,
221
5743
Đại hội Đảng X
daihoidangX
/chinhtri/daihoidangX/
783796
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng

Cập nhật lúc 09:41, Thứ Ba, 11/04/2006 (GMT+7)
,

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (từ ngày 14 đến 20-12-1976): Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 

Soạn: AM 349964 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tên lửa SAM 2 góp phần quan trọng trong chiến dịch Điện Biên phủ trên không tháng 12/1972.

Hơn 16 năm, kể từ Đại hội III đến Đại hội IV của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách: Chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử mang tính chất thời đại.

 

Một Đảng thống nhất lãnh đạo cùng một lúc hai chiến lược khác nhau ở hai miền và kết hợp chặt chẽ với nhau, đó là nét đặc sắc trong lịch sử cách mạng nước ta.
 

Ở miền Nam, sau thắng lợi của phong trào “đồng khởi”, làm thất bại “cuộc chiến tranh xâm lược một phía”, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta đã tiến lên đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy.

 

Khi đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh và quân của một số nước phụ thuộc Mỹ vào miền Nam, đẩy cuộc chiến tranh xâm lược lên đỉnh cao bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh chuyển sang chiến lược “phi Mỹ hóa” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh” và rút dần quân Mỹ về nước.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở miền Bắc nhân dân ta ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội về mọi mặt, không ngừng củng cố hậu phương lớn, dốc sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, làm nghĩa vụ quốc tế, đồng thời bảo đảm đời sống cho nhân dân.

 

Bằng nhiều nghị quyết hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị về thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội, về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, quản lý kinh tế, xây dựng Đảng…, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc vừa xây dựng hậu phương lớn vừa kiên cường chống trả các cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

 

Cùng với thắng lợi của cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng… làm nên “Điện Biên Phủ trên không” nhân dân ta đã buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước ta.

 

Sau khi ký, Mỹ-ngụy phá hoại ngay Hiệp định, buộc quân và dân ta phải tiếp tục “đánh cho ngụy nhào”. Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ, phải kiên trì con đường cách mạng bạo lực để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Miền Bắc dốc toàn bộ sức mạnh của mình cùng nhân dân miền Nam giành thắng lợi rực rỡ trên các chiến trường và bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi vĩ đại này mở ra bước ngoặt to lớn cho cách mạng Việt Nam.


Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV họp trong bối cảnh nhân dân ta đã vượt qua những thử thách, giành được thắng lợi vẻ vang. Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất, Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, thực hiện chiến lược Cách mạng xã hội chủ nghĩa.


Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV họp từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, tại thủ đô Hà Nội. 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên của 38 Đảng bộ tỉnh, thành và các cơ quan trực thuộc Trung ương trong cả nước. Đến dự Đại hội có 29 đoàn đại biểu các đảng Cộng sản, đảng Công nhân của phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức quốc tế.


Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày báo cáo chính trị với Đại hội. Đại hội đã tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là Đại hội thống nhất Tổ quốc, Đại hội đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.


Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua điều lệ mới của Đảng gồm 11 chương và 59 điều. Đại hội đặt lại chức Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất.


Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 101 ủy viên chính thức, 32 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.


Các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương từ sau Đại hội IV đến V theo thời gian: 20-12-1976; cuối tháng 6 đầu tháng 7-1977; 1-1978; 7-1978; 12-1978; 8-1979; 3-1980; 9-1980; 12-1980; 10-1981; 12-1981; 3-1982.


Sau Đại hội lần thứ IV, cả nước ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vừa ra khỏi chiến tranh, đất nước còn bộn bề khó khăn, nhân dân ta lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới.

 

Toàn Đảng, toàn dân ta không quản hy sinh lại lao vào cuộc chiến đấu mới, vừa xây dựng đất nước, vừa chiến đấu bảo vệ độc lập tự do và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, vừa phải phá thế bao vây, cô lập của kẻ thù.

 

Đây cũng là một thời kỳ thử thách to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng mở ra từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và 30 năm chiến tranh cách mạng liên tục 1945-1975, rất khốc liệt, vô cùng anh dũng để bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ lý tưởng và mục tiêu cách mạng XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

  • VietNamNet
,
,