,
221
721
Dữ liệu
dulieu
/dulieu/
157243
Khởi động dự án "Thành phố sông Hồng"
1
Article
null
,

Khởi động dự án 'Thành phố sông Hồng'

Cập nhật lúc 13:51, Thứ Bảy, 06/12/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Nằm ở hạ lưu sông Hồng, Hà Nội được thiên phú cho thuỷ thế ''Rồng cuộn''. Dòng chảy qua thành phố là yếu tố lý tưởng để phát triển cảnh quan, không gian kiến trúc, giao thông, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Đó là lý do để Tiến sĩ Trần Nhơn, Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ Lợi Việt Nam và các cộng sự của ông đầu tư nghiên cứu dự án “Thành phố Sông Hồng”.

TS. Trần Nhơn, Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ Lợi Việt Nam.

Làm thế nào để phát huy lợi thế tự nhiên của sông Hồng, chỉnh trang đô thị, đảm bảo hành lang thoát lũ, tạo cảnh quan cho một Hà Nội hiện đại sánh ngang tầm thủ đô các nước khu vực là trăn trở không chỉ của các nhà quy hoạch đô thị mà còn là của những ai yêu Hà Nội.

Vàng trong lòng Hà Nội

Đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội thuộc huyện Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đến huyện Thanh Trì, có chiều dài gần 36km và vùng bãi sông khoảng 6.200ha  (62 triệu m2). Nếu bỏ rẻ, mỗi mét vuông 10 triệu đồng, quỹ đất trên sẽ không dưới 620 ngàn tỷ đồng, tương đương nguồn thu ngân sách cả nước trong 5 năm. Theo tỷ giá hối đoái hiện nay, nguồn lực trên xấp xỉ 40 tỷ USD. Các nhà kinh tế cho rằng, quỹ đất ở hai bên bờ sông Hồng đang là mỏ vàng khổng lồ trong lòng Hà Nội mà chưa được đầu tư khai thác.

Khu vực ven bãi sông Hồng thuộc nội thành Hà Nội gồm 5 phường: Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá, Phúc Tân, Bạch Đằng có hơn 100.000 dân sinh sống trong tình trạng manh mún, xây dựng tuỳ tiện với không ít tụ điểm phức tạp. Một nguồn lực quý hơn vàng nhưng không được khai thác hợp lý không những làm cho bộ mặt thủ đô xấu đi mà còn là cội nguồn của nhiều tệ nạn xã hội. Không những thế, việc xây dựng tuỳ tiện đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thoát lũ, môi trường môi sinh và hạn chế việc khai thác tài nguyên lòng sông, bãi sông, đặc biệt làm cho cảnh quan sông Hồng trở nên nham nhở, mất mỹ quan.

Là một nhà khoa học đã có nhiều năm giữ trọng trách trong ngành thuỷ lợi, TS. Trần Nhơn đã qua nhiều đêm trăn trở về việc khai thác những tiềm năng trời cho ấy. Với mơ ước sẽ có một Hà Nội hoành tráng soi bóng dòng sông Hồng, cải tạo, xây dựng cảnh quan hai bên bờ sông Hồng để xứng tầm với Hà Nội ngàn năm. Những ý tưởng của ông cũng là một đề tài đang thu hút sự tham gia của Chính phủ cùng nhiều cơ quan chức năng, các nhà khoa học và đông đảo các phương tiện truyền thông ủng hộ. Nhóm nghiên cứu dự án gồm những kỹ sư, kiến trúc sư đầu ngành dưới sự chủ trì của TS. Trần Nhơn, không có tài trợ của nhà nước, chỉ bằng nhiệt huyết đã âm thầm tiến hành khảo sát, nghiên cứu dự án từ 5 năm qua.

Dự án sẽ được khởi động nhiều bước

Phạm vi khu đất của dự án là 50ha, dự kiến sẽ xây 40-50 nhà cao tầng cùng với các công trình kết cấu hạ tầng hiện đại phục vụ các mục tiêu tổng hợp và đa dạng như sau: Giải toả các vật kiến trúc cản trở hành lang thoát lũ nằm trong phạm vi khu dự án; Tăng cường an toàn cho đoạn đê Long Biên - Vạn Kiếp; Bổ sung quỹ nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ (và góp phần phục vụ tái định cư cho các dự án khác của thành phố) với tiêu chuẩn chất lượng ở sinh hoạt cao hơn, diện tích bình quân bố trí cho mỗi nhân khẩu (hộ) tái định cư rộng hơn; Tạo ra nhiều cơ sở dịch vụ xã hội mới mang lại nhiều công ăn việc làm cho cư dân thủ đô; Tạo ra một đô thị mới "Thành phố sông Hồng" (Red River City) trên bến dưới thuyền, bao gồm các khu thương mại, thể thao, du lịch và các trung tâm văn hoá xã hội đạt trình độ tiên tiến. Tổng mức đầu tư cho dự án là 6.000 tỷ đồng (400 triệu USD).

Ông Nhơn cho rằng, cùng với việc hoàn thiện quy hoạch, đề nghị Thành phố cho phép triển khai dần những hạng mục ưu tiên. Cách làm này phù hợp với tình hình chuẩn bị kỹ thuật, khả năng giải phóng mặt bằng, khả năng huy động vốn, nguồn nhân lực và cũng để có điều kiện chuẩn bị chu đáo cho công tác quản lý vận hành đối với các hạng mục nhà cao tầng, bến cảng, các trung tâm thương mại văn hoá xã hội hiện đại. Tức là vừa triển khai từng bước vững chắc, vừa rút kinh nghiệm để bước những bước vững chắc tiếp theo.

Chủ đầu tư là Công ty Hỗ trợ Phát triển và Hội nhập Toàn Cầu đã đề xuất một số tiểu dự án ưu tiên đề nghị cho xây dựng trước. Các tiểu dự án này thuộc giai đoạn khởi động, nhằm tích luỹ thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho giai đoạn I bao gồm nhiều tiểu dự án.

Tiểu dự án Tháp sông Hồng (Red River Tower)

Tháp sông Hồng đặt tại ngã ba nơi đường Chương Dưong Độ gặp đê hữu Hồng. Dự kiến Tháp sông Hồng là một tháp đôi cao 45 tầng, gồm tháp A và tháp B quy mô như nhau (bỏ trống tầng trệt). Khu A, nơi đặt tháp A hiện có hai nhà gỗ 2 tầng (nhà số 14 và số 16) được xây dựng cách đây gần nửa thế kỷ, đang bị hư hỏng nặng, đe doạ an toàn của gần 90 hộ (gần 350 nhân khẩu). Ngoài vấn đề an toàn về sức bền vững của nhà, còn có nỗi lo thường trực về vấn đề hoả hoạn, mặc dù đã có các biện pháp phòng cháy chữa cháy tích cực. Việc phá dỡ 2 nhà gỗ này để tạo mặt bằng chính phục vụ xây tháp A là rất bức xúc. Cư dân tại chỗ và các nhà chức trách có liên quan đang nóng lòng chờ đợi. Khu B, nơi đặt tháp B không phải lo nhiều về vấn đề giải phóng mặt bằng. Vì ở đây chủ yếu là các công sở: Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu Lâm đặc sản; Văn phòng Diệt mối. Chỉ có khoảng 10 hộ dân làm nhà lấn chiếm ở gần sát chân đê.

Diện tích đất xây dựng của mỗi tháp 40x40m = 1600m2. Độ cao của tháp: 3,5m x 45 tầng = 160m. Móng nhà tháp: dùng biện pháp cọc khoan nhồi, đóng đến tầng cuội sỏi, ở cao trình - 40m. Tổng dự toán đầu tư cho mỗi tháp là 288 tỷ đồng (4.000.000 đồng x 1600 x 45 = 288 tỷ đồng). Vốn đầu tư cho hai tháp là  576 tỷ đồng, tương đương 38,4 triệu USD.

Tiểu dự án Tháp Chương Dương

Tháp Chương Dương nằm gần bến Chương Dương, cách mép nước sông Hồng về mùa cạn  khoảng 90m. Tương tự như Tháp Sông Hồng, Tháp Chương Dương (quy mô nhỏ hơn và thấp hơn) cũng là tháp đôi, một tháp nằm bên này, một tháp nằm bên kia đường Chương Dương Độ. Diện tích mặt bằng xây dựng của mỗi tháp: 35m x 35m= 1225m2. Độ cao của tháp: 25 tầng x 3,5m = 90m; Tổng mức đầu tư dự toán: 4.000.000 đồng x 1225 x 25 = 122,5 tỷ đồng; Hai tháp (tháp đôi) là 245 tỷ đồng (16,4 triệu USD).

Tiểu dự án Tháp Hàm Tử Quan

Tháp Hàm Tử Quan là tháp đơn, nằm ở ngã ba nơi gặp nhau của đê hữu Hồng và đường Hàm Tử Quan (phía Nam đường Hàm Tử Quan). Ở đây, hiện tại cũng có 2 nhà gỗ 2 tầng (nhà số 2 và số 4) đã cũ nát (như nhà số 14 và số 16 tại đầu đường Chương Dương Độ nói trên), đe doạ an toàn của 70 hộ (200 nhân khẩu). Diện tích mặt bằng xây dựng của tháp: 35m x 35 m= 1225 m2. Độ cao của tháp: 25 tầng x 3,5m = 90m; Mức vốn đầu tư: 4.000.000 đồng x 1225 x 25 = 122,5 tỷ đồng (8,20 triệu USD) .

Tiểu dự án Tháp Long Biên

Tháp Long Biên dự kiến bố trí là tháp đôi lệch: Tháp A cao 35 tầng (cao 125m); Tháp B cao 25 tầng (cao 90m). Tháp Long Biên đặt trên phần phía Nam của Sân Vận động Long Biên. Nơi này không phải giải phóng mặt bằng. Sau khi xây dựng xong Tháp Long Biên, các hộ dân ở khoảng đệm giữa Sân Vận động Long Biên (phía Bắc SVĐ) và cầu Long Biên (phía Nam cầu Long Biên) sẽ được giải toả, tái định cư ở nhà Tháp. Khoảng diện tích đất được giải toả đó sẽ làm sân vận động mới (nếu quy hoạch vẫn để sân vận động tồn tại ở đây). Tức là đẩy SVĐ về phía Bắc giáp với cầu Long Biên. Như vậy sẽ hợp lý hơn và đúng với quy định của Chính phủ: không cho phép các nhà trên bãi sông làm gần cầu giao thông. Tổng dự toán: Tháp A: 4.000.000 đồng x 1600 x 35 = 224 tỷ đồng (15,0 triệu USD); Tháp B: 4.000.000 đồng x 1225 x 25 = 122,5 tỷ đồng (8,2 triệu USD). Tổng số vốn đầu tư cho 2 tháp là: 346,5 tỷ đồng (23,1 triệu USD).

Để tạo thuận lợi hơn cho Tháp Long Biên, là công trình ở giai đoạn khởi động, Hiệp hội Thuỷ Lợi đang đề nghị thành phố cho phép đặt vị trí mặt bằng xây dựng của Tháp đôi này tại khu vực bể bơi, sân Tennis (gần sát với đê hữu Hồng). Nếu quy hoạch vẫn để tồn tại bể bơi và sân Tennis thì nên đẩy chúng ra xa mép sông chứ không để áp sát vào bờ đê hữu Hồng như hiện nay. Hiệu quả kinh tế của việc đưa Tháp đôi Long Biên vào gần sát bờ đê hữu Hồng lớn gấp nhiều lần kinh phí cần thiết để di chuyển bể bơi vào sân Tennis đi nơi khác với quy mô lớn hơn, tiện nghi, hiện đại hơn.

Về tài chính, ông Trần Nhơn cho rằng, đã có phương án giải quyết tự đầu tư, tự trang trải, Thành phố chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi về giao đất, cấp phép và vấn đề tái định cư đợt đầu. Nhà làm xong sẽ bàn giao (đóng góp) cho thành phố 15-20% số tầng của mỗi toà nhà. 

Công ty Hỗ trợ Phát triển và Hội nhập Toàn Cầu được bảo trợ của Hiệp hội thuỷ lợi Việt Nam đã nhận làm chủ dự án. Thông qua đó, nhiều tập đoàn trong nước và quốc tế đánh giá rất cao tính khả thi của dự án và sẵn sàng tham gia đầu tư. Trong số đó, có đoàn Hiệp hội các Doanh nghiệp Thiết kế, Xây dựng kinh doanh và Thương mại Thái Lan. Trong dịp đến thăm và khảo sát tại Việt Nam hồi tháng 7/2003, Đoàn đã có buổi làm việc với Hiệp hội Thuỷ lợi Việt Nam. Tiếp đó, tham tán Thương mại Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội đã có buổi làm việc với Hiệp hội Thuỷ lợi và Công ty Hỗ trợ Phát triển và Hội nhập Toàn Cầu. Tại buổi làm việc này, phía Thái Lan thiết tha mong muốn được cùng tham gia đầu tư dự án này. Về mặt chủ trương, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý bằng công văn số 2466/UB-XDĐT gửi Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ lợi Việt Nam do Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân ký ngày 12/9/2002, trong đó có đoạn: “UBND Thành phố Hà Nội thấy rằng ý tưởng đề xuất của Hiệp hội Thuỷ lợi là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương của UBND Thành phố”. Hiện chỉ còn chờ ý kiến chính thức của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội là dự án sẽ được khởi công.

  • Linh Chi

,
,