,
221
4681
ĐH đẳng cấp qtế cho VN
dhqt
/dhqt/
728322
ĐH đẳng cấp quốc tế: thành công nếu chọn đúng người tài
1
Article
null
,

ĐH đẳng cấp quốc tế: thành công nếu chọn đúng người tài

Cập nhật lúc 09:14, Chủ Nhật, 06/11/2005 (GMT+7)
,

Nếu không chọn đúng những người đầu đàn và không có chương trình hành động đúng hướng, thì dù có bỏ tiền ra nhiều đến đâu cũng khó hiệu quả. Thu hút và chọn lựa được người tài, ngay từ giai đoạn đầu, là chìa khóa cho sự thành công của một đại học chất lượng cao.

Soạn: AM 610205 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đại học Leuven, Bỉ

Gần đây, trước những bất cập ngày càng lớn của giáo dục VN, đề xuất thành lập một đại học “chất lượng cao” (ĐHCLC) đã được bàn luận trở lại như một trong nhiều giải pháp chấn hưng nền giáo dục VN. 

Những điều kiện cần bảo đảm cho sự thành công của một ĐH mới này gồm: quyết tâm chính trị của Chính phủ; quyết tâm này thể hiện qua việc đầu tư lớn, lâu dài, bằng ngân sách nhà nước; ĐH được thật sự tự chủ trong mọi hoạt động của mình; và thu hút được những giáo sư, giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu sinh, sinh viên... giỏi, xuất sắc từ khắp đất nước.

Trong bài này, tôi xin đóng góp vài ý kiến về điểm cuối, liên quan đến nhân lực. Trong việc xây dựng một ĐHCLC, quyết tâm và tiền... là những điều kiện cần, song có được nhân lực thích ứng mới là điều kiện đủ. Hẳn ai cũng đồng ý rằng thu hút và chọn lựa được người tài, ngay từ giai đoạn đầu, là chìa khóa cho sự thành công.

Nhân sự ở đây trải ra từ hội đồng quản trị, viện trưởng, các viện phó, ban giám hiệu, các khoa trưởng, các chủ nhiệm bộ môn, hội đồng giáo sư, giảng viên, chuyên viên, kỹ thuật viên, hành chính, quản lý... Trong guồng máy này, vai trò của giáo sư, giảng viên, đặc biệt các giáo sư đầu ngành, là quan trọng hàng đầu. Thật vậy, danh tiếng và uy tín của một ĐH tùy thuộc vào tính chất của hội đồng giáo sư của trường. Câu nói “ĐH A giỏi lắm” thường hàm ý “ĐH A có nhiều giáo sư giỏi”!

Hiện nay, việc chọn lựa giảng viên trong các trường ĐH lớn, công lập VN thường theo một “chu trình đóng kín”.

Việc thành lập một ĐHCLC hoàn toàn mới chính là một cơ may để thiết lập một cách chọn nhân sự mở, khách quan hơn và công bằng hơn, để có thể thu hút được nhiều giáo sư, giảng viên tài giỏi. Việc này cũng góp phần thay đổi quan niệm về chức vụ giáo sư và thể hiện quyền tự chủ của một ĐH.

Thật ra, thể thức tuyển chọn một giáo sư ở phần lớn các ĐH Tây Âu, Mỹ, Úc... hiện nay không có gì mới; đó là một qui trình được hiện đại hóa của việc “treo bảng cầu hiền” ngày trước. Mỗi khi cần tuyển một giáo sư, ở mọi cấp bậc (ba hay bốn bậc), dù tạm thời (tenure-track) hay thực thụ (tenured), cho bất cứ bộ môn nào, ĐH sẽ gửi thông báo đi nhiều nơi, đăng nhiều tháng không chỉ trên trang web của trường, các tạp chí khoa học, mà còn trên các báo đại chúng địa phương. Thông báo kêu gọi ứng viên này ghi rõ yêu cầu công việc, trách nhiệm của chức vụ, điều kiện làm việc và tiền lương.

Tùy theo cấp bậc, hội đồng tuyển chọn (HĐTC) có thể bao gồm một vài người của khoa khác hay ĐH khác. Thảo luận của HĐTC dựa trên các điểm sau: lý lịch nghề nghiệp và khoa học của các ứng viên; các thư tiến cử (recommendation letters) của đồng nghiệp ở các ĐH khác, trong và ngoài nước; ở giai đoạn cuối, kết quả các cuộc phỏng vấn hay tiếp xúc trực tiếp; và tìm người có năng lực nhất cho công việc... Quyết định cuối cùng của hội đồng quản trị cơ bản dựa trên đề nghị của HĐTC. Nơi nào HĐTC làm việc nghiêm túc, xác suất nơi đó chọn được người giỏi lớn hơn. Các cơ quan, hãng, xí nghiệp, công ty... cũng thường tuyển nhân viên theo một qui trình tương tự.

Thế nhưng, các lợi ích hiển nhiên trên dường như vẫn chưa được chấp nhận trong các ĐH VN! Thiết nghĩ, để tập hợp được nhân tài đến từ nhiều nguồn, nhiều miền đất nước, ĐHCLC tương lai của VN khó có thể không tiến hành việc tuyển chọn nhân sự theo qui trình trên. Thêm vào đó, chế độ tiền lương phải phù hợp. Vì giáo dục ĐH là giáo dục dựa trên nghiên cứu, nên ứng viên phải có trình độ tiến sĩ và có thời gian nghiên cứu sau tiến sĩ. Để có sự tham gia của người VN ở nước ngoài, các điều kiện ứng viên cần được mở rộng (như vấn đề quốc tịch, ngôn ngữ...).

Cuối cùng, xin kết thúc bài này bằng ghi lại một vài tập quán và kinh nghiệm ở các nước. Ở Đức, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ giáo sư đi suốt chặng đường từ C1 - C4 trong cùng một trường ĐH. Thường thì các giáo sư chính (C4 professor) của một ĐH đến từ một ĐH khác. Ở Mỹ, việc một giáo sư “bay” từ một ĐH nhỏ đến một ĐH lớn, hay đổi ĐH với một bậc cao hơn (thường có bốn bậc: assistant professor, associate professor, full professor, named chair) là một việc hết sức bình thường. Điều này cho phép sự luân lưu của nhân lực, tăng tính năng động, cạnh tranh của các giáo sư còn trẻ. Thật khó tưởng tượng một PGS trẻ, xuất sắc ở ĐH Cần Thơ sẽ được bổ nhiệm GS ở một ĐH Hà Nội! Đó là điều đáng tiếc!

Các kinh nghiệm xây dựng cái mới ở Đài Loan (ĐL) cũng đáng cho chúng ta để ý. Cách đây khoảng 12 năm, Chính phủ ĐL mời ông Yuan T. Lee, một người Mỹ gốc ĐL, một trong ba người được giải Nobel hóa học năm 1986, lúc đó đang là GS tại ĐH California, Berkeley (Mỹ), về ĐL làm chủ tịch Viện Hàn lâm Trung Hoa, với sứ mệnh là chấn chỉnh và phát triển nền nghiên cứu khoa học của ĐL. Viện này có từ lâu, dù đang già cỗi, xơ cứng, không còn tác dụng, song lại chủ quản một mạng lưới rộng các trung tâm nghiên cứu khoa học chính xác và xã hội.

Khi bắt tay vào việc cải tổ viện này, ông Lee được nhiều thuận lợi là Chính phủ ĐL đầu tư lớn và cho ông được toàn quyền quyết định (trong khuôn khổ luật pháp). Ông quyết liệt thay đổi nhân sự, sửa đổi điều lệ, qui chế... (như không ai được làm viện trưởng, trưởng khoa... quá 10 năm, và điều này áp dụng cho cả ông; đây là một điều rất khó nuốt cho các vị chức sắc, trưởng lão... trong xã hội này!). Với uy tín khoa học, tầm nhìn và tác phong làm việc của mình, ông Lee đã chiêu mộ được rất nhiều nhà khoa học giỏi, không chỉ người Hoa đang làm việc ở nước ngoài (dù trước đây ra đi từ ĐL hay Trung Quốc) mà còn người từ các dân tộc khác. Tiêu chuẩn chính của ông để mời về là khả năng. Chỉ sau 5-6 năm, ông đã vực lên được một số trung tâm với các chương trình và kết quả nghiên cứu khoa học ngang tầm Âu, Mỹ hay Nhật (1).

Tôi có dịp thăm và hợp tác với vài đồng nghiệp ở Viện Khoa học nguyên tử và phân tử (IAMS) tại Đài Bắc. Có thể nói rằng chỉ sau một thập niên hoạt động, IAMS đã trở thành một trung tâm nghiên cứu chất lượng cao trong nhiều ngành hóa cơ bản. Điều này cho thấy điều đơn giản là nếu không chọn đúng những người đầu đàn và không có chương trình hành động đúng hướng, thì dù có bỏ tiền ra nhiều đến đâu cũng khó thành công. Trong vài năm gần đây, nhiều trường ĐH ĐL liên tục “xây tổ” cho các nhà khoa học gốc Hoa ở nước ngoài về làm những con chim đầu đàn trong những lĩnh vực khoa học mới, đang phát triển (2)...

Tóm lại, trong giáo dục ĐH và nghiên cứu khoa học, đặc biệt ở một ĐHCLC mang tầm vóc chiến lược cho sự phát triển của đất nước, yếu tố chính là chất xám, là con người. Điều này thật đơn giản, ai cũng đồng ý được, tuy nhiên không dễ thực hiện nếu không có bản lĩnh và sự sáng suốt biết dùng người!

  • TS NGUYỄN MINH THỌ (GS hóa, Đại học Leuven, Bỉ) - Theo Tuổi trẻ

(1) Năm 2000, ông Yuan T. Lee được mời làm thủ tướng ĐL nhưng ông đã từ chối. Hiện ông là một cố vấn tin cậy của tổng thống ĐL và Chính phủ Trung Quốc cũng thường tham khảo ý kiến ông.

(2) Một người bạn đồng nghiệp của tôi vừa rời Trường ĐH Emory tại Atlanta, Mỹ để về ĐH Chiao Tung ở Hsinchu (Đài Loan) làm giám đốc một trung tâm đa ngành khoa học phân tử.

,
,