,
221
5743
Đại hội Đảng X
daihoidangX
/chinhtri/daihoidangX/
783776
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

Cập nhật lúc 09:10, Thứ Ba, 11/04/2006 (GMT+7)
,

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (từ ngày 11 đến 19-2-1951): Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.


Soạn: AM 748189 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ngay sau thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đứng trước những thử thách cực kỳ hiểm nghèo. Nấp dưới danh nghĩa đồng minh, quân Tưởng tràn vào miền bắc kéo theo các đảng phái phản động; được quân Anh che chở, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm miền Nam.

 

Tất cả đều chung mục đích bóp chết Nhà nước cách mạng non trẻ vừa ra đời. Đảng phải lãnh đạo nhân dân vừa chống thù trong giặc ngoài vừa bắt tay xây dựng đất nước sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ, áp bức bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến mà nặng nề nhất là hậu quả nạn đói năm 1945 làm hơn hai triệu người chết.


Trước tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ tập trung lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam và khôn khéo loại dần những kẻ thù, tranh thủ thời gian có hòa bình để chuẩn bị lực lượng, điều kiện kháng chiến lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, động viên toàn dân tăng gia sản xuất , tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, phổ thông đầu phiếu. Đồng thời đưa lực lượng vào Nam cùng đồng bào Nam bộ chiến đấu.

 

Chính phủ ta kiên trì đàm phán, thương lượng với Pháp để bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc. Song thực dân Pháp quyết cướp nước ta. Chúng đã gây hấn ở Lạng Sơn, Hải Phòng và tiến công ta ở Hà Nội. Ta càng nhân nhượng, giặc Pháp càng lấn tới, buộc ta phải cầm súng chiến đấu. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12-1946, Đảng đã ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến (22-12-1946).

 

Sau đó, năm 1947, Tổng Bí thư Trường-Chinh viết tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính và nhất định thắng lợi. Các nghị quyết hội nghị Trung ương và hội nghị quân sự toàn quốc do Trung ương tổ chức đã từng bước hoàn chỉnh đường lối kháng chiến của Đảng.

 

Sau kháng chiến Thu Đông năm 1947 và chiến dịch Biên giới năm 1950, thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân đã phát triển vượt bậc. Để tiếp tục phát triển đường lối kháng chiến, kiến quốc, lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp đến toàn thắng, Trung ương Đảng ta đã quyết định tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.


Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
 

Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 760.000 đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự Đại hội còn có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Thái Lan.
 

Đại hội đã nghe đồng chí Hồ Chí Minh trình bày báo cáo chính trị và nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị của Người.
 

Các Báo cáo bao gồm: Báo cáo Bàn về Cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng của đồng chí Lê Văn Lương, và Báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, Chính quyền dân chủ nhân dân, Quân đội nhân dân, Kinh tế tài chính và về Văn nghệ. Ngoài ra còn có một số tham luận khác.
 

Báo cáo chính trị khẳng định những thắng lợi to lớn của Cách mạng, kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng và những bài học kinh nghiệm của các thời kỳ vận động Cách mạng của Đảng.
 

Báo cáo nêu lên khẩu hiệu chính là tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hoà bình thế giới.


Báo cáo cũng nêu lên hai nhiệm vụ chính trong nhiệm vụ mới là: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.


Sau khi thảo luận Báo cáo chính trị của đồng chí Hồ Chí Minh, Đại hội đã thông qua Nghị quyết khẳng định: Đường lối đoàn kết toàn dân, kháng chiến trường kỳ giành độc lập, dân chủ là hoàn toàn đúng, Đảng cần kiện toàn thêm sự lãnh đạo kháng chiến, tập trung lực lượng lớn hơn nữa để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; phải xây dựng Đảng Lao động Việt Nam có chính cương và điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam và sẽ xây dựng những tổ chức thích hợp với hoàn cảnh Cao Miên và Lào.


Báo cáo "Bàn về Cách mạng Việt Nam" của đồng chí Trường Chinh phân tích tính chất của xã hội Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp.


Báo cáo nêu ra 12 chính sách của Đảng trong Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.


Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Điều lệ mới của Đảng gồm có phần mục đích và tôn chỉ, 13 chương và 71 điều. Điều lệ xác định rõ mục đích của Đảng là phấn đấu để "phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam".


Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban chấp hành đã cử ra Bộ Chính trị gồm có 7 ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng được bầu hợp thức trong một Đại hội có đầy đủ đại biểu toàn quốc.


Các Hội nghị Trung ương từ Đại hội II đến trước Đại hội III theo thời gian: 3-1951; tháng 9 và tháng 10-1951; 22 đến 28-4-1952; 25 đến 30-1-1953; 11-1953; 15 đến 17-7-1954; 3-1955; 8-1955; 8-1956; 12-1956; 3-1957; 12-1957; 12-1958; 1-1959; 4-1959; 12-1959; 7-1960. Hội nghị lần thứ 18 họp để chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.


Dưới ánh sáng của đường lối Đại hội lần thứ II của Đảng và các nghị quyết hội nghị Trung ương, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cải cách ruộng đất ngay trong chiến tranh, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường cả nước trong chiến dịch Đông-Xuân mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đưa đến thắng lợi hội nghị Giơnevơ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

,
,