221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1306533
Ngoại giao Trung - Nhật căng thẳng vì vụ đâm tàu
1
Article
null
Ngoại giao Trung - Nhật căng thẳng vì vụ đâm tàu
,

Một vụ việc xảy ra trên biển hôm 7/9 khi hai tàu tuần tra Nhật Bản và một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm gần chuỗi đảo tranh chấp đã làm quan hệ bang giao hai cường quốc châu Á trở nên căng thẳng.

Trung Quốc thể hiện "sự quan ngại mạnh mẽ” về vụ va chạm xảy ra ở khu vực Đông Hải, trong khi Nhật Bản triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối việc này. Theo thông báo, không có ai bị thương, cũng như không chiếc tàu nào bị chìm.

Tàu tuần tra Mizuki của Nhật sau vụ va chạm Ảnh Reuters
Tàu tuần tra Mizuki của Nhật sau vụ va chạm. Ảnh: Reuters

Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào cũng triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa để đưa ra “phản đối mạnh mẽ nhất”, Tân hoa xã đưa tin.

Quần đảo Senkaku (theo tên gọi Nhật Bản) hay Điếu Ngư (theo tên gọi Trung Quốc) nằm giữa đảo Okinawa của Nhật và Đài Loan. Cả Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo này, đây cũng là nơi thường xuyên tập trung căng thẳng trong khu vực.

Hôm chủ nhật, ông Ichiro Ozawa - người đang nỗ lực vượt qua Thủ tướng Nhật Naoto Kan trong cuộc đua giành vị trí đứng đầu một đảng để lãnh đạo đất nước đã thúc giục Tokyo cần có phản ứng mạnh mẽ trước việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với khu vực tranh chấp trên.

Vụ việc bắt đầu khi tàu tuần tra Yonakuni trọng tải 1.349 tấn yêu cầu các ngư dân Trung Quốc ngừng đánh cá trong vùng biển tranh chấp, hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản như vậy. Phần mũi tàu đánh cá Trung Quốc sau đó đã va chạm với phía sau tàu Yonakuni cũng như một tàu tuần tra khác của Nhật là Mizuki khoảng 40 phút sau đó.

Theo Kyodo, ba tàu tuần tra Nhật sau đó đã bám đuổi tàu Trung Quốc, 22 thành viên lực lượng Phòng vệ bờ biển của Nhật đã lên tàu Trung Quốc để thẩm vấn các thủy thủ vì nghi ngờ họ vi phạm luật đánh bắt cá.

Trong một cuộc họp báo thông thường sau vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư nói rằng: “Trung Quốc thể hiện sự quan ngại mạnh mẽ về việc này”. Bà nhấn mạnh, Bắc Kinh đã khẳng định với Tokyo rằng, quần đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc từ thời trước.

Trung Quốc thúc giục Nhật Bản ngừng cái gọi là các hoạt động thực thi luật pháp ở vùng biên giới và không làm gì để có thể gây nguy hiểm cho tàu cá, cũng như người dân Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. "Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao phát triển của tình hình và xem xét để đưa ra một phản ứng thích hợp”.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, đã “triệu tập công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo để thể hiện sự phản đối về vụ va chạm tàu”. "Chúng tôi khẳng định rằng, vụ việc là kết quả của hành động đánh bắt cá trái phép từ phía Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Nhật nhấn mạnh. "Chúng tôi yêu cầu chính phủ Trung Quốc góp phần ngăn chặn sự việc tái diễn và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho các tàu cá Trung Quốc”.

Theo tin mới nhất, sau khi biết Nhật Bản đã bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hồ Chính Nguyệt đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản lần thứ hai. Tân hoa xã đưa tin, ông Hồ Chính Nguyệt “yêu cầu phía Nhật Bản lập tức thả tàu và các thuỷ thủ, cũng như đảm bảo an toàn cho họ”.

Trong khi đó, phát ngôn viên chính phủ Nhật đã kêu gọi kiềm chế, còn Thủ tướng nước này thì cho rằng, vấn đề sẽ được giải quyết công bằng. "Chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc một cách công bằng trong khuôn khổ luật pháp Nhật Bản”, ông Naoto Kan nói với báo giới.

Mặc dù có những tranh chấp về các đảo cũng như tranh cãi về mục đích quân sự mỗi bên, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn có mối quan hệ kinh tế khá sâu sắc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật kể từ 2009. Thương mại song phương đạt 12,6 nghìn tỉ yên (150,4 tỉ USD) trong nửa đầu năm nay, tăng 34,5% so với năm trước.

  • Thụy Phương tổng hợp

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,