,
221
721
Dữ liệu
dulieu
/dulieu/
118222
Một tấm lòng Việt kiều luôn hướng về Tổ quốc
1
Article
null
,

Một tấm lòng Việt kiều luôn hướng về Tổ quốc

Cập nhật lúc 17:00, Thứ Ba, 30/09/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - ...Chị cho biết, lần đầu tiên cảm nhận đầy đủ nghĩa của hai chữ "đồng bào" khi cùng đại biểu các dân tộc anh em như những đứa con sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, từ trăm nẻo trùng dương về quây quần, hội tụ tưởng nhớ các Vua Hùng. Lại được cùng dự chung bữa cơm cộng đồng thân mật ngay trên Đất Tổ Phong Châu và ăn bánh dày Lang Liêu mà chị bảo trong đời chưa bao giờ được ăn bánh nào ngon như thế...

Tình cờ tôi gặp Mai Hồ lần thứ 3. Hai lần trước chị về thăm quê hương gặp đúng lúc miền Trung bị bão lụt tàn phá, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi giúp đỡ nạn nhân, chị đã đến trụ sở Mặt trận Trung ương 46 Tràng Thi - Hà Nội nhờ chuyển tiền ủng hộ tới đồng bào bị nạn. Lần này chị như tất cả những người con xa xứ: "Dù ai đi ngược về xuôi./ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba". Và, suốt chuyến đi thăm Đền Hùng chị kể tôi nghe khá nhiều chuyện về bản thân, gia đình và cộng đồng Người Việt Nam tại xứ sở châu Úc xa xôi với những tấm lòng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc.

Mai Hồ tên thật là Hồ Mai sinh năm 1962, quê gốc ở Thanh Hoá. Cha mẹ chị vào Nam từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Do hoàn cảnh gia đình, chị sang định cư tại Australia năm 1982 khi mới 20 tuổi cùng với 2 con gái và một mẹ già. Khi ấy con lớn của chị mới 4 tuổi, con nhỏ 2 tuổi. Thời gian đầu mới sang nước bạn chị vừa đi hái trái cây thuê, vừa tự học thêm tiếng Anh kiếm kế mưu sinh. Một cô gái không có người bảo trợ, không nghề nghiệp nơi đất khách quê người, vừa làm thuê nuôi cả nhà vừa đi học đại học thật muôn vàn khó khăn, gian khổ. Với nghị lực hiếm có, khắc phục những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua, gần 10 năm sau cô gái Việt họ Hồ ấy đã tốt nghiệp 2 bằng cử nhân văn chương và điện toán tại trường đại học Victoria. Năm 1992 khi mới tròn 30 tuổi, với ý muốn đại diện cho cộng đồng những người di dân châu Á tại Australia góp phần cải thiện đời sống cho họ, chị ra ứng cử nghị viện thành phố Melbon nhưng không thành công. Năm 1993 chị lại ra ứng cử và đắc cử tại nghị viện thành phố Melbon sau đó được cử làm phó thị trưởng thành phố. Năm 1997 Hồ Mai tái cử nghị viện và được bầu làm thị trưởng thành phố Melbon nhiệm kỳ 1999 - 2000.

Cộng đồng Việt Nam tại Australia có khoảng 25 vạn người, chủ yếu ở các thành phố Sudnay, Melbon, Bidslaide, Cankema, Perth, Tajmaura. Tuy cộng đồng mang tính đa dạng, nhưng tuyệt đại bộ phận kiều bào ta vẫn luôn luôn hướng về cội nguồn. Đất nước Việt Nam còn để lại trong họ nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng về một vùng đất mà ở đó, họ còn lại những người thân, bà con ruột thịt, bè bạn và một phần tuổi thơ không thể phai mờ trong ký ức. Là thị trưởng nữ, lại là người nhập cư Hồ Mai gặp không ít khó khăn từ sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cả người bản địa cũng như người nhập cư và một số người gốc Việt cực đoan. Nhưng những quyền lợi mà vị nữ thị trưởng đem lại cho cộng đồng như tăng dịch vụ xã hội, ổn định việc làm, cải thiện khu kỹ nghệ buôn bán... càng khẳng định năng lực và uy tín của Hồ Mai trong cộng đồng, khiến chị có điều kiện trực tiếp nhiều lần ủng hộ, giúp đỡ đồng bào trong nước cũng như những cán bộ, học sinh, sinh viên Việt Nam sang Australia du học hay công tác.

Thừa hưởng cá tính mạnh mẽ và trí thông minh của mẹ, cô con gái lớn của Hồ Mai là Lê Tần (thường gọi là Tần Lê) theo mẹ sang Australia khi mới 4 tuổi cũng là một học sinh xuất sắc. Mới 15 tuổi cô đã vào đại học, 18 tuổi tốt nghiệp Đại học Thương mại, 21 tuổi tốt nghiệp Đại học Luật, 22 tuổi tuyên thệ Luật sư đoàn. Năm 21 tuổi cô đã nổi tiếng khắp Australia khi thành công trong cuộc đối thoại với nghị sĩ Hanson, một người nổi tiếng cực đoan, kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhập cư. Tần Lê được bầu là Người trẻ tuổi xuất sắc nhất Australia năm 1998. Hiện nay Tần Lê là Đại sứ thiện chí của thổ dân Australia đồng thời là Đại sứ thiện chí của Australia tại Việt Nam; là cố vấn cho Thủ tướng và chính phủ Australia về vấn đề di dân của cộng đồng.

Hồ Mai cho biết, cũng như Tần Lê, những Việt kiều trẻ tuổi ở Australia rất tự hào là người gốc Việt. Cộng đồng người Việt có tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao nhất trong số những sắc dân không có nguồn gốc nói tiếng Anh. Họ có vai trò và đóng góp nhiều trong các ngành: y khoa, dược khoa, nhãn khoa, luật khoa, kế toán cũng như các ngành kỹ nghệ may mặc, xe hơi, ngành ăn uống, có nhiều cống hiến vào xã hội đa văn hoá của Australia. Hồ Mai rất thú vị thông báo cho tôi biết những ca khúc của Việt Nam ca ngợi đất nước, tình yêu và cuộc sống thời kỳ đổi mới có sức lan toả rộng rất được ưa chuộng tại các nhà hàng, các nơi vui chơi giải trí văn hoá công cộng ở nước bạn. Người Việt thích làm chủ doanh nghiệp của mình, do trí thông minh, đức tính cần cù, chịu khó, nhẫn nại, tằn tiện nên cũng khá thành công trong khoa học cũng như trên thương trường. Là cộng đồng Á châu lớn nhất tại Australia, người Việt chia sẻ quan điểm và cống hiến công sức, nhiều hơn những cộng đồng Á châu khác, vì thế vai trò của cộng đồng người Việt và hình ảnh đất nước Việt Nam có vị thế khá quan trọng tại đây. Nhiều trí thức Việt kiều trẻ tuổi ở Australia cũng được tham gia vào những hội đồng quan trọng góp phần vào việc xây dựng chính sách cũng như chia sẻ quan điểm chính trị, kinh tế xã hội hàng ngày.

Về nước lần này, Hồ Mai rất phấn khởi vì thấy Việt Nam có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên trường quốc tế. Chị rất tin tưởng vào sự phát triển của đất nước trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt trong những năm đầu thiên niên kỷ này, không những đồng bào trong nước mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thường xuyên quan tâm, theo dõi diễn biến tình hình các sự kiện chính trị, kinh tế xã hội quan trọng diễn ra trong nước như: Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam; Bầu cử Đại biểu Quốc hội; việc xây dựng các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, SEA Games lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam... Gần đây nhất, Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII (BCHTƯ Khoá IX) phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với quan điểm "Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai... tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương tham gia xây đựng đất nước...phát huy sự đóng góp của trí thức Việt kiều" đang được đông đảo cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhất là tầng lớp trí thức hết sức quan tâm theo dõi trên các sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam -(VOV) chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc; VTV4 - Truyền hình Việt Nam và thông tin trên các báo điện tử qua mạng Internet....

Tâm sự với tôi, Hồ Mai cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5 vạn trí thức Việt kiều thành đạt ở những quốc gia có nền khoa học, công nghệ cao. Số trí thức này là nguồn chất xám rất quý, nhiều người trong số họ rất giàu nhiệt tâm, luôn sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, do điều kiện sống, tập quán, thói quen do được đào tạo ở nước ngoài, nhìn chung họ có những đặc thù riêng, ít quan tâm đến chính trị và một số do thành phần xuất thân còn ít nhiều có mặc cảm với quê hương. Theo chị, công tác vận động Hoa kiều của Trung Quốc cũng không có nhiều lợi thế hơn ta như tỷ lệ Hoa kiều 35 triệu/1,1 tỷ dân trong nước, Việt kiều 2,5 triệu/gần 80 triệu dân trong nước. Người Trung Quốc ra nước ngoài nhiều người cũng có quá khứ mặc cảm với "Trung Hoa lục địa" nhưng Trung Quốc đã khá thành công trong việc thu hút chất xám phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước họ. Do vậy, Nhà nước ta cần có biện pháp tích cực thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài mà Nghị quyết Trung ương 7 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sự khuyến khích, động viên để trí thức Việt kiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tôi rất tâm đắc với Hồ Mai khi chị cho rằng Văn hoá dân tộc chính là sợi dây nối gắn bó Kiều bào với Tổ quốc. Chị cho biết, do quan hệ làng xã, quan hệ huyết thống, Kiều bào ta thường sống co cụm thành những khu vực tập trung. ở đó đã hình thành khu vực người Việt lớn tuổi khép kín trong cộng đồng. Nhiều người không biết ngôn ngữ nước sở tại, mọi nhu cầu liên hệ với chính quyền địa phương... đều do hệ thống dịch vụ thông qua luật sư, bác sĩ, các công ty dịch vụ mà tiếng Việt là ngôn ngữ chính. Họ ít có khả năng tiếp nhận thông tin, giao tiếp, giải trí và thưởng thức các giá trị tinh thần bằng ngôn ngữ nước sở tại. Do vậy, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ thế hệ này đều là tiếng Việt thông qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình Việt ngữ của một số người Việt chưa hiểu nhiều về đất nước, về Chính phủ Việt Nam, thậm chí bị một số kẻ cực đoan khống chế. Cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có 2,5 triệu người mà có tới 550 tờ báo, tạp chí các loại. Từ đó hàng ngày họ bị tiếp nhận nhiều thông tin sai lạc về Tổ quốc... Vì vậy, Hồ Mai rất muốn thông tin về những tiến bộ, đổi mới trên quê hương Việt Nam, về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 7 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, được chuyển tải đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhanh hơn, nhiều hơn, đầy đủ hơn trên mọi kênh thông tin.

Giữ gìn bản sắc văn hoá cội nguồn trong các cộng đồng nước ngoài nhập cư tại Australia là điều lo lắng của tất cả các cộng đồng. Thực tế cho thấy cộng đồng càng nhỏ, càng nghèo thì càng dễ mất văn hoá gốc vì việc thông tin tuyên truyền văn hoá không có. Thế hệ thứ hai, thứ ba không duy trì được tiếng mẹ đẻ, không tiếp cận được văn hoá cội nguồn. Họ sống, học tập, làm việc, hoà nhập trong xã hội sở tại do vậy sẽ mai một dần văn hoá cội nguồn trong ngôn ngữ, văn hoá nước sở tại. Hiện nay, tình trạng con em Việt kiều không biết chữ Việt, không đọc, viết, nói được tiếng Việt là điều lo lắng, day dứt của Hồ Mai cũng như các bậc cha mẹ khác. Vì vậy, trong khả năng của mình Hồ Mai luôn tuyên truyền và tạo điều kiện để Kiều bào ta ở nước bạn có điều kiện tiếp cận với văn hoá Việt Nam đích thực thông qua báo chí, tác phẩm văn học, chương trình nghệ thuật của các đoàn trong nước sang biểu diễn, cũng như các chương trình phát thanh, truyền hình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc bằng tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu về tình cảm, động viên người Việt Nam ở nước ngoài, hiểu biết, nắm được tình hình, những thành tựu đổi mới trong nước. Đó là nguồn động viên to lớn trong các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc đồng thời thắt chặt sợi dây tình cảm của những người con xa xứ nhớ về quê hương, ngõ hầu đóng góp một phần trí lực, sức lực và tài lực cùng đồng bào trong nước xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu.

Tôi hỏi ấn tượng của Hồ Mai về chuyến hành hương này, chị cho biết, lần đầu tiên cảm nhận đầy đủ nghĩa của hai chữ đồng bào khi cùng đại biểu các dân tộc anh em, như những đứa con sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, từ trăm nẻo trùng dương về quây quần, hội tụ tưởng nhớ các Vua Hùng. Lại được cùng dự chung bữa cơm cộng đồng thân mật ngay trên Đất Tổ Phong Châu và ăn bánh dày Lang Liêu mà chị bảo trong đời chưa bao giờ được ăn bánh gì ngon như thế. Hồ Mai đặc biệt thích thú về những truyền thuyết Công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử, công chúa Ngọc Hoa với Sơn Tinh mà chị bảo rằng đó là những thiên tình sử lãng mạn, giàu chất nhân văn nhất thế giới. Tôi nhớ mãi hình ảnh chị soi mái tóc dài trên bóng nước đền Giếng dưới chân núi Hùng như tìm lại hình ảnh của Ngọc Hoa - Tiên Dung thuở nào. Dường như nghe đâu đây tiếng ngựa hí, quân reo và sang sảng lời Bác Hồ muôn vàn kính yêu: "Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ gìn''.

  • Tuấn Anh
,
,