221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1318795
"Nóng" tỷ giá hối đoái trên bàn nghị sự G20 Seoul
1
Article
null
'Nóng' tỷ giá hối đoái trên bàn nghị sự G20 Seoul
,

- Với tham vọng không muốn các nước ra về "tay không", chủ nhà của Thượng đỉnh G20 Seoul (diễn ra ngày 12/11 tới) mong muốn các nước tìm giải pháp tối ưu cho hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái - vấn đề đang gây "sốt" ở các nền kinh tế.

"Thực đơn" tỷ giá

Mô tả ảnh.
Hàn Quốc muốn có giải pháp tối ưu hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái tại G20
Tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Suk Hwan trong buổi gặp báo chí ngày 9/11 tại Hà Nội cho hay hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái là nội dung số một của Thượng đỉnh G20 do Hàn Quốc chủ trì tại Seoul.

Khoảng cuối tháng 10 vừa qua, tại Gyeongju - Hàn Quốc, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nước công nghiệp hàng đầu đã đạt được sự thống nhất về 3 nguyên tắc liên quan đến chính sách tỷ giá hối đoái.

Đây là kết quả mang tính đột phá, làm lắng xuống những nguy cơ bùng bổ xung quanh mâu thuẫn trong chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc và Mỹ thời gian qua.

"Nhiều người cho rằng vấn đề chính sách tỷ giá chắc chắn sẽ không thể nào được giải quyết trong khuôn khổ hội nghị G20. Tuy nhiên, Hàn Quốc nhận thức vấn đề và tích cực thuyết phục các nước thành viên rằng nếu chúng ta không tìm ra phương án giải quyết tối ưu nhất cho vấn đề tỷ giá hối đoái, các quốc gia cứ tiếp tục đối lập như thế này thì bảo hộ mậu dịch sẽ quay trở lại và biết đâu sẽ kéo theo một khủng hoảng kinh tế mới nữa", Đại sứ Park Suk Hwan nói.

Do đó, "thực đơn" nội dung mà Seoul bày biện trên mâm cỗ để các nhà lãnh đạo G20, khách mời, các tổ chức quốc tế cùng thảo luận, đó là bàn phương pháp giải quyết một cách thực tiễn đối với 3 nguyên tắc đã được đưa ra tại hội nghị ở Gyeongju.

Hàn Quốc cũng chủ động đề nghị liên kết với cán cân vãng lai của mỗi nước để xem xét phương án giải quyết tổng hợp liên quan tỷ giá.

Ngoài nội dung trên, Hàn Quốc đưa ra 3 nội dung chủ chốt của Thượng đỉnh G20, đó là: cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với sáng kiến chuyển 6% hạn ngạch IMF sang cho các nước đang phát triển mới nổi, mở rộng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và các vấn đề phát triển.

"Tuy ở đâu đó ở mỗi nước chúng ta vẫn thấy những điểm yếu và thiếu nhưng nhóm G20 và hội nghị thượng đỉnh G20 đã cho thấy niềm tin vào khả năng giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu thông qua những hợp tác mang tính hòa bình, hợp lý giữa các nước phát triển và đang phát triển. Điểm này cũng là điểm quan trọng nhất, ý nghĩa quan trọng nhất của hội nghị G20 tại Seoul", Đại sứ Park Suk Hwan nói.

Chờ đợi ở Việt Nam

Lần thứ hai tham dự Thượng đỉnh G20 trong năm 2010 trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam là khách mời mà nước chủ nhà Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Hàn Quốc vận động cho G20 Seoul tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 tại Hà Nội. Ảnh: LAD

Việc ngồi "chiếu trên" cùng các nền kinh tế phát triển như ở G20 rõ ràng là cơ hội để Việt Nam không chỉ đại diện cho tiếng nói của khu vực ASEAN đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu, mà còn khẳng định vai trò, vị thế hội nhập với những ý tưởng đóng góp trí tuệ của mình.

Tại hội nghị G20 ở Toronto, Canada tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G20 và ASEAN, coi đây là hình mẫu thử nghiệm để các nhóm nước ngoài G20 tăng cường tương tác và phối hợp chính sách với G20.

Việt Nam đã kêu gọi G20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đã nêu sáng kiến ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU)... cùng G20 thảo ra Tuyên bố chung về quyết tâm thúc đẩy vòng đàm phán Doha kết thúc trong vòng 12 tháng tới...

Tại G20 ở Seoul, Đại sứ Park Suk Hwan kỳ vọng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần vào thành công của hội nghị, đại diện nhiều hơn nữa cho tiếng nói của ASEAN và mong muốn Việt Nam sẽ đóng góp cho hai chủ đề: Xây dựng mạng lưới tín dụng an toàn trên toàn cầu và hợp tác phát triển.

Hàn Quốc cũng kỳ vọng hội nghị Seoul sẽ cho các nước G20 và thế giới thấy mô hình phát triển và hợp tác thiết thực Hàn - Việt.

Vấn đề phát triển - một trong 4 chủ đề chính của Thượng đỉnh G20 Seoul - được cho là chủ đề nhóm các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam đánh giá cao và dành sự quan tâm lớn.

Đại sứ Park Suk Hwan cho hay đây cũng là chủ đề nước này đặt kỳ vọng nhiều nhất với tinh thần Thượng đỉnh G20 sẽ không chỉ là hội nghị của các quốc gia phát triển, mà còn mà là nơi để các nước nghèo, các nước đang phát triển đưa ra tiếng nói.

Trong khuôn khổ Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của 120 doanh nghiệp từ khắp thế giới. Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tham dự.

Bên lề cũng sẽ diễn ra tọa đàm bàn tròn cấp cao về kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc với sự có mặt của khoảng 40 doanh nghiệp hàng đầu của hai nước.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,