221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1317649
Khai thác đất hiếm: Tin tưởng Nhật làm bài bản, trách nhiệm
1
Article
null
Khai thác đất hiếm: Tin tưởng Nhật làm bài bản, trách nhiệm
,

- Trao đổi bên hành lang họp QH ngày 2/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Nghiêm Vũ Khải cho biết ông hoàn toàn tin tưởng phía Nhật Bản trong việc hợp tác khai thác đất hiếm.

Ông Khải cho biết việc hợp tác đã được hai Thủ tướng đồng ý trong tuyên bố chung, chủ trương đã rõ ràng, bước tiếp theo là giao hai bên triển khai cụ thể. Theo thỏa thuận, sẽ có một dự án hợp tác từ thăm dò đến khai thác và chế biến đất hiếm để sử dụng cho hai bên, phía Nhật Bản sử dụng là chính, phía Việt Nam dùng chưa nhiều, còn lại sẽ xuất khẩu và chia lợi nhuận theo hợp đồng.

Mô tả ảnh.
Ông Nghiêm Vũ Khải: Thoả thuận chính trị có rồi, nhưng đi vào thực tế phải rất cụ thể. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trữ lượng đứng thứ 3 thế giới

- Xin ông cho biết hành lang pháp lý cho việc khai thác loại khoáng sản này?

QH đang thảo luận sửa đổi Luật khoáng sản, trong đó tôi cũng góp ý nhân có chuyện đất hiếm này. Chúng ta phải có chiến lược quy hoạch khoáng sản, gồm quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, quy hoạch thăm dò, quy hoạch khai thác chế biến. Nhưng có những loại khoáng sản đặc biệt nên có quy hoạch tổng thể từ khâu điều tra cơ bản, đến thăm dò, khai thác và sử dụng, ví dụ như bô-xít với Quyết định 167 năm 2007 của Thủ tướng về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản bô-xít.

Đối với đất hiếm cũng không nên tách ra từng khâu mà nên quy hoạch chung. Điều này là cần thiết và đáp ứng nhu cầu cấp bách, nên làm bài bản nhưng phải khẩn trương.

Thỏa thuận chính trị có rồi, nhưng đi vào thực tế phải rất cụ thể. Phía Việt Nam phải nắm kỹ về kinh tế, ta chưa có công nghệ nhưng cũng phải nắm được, làm sao để thỏa đáng, hiệu quả, các bên đều có lợi.

- Các công ty Tiệp Khắc ngày xưa đã sang thăm dò và khai thác đất hiếm đến mức độ nào?

Họ đã thăm dò, đào hầm, lấy mẫu thử và phân tích nhưng khai thác công nghiệp thì chưa đáng kể. Sự nghiệp đó mới bắt đầu thì cũng là lúc tan rã phe XHCN, kinh tế sa sút, việc này bị lãng quên. Họ để lại tài liệu tương đối kỹ, ví dụ vùng Đông Pao (Lai Châu) đã khoanh ra được 60 thân quặng, có những thân quặng rất tiềm năng.

Tài liệu là tốt, nhưng đi vào khai thác chính thức, Nhật chắc chắn sẽ phải kiểm tra lại thông tin, độ tin cậy, họ cũng sẽ phải khoan thêm, đào hầm hào thêm để xác định hàm lượng, trữ lượng, phân bố, độ sâu, từ đó xác định công nghệ khai thác, vị trí đặt nhà máy tuyển, luyện.

- Đất hiếm của nước ta phân bố và có trữ lượng như thế nào, tiềm năng về hiệu quả kinh tế ra sao?

Theo các nhà khoa học, nước ta đứng trong top 3 thế giới về trữ lượng đất hiếm với khoảng 22 triệu tấn ôxít đất hiếm. Đây là tài nguyên mang tính chất chiến lược của công nghệ cao.

Hiện nay tài nguyên đất hiếm phân bố tập trung ở ba vùng là Tam Đường (Lai Châu), Bát Xát (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái).

Kinh tế đất hiếm còn phụ thuộc vào quy mô khai thác, hiệu quả kinh tế lớn nhỏ bằng giá trị tuyệt đối bao nhiêu thì chưa tính toán được. Nhưng với trữ lượng hiện có, hứa hẹn sẽ là một tiềm năng lợi ích kinh tế lớn.

- Công nghệ khai thác đất hiếm ra sao, có phải đầu tư hạ tầng lớn và phức tạp như khai thác bô-xít không? Giá trị kinh tế so với khai thác bô-xít như thế nào?

Đất hiếm là một loại tài nguyên giá trị nhưng không phải đào bới nhiều như bô-xít. Nhôm thực ra giá trị cũng thấp, đơn vị quy ra tấn, đất hiếm thì không phải tấn mà là gam.

Công nghệ sử dụng là công nghệ hầm lò, công nghệ xử lý, nhưng cũng là một loại công nghệ cao vì hàm lượng đất hiếm rất thấp, phải tuyển, phải luyện, đòi hỏi một quy trình. Nhưng Nhật Bản đã có công nghệ rồi. Tôi tin là phía Nhật Bản làm rất bài bản và cẩn thận.

Đất hiếm là một loại khoáng sản giá trị cao, nhưng không có nghĩa là khai thác kiểu gì cũng có lãi, ta phải tính. Quyết tâm chính trị của hai chính phủ đã có, là một điều bảo đảm, nhưng đưa vào vận hành dự án hợp tác thì còn rất nhiều bước đi.

Tôi đã tiếp xúc với nhiều nghị sĩ và công ty Nhật, họ đều bảo đảm là sẽ áp dụng công nghệ cao, tận dụng triệt để hàm lượng đất hiếm trong quặng và cam kết bảo vệ môi trường.

- Có ý kiến cho rằng chúng ta không nên quá hồ hởi với đất hiếm. Nhật Bản cũng chỉ có nhu cầu 7.000-10.000 tấn, sản lượng tương đối thấp và giá trị cũng chỉ vài triệu USD. Theo ông có nên kỳ vọng vào một điều gì đột phá trong lĩnh vực khai khoáng?

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta đáp ứng nhu cầu của nhau và đôi bên cùng có lợi. Đây là một mối quan hệ toàn diện về chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ, Nhật Bản cũng là một đối tác quan trọng.

Còn giá trị kinh tế, theo tôi, trong vòng dăm năm tới, thậm chí 10 năm tới, chưa phải lớn. Tuy nhiên đây cũng là một trong những loại hình hợp tác tương đối mới, có thể quá trình hoạt động sẽ giúp chúng ta xây dựng mô hình hợp tác trong các lĩnh vực khác.

- Hiện đã có đơn vị cụ thể nào phía Nhật Bản dự kiến vào làm việc chưa?

Có một số công ty đã vào rồi, nhưng sau chuyến thăm của Thủ tướng Naoto Kan, có thỏa thuận chính thức cấp nhà nước, phía Nhật sẽ xem xét và tổ chức lại để vào hợp tác với Việt Nam một cách hiệu quả. Đó sẽ là những tập đoàn lớn.

- Khả năng tham gia của các công ty Việt Nam vào các dự án này đã được đặt ra như thế nào?

Đây là hợp tác liên doanh chứ không phải ta giao toàn bộ cho họ. Trong quá trình phát triển dự án, có thể có những công đoạn họ nhận toàn bộ, có công đoạn ta phối hợp. Đây có thể sẽ là một mô hình kiểu mẫu về chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội - môi trường.

Dự án cũng sẽ góp phần nhất định phát triển vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, các tỉnh nghèo. Đấy là kỳ vọng, là mong muốn chính trị. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam, đây cũng là cơ hội.

- Theo dự đoán, bao giờ dự án có thể đi vào sản xuất?

Nếu khẩn trương, tôi nghĩ việc triển khai thăm dò có thể thực hiện ngay trong năm tới, khâu khai thác sử dụng có thể trong 5 năm tới, cuối năm 2015 có thể có sản phẩm.

Nhật Bản có uy tín trong bảo vệ môi trường

- Vậy những nguy cơ về môi trường của việc khai thác đất hiếm đã được xem xét ra sao?

Nói chung khai thác khoáng sản luôn ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng qua nhiều năm làm nghiên cứu sinh ở Nhật, qua quá trình giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhật, tôi thấy họ đi đầu trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường và công tác với người lao động.

Tôi thì tin tưởng, vì tôi giảng dạy về địa chất và biết rõ đối tác Nhật Bản. Họ đều là những công ty có uy tín và làm ăn đứng đắn.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, phát hiện ra một nguồn lực có thể giúp chúng ta không chỉ có thêm lợi ích kinh tế mà có thể có vị thế cao hơn trong quan hệ với các đối tác, tôi cho đó là một điều đáng lưu ý. Nhưng đi đến quyết định khai thác hay chế biến như thế nào, tôi nghĩ nên có một quá trình nghiên cứu kỹ. Bô-xít là một bài học đắt giá.

ĐB Dương Trung Quốc

- Nhưng tại sao phát hiện một tài nguyên quý như vậy mà chúng ta không đặt vấn đề để lại cho con cháu tương lai?

Vấn đề đặt ra là nhu cầu phát triển kinh tế, nếu chúng ta khai thác hợp lý, hiệu quả bây giờ, rõ ràng cũng là để cho tương lai. Thời điểm nào xét thấy cần thiết thì ta phải khai thác sử dụng. Đây cũng là một tài nguyên mang tính chiến lược, nhưng chiến lược cũng phải phục vụ, đáp ứng nhiệm vụ phát triển hiện nay.

- Có thông tin Trung Quốc hiện đang hạn chế xuất khẩu để giữ lợi thế của họ trên thị trường đất hiếm thế giới?

Ta cũng phải tính đến điều đó, nhưng đây cũng là cơ hội. Lâu nay, các nước có chỗ để mua đất hiếm nên không để ý đến ta, nay tình hình thay đổi, nếu tính toán có lợi thì ta phải làm.

  • Thủy Chung ghi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,