221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
241535
Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm Bộ trưởng Lê Huy Ngọ
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm Bộ trưởng Lê Huy Ngọ
,

(VietNamNet) - Trong phiên họp sáng 27/4 của UBTVQH, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho biết Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ vào kỳ họp thứ 5, diễn ra vào 11/5 tới. Trước đó Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã có đơn xin từ chức lên Chính phủ.

Sẽ xem xét vấn đề nhân sự sớm hơn!

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nồng thôn Lê Huy Ngọ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét miễn nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ vì lý do buông lỏng quản lý, để Công ty Công ty Tiếp thị và Đầu tư thương mại do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc vi phạm phát luật, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng.

Trước đó, ông Lê Huy Ngọ đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Chính phủ và cũng bị hình thức cảnh cáo về Đảng tại Hội nghị lần thứ 9 BCH TƯ.


Ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, vào kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XI, dự kiến ngày 21/5, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình Quốc hội một số vấn đề về nhân sự của Chính phủ, trong đó có trường hợp của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.

Theo Điều 84, Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Quốc hội có quyền phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo lịch trình, đến sáng ngày 17/6 Quốc hội mới phê chuẩn nhân sự của Chính phủ. Lý do, theo ông Bùi Ngọc Thanh: ''Chính phủ trình Quốc hội về nhân sự từ 21/5 nhưng đến 17/6 Quốc hội mới phê chuẩn vì ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải đọc tờ trình về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng''.

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu có ý kiến cho rằng, khoảng thời gian Chính phủ trình nhân sự và Quốc hội phê chuẩn nhân sự quá lâu, và vấn đề Chính phủ đưa ra có thể ''nguội mất''. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được thì đồng tình với chương trình kỳ họp do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đưa ra, song cũng đề nghị việc phê chuẩn nhân sự cần được làm sớm hơn so với dự kiến.

Được biết, trong trường hợp Bộ trưởng Lê Huy Ngọ bị miễn nhiệm, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn đề nghị của Chính phủ về việc đưa một người chính thức vào cương vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tăng cường và thể hiện được chức trách, vai trò của Bộ trưởng Bộ này, qua đó, tăng cường khắc phục những vấn đề hiện nay như khôi phục đàn gia cầm, phòng chống hạn hạn lũ lụt...

Không còn kiểu "trên đọc báo cáo, dưới đọc báo, làm thơ''?

Cũng tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, ông Bùi Ngọc Thanh còn báo cáo UBTVQH về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XI. Kỳ họp này dự kiến kéo dài từ ngày 11/5 và kết thúc vào chiều 17/6 (Quốc hội làm việc 31 ngày). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, quy chế (Luật Khiếu nại tố cáo sửa đổi, Luật Phá sản DN sửa đổi, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Thanh tra, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Xuất bản, Quy chế hoạt động của UBTVQH...); cho ý kiến 2 dự án luật (Luật Cạnh tranh, Luật an ninh quốc gia).

Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Tây Nguyên và các biện pháp ổn định; nghe Chủ tịch nước đọc tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; nghe báo cáo về tình hình giá cả nói chung, nhất là giá thép, giá thuốc tân dược; báo cáo về tình hình đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; chất lượng giáo dục và tình hình thực hiện cải cách giáo dục...

Về công tác chất vấn có ý kiến cho rằng nên bố trí sớm hơn 1 tuần nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội để tránh tình trạng đại biểu thiếu tập trung do sự mệt mỏi cuối kỳ họp. Đồng thời đề nghị Thủ tướng trả lời một số vấn đề cần thiết. Sau khi thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội sẽ đề xuất những người trả lời chất vấn và UBTVQH căn cứ vào đó để dự kiến danh sách trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, UVTVQH chưa có ý kiến chính thức về đề nghị này.

Theo lịch trình, công tác chất vấn các thành viên Chính phủ sẽ được tiến hành vào cuối kỳ họp từ 14/6 đến hết ngày 16/6. Trả lời câu hỏi tại sao không tổ chức chất vấn ngay sau khi Chính phủ có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng, ''chất vấn tiến hành vào cuối kỳ họp để khuấy động không khí vốn mệt mỏi vào những ngày này'' và để cho Chính phủ có sự chuẩn bị và đại biểu tập trung chất vấn vào những vấn đề vướng mắc, bức xúc.

Một phương thức đổi mới trong kỳ họp tới, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, là dần thay đổi cách làm việc theo kiểu ''đọc tập thể'' sang việc trình bày những vấn đề quan trọng liên quan đến dự án luật, đến vấn đề cần giải quyết. Người đọc tờ trình dự án luật, báo cáo thẩm tra sẽ tập trung vào những chủ trương, đường lối mới, những mâu thuẫn, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, những kiến nghị để các đại biểu cùng trao đổi thảo luận...

''Không có nước nào đọc bộ luật tập thể như tại kỳ họp Quốc hội của chúng ta. Không có chuyện trên đọc báo cáo còn ở dưới một số đại biểu đọc báo, làm thơ. Đọc báo cáo không những làm người đọc mệt mỏi, mất thì giờ mà người ở dưới cũng mệt mỏi, làm cho đại biểu lười đi, mất sự chủ động sáng tạo. Thay đổi cách làm việc sẽ làm cho kỳ họp của Quốc hội sống động hơn'', Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói.

  • Thanh Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,