221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1315079
Kỳ họp "áp chót" và trọng trách trên vai mỗi đại biểu
1
Article
null
Kỳ họp 'áp chót' và trọng trách trên vai mỗi đại biểu
,

- Sáng nay (20/10), kỳ họp thứ 8, kỳ họp "áp chót" của Quốc hội khóa XII khai mạc tại Hà Nội. Đây thực sự là một kỳ họp mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải đứng trước nhiều vấn đề lớn, đòi hỏi có ngay những quyết định sáng suốt để đất nước phát triển đúng hướng.

>> Quốc hội muốn thực quyền, đại biểu phải có chính kiến
Trong bản báo cáo giới thiệu nội dung kỳ họp do Văn phòng Quốc hội nêu ngày 18/10, cơ quan Quốc hội cho rằng, trong 9 tháng qua, nền kinh tế vẫn phát triển theo hướng tích cực với 16/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng đạt 6,7%, vượt 0,2% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; xuất khẩu có khả năng đạt mức tăng trên 19% so với năm 2009…

Nhưng chỉ có thế thôi thì rõ ràng những gì đạt được là không đáp ứng được yêu cầu của đông đảo cử tri. Nhìn toàn diện, có thể thấy, nền kinh tế, trật tự xã hội đang có nhiều điểm bất ổn. Tăng trưởng kinh tế tuy khá nhưng có quá nhiều vấn đề đặt ra về tính bền vững của nó: lạm phát cả năm tuy được các cơ quan Quốc hội cho là có thể không quá 8% (nghị quyết giao không quá 7%) nhưng đang có dấu hiệu tiếp tục tăng cao hơn nữa trong các tháng cuối năm.

Việc điều hành các chính sách về tiền tệ, giá cả, thị trường, lưu thông hàng hóa chưa hiệu quả đã khiến cho tình hình giá cả nhiều nơi, trong một số thời điểm mất ổn định, càng gây thêm khó khăn cho đời sống nhân dân.

Mô tả ảnh.
Rất nhiều vấn đề lớn, dài hạn quyết định sự phát triển lâu dài của đất nước cần được đặt lên bàn nghị sự kỳ họp lần này. Ảnh: LAD
Thu ngân sách tuy báo cáo đạt khá (dự kiến đạt 58.600 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2009) nhưng ở đây cũng phải đặt ra câu hỏi: việc huy động với tỷ lệ cao, liên tục tăng cao như vậy (giai đoạn 2006-2009, mức độ động viên ngân sách từ thuế là 27,9% GDP trong khi giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ này là 24,4%) có tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy, đầu tư, có giúp làm khoan sức dân?

Trong khi đó, bội chi ngân sách tuy giảm so với chỉ tiêu Quốc hội giao (6,2%) nhưng mức dự kiến duy trì 5,95% cũng là quá cao, làm tăng nợ công, gây nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính quốc gia… Thêm vào đó, thâm hụt thương mại vẫn lớn: nhập siêu tuy đạt mục tiêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng số tuyệt đối dự kiến vẫn là 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2009, nếu loại trừ đá quý, kim loại quý xuất khẩu thì nhập siêu vẫn trên 22%. Tình trạng này có nguy cơ kéo dài, càng gây sức ép lên tỷ giá, đe dọa làm mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt, thậm chí ngày càng xấu đi, gây lo lắng cho cử tri. Theo báo cáo của Văn phòng Quốc hội, hầu hết các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm đều không đạt kế hoạch. Bạo lực xã hội, nạn buôn bán, sử dụng ma tuý, mại dâm, cờ bạc, tội phạm hình sự nghiêm trọng diễn ra với chiều hướng ngày càng tăng. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên hầu như chưa được cải thiện. Ùn tắc giao thông ở các đô thị vẫn rất trầm trọng. Tất cả đặt ra câu hỏi: phải chăng chất lượng cuộc sống của người dân đang bị đi xuống cho dù GDP có tăng trưởng khá?

Mô tả ảnh.
Cử tri trông ngóng những người đại diện cho mình sẽ phát huy hết năng lực, sự công tâm và trách nhiệm. Ảnh: LAD

Không chỉ có vậy, còn rất nhiều vấn đề lớn, dài hạn quyết định sự phát triển lâu dài của đất nước, mà đông đảo cử tri băn khoăn lo lắng về khả năng điều hành, xử lý của Chính phủ cần được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội. Đó là việc xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, huy động sức dân đầu tư phát triển thế nào một khi khu vực kinh tế nhà nước vẫn làm ăn kém hiệu quả lại tiếp tục được giữ vai trò “chủ đạo” trong nền kinh tế?

Ví dụ về tập đoàn Vinashin thua lỗ, nợ lên tới gần 100 ngàn tỷ đồng, có nguy cơ phá sản và tình trạng kinh doanh kém hiệu quả của nhiều tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác đã báo hiệu những hậu quả tệ hại khôn lường nếu khu vực kinh tế này tiếp tục được coi trọng, độc quyền, được ưu đãi, sử dụng phần lớn nguồn lực quốc gia: vốn, đất đai, khoáng sản…

Đó còn là vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản như thế nào để đảm bảo lợi ích quốc gia. Có không ít cử tri, kể cả ĐBQH đã lo lắng khi tài nguyên: than, khoáng sản kim loại (đồng, chì,sắt…) vẫn được xuất khẩu thô trong khi chính doanh nghiệp trong nước đang thiếu để sử dụng. Việc xuất khẩu than đến mức cạn kiệt trong khi các nhà máy nhiệt điện chạy than lại thiếu than trong hàng chục năm tới đặt ra nguy cơ mất cân bằng về an ninh năng lượng. Hay việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên đang đặt ra nguy cơ về thảm họa môi trường mà bài học vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary mới đây đã cảnh báo.

Trước kỳ họp lần này, cũng đã có không ít cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để chống tham nhũng. Việc xử lý, phạt tù chung thân ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Giám đốc dự án đại lộ Đông - Tây vì nhận tiền của nhà thầu Nhật Bản bước đầu cho thấy quyết tâm trong hoạt động chống tham nhũng.

Nhưng vẫn còn đó những vụ việc mà người dân đang trông chờ sự quyết liệt, kịp thời của các cơ quan bảo vệ pháp luật như chuyện tòa án Mỹ đã phạt tù một số cá nhân công ty Nexus của nước này hối lộ các cá nhân ở Việt Nam, việc cảnh sát Úc điều tra công ty Securency hối lộ để giành hợp đồng in tiền ở một số nước, trong đó có Việt Nam… Nhiều vụ việc có dấu hiệu tham ô, tham nhũng gần đây liên quan đến một số cá nhân trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước…đang cho thấy, tham nhũng vẫn là một quốc nạn.

Trong 32 ngày họp, với 46 phiên toàn thể (13 phiên sẽ được truyền hình trực tiếp) và 16 phiên họp tổ, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều bộ luật quan trọng như dự án luật Thuế bảo vệ môi trường, dự án luật Khoáng sản (sửa đổi), luật Bảo vệ người tiêu dùng…; thảo luận và quyết định thông qua nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư một số công trình quốc gia, thực hiện việc giám sát bằng chất vấn các thành viên Chính phủ…

Trong những vấn đề trên, chắc chắn sẽ có nhiều nội dung được ĐBQH lên tiếng trong quá trình thảo luận, xem xét, biểu quyết. Đây là kỳ họp "áp chót" của Quốc hội khóa XII (tháng 3/2011, sẽ họp tổng kết nhiệm kỳ) và cũng là thời điểm mở đầu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm sắp tới.

Hơn lúc nào hết, cử tri trông ngóng những người đại diện cho mình sẽ phát huy hết năng lực, sự công tâm, trách nhiệm của mình trước từng vấn đề cụ thể nêu trên, mà chính họ đã đặt ra trong nhiều bản kiến nghị, trong các buổi tiếp xúc với các đoàn ĐBQH vừa qua.

  • Nguyên Hà

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,