221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1320329
Chuyện đại biểu bị bắt đính chính sau chất vấn bộ trưởng
1
Article
null
Chuyện đại biểu bị bắt đính chính sau chất vấn bộ trưởng
,

- Quan niệm chất vấn "không phải để vạch lá tìm sâu", song ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) kể có lần chị nhận được công văn yêu cầu phải đính chính việc chất vấn Bộ trưởng GTVT. Chị cũng tiếc vì đã không quay phim, chụp ảnh thực tế để minh họa cho câu chất vấn của mình tại nghị trường.

"Tôi thấy mình bị xúc phạm"

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông - Vận tải kỳ họp 7, sau khi nghe xong câu trả lời của Bộ trưởng về tuyến đường Nam sông Hậu và quốc lộ 1A đoạn qua Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, chị đã tiếp tục đứng lên và nói sẵn sàng đi thực tế cùng Bộ trưởng để chứng minh vấn đề chị nêu ra là sự thật chứ không hề bịa đặt. "Mạnh miệng" truy Bộ trưởng như vậy, chị có e ngại?

- Chất vấn là để làm rõ trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành. Vì vậy tôi không nêu bức xúc của cá nhân mình, mà chất vấn trên cơ sở kiến nghị của cử tri.

tranthihoary3.jpg
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại kỳ họp thứ bảy: "Rất mong không phải chất vấn Bộ trưởng lần nữa". Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Tôi cũng không nghe phản ánh một chiều hay dựa hoàn toàn vào phương tiện thông tin đại chúng mà sau khi có kiến nghị cử tri, tôi luôn tự đi kiểm tra. Khi nêu vấn đề phải đảm bảo tính khách quan, trung thực thì mới tự tin để bảo vệ ý kiến.

Trước kỳ họp thứ 7, sau khi nghe  phản ánh về tuyến đường Nam Sông Hậu, tôi cũng đã đi thực tế tìm hiểu. Đoạn qua Bạc Liêu có những tuyến đã giải phóng mặt bằng xong nhưng thi công rất chậm, mặt đường còn đầy ổ gà, người dân qua lại khổ sở,̉ lún bánh xe trong cát vì đường dẫn lên cầu chưa được tráng nhựa. Hàng trăm hộ dân luôn phải đối phó với cảnh nắng bụi, mưa bùn.

Nên khi nghe Bộ trưởng trả lời đã đi kiểm tra trên địa bàn Sóc Trăng tốt rồi, tôi thấy không an tâm, mới dấn thêm lần thứ hai, mời luôn Bộ trưởng có thời gian đi thực tế cùng để chứng minh tôi không bịa đặt.

Sau phiên chất vấn, tình trạng có được cải thiện?

- Sau kỳ họp, tôi thấy chủ đầu tư ráo riết khắc phục, có lẽ có chỉ đạo từ Bộ trưởng. Ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ GTVT có cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án tại văn phòng UBND tỉnh. Tiếc là tôi đi công tác nước ngoài nên không dự.

Đến nay trên tuyến đường Nam Sông Hậu cơ bản đã hoàn thành, còn với QL 1A tuyến từ Bạc Liêu đi Cà Mau cũng đã có một số cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng. Còn một số cầu từ Cần Thơ đi Bạc Liêu thì chưa xong.

Mặc dù tình hình được cải thiện, nhưng đáng tiếc đã xảy ra một chuyện.

Sau khi đã khắc phục tương đối, đến ngày 29/6, đơn vị có trách nhiệm đã gửi công văn tới đoàn ĐBQH tỉnh và cá nhân tôi.

Cùng một vấn đề nhưng nội dung hai văn bản này không nhất quán. Công văn gửi cho đoàn báo tình hình giải quyết tuyến đường. Công văn gửi tôi thì cho rằng ý kiến chất vấn của tôi chưa chính xác, chưa khách quan, dự án đã hoàn thành trên 97% và đề nghị tôi đính chính để không làm ảnh hưởng đến Bộ GTVT.

Tôi không trả lời công văn này. Bởi vì họ có thời gian khắc phục xong rồi.

Tuy vậy, ngày 2/7 lại xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, ở chân cầu Vĩnh Trạch (là 1 trong 5 cây cầu qua Bạc Liêu) báo chí đã vào cuộc có nhiều nhận xét liên quan đến công trình này.

Thông tin đó chính là câu trả lời.

Nếu chất vấn của chị phản ánh đúng sự thật, vì sao Ban quản lý dự án lại yêu cầu chị phải đính chính? Có vẻ như ĐBQH nêu chất vấn rất dễ bị phản ứng?

- Họ cho rằng tôi nói không đúng sự thật.

Muốn biết đúng hay sai cứ tìm hiểu cử tri sống hai bên đường và chính quyền ở đó sẽ rõ. Còn đương nhiên sau khi tôi chất vấn xong, họ có thời gian để khắc phục tình hình. Nên khi gửi công văn yêu cầu tôi đính chính thì điều này đã không còn khách quan. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm.

Ngay lúc tôi chất vấn xong thì cử tri Bạc Liêu đã gọi điện ủng hộ. Tiến độ sau đó được đẩy mạnh lên chứ không còn ì ạch.

Vì thế, tôi chỉ tiếc một điều là lẽ ra khi đi khảo sát, phải chụp ảnh những đoạn đường đó và trình lên trước nghị trường để làm bằng chứng.

Đây là một trong những kỹ năng mà ĐBQH cần rút kinh nghiệm và nên có, để tăng thuyết phục cho lời nói.

Nếu có thể phản ánh được bằng hình ảnh thì nên quay phim, chụp ảnh để minh họa cho chất vấn. Nếu không làm khéo thì có thể bất lợi.

Theo đuổi đến cùng

Theo chị, ĐBQH nên làm gì để chất vấn đưa ra đạt hiệu quả?

- Để có tác dụng thật sự, khi theo đuổi một vấn đề gì phải theo đuổi đến cùng.

Liên quan đến tuyến đường Nam sông Hậu này cũng vậy. Đây là vấn đề tôi đã theo đuổi nó từ những kỳ họp trước. Thậm chí, nếu không nhìn thấy chuyển biến thì tôi sẽ tiếp tục lên tiếng tại kỳ họp này.

tranthihoary.jpg

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry: "Tôi ấn tượng với những bộ trưởng không né tránh câu hỏi, nếu đã hứa thì giải quyết đến nơi, đến chốn". Ảnh: Lê Anh Dũng.

 

Tôi chất vấn không để vạch lá tìm sâu mà chất vấn xem trách nhiệm của vị trưởng ngành đến đâu, thực hiện lời hứa như thế nào, có đem lại quyền lợi chính đáng cho cử tri không.

Trước kia từng xảy ra chuyện chủ tịch một tỉnh phản ứng với ĐBQH vì nêu tên trong phiên chất vấn Thủ tướng. ĐBQH có nản lòng?

- Tôi không nản lòng.

Cho dù có bị trả giá hơn thế, tôi cũng không sợ, bởi vì đây là hành động của người đại biểu nhân dân được pháp luật cho phép, với mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri.

Tôi luôn giữ vững niềm tin phía sau tôi luôn có cử tri ủng hộ. Tôi ý thức rằng, đã là ĐBQH khi phát biểu tại hội trường không phải nói theo cách nào cũng được mà đã nói ra là phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm. Khi mình đưa ra vấn đề nào đó là phải lường trước hệ quả kéo theo.

Nói về mặt nào đó, tôi chân thành cám ơn Bộ GTVT rất quan tâm giúp đỡ Bạc Liêu phát triển giao thông trong thời gian qua. Sau chất vấn của tôi về các dự án chậm thì lãnh đạo Bộ đã có chỉ đạo nghiêm túc.

Có đại biểu khoá trước sau khi chất vấn xong về địa phương đã bị nhắc nhở chỉ vì lãnh đạo một số bộ ngành không hài lòng với việc nêu các yếu kém, khuyết điểm trên truyền hình cả nước. Chị có e ngại điều này?

- Khó nhất với chúng tôi là phải giải quyết mâu thuẫn xung đột lợi ích giữa một bên quyền lợi địa phương, bên kia là trách nhiệm của đại biểu.

Với những địa phương chậm phát triển, ngân sách chưa tự cân đối được, đang tranh thủ đầu tư, thì sức ép rất ghê gớm.

Chuyện tôi chất vấn Bộ GTVT vừa rồi, không có vị lãnh đạo nào nhắc nhở gì. Tôi chỉ không hài lòng với thái độ của Ban quản lý dự án.

Nếu ngồi ghế lãnh đạo một ngành nào đó ở tỉnh thì khi chọn chất vấn, liệu chị có bị chi phối?

- Có lẽ tôi cũng sẽ phải cân nhắc để dung hòa giữa lợi ích của địa phương và trách nhiệm của đại biểu. Khi đó phải nghĩ đến hiệu quả và lợi ích chung.

  • Lê Nhung 

     

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,