,
221
721
Dữ liệu
dulieu
/dulieu/
583652
Cổ phần hóa phải hướng tới thị trường
1
Article
null
,
Tại Hội nghị cổ phần hoá DNNN, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng:

Cổ phần hóa phải hướng tới thị trường

Cập nhật lúc 16:15, Thứ Sáu, 25/02/2005 (GMT+7)
,

Nói thẳng,  nói hết những vướng mắc trong rào cản của cơ chế chính sách, đòi hỏi quyền chủ động hơn nữa trong việc quá trình CPH... Đó là tâm tư chung của các Tổng Cty và DNNN tại Hội nghị CPH diễn ra ngày 24/2.

Về phía Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, tựu trung ý kiến đều nhất trí: “DNNN không thể khép kín CPH mà dứt khoát phải đưa cổ phần ra đấu giá bên ngoài thị trường. Muốn huy động vốn, sớm muộn DN phải tính đến chuyện “lên” sàn chứng khoán”.

DN mong muốn gì?

Xuyên suốt trong các phát biểu của đại diện DNNN lần này, thấy các Tổng Cty, DN lớn hầu hết đều tỏ ra “lo” về “khâu” xác định giá trị thương hiệu, một điểm mới trong quá trình thực hiện CPH theo NĐ 87/CP mới. Theo Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Vinaconex Phí Thái Bình, giá trị thương hiệu là một tài sản vô hình rất khó xác định, thế nên các Tổng Cty “mẹ” rất lúng túng khi CPH các Cty “con” không biết cộng giá trị thương hiệu là bao nhiêu phần trăm thì phù hợp.

Cũng nhấn mạnh vào thương hiệu nhưng ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CN ô tô VN nói  rõ hơn: “CPH không thể làm ào ào, như thế sẽ thất bại. Ngược lại muốn trụ được sau khi CPH, DN phải chọn cho mình ít nhất một sản phẩm gắn liền với tên tuổi”.

Từ góc độ quản lý một Tổng Cty lớn là Điện lực, Chủ tịch HĐQT Đặng Hùng tha thiết xin Bộ Công nghiệp cho cơ chế tự chủ, tự quyết các bước trong quá trình CPH (giống Bộ Xây dựng) trước khi trình hẳn phương án lên Bộ chủ quản để “tránh mất thời gian vào báo cáo, họp hành”. Đồng thời, ông Hùng cũng thông báo: Theo phương án sắp xếp DN của Tổng Cty Điện lực sẽ có 3 nhà máy thuỷ điện là Hoà Bình, Trị An, Đa Nhim là không CPH, các đơn vị còn lại kể cả Cty điện lực các địa phương cũng sẽ tính đến phương án CPH.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Chủ tịch HĐQT  Tổng Cty Rau quả- Nông sản kiến nghị: Chính phủ, Bộ Tài chính cần mạnh dạn xoá bỏ nợ cũ, nếu để lâu càng gây khó  khăn cho CPH, do hệ thống tài chính của mình tự tiêu, tự khấu hao, khoanh nợ... dẫn tới cứ “nợ treo”. Nhà nước cần phải thành lập đoàn công tác để giải quyết vấn đề này.

Ra thị trường: Con đường để phát triển

Nhất trí với định hướng phát hành trái phiếu ra ngoài DN, ông Dương Thời Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Lạng Sơn  cho hay: Lạng Sơn đã mạnh dạn CPH theo đặc thù được Chính phủ cho phép như: Cty chợ phát hành rộng rãi cổ phiếu ra ngoài DN, gắn với những cổ đông là bà con kinh doanh cố định trong phạm vi của chợ và bước tiếp theo huy động vốn của bà con kinh doanh không cố định trong chợ.

Tuy nhiên, đâu đó trong những kiến nghị, căn bệnh CPH khép kín vẫn “náu mình”. Rất muốn lên sàn giao dịch chứng khoán để mở rộng kênh huy động vốn nhưng có Tổng Cty lại chỉ muốn “ôm” khoản tiền chênh lệch khi bán cổ phần Nhà nước ra thị trường chỉ với lý do: giá đó có được là nhờ thương hiệu của DN hay Cty mẹ.

Không đồng tình với suy nghĩ này, trả lời các DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm  nhấn mạnh: “Cổ phần của Nhà nước khi bán ra ngoài thị trường là nhằm kết hợp hài hoà lợi ích của DN và Nhà nước. Thêm nữa, Nhà nước không tiêu số tiền thu được đó một cách phi lý mà dùng nó để hỗ trợ cho DN giải quyết lao động dôi dư hoặc tiếp tục đầu tư cho các Cty yếu thế khác”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN chỉ đạo:  “Tới đây, các DN không thể tiến hành CPH theo kiểu khép kín mà dứt khoát phải vươn ra ngoài thị trường”. Phó TT yêu cầu các bộ, ngành sớm hoàn thành đề án sắp xếp, đổi mới DNNN trước khi hết quý I/2005. “DNNN phải đổi mới theo hướng đa sở hữu, có vậy trong bối cảnh hội nhập mới có thể cạnh tranh được”.

Kiên quyết xử lý những lãnh đạo sợ cổ phần hoá

 

Trong báo cáo tóm tắt do Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển DN - Phạm Viết Muôn đọc tại Hội nghị thấy nhấn mạnh việc phải kiên quyết thực hiện xác định giá trị DN và bán cổ phần bằng phương thức thị trường, khắc phục tình trạng CPH khép kín trong nội bộ DN và thất thoát tài sản Nhà nước.

Đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành CPH con số 1460 DNNN vào năm 2007 hoặc năm 2008, theo ông Muôn, để trị bệnh “sợ” CPH của những người lãnh đạo DN trong năm nay, Chính phủ sẽ giao cho Bộ Nội vụ xây dựng quy chế về trách nhiệm cá nhân với CPH.

Noi gương TP HCM sẽ mạnh tay xử “cách chức” những giám đốc yếu kém chần chừ không dám CPH, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Quang cho hay: “Hà Nội cũng đã xây dựng quy định này nhưng rất may nhờ quyết tâm lớn, nên năm 2004, thành phố chỉ “gặt” được kết quả tốt trong CPH mà không phải cách chức một giám đốc nào”.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về quan điểm của Chính phủ trong xử lý các lãnh đạo yếu kém , Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: CPH không có chỗ cho những lãnh đạo yếu kém  bởi ngay tại đại hội cổ đông, họ sẽ không được tín nhiệm.

T.H  (ghi)

 Thu Huyền - Ngọc Quyết (Tiền Phong)

,

Tin khác

,
,