nhà trường. Theo quy định, tỷ lệ HP dành để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy- học tập không dưới 35% đối với khối giáo dục, không dưới 45% đối với khối đào tạo. Số còn lại sau khi chi trả lương cho cán bộ giáo viên, nhân viên... không đủ cho các hoạt động của cơ sở đào tạo.
 
Ví dụ, các trường đều cho biết, hầu như không có kinh phí dành cho SV đi thực tập. Về phía các trường dân lập, hiện nay có 16 trường ĐHDL nhưng chỉ một trường dám lấy đến mức trần của Nhà nước cho là 400 nghìn đồng/tháng. Theo họ, nếu tính đúng thì tiền HP phải tới 1 triệu đồng/ tháng. Nhưng nếu lấy cao quá lại sợ sinh viên không dám vào học.
 
Điều chỉnh theo hướng nào?
 
Bộ GDĐT đã hai lần lấy ý kiến hoàn chỉnh dự thảo "Quy định về khung học phí, thu và sử dụng học phí ở các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân". Khung HP mới được xác lập theo hướng: Có mức thu đảm bảo đủ chi cho đào tạo một sinh viên để tận thu của những đối tượng có điều kiện, lấy một phần nguồn thu đó cấp học bổng, trợ cấp hoặc miễn giảm trực tiếp trên mức thu cho sinh viên nghèo.
 
Theo đó HP ở tất cả các loại hình giáo dục, ở tất cả các cấp bậc học sẽ tăng so với hiện nay. Mức trần HP ĐH sẽ tăng từ 180.000/tháng hiện nay lên 250.000 đồng/tháng; HP đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng được kiến nghị tăng lên đến mức tối đa là 4,5 triệu đồng/năm. HP bậc THCN, THPT cũng tăng nhưng không đáng kể nhằm khuyến khích, thu hút người học. 
 
Ở bậc tiểu học vẫn giữ chủ trương miễn giảm HP hoàn toàn để duy trì kết quả phổ cập tiểu học trên quy mô toàn quốc. Bậc THCS tuy đang tiến hành phổ cập nhưng vẫn thu HP với mức hợp lý để đảm bảo kinh phí cho giáo dục.
 
Bên cạnh việc tăng HP, sẽ mở rộng hoặc tăng mức chính sách miễn giảm HP, trợ cấp, cấp học bổng cho sinh viên nghèo, các đối tượng chính sách; sửa đổi các quy định về học bổng và trợ cấp khó khăn cho sinh viên. Trong đó, quy định về cấp học bổng được điều chỉnh theo hướng xét các tiêu chí chính sách xã hội, đặt những tiêu chí này ở vị trí bằng hoặc ưu tiên hơn kết quả học tập để tạo cơ hội cho học bổng đến đúng đối tượng.
 
Việc góp ý cho dự thảo đã được đưa ra từ cuối tháng 5/2002 và khi đó dự kiến sẽ áp dụng ngay từ năm học 2002 - 2003. Tuy nhiên, vì "đây là vấn đề nhạy cảm và có ý nghĩa xã hội rất lớn", nên cho đến tận thời gian này khung HP mới vẫn còn là dự thảo. Trong những ngày tới, Bộ GDĐT sẽ trình Chính phủ một lần nữa và nếu được phê duyệt sẽ triển khai từ tháng 1/2004.
 
Ý kiến từ nhiều góc nhìn
 
Theo GS-TSKH  Nguyễn Xuân Hãn thì việc huy động người dân đóng góp một phần chi phí cho đào tạo là một chủ trương đúng. Song đóng góp đến đâu và quản lý như thế nào lại là chuyện khác... Nước ta còn nghèo, đầu tư cho giáo dục của ta so với các nước giàu thì không bằng, nhưng so với mức sống trung bình của người dân, ta cũng đã đầu tư hết lực rồi. Vấn đề là sự quản lý nguồn kinh phí để phát triển giáo dục một cách hiệu quả. Vấn đề đầu tư cho giáo dục cũng cần phải cân nhắc kỹ. Con người và tổ chức trong hệ thống quản lý giáo dục không được nghiên cứu và chấn chỉnh lại, thì tiền đầu tư dù có tăng lên, nhưng hiệu quả chưa chắc đã tăng theo, mà có khi còn ngược lại. Thời chiến tranh nghèo khó, không vay tiền của ai, Nhà nước lại không thu học phí của sinh viên, tại sao sách vẫn đủ và giá vẫn rẻ cho sinh viên, GDĐH vẫn phát triển và có thứ bậc trong các nước thế giới thứ ba?
 
PGS.TSKH Bùi Học, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho rằng việc tăng HP là cần thiết vì mức thu hiện nay là không phù hợp. Thu không đủ vào bù đắp chi phí hiện nay cho đào tạo sinh viên cũng như trả lương giáo viên, thực hành, thực tập, trang thiết bị dạy học...Hiện nay nhà trường đang áp dụng các mức HP 140 - 160 -180 nghìn đồng/tháng đối với những ngành học khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sinh viên vào học theo sở thích, theo nhu cầu, HP có thấp đến mấy mà không thích thì cũng không đăng ký học... Nếu xét các điều kiện xã hội thì HP không nên tăng quá cao, nên dừng ở mức dưới 300 nghìn đồng/tháng.
 
Sinh viên Phạm Minh Hạnh, năm cuối Đại học Thương mại - Hà Nội bày tỏ tâm trạng lo lắng: Hiện nay học phí chúng tôi phải đóng là 180.000đ/tháng, là nỗi lo lắng của rất nhiều bạn cùng lớp, cùng trường với tôi. Có bạn nhà rất nghèo, gia đình thuần nông, thu nhập rất thấp, lại đông con cái, bạn ấy ra được Hà Nội học là sự cố gắng rất lớn của cả gia đình... Bây giờ mà học phí tăng thì không biết sẽ sống như thế nào giữa đất thủ đô này.
 
Sinh viên Nguyễn Văn Thành, tân sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng lo lắng không kém: Trường em sẽ học, với mức HP cũ thì thấp nhất là 800.000 đồng/học kỳ (khoảng hơn 4 tháng) và cao nhất là kỳ thi tốt nghiệp làm luận văn phải tốn gần 2 triệu đồng. Tổng số tiền này cộng với chi phí sống tại thành phố vào khoảng 800.000 đồng nữa. Vậy mỗi tháng em đã mất đứt 1,5 triệu đồng, tương đương một tháng lương kỹ sư mới ra trường. Vậy mà niên học tới còn tăng HP, chắc sẽ còn khó khăn hơn. Có lẽ em phải tìm việc làm thêm ngay từ bây giờ để đỡ được phần nào khi đi học đại học ở thành phố.
 
(Theo LĐ)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,