221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
99385
Môi trường học tập làm tăng chất lượng giáo dục tiểu học?
1
Article
null
Môi trường học tập làm tăng chất lượng giáo dục tiểu học?
,
Học sinh tiểu học cần được thoải mái để phát triển.

Được xây dựng với mục tiêu tăng cường sự đối thoại giữa trẻ em với người lớn, gắn kết mối quan hệ giữa học sinh, giáo viên, nhà trường và chính quyền địa phương…, mô hình “Môi trường học tập bạn hữu” do Tổ chức cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển khởi xướng đã chứng minh tính ưu việt của một mô hình giáo dục mới theo chủ trương cải cách giáo dục của Bộ GD&ĐT, sau thời gian thực hiện thí điểm tại 6 trường tiểu học TP.HCM.

 

Tính ưu việt của một mô hình học tập mới

 

Những kinh nghiệm quý báu về mô hình giáo dục theo tiêu chí “Môi trường học tập bạn hữu” đã được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Tâm, Trường Tiểu học bán công Đống Đa, Q4, chia sẻ với các đồng nghiệp và các tổ chức Cứu trợ Trẻ em Anh, Bỉ và UNICEF… tại diễn đàn “Môi trường học tập bạn hữu” do Bộ GD & ĐT phối hợp với UNICEF, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Anh, Bỉ và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức vào ngày 21/8, tại Hà Nội.

 

Theo thầy Tâm, sau một thời gian triển khai thí điểm mô hình này, chất lượng dạy và học của trường thầy được nâng cao hẳn. Các em học sinh thường xuyên được vui chơi, tham gia các phong trào giải trí lành mạnh cũng như các cuộc hội thảo mà nhà trường tổ chức. Khác với cách làm thông thường, trong mỗi lần tổ chức vui chơi cho các em bằng các hình thức: chợ thôn quê, vui chơi thể thao cùng nhiều hoạt động giải trí khác…, trường đều khuyến khích các em tự sáng tạo các vật dụng liên quan, chủ động chơi theo phong cách và mong muốn riêng của trẻ. Những lúc như vậy, người lớn, thầy cô chỉ đóng vai trò bảo vệ … vòng ngoài chứ không trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho các em. Cách làm này đã tạo cho trẻ sự thoải mái, yên tâm để phát huy được tất cả các khả năng sáng tạo cũng như ý tưởng của mình. Ở đó, chúng không cảm thấy khiên cưỡng, gò bó, phải làm theo ý muốn và yêu cầu của người lớn.

 

Cũng theo thầy Tâm, khi triển khai theo mô hình thí điểm này, các lớp học không phải ngồi theo cách thông thường: em ngồi sau phải nhìn … lưng em trước mà bàn học được thiết kế theo nhiều tư thế, kiểu dáng, miễn là giúp các em có được cảm giác thoải mái, thân thiện để trao đổi kinh nghiệm học tập.

 

Một trong những bí quyết đem lại hiệu quả cao trong chất lượng học tập và đời sống tinh thần của các em mà trường đã đạt được là tăng cường các cuộc đối thoại giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô, tất nhiên là có cả sự tham gia của nhiều phụ huynh và chính quyền địa phương sở tại, dưới hình thức hội thảo. Tại đây, trường bố trí cho từng nhóm hội ý riêng để tránh áp đặt, mất đi tính trung thực. Nhờ đó, các em nhỏ đã tự tin, mạnh dạn nói lên tất cả khúc mắc cũng như mong muốn của mình về học tập, về cách cư xử của bố mẹ, thầy cô…

 

Theo “tiết lộ” của thầy Tâm, có rất nhiều ông bố bà mẹ, khi được mời lên phát biểu, giãi bày trong những cuộc hội thảo như thế, đã hối hận đến nghẹn lời hoặc khóc nức nở vì cảm thấy mình đối xử với con nhỏ thật vô tâm, bất nhẫn.

 

Ngoài những cuộc hội thảo định kỳ hàng tháng, trong những ngày học bình thường, các em được phép vẽ màu trên giấy (tất cả do nhà trường đài thọ) để thể nghiệm năng lực bằng mong muốn, ý tưởng bất chợt của mình, sau đó được dán lên tường lớp học. Với những em không thích vẽ, có thể viết lên những điều mình không hài lòng về bạn bè, gia đình, cách rầy la nặng lời của cô giáo mỗi khi không làm xong bài tập… Nhờ sự “khuyến khích” này, các em đã không phải giữ trong lòng mình những ấm ức, sự bực dọc có thể gây ảnh hưởng xấu đến học tập...

 

Và những băn khoăn, thắc mắc…

 

Đa số đại biểu tham dự hội nghị đều tán thưởng mô hình và những thành tựu đột phá mà trường Tiểu học bán công Đống Đa đã làm được, mặc dù họ vẫn còn nhiều băn khoăn, thắc mắc. Một đại diện của Oxfam Bỉ hỏi về kinh phí và thời gian để tổ chức tất cả các hoạt động trên; đại diện cuả Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ thì thắc mắc về việc trong một môi trường học tập như thế, có chỗ nào dành cho trẻ em khuyết tật và cách học này chỉ dành cho con em nhà giàu, khá giả hay đại trà….?

 

Giải đáp tất cả những băn khoăn nói trên, thầy Tâm cho biết: kinh phí không phải là điều cần nhất trong khi thực hiện mô hình học tập bạn hữu mà là phương pháp thực hiện và sự kiên trì, nhẫn nại. Hiện tại, mỗi tháng trường chúng tôi bỏ ra khoảng 2 triệu đồng cho các hoạt động vui chơi đó của trẻ em (mua màu, bút, tổ chức phiên chợ…). Còn về thời gian, vì trường chỉ học chính khoá vào buổi sáng nên các hoạt động nói trên chủ yếu diễn ra vào buổi chiều (họcngoại khoá) hoặc trong các ngày nghỉ.

 

Riêng về vấn đề trẻ khuyết tật, thầy Tâm thừa nhận: ban đầu, khi giới thiệu một số trẻ khuyết tật vào bất kỳ lớp học nào , các thầy cô giáo cũng chối … nguây nguẩy vì sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua, đến khi nghe trường quả quyết là sẽ không tính các em vào thành tích của lớp, họ mới chịu nhận. Về sau, tất cả đều làm rất tốt.

 

Thán phục trước những thành tựu mà Trường Tiểu học bán công Đống Đa đạt được, song nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về việc, liệu mô hình học tập trên có hoàn toàn thành công như mong đợi khi một lớp học có tới hơn 50 học sinh? Về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Thái - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo Dục & Đào tạo) thừa nhận là “quá tải” và cho rằng, trường nên giảm tỷ lệ học sinh các lớp xuống còn tối đa 35 em theo chỉ đạo của Bộ. Nếu không, sẽ rất khó đạt được yêu cầu mà mục tiêu của mô hình đề ra.

 

Mong rằng, với nhiều thành tựu đáng nể chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thí điểm “Môi trường học tập bạn hữu”, trong tương lai, mô hình này sẽ được nhân rộng trong tất cả các trường học, không chỉ riêng bậc Tiểu học, để các em học sinh chúng ta yên tâm hơn trong học tập, đời sống và phát huy được hết mọi khả năng sáng tạo của mình.

 

  • Nguyệt Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,