,
221
5743
Đại hội Đảng X
daihoidangX
/chinhtri/daihoidangX/
783830
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng

Cập nhật lúc 10:26, Thứ Ba, 11/04/2006 (GMT+7)
,

LTS: Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua chín kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. VietNamNet xin đăng lại từng kỳ Đại hội để độc giả theo dõi.

 

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (từ ngày 28-6 đến 1-7-1996): Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Soạn: AM 729949 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quang cảnh Hội nghị Trung ương.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng từ Đại hội VI và Nghị quyết Đại hội VII đề ra, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội, chính trị ổn định, an ninh-quốc phòng được củng cố, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

 

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng xác định rõ hơn. Lòng tin của nhân dân đối với chế độ, tiền đề đất nước, với Đảng và Nhà nước được nâng lên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đường lối đổi mới cũng bộc lộ những yếu kém. Tình hình xã hội nảy sinh nhiều tiêu cực; quản lý Nhà nước về kinh tế-xã hội còn nhiều thiếu sót.

 

Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 20 đến 25-1-1994 xác định bốn nguy cơ, đó là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch hướng XHCN; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Để đất nước từng bước loại bỏ các nguy cơ, vững bước đi lên CNXH, Đảng ta xác định phải tiếp tục đổi mới, chuyển đất nước sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.


Trước bối cảnh đó, để tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, tổng kết mười năm đổi mới, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho thời kỳ mới, Trung ương Đảng quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Đại hội họp tại Hà Nội từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-1996. Dự Đại hội có 1.196 đại biểu đại diện cho 2 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

 

Đại hội đón hơn 40 đoàn quốc tế đến tham dự. Trong đó có đoàn đại biểu Trung Quốc, Lào, Campuchia... Tổng Bí thư Đỗ Mười thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về các văn kiện trình Đại hội VIII với tiêu đề: "Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH".


Đại hội đã tổng kết thành tựu 10 năm đổi mới, Đại hội đã chỉ rõ: Công cuộc đổi mới trong 10 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản.
 

Đại hội VIII của Đảng cũng nêu lên những bài học chủ yếu; và nêu lên mục tiêu đến năm 2000 và năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 1996-2000 là: Tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ; vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được đề ra trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000: Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao, bền vững, đi đôi với việc giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau.
 

Đại hội đã thông qua toàn văn điều lệ (sửa đổi) của Đảng.


Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 170 người. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 người.


Ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các ông Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII.
 

Sau Đại hội VIII, đất nước có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những biến động, khó khăn mới, Ban Chấp hành Trung ương đã tổ chức nhiều hội nghị và ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, cụ thể. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 23 đến 29-12-1997 đã tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội VIII; đồng thời xem xét và quyết định nhân sự cao cấp của Đảng.

 

Hội nghị đã tập trung thảo luận 11 vấn đề do Tổng Bí thư Đỗ Mười nêu. Trọng tâm là phát huy nội lực, mở rộng hợp tác quốc tế; cần kiệm để công nghiệp hóa; công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; khắc phục tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên...

 

Hội nghị đánh giá cao công lao của các ông Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công và chấp thuận đề nghị của các đồng chí để các đồng chí được kết thúc nhiệm kỳ Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư. Hội nghị biểu dương công lao của các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt và chấp thuận đề nghị của các đồng chí xin rút khỏi Bộ Chính trị.

 

Ban Chấp hành Trung ương suy tôn ba ông làm Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư. Ông Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư. Tiếp đó, Hội nghị T.Ư 5 bàn và ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Hội nghị T.Ư 6 (lần 1) tập trung bàn và ra Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Từ ngày 25-1 đến 2-2-1999, Hội nghị T.Ư 6 (lần 2) đã họp và ra Nghị quyết về một số vấn đề cơ bản, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Hội nghị đã nêu sáu vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng và yêu cầu các cấp bộ Đảng phải thường xuyên thực hiện tốt:

 

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta, dân tộc ta; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, không chấp nhận "đa nguyên, đa đảng"; Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh họat và họat động của Đảng; kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.

 

Đánh giá công lao to lớn của Đảng, Hội nghị cũng chỉ rõ những yếu kém như sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

 

Hội nghị đã quyết định phát động "Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng" theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm lần thứ 109 Ngày sinh Bác Hồ (19-5-1999).


Các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương từ sau Đại hội VIII đến trước đại hội IX theo thứ tự thời gian: 1-7-1996; 16 đến 24-12-1996; 9 đến 18-6-1997; 23 đến 29-12-1997 (Hội nghị lần thứ IV - bầu ông Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng, thay ông Đỗ Mười); 6 đến 16-7-1998; 13 đến 17-10-1998 (HNTW 6 lần 1); 25-1 đến 2-2-1999 (HNTW 6 lần 2); 9 đến 16-8-1999; 4 đến 11-11-1999; 10 đến 19-4-2000; 20-6 đến 4-7-2000; 6 đến 16-1-2001 (TW 11 lần 2).

  • VietNamNet

,
,