221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1312066
Nguyên phó viện trưởng giải đáp "ai chung chung, ai lệch lạc"
1
Article
null
Nguyên phó viện trưởng giải đáp 'ai chung chung, ai lệch lạc'
,

- "Có vị hỏi về việc luật pháp của chủ nghĩa tư bản rất “minh bạch”, sao ta không học? Vì, nhiều nội dung ta không thể học" - ông Nguyễn Đức Bách.

>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI

LTS: Sau khi VietNamNet đăng tải ý kiến của Trần Minh Phương phản hồi bài viết của mình, PGS.TS Nguyễn Đức Bách, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học đã có một bài viết dài, giải đáp các câu hỏi do bạn đọc Phương và các bạn đọc khác đặt ra.

Tôn trọng tính đa chiều của thông tin cũng như không khí cởi mở và xây dựng trong tranh luận, chúng tôi giới thiệu bài viết này. Mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc cho dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XI.

Khá nhiều đảng viên "đáng bị treo cổ"

Xin cảm ơn VietNamNet đã đăng bài của tôi - thể hiện thông tin đa chiều, chỉ sau 2 ngày tôi đã nhận 110 phản hồi. Dù đa số phê phán, phản bác, thậm chí nặng lời, tôi vẫn cảm ơn vì sự quan tâm. Đặc biệt, tôi rất mừng vì những ý kiến ủng hộ, dù rất “thiểu số” và tôi biết vì sao hiện nay đó là thiểu số. Vì: Một mặt, do Đảng, nhà nước ta còn những sai lầm ở nhiều lĩnh vực, gây bức xúc, sụt giảm niềm tin (có khi át những thành quả).

Nổi bật vẫn là vấn nạn mà Lênin đã từng phải bức xúc than rằng "… thật nhục nhã, đảng cầm quyền mà lại đi biện hộ cho những tên đốn mạt "của mình"!" (lưu ý: chữ của mình Lênin để trong ngoặc kép - nghĩa là: những tên như thế không phải là của ĐCS). Đấy là việc Thành ủy Matxcơva khi đó đã “tha tội cho những đảng viên CS vi phạm pháp luật đáng bị treo cổ” và Lênin ra quyết định “cảnh cáo toàn bộ Thành ủy Matxcơva công khai trên báo chí. Nếu Bộ trưởng phụ trách pháp luật không thi hành ngay quyết định này thì sẽ bị cách chức ngay lập tức!”. Bọn “đáng bị treo cổ” là bọn tham nhũng…“hiếp đáp nông dân…và biện pháp duy nhất phải làm lúc này là: xử ngay tại chỗ, hành hình ngay tức khắc!”.

Có khá nhiều đảng viên “đáng bị treo cổ” trong Đảng ta hiện nay cũng làm ô danh Đảng, mất niềm tin của dân. Dù không “vơ đũa cả nắm” thì toàn Đảng ta, trước hết là TƯ phải chịu trách nhiệm từng bước thanh trừ bọn đó ra khỏi Đảng để xử nghiêm theo pháp luật; dù hoàn cảnh cụ thể không “rập khuôn” như thời Lênin.

Mặt khác, tôi còn cho rằng, nhiều cán bộ, đảng viên giỏi và tốt chưa đọc bài viết của tôi hoặc chưa có ý kiến vì nhiều lý do khác nhau và điều này thì không thể yêu cầu viết.

Việc có nhiều ý kiến hướng vào góp cho Đại hội XI của Đảng ta là điều đáng mừng. Tôi không dám nhân danh “quan chức” mà nói như vậy.

Xin đừng ai gán cho tôi vai trò “đao to, búa lớn” mà tôi không thể hiện trong xã hội cũng như qua bài viết. Trái lại, tôi chỉ là một người từ gia đình trí thức cũ nhiều đời, đã rất khổ ải xung phong miền núi, vùng xa, vùng sâu trong chống Mỹ cứu nước cả chục năm… mới được vào ĐCSVN, sau khi Bác Hồ mất - 1970. Tôi nguyên là Viện phó và vẫn chỉ làm thày giáo. Từ tuổi 50, cứ 3 năm một lần tôi xin từ chức đúng quy định về “cấp phó”. Mãi 6 năm sau, khi 56 tuổi mới toại nguyện từ chức mà vẫn ở lại nơi cũ, làm việc nhiều hơn, tốt hơn, với tư cách “viện viên”!

Tôi chấp nhận về lương do Ban Tổ chức TƯ hướng dẫn: “Từ chức thì cắt hết phụ cấp chức vụ”. Lương tôi giảm hẳn đi. Khi về hưu, lương “gốc” chỉ còn hơn 2,9 triệu. Tôi sống với lương đó mà vẫn còn phải nuôi thằng con cả 42 tuổi tâm thần phân liệt, không biết gì, vì khi tôi và vợ tôi (cũng là con nhà trí thức, cũng PGS.TS, 42 tuổi Đảng) sinh nó bị nhiễm độc thai nghén từ những năm lăn lộn miềm núi. Chúng tôi “vô sản hóa” đến mức thành thạo công việc nhà nông, nói tiếng dân tộc…

Mô tả ảnh.
Đại biểu dự đại hội đảng bộ quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: LAD

Ngoài giảng dạy, chúng tôi đã kiếm sống qua nhiều nghề lao động chân tay cùng dân chúng; đến nay vẫn thế. Kể cũng hơi hài hước bởi lương một thầy giáo dạy cao đẳng, đại học và sau đại học suốt 45 năm, TS 22 năm, PGS 15 năm, phó Viện trưởng 9 năm, Nhà giáo ưu tú, huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, bằng khen của Thủ tướng, huân chương lao động hạng ba… Chút tư liệu đó không nhằm thể hiện bất mãn của tôi mà chỉ để tôi thưa lại với một số vị rằng: tôi không đến nỗi là… kẻ ít học, óc bã đậu, béo bở vì CNXH, vì dân chủ giả hiệu; xa thực tiễn, ăn hại cơm dân… như một số ý kiến phỏng đoán đúng dịp tôi 70 và 40 tuổi Đảng (tôi có dám xúc phạm ai đâu mà sao một số vị lại mắng tôi kể cả là “đồ hèn”… nữa?).

Mấy chục năm qua, tôi không e ngại bất cứ người lãnh đạo nào, kể cả cấp TƯ, nếu họ có sai lầm, trù dập người khác… và thường xuyên nói thẳng thừng, gửi kiến nghị văn bản công khai tên mình... Vậy, có lẽ tôi cũng không hèn.

Song điều quan trọng nhất với tôi là không bao giờ tôi “quy” những sai lầm, xấu xa của vài cá nhân lãnh đạo hay đảng viên CS, kể cả một số sai lầm của Đảng “về một gói”, để cho rằng Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin, CNXH… là “loại xấu xa cần loại bỏ” - như một vài vị đã viết như thế.

Lẽ ra, tôi không nên nói về mình, như suốt mấy chục năm qua vẫn vậy. Nhưng có vài vị nặng lời quá; vả lại, nếu hiểu nhau một chút thì khi trao đổi vẫn dễ hơn, nên tôi đành liều “phô ra - kể khổ sơ lược lý lịch”.

"Nhiều "minh bạch" ta không thể học"

Dưới đây, tôi xin kết hợp vừa trao đổi lại một số ý các vị hỏi tôi, vừa góp ý các dự thảo văn kiện:

1) Có ý kiến hỏi: “ai chung chung, ai lệch lạc?”. Xin quý vị xem bài tôi viết: “Cán bộ, đảng viên”. Tôi chưa phê phán người ngoài Đảng như vậy. Trái lại, dân càng góp nhiếu ý càng hay; đúng hay lệch Đảng đều nghe và chọn lọc.

Có vị hỏi: quyền gì mà tôi phê phán này nọ với các đảng viên? Xin thưa: Quyền và trách nhiệm mỗi đảng viên như Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên… có ý kiến… không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng” (điều 9, mục 5). Và, “tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng…; phải thường xuyên tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng…”. Cho nên câu cuối bài, tôi viết rất nhẹ là: “tự chiếu tư cách đảng viên…”, tức là tự phê bình - “ngày nào cũng rửa mặt…” như Bác Hồ căn dặn, là tự giác và thanh thản nhất.

2) Có vị hỏi về tính chất của Đảng ta: Bác Hồ luôn nêu: Giai cấp CÔNG NHÂN, NHÂN DÂN LAO ĐỘNG và DÂN TỘC (chứ không phải tính dân tộc là số một, 2 tính kia sau và bổ sung, phục vụ). Xin lưu ý đây là nói TÍNH CHẤT của Đảng; còn nói MỤC ĐÍCH của Đảng thì Dân tộc luôn là số một và duy nhất; kể cả Mác-Lênin, đảng Cộng sản… đều là phương tiện… vì dân tộc. Đảng ta vẫn luôn nhất quán như vậy.

3) Có vị hỏi về việc luật pháp của chủ nghĩa tư bản rất “minh bạch”, sao ta không bao giờ học? Vì, nhiều nội dung cụ thể minh bạch nhưng ta không thể học. Ví dụ: luật pháp cho tổng thống và thủ tướng quyền giải tán quốc hội (Quốc hội ta quyền lực cao hơn Chủ tịch nước, Thủ tướng), luật pháp họ cho phép cá nhân tổng thống tuyên chiến xâm lược bất kỳ nước nào, kể cả khi quốc hội và dân không đồng ý (ở ta không thể cho phép vậy). Luật pháp họ cho buôn bán vũ khí, thuốc độc tự do; cho mại dâm là một nghề công khai v.v… Ta không thể học những nội dung cụ thể “minh bạch” đó; pháp luật ta phải minh bạch nhưng với những nội dung cụ thể rất khác. Không thể khen về minh bạch một cách chung chung.

4) Nhiều người chưa rõ “cội nguồn” của thực tiễn dân chủ, của khái niệm dân chủ, của giá trị dân chủ, của các chế độ dân chủ khác nhau về bản chất. Đến nay nhiều người còn chưa phân biệt rõ về sự khác nhau giữa khái niệm gốc: “Dân chủ - quyền lực của dân” với “những quyền dân chủ của mỗi người dân” trong các chế độ dân chủ cụ thể.

Sự thật là, “những quyền dân chủ của người dân” thì rất rõ, phong phú, thậm chí minh bạch như ở nhiều nước tư bản. Song những quyền này là do pháp luật cho phép; mà pháp luật thì chỉ do quyền lực của thế lực cầm quyền - cho phép xã hội.

Hiểu điều này mới tin được rằng: Dân chủ chỉ là quyền lực thật sự của dân trong điều kiện chế độ công hữu và đại đa số dân bầu trực tiếp cơ quan quyền lực cao nhất của mình để ủy quyền - đó là quốc hội. Cho nên, ngay trong dân chủ tư sản, thành tựu to lớn của “Tam quyền phân lập”… thì có sự phân biệt rõ như trên, ta mới thấy rằng: thực chất quyền lực vẫn không phải của dân, chỉ có những quyền dân chủ cụ thể mà mỗi người dân được hưởng theo pháp luật tư sản quy định - (dù đã là tốt nhiều mặt). Vì vậy mà tổng thống, thủ tướng mới phủ quyết quốc hội và ý dân. Đây là vấn đề thực tiễn và lý luận rất phức tạp. Chỉ nêu khái lược mà đã thấy “rối mù” rồi. Bất kỳ đảng nào cũng cần có lý luận của mình và đều rất phức tạp, nhất là lý luận và pháp luật của Mỹ.

5) Có vị nêu: các văn kiện Đảng không nhất quán, khi thì bảo ta “không qua thời kỳ quá độ phát triển TBCN…”; bây giờ dự thảo văn kiện ĐH XI lại bảo “ta đang trong thời kỳ quá độ…”? Đó là hiểu lầm: các văn kiện bao giờ cũng xác định “ta phải qua thời kỳ quá độ”; còn “không qua” là “không qua giai đoạn phát triển TBCN”, hoặc “bỏ qua chế độ TBCN” (ĐH IX, X và XI vẫn nhất quán).

"Đục nước béo cò"

6) Có ý kiến hỏi: sao Đảng luôn nói lý luận đúng, nhưng trong dự thảo văn kiện còn nhận là có sai nghiêm trọng? Nói “lý luận đúng” là nói về vận dụng nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh và xác định quan điểm cơ bản, đường lối cách mạng chung, mục tiêu cách mạng nước ta cả 2 giai đoạn là đều đúng đắn, nhất quán, kể cả từ Đổi mới. Khi triển khai, cụ thể hóa… đã có những thành tựu to lớn, song có vấn đề, có lĩnh vực, có khi, có nơi mắc những sai lầm. Trước đổi mới, cấp TƯ đã có sai lầm nghiêm trọng về nhận thức lý luận còn chủ quan duy ý chí (muốn có nhanh CNXH nên không thực hiện “chính sách kinh tế mới” mà Lênin đã chỉ rõ về kinh tế hàng hóa, 5 thành phần...).

7) Có ý kiến hỏi rằng: CNXH là một thứ hư cấu, không ai thấy ở đâu, vì sao ta cứ theo ảo tưởng? Vấn đề “đại sự” này, các lớp đào tạo tiến sĩ chuyên ngành còn phải giảng và tự nghiên cứu hàng tháng môn “Lịch sử… CNXH” của nhân loại (trước Mác-Lênin hàng ngàn năm; nảy sinh từ thực tiễn nhân loại chứ không phải từ ước mơ).

Điều này ngay trong một số văn kiện Đảng ta từ hàng chục năm qua đến nay, những ai biên soạn vẫn chưa làm rõ, thậm chí còn nhấn mạnh một cách mơ hồ rằng: “CNXH từ ước mơ trở thành hiện thực… sau Cách mạng Tháng Mười Nga”.

Bao thế hệ đảng viên khi kết nạp cũng toàn nghĩ và nói vậy. Ngay cả dự thảo các văn kiện ĐH XI vẫn chưa có chuyển biến về vấn đề này.

Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn
Từ khi Đổi mới, Đảng ta vẫn chỉ dừng lại quan điểm cho “CNXH” chỉ có một nghĩa là “Chế độ mà nhân dân ta xây dựng” (tức là XH XHCN). Nếu chỉ vậy thì nó vẫn có thể sụp đổ nếu sai lầm… như các nước đã sụp đổ. Từ đó làm sao vẫn khẳng định “CNXH là quy luật tiến hóa của nhân loại” nếu nó lại phụ thuộc vào các ĐCS đúng hay sai? (tức là phụ thuộc nhân tố chủ quan thôi)? Do đó vẫn mất niềm tin ở CNXH là hiện tượng thực tế trong Đảng và xã hội ta hiện nay. Vì khiếm khuyết này mà nhiều quý vị thắc mắc là đúng khi cho rằng CNXH chỉ là mơ mộng viển vông!

Tôi xin tóm gọn trả lời chung, đúng sự thật nhân loại rằng: dẫu có tính XHCN trong thực tiễn của nhân loại chính là “Dân chủ nguyên thủy - DEMOKRATOS - Quyền lực của dân trong chế độ công hữu; gắn với quá trình xã hội hóa sản xuất (cộng đồng cùng làm, cộng đồng cùng hưởng một cách dân chủ, công bằng” - dù rất sơ khai.

Sau này, nhà xã hội học - từ điển học người Pháp là Pie-Larut, lần đầu tiên, trước C.Mác nhiều năm, đã gọi sự thật đó là “CNXH” (Xu hướng thực tiễn: do xã hội, vì xã hội… như một xu hướng đương nhiên của loài người. Xu hướng đó không bao giờ có thể “sụp đổ”; chỉ có những nước XHCN thì có thể sụp đổ. Đến năm 1991 kết luận này đã được minh chứng sau Đông Âu, Liên Xô… nhưng vẫn không thể “đánh tráo khái niệm” rằng CNXH sụp đổ).

Vậy Mác-Lênin chỉ kế thừa sự thật và nhận thức của nhân loại về CNXH, chứ không phải các ông và các ĐCS “bày đặt ra” CNXH trong ảo tưởng - hư cấu và nó chẳng có ở đâu.

8) Nhiều vị rất đúng khi nêu bức xúc về quyền lực và uy thế trong hoạt động của Quốc hội ta, dù có thành tựu trong soạn và ban hành các bộ luật dần hoàn chỉnh hơn, nhưng nhìn chung còn yếu nhất là việc “quyết” những vấn đề quốc kế dân sinh…; chưa giám sát được, thậm chí thụ động với hành pháp; dân ý và dân nguyện chưa được đáp ứng, nhất là nông dân, các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn… gây phân hóa xã hội ngày càng rõ; chưa quản lý, sử dụng đúng lý tài nguyên đất nước; tiếp xúc cử tri còn hình thức; giám sát chống tham nhũng còn mờ nhạt, chưa tác dụng, làm cho nó càng tăng nghiêm trọng, bức xúc xã hội; giám sát và yêu cầu tư pháp trong điều tra án, giải quyết khiếu tố của dân không kịp thời, nên năm 2010 tăng 17%, oan sai cho dân vẫn không ít…

9) Có ý kiến hỏi: Sau khi ĐCS Liên Xô đổ thì các đảng viên cũ của họ đang làm gì? Đây là điều cảnh tỉnh cho ta.

Tôi đã giảng và viết ngay sau khi nó sụp đổ rằng: khi ĐCS cầm quyền do sai lầm, chia rẽ trước hết về nhận thức, về kỷ luật, về hành động bè phái; tham nhũng; mất dân chủ trong đảng và xã hội; mất niềm tin từ đảng viên, đến dân chúng, lại nảy sinh bọn phản bội trắng trợn từ chóp bu, và chủ nghĩa đế quốc tác động… sẽ sụp đổ - chủ yếu là tự hủy diệt… Người chịu thiệt hại phổ biến nhất và lớn nhất là nhân dân (do xung đột, chiến tranh, tệ nạn… mà chết, thất nghiệp, đói khổ…). Còn đa số cán bộ, đảng viên CS lại không chết, không thiệt mà còn “đục nước béo cò”- làm quan to, làm sếp… trong chế độ mới.

Vì thế, Đảng ta cần nghiêm minh hơn trong cầm quyền và xây dựng CNXH; cần công khai tuyên bố rằng: chúng tôi không cho phép mình và bất cứ ai làm Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ ta rối loạn, sụp đổ… Như thế là lo cho quyền lực, lợi ích và sinh mạng của đa số dân ta bị mất, chứ chẳng phải lo cho ĐCS và cán bộ đảng viên.

  • Nguyễn Đức Bách
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,