221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1312196
Đề xuất rút ngắn thời gian giải mật tài liệu lưu trữ
1
Article
null
Đề xuất rút ngắn thời gian giải mật tài liệu lưu trữ
,

- Duy trì hai hệ thống lưu trữ của Đảng và Nhà nước hay hợp nhất, thời hạn giải mật và thời hạn tiêu huỷ của tài liệu lưu trữ bao lâu thì hợp lý? Đây là những vấn đề tranh luận tại Ủy ban Thường vụ QH liên quan đến dự thảo Luật lưu trữ.

Giải mật: 30, 40, 60 năm hay lâu hơn?

Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001 chưa quy định thời hạn được phép tiếp cận tài liệu lưu trữ hạn chế sử dụng, gây khó khăn cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của các tổ chức và công dân, là rào cản trong việc phát huy giá trị tài liệu. Khắc phục điều này, dự thảo Luật lưu trữ quy định tài liệu lưu trữ thuộc danh mục bí mật nhà nước được tự động giải mật sau 40 - 60 năm.

Mô tả ảnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận: “Hiện nay có tình trạng nhiều tài liệu lưu trữ có nội dung mật nhưng không được đóng dấu mật, ngược lại có tài liệu lưu trữ nội dung không còn mật nhưng không có cơ chế giải mật”. Ảnh: VietNamNet
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận cho rằng cơ sở đề ra thời hạn như vậy chưa thuyết phục. Ông phân tích: “Hiện nay, có tình trạng nhiều tài liệu lưu trữ có nội dung mật nhưng không được đóng dấu mật, ngược lại có tài liệu lưu trữ nội dung không còn mật nhưng không có cơ chế giải mật”.

Vì vậy, ông đề nghị rút ngắn thời gian giải mật (khoảng 30 năm) cho phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế, trường hợp đặc biệt sẽ giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền kéo dài thời gian bảo mật.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lại cho rằng trong điều kiện đặc thù của nước ta, đối với nhiều tài liệu nhạy cảm, 30 năm đã giải mật là quá sớm và nguy hiểm.

Thời gian được phép tiêu hủy tài liệu, theo nhiều ý kiến, lại cần được kéo dài. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lấy ví dụ về tình trạng hồ sơ án kinh tế không được lưu trữ nghiêm túc sau khi giải tán trọng tài kinh tế. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhắc đến hồ sơ tài sản trong các án hình sự không được lưu giữ đầy đủ tại ngân hàng; để cho thấy thời gian lưư trữ 20 năm trước khi tiêu hủy là ngắn, dẫn đến tình trạng "lúc cần thì không tìm thấy tài liệu".

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại thấy “không yên tâm” với quy định “người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ các cấp quyết định tài liệu hết giá trị lưu giữ tại Lưu trữ lịch sử cùng cấp”. Ông Hiển cho rằng các cơ quan chỉ tập hợp những tài liệu cần hủy để báo cáo lên cấp trên, nếu không có nguy cơ “hủy nhầm” nhiều tài liệu quan trọng, có giá trị, làm mất nguồn tham khảo quý giá cũng như nguồn kinh phí thu được từ dịch vụ lưu trữ.

Thống nhất một mối?

Công tác lưu trữ lịch sử ở Việt Nam hiện đang thực hiện theo hai hệ thống: Phông lưu trữ Đảng và Phông lưu trữ Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng nên hợp nhất hai hệ thống này nhằm tinh gọn bộ máy.

Ông Trần Thế Vượng thấy hai hệ thống này có nhiều điểm trùng lặp, đặc biệt khi hầu hết lãnh đạo cấp cao đều vừa là cán bộ Đảng và cán bộ Nhà nước. Ông cho biết đây là vấn đề “vướng” từ khi Pháp lệnh lưu trữ ra đời năm 2001, vậy mà sau 9 năm thực hiện, vẫn “cần có thời gian để tiếp tục tổng kết thực tiễn và nghiên cứu đề xuất”.

Ông Nguyễn Văn Thuận cũng ủng hộ việc hợp nhất. Ông cho rằng hiện đã có Trung tâm lưu trữ quốc gia, tài liệu mọi nguồn đã lưu trữ lịch sử đều nên đưa về đó. Bà Lê Thị Thu Ba cũng thấy tổ chức một cơ quan lưu giữ quốc gia không có gì khó.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn trong tờ trình thì giải thích: mục tiêu hợp nhất hai hệ thống này đã được quy định trong Pháp lệnh năm 2001, nhưng sau 9 năm vẫn chưa thực hiện được "vì các quy định đó chưa sát với thực tiễn", nên không đưa lại vào dự thảo luật. Lý do thứ hai đưa ra cho việc duy trì hai hệ thống là "Cục lưu trữ Văn phòng TƯ Đảng đã có ý kiến chính thức bằng văn bản đề nghị giữ nguyên trạng hệ thống tổ chức lưu trữ của Đảng như hiện nay".

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng "nghiêng về phương án duy trì hai hệ thống như hiện nay". Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng với cơ cấu tổ chức chính trị đặc thù của nước ta, phương án duy trì haihệ thống như hiện nay là hợp lý.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, cả hai ý kiến đều cần có cơ sở lý luận chắc chắn và rành mạch hơn để giải trình một cách thuyết phục khi đưa ra Quốc hội.

  • Thủy Chung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,