221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1319819
Vòng cung hành trình của Obama
1
Article
null
Vòng cung hành trình của Obama
,

- Từ vòng cung hành trình của tổng thống Obama, chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ hiển lộ khá rõ cả về kinh tế lẫn an ninh. Trên bàn cờ địa-chính trị mới, một số nước Đông Nam Á muốn duy trì khoảng cách chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lần này, dư luận quan tâm đến chiến dịch “tái dấn thân” vào châu Á mang “dấu ấn Obama”, thông qua quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, Hiệp ước đối tác toàn diện với Indonesia, các cam kết song phương/đa phương tại Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc vốn là những đồng minh truyền thống của Washington.

Hành trình xuyên Á lần trước của ông Obama (11/2009) được đánh giá là sự tiếp nối chiến lược của những người tiền nhiệm. “Quan hệ xuyên Thái Bình Dương” đang trên đà ưu tiên lên đầu, đặc biệt là bang giao Mỹ-Trung, đẩy lùi ra sau “quan hệ xuyên Đại Tây Dương” của thời kỳ chiến tranh lạnh.

Chiến lược “tái dấn thân”

Mười ngày thăm châu Á lần thứ hai, Tổng thống Obama tới 4 nước, dự 2 thượng đỉnh G20 và APEC. Ngoại trưởng Hillary và Bộ trưởng quốc phòng Robert Gate “chạy marathon” mười bốn ngày đến những nơi chuyên cơ tổng thống không hạ cánh. Sự tấp nập và độ dài của các chuyến “lưu diễn” này có ý nghĩa đặc biệt.

Các chuyến thăm hàm ý mục tiêu chiến lược. Tổng thống Mỹ hoan nghênh quá trình phục sinh các mối liên hệ giữa Mỹ và Ấn Độ, coi Ấn Độ là “cường quốc toàn cầu” và là “đồng minh tự nhiên”, đánh giá bang giao hai nước là mối quan hệ thiết yếu cho ổn định và hòa bình thế giới; ủng hộ Ấn Độ làm thành viên thường trực HĐBA/LHQ.

1.jpg
Mỹ - Ấn là "đồng minh tự nhiên"
Hai bên ký nhiều hợp đồng kinh tế, thương mại trị giá 10 tỷ usd. Các thỏa thuận hợp tác kinh tế sẽ tạo ra khoảng 50.000 việc làm tại Mỹ. Mỹ rút các công ty Ấn Độ ra khỏi danh sách hạn chế các mặt hàng xuất khẩu kỹ thuật cao, mở rộng hợp tác hàng không, hạt nhân dân dụng, quốc phòng, giáo dục và năng lượng sạch.

Quan hệ Mỹ và Indonesia trải qua nhiều thăng trầm, nhưng với Hiệp định “đối tác toàn diện” (9/11), hai nước hy vọng ổn định được bộ khung và đưa quan hệ lên tầm cao mới, đặc biệt trong ba lĩnh vực: thương mại/kinh tế, biến đổi khí hậu và an ninh/chính trị.

Indonesia hiện là quốc gia đang nổi, với vai trò cầu nối với thế giới Hồi giáo. Dân chủ và phát triển kinh tế là nền tảng cơ bản cho sự ổn định xã hội. Là thành viên của G20 và vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, Indonesia được đánh giá khá tự chủ trong các vấn đề quốc tế, giữ được cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Theo giới phân tích, các chuyến thăm Ấn Độ, Indonesia là một phần của chiến dịch "phản công ngoại giao" của Washington trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ mạnh bạo hơn tại khu vực, nhất là trong quan hệ với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á hiện đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh.

Chiến lược này càng phát lộ với chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Các bên thỏa thuận thúc đẩy ký kết Hiệp ước thương mại tự do Mỹ-Hàn. Tokyo và Washington thống nhất được vấn đề vị trí và ngân sách di chuyển các căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa, và hai bên cam kết tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược”.

Mặc dù có sự phủ nhận từ phía Mỹ, nhưng các nhà quan sát từ Bắc Kinh tin rằng vòng cung trong hành trình của ông Obama có hàm ý ngăn chặn hoặc bao vây Trung Quốc, hay ít ra cũng để đối trọng lại “chuỗi trân châu” của Bắc Kinh, bao gồm hệ thống hải cảng trong vùng Ấn Độ Dương, Myanmar và Sri Lanka.

G20 (Seoul) và APEC (Yokohama)

Đúng như dự đoán của giới phân tích, đã không có một kết quả mang tính đột phá nào trong thượng đỉnh G20 cả. Ngay cả khung thời gian để xem xét các vấn đề mất cân bằng thương mại toàn cầu cũng được đẩy lùi sang tận tháng 6/2012. Hệ quả có thể của sự thiếu quyết đoán này là mỗi nước sẽ có xu hướng theo đuổi những chính sách riêng rẽ.

Tổng thống Obama đến Seoul khi “cơn sốt G20” lên cao điểm. Ông về nước với một thông cáo hội nghị, trong đó không có kết luận bằng số liệu về bất cứ một mục tiêu nào, nhất là vấn đề mất quân bình mậu dịch. Hai chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất là tỷ giá đồng NDT và chính sách nới lỏng định lượng của FED đều không ghi thành văn bản.

0Obama_Asia_001.jpg
Ảnh: gpmnews.com

Tuy nhiên, tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo khác của G20 vẫn tuyên bố là hội nghị đã đạt được thỏa thuận rộng rãi về các biện pháp nhằm tiếp tục đẩy thế giới hướng tới sự tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, sự đồng thuận này đã thành tựu một cách khó khăn.

Ông Obama đã phải bảo vệ lập trường không mấy thuyết phục tại G20 (vì FED vừa quyết định bơm 600 tỷ usd để kích thích nền kinh tế Mỹ) và quảng bá cho một thỏa thuận mậu dịch đa phương để khắc phục tình trạng mất cân bằng của kinh tế toàn cầu tại APEC.

Khác với 4 hội nghị thượng đỉnh trước đây, G20 lần thứ năm này đánh dấu sự vượt thoát giai đoạn khó khăn và bắt đầu một kỷ nguyên mới cho hợp tác toàn cầu. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố, một cuộc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế và giám sát chặt chẽ thị trường tài chính là thiết yếu để tăng cường phục hồi kinh tế.

Ông Hồ Cẩm Đào cũng nói rằng đã đến lúc các nước nên ngưng chuyện đổ lỗi cho người khác và dành thì giờ để giải quyết những chuyện đang vướng mắc. Phát biểu này được xem là nhằm vào Mỹ, EU và những quốc gia nào thúc ép Bắc Kinh phải điều chỉnh tỷ giá đồng NDT.

Hiện nay 9 nước của APEC, trong đó có Mỹ, Úc và cả Việt Nam đang hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mậu dịch thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này đề nghị hủy bỏ thuế quan đánh trên các loại hàng hóa của tất cả các quốc gia thành viên trong thời gian 10 năm.

Thượng đỉnh APEC lần thứ 18 đã đề cập đến mô hình tăng trưởng mới cân bằng, bền vững và an toàn; thống nhất được chủ trương hợp tác để xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á-Thái bình dương.

Vị thế ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong quản lý toàn cầu là điểm nổi bật nhất trong các thượng đỉnh lần này. Sự chuyển dịch quyền lực thể hiện ở vai trò của các quốc gia mới nổi trong cơ chế vận hành tài chính toàn cầu tại IMF và WB.

Trung Quốc có nằm trong tầm ngắm?

Là tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ sinh ra ở Hawaii, những năm tuổi thơ ở Indonesia, với một chính quyền hiện đặt mục tiêu theo đuổi và mở rộng sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ tại châu Á, ông Obama đã thúc đẩy sự chuyển dịch chiến lược trong cán cân quyền lực toàn cầu.

Tại 4 nước ông tới thăm cùng với 2 diễn đàn toàn cầu và những nước ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và đô đốc hải quân của Mỹ có mặt, Trung Quốc là chủ đề thảo luận tại hầu hết các nghị trình. Sự trỗi dậy về kinh tế, chính trị và quân sự cùng với thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong các vấn đề đối ngoại đáng khiến nhiều nước lo ngại.

Ấn Độ canh cánh về kế hoạch Trung Quốc bán vũ khí và lò phản ứng hạt nhân cho Pakistan; Indonesia bất an về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh dọc các hải đồ chiến lược; Hàn Quốc than phiền về sự thao túng tiền tệ và chính sách “đỡ đầu” Bắc Triều Tiên; Nhật Bản lo ngại các tranh chấp thương mại và tuyên bố về chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Về đối nội, với việc đảng Cộng hòa giành đa số ghế tại Hạ viện, dư luận nước Mỹ lại rộ lên thuyết Trung Quốc là mối đe dọa về an ninh và kinh tế. Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, thành tựu đối ngoại có thể giúp ông Obama lấy lại phong độ và hướng tới mục tiêu xa hơn là tái cử vào năm 2012.

Trước sức ép của Mỹ, Trung Quốc áp dụng ngay sách lược “viễn giao cận công”, thúc đẩy ngoại giao “vượt lên quan niệm về giá trị” với châu Âu. Bắc Kinh phản ứng khá nhanh nhậy, đã tận dụng ngay con bài châu Âu trong cùng thời gian Mỹ đẩy mạnh hoạt động ở châu Á.

Ông Hồ Cẩm Đào thăm Pháp (4/11), tổng hợp đồng lên 20 tỷ usd, ký mua 102 máy bay Airbus. Với Bồ Đào Nha, Trung Quốc cam kết tăng gấp đôi kim ngạch song phương vào 2015 và hứa mua lại nợ quốc gia giúp nước này phục hồi kinh tế. Thủ tướng Anh thăm Trung Quốc (9/11) đã ký các hợp đồng trị giá 1,2 tỷ usd.

Tuy nhiên, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn căng nhau nhau vào thời điểm hiện nay vì cả hai đều nghĩ tới chuyến thăm nhà nước của chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào đầu năm tới. Nhưng về lâu dài, Đông Á, trong đó có ĐNÁ dễ trở thành đấu trường cho các nước lớn và trung bình tranh giành ảnh hưởng.

Đông Nam Á đối phó như thế nào?

Chuyên công du châu Á của tổng thống Obama là một phần của quá trình triển khai lực lượng quốc phòng (defense), đẩy mạnh viện trợ phát triển (development) và ngoại giao con thoi (diplomacy) nhằm thực hiện đường lối “ngoại giao 3D” của Mỹ ngay tại khu vực.

Các quốc gia ở châu Á-TBD có trạng thái tâm lý mâu thuẫn, một mặt lo ngại Trung Quốc lấn át hoàn toàn khu vực này, mặt khác, cũng chưa thật an tâm đối với “sự trở lại” của Mỹ. Indonesia hiện là quốc gia mà cả Washington lẫn Bắc Kinh đang tìm cách tranh thủ, nhưng đất nước vạn đảo này thường nhấn mạnh và quản bá tính độc lập trong chính sách đối ngoại.

Một số nước khác trong ASEAN cũng muốn duy trì một khoảng cách chiến lược với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tối ưu là có thể giữ “trung đạo” trong sự cạnh tranh này và đưa ra tín hiệu rằng, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều quan trọng đối với ĐNÁ. Bất cứ “sự nhất biên đảo” nào đều có thể làm tổn hại những giá trị truyền thống của ASEAN.

Thách thức là ở chỗ, Đông Nam Á vốn là khu vực mà các nước nhiều khi khó thống nhất với nhau về các lợi ích kinh tế và mục tiêu chiến lược. Hơn nữa, quan ngại đối với “sự trỗi dậy” của Trung Quốc và “sự suy thoái tương đối” của Mỹ là thực tế mà ASEAN đang phải đối phó cùng một lúc.

Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tại Hà Nội có thể chưa đặt được ngang hàng với Hội nghị Băngđung năm 1955 phát động Phong trào Không liên kết để ứng xử với thế giới hai phe. Tuy nhiên, HNCC 17 quả thực đã báo hiệu sự nổi lên của bố cục đa cực, trong đó Mỹ và Trung Quốc là những “tay chơi” chủ yếu.

Đối mặt với cục diện hai cực Mỹ-Trung trong cơ cấu đa cực ở châu Á, lựa chọn tối ưu của các nước ĐNÁ là chính sách “cân bằng năng động”. Từ 2005, Indonesia đã ký “quan hệ đối tác chiến lược” với Trung Quốc. Mới đây, Bắc Kinh vừa đưa ra lời hứa hấp dẫn: đầu tư 6,4 tỷ usd vào các dự án hạ tầng cơ sở tại Indonesia.

Hy vọng Việt Nam gấp rút nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược với các nước lớn; tạo thêm nội dung mới có ý nghĩa thiết thực đối với công cuộc phát triển (sớm gia nhập TPP) và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo (đấu tranh để đạt COC); quy phạm hóa các dạng thức “quan hệ đối tác chiến lược” với tất cả các cường quốc, nhất là những nước còn lại trong P5.

Vì thời gian thúc bách, vì thách thức ngày càng hiển hiện. Mong lắm thay!

  • TS Đinh Hoàng Thắng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,