221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1309055
Cương lĩnh phải vì lợi ích chính đáng của dân tộc
1
Article
null
Cương lĩnh phải vì lợi ích chính đáng của dân tộc
,

- Trong khi các lợi ích dân tộc nổi lên mạnh mẽ, “luật chơi” do kẻ mạnh chi phối, thì những nước như Việt Nam phải chọn cách đi phù hợp, phải có một cương lĩnh tạo ra sự mềm dẻo cao nhất vì lợi ích chính đáng của dân tộc mình.

>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> Tướng Đồng Sĩ Nguyên góp ý cho Đại hội Đảng
>> Có đại hội bàn đi bàn lại khi chọn Tổng bí thư
>> “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”

LTS: Trong các dự thảo văn kiện được công bố để lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Cương lĩnh bổ sung sửa đổi Cương lĩnh 1991 được xem là văn kiện quan trọng nhất, bởi Cương lĩnh là tuyên ngôn chính trị của Đảng, xác lập con đường xây dựng, lãnh đạo đất nước trong 10 năm tới.

Trong bài viết mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực mạnh để đưa đất nước đi lên.

Ông Bùi Đức Lại, từng công tác nhiều năm tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã gửi tới VietNamNet loạt bài góp ý cho dự thảo Cương lĩnh. Góc nhìn của một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tổ chức, nhân sự của Đảng, có thể có nhiều chỗ cần phải tranh luận, bàn thảo thêm để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng như ông Bùi Đức Lại đã nhấn mạnh, với tư cách một đảng viên gắn bó sâu sắc với Đảng, ông cũng mạnh dạn đưa ra, như một sự xới xáo vấn đề một cách nghiêm túc và xây dựng, trên tinh thần tôn trọng những ý kiến khác biệt mà người đứng đầu Đảng luôn kêu gọi.

VietNamNet giới thiệu bài viết của ông Bùi Đức Lại. Mời bạn đọc cùng tranh luận.

Trong Dự thảo sửa đổi và bổ sung cương lĩnh, phần “bối cảnh quốc tế” có khối lượng lớn (trên dưới 800 chữ), chiếm một nửa toàn bộ chương II “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” là chương then chốt nhất, làm cơ sở cho toàn bộ cương lĩnh. Thực chất, nó không còn đơn thuần nói về “bối cảnh”, mà chủ yếu là trình bày quan điểm về thời đại, được xem như một trong hai căn cứ quan trọng nhất cho việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Để phục vụ cho yêu cầu đó, dự thảo điểm qua nhiều vấn đề hiện tình thế giới, về các lực lượng, các mâu thuẫn, các mối quan hệ quốc tế, các xu thế phát triển, về thất bại của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu, về tiềm năng phát triển của chủ nghĩa tư bản… Sau khi nhận định rằng chủ nghĩa tư bản không thể thoát ra khỏi những mâu thuẫn cơ bản sẽ quyết định vận mệnh của nó; dự thảo khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.

Mô tả ảnh.
Đại biểu dự đại hội đảng bộ huyện Từ Liêm, Hà Nội nghiên cứu kỹ báo cáo chính trị, trong đó 6 trang nêu những thành tựu nổi bật, 1 trang dành cho khuyết điểm, yếu kém. Ảnh: LAD

Nghiên cứu kỹ nội dung và phong cách tổng quát của sự trình bày như vậy, có thể nhận định rằng, đây thực chất là cách diễn đạt mềm mại hơn, dễ chấp nhận hơn một quan điểm chính thống nêu ra từ nửa thế kỷ trước. Theo quan điểm đó, thời đại chúng ta đang sống bắt đầu từ Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại (tên chính thức dùng khi đó) là thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, đi kèm với dự thảo, một số người có trách nhiệm đã công bố rộng rãi những bài viết, gần như hoàn toàn lặp lại quan điểm nói trên cả về tinh thần lẫn lời văn.

Khẳng định nói trên trở thành luận cứ quan trọng nhất để định ra cương lĩnh quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, với một lô gích khá đơn giản: Nếu xu thế của thời đại là đi lên chủ nghĩa xã hội thì việc lái con thuyền Việt Nam theo hướng đó là một quyết định có tính đương nhiên, không thể bàn cãi.

Vì vậy, vấn đề này rất đáng được quan tâm nghiên cứu, thảo luận kỹ.

Không đánh tráo vấn đề

1- Luận điểm về thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười đã bị sự phát triển thực tiễn phủ định.

Đây là luận điểm do Liên Xô đề xướng và được các đảng cộng sản và công nhân quốc tế thống nhất chấp nhận trong hai hội nghị năm 1958 và 1960 ở Matxcơva. Vào thời điểm luận điểm này ra đời, có nhiều dữ kiện dường như có thể bảo chứng cho một quan điểm như vậy: hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hình thành và phát triển, Liên Xô tưởng rằng sắp bước vào giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản và tin rằng sẽ sớm vượt Mỹ; đảng cộng sản ở các nước tư bản phát triển mạnh, có lực lượng khá hùng hậu, có vị thế chính trị quan trọng; phong trào giải phóng dân tộc nổi lên mạnh mẽ khắp nơi đã cuốn phăng chủ nghĩa thực dân cũ; nhiều dân tộc mới được giải phóng muốn chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa; chủ nghĩa đế quốc bị sụp từng mảng lớn, bị động đối phó, tưởng như sẽ rơi vào khủng hoảng và sụp đổ trong tương lai gần.

Trong điều kiện đó, luận điểm này đã được thừa nhận rộng rãi, trở thành cương lĩnh hành động của cả phong trào và xuất phát điểm trong chương trình chính trị của các đảng cộng sản. Nó thể hiện sự chủ quan say men chiến thắng nhiều hơn là một cái nhìn tỉnh táo, phản ánh đúng bản chất sự vật. Thực tiễn phát triển từ nửa thế kỷ nay là sự phủ nhận luận điểm đó một cách khách quan, rõ ràng nhất.

Chủ nghĩa xã hội kiểu cũ - như hình thức nó đã tồn tại - đã không được lịch sử chấp nhận, đã sụp đổ vì chính những mâu thuẫn phát sinh ngay trong lòng nó.

Một chủ nghĩa xã hội kiểu khác, có khả năng thay thế, đang là đối tượng tìm tòi của một bộ phận loài người vẫn chưa hình thành cả về lý luận lẫn thực tiễn.

2- Không thể đánh tráo hai vấn đề: Sự không “trường tồn” của chủ nghĩa tư bản và “loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.

Chủ nghĩa tư bản, cũng như mọi chế độ xã hội khác loài người đã đi qua, không thể “trường tồn”. Có thể xem điều này như một tất yếu lịch sử. Nhưng vào thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, chưa xuất hiện những tiền đề để loài người trực tiếp bước vào một giai đoạn phát triển khác. Chủ nghĩa đế quốc - như hình thức đã tồn tại - không phải là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản như người ta quan niệm. Hiện thời, trong nhiều nước tư bản đang nẩy sinh những nhân tố mới hoàn toàn chưa xuất hiện vào thời Mác và Lê nin, chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ. Những yếu tố đó sẽ tác động đến sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản như thế nào là vấn đề còn để ngỏ.

Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn
Trong khi chưa thể có câu trả lời rõ ràng cái gì sẽ kế tiếp chủ nghĩa tư bản và kế tiếp như thế nào thì có một điều chắc chắn, đã được thực tế chứng minh: Cái kế tiếp không phải là chủ nghĩa xã hội - như hình thức đã tồn tại ở Liên Xô.

Có thể nêu ra những mâu thuẫn cơ bản dẫn đến khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, xem đó như những nhân tố khiến nó không thể trường tồn. Nhưng chính chủ nghĩa xã hội kiểu cũ từng được thực thi trong một phần ba nhân loại, với chế độ công hữu tư liệu sản xuất mà Mác, Lê nin đề nghị , đã không thể xóa bỏ được những áp bức, bóc lột, bất công, mâu thuẫn, khủng hoảng… đó, thậm chí còn đẩy nó đến tình trạng gay gắt, quyết liệt hơn, làm cho nó bị sụp đổ sớm hơn chủ nghĩa tư bản. Nước ta và các nước “định hướng xã hội chủ nghĩa” cải cách cũng đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự. Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đặc điểm quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội theo lý luận Mác - Lênin, chưa phải là lối ra hiện thực của loài người trong điều kiện phát triển ngày nay, khi con người xã hội chưa trưởng thành đủ mức để vận hành có hiệu quả chế độ như vậy.

Chính vì thế, từ luận điểm về sự không trường tồn của chủ nghĩa tư bản không thể đơn giản dẫn tới luận điểm “loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” như một hệ quả. Làm như vậy là đánh tráo vấn đề.

Nhận thức về thời đại

3- Không thể xem “xu thế thời đại” là nhân tố quyết định cương lĩnh chính trị của một đất nước.

Thế giới phụ thuộc lẫn nhau, Việt Nam tồn tại trong thế giới, nên khi xem xét giải quyết các vấn đề của Việt Nam không thể không xem xét “bối cảnh”.

Nhưng trong từng giai đoạn lịch sử, mỗi dân tộc lại phải giải quyết những vấn đề cụ thể của mình, đó là đối tượng, là căn cứ định ra cương lĩnh của dân tộc đó. Cương lĩnh của Việt Nam phải xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của Việt Nam. Phỏng đoán xu hướng thời đại rồi lái đất nước đi theo chiều hướng đó, như một kiểu “đi tắt đón đầu” là một ảo tưởng tai hại và nguy hiểm. Nếu ở đâu đó trong thế giới ngày nay, đang xuất hiện những mầm mống của một chế độ tương lai sẽ thay thế cho chủ nghĩa tư bản, thì cũng không nên, không thể “cấy” nó vào Việt Nam, với hy vọng thúc đẩy một sự phát triển nhanh hơn theo hướng đó. Làm như vậy, sẽ tự mình đi vào ngõ cụt.

Việt Nam là nước chậm phát triển, không phải là trung tâm văn minh nhân loại, rất ít có khả năng tiên phong tìm ra mô hình mới cho nhân loại tương lai sau chủ nghĩa tư bản (trong khi đa số các dân tộc khác, phát triển trước chúng ta nhiều thế kỷ, đang nằm ở vị trí hàng đầu và trung tâm của sự phát triển chưa tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ trực tiếp như vậy). Chúng ta cần, phải và chỉ có thể giải quyết vấn đề của mình, đặt nó trong các mối quan hệ hiện thực của thế giới đương đại. Hồ Chí Minh đã làm như thế khi đưa ra Chính cương vắn tắt, khi đặt nền móng cho một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám.

4- Xu thế thời đại không phải là định mệnh, nó do con người tạo ra, bị tác động mạnh mẽ bởi các thế lực nắm quyền chi phối trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Xu thế thời đại có tính khách quan, nhưng do hoạt động chủ quan của con người tác thành.

Bài toán về chính trị của mỗi dân tộc trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể (có khi kéo dài hàng thế kỷ) không phải là “xăm xăm” đi theo một xu thế mà mình tin là tìm ra và theo đuổi; trái lại, luôn luôn phải thấy rõ những lực lượng nào trong nước và quốc tế đã sẵn sàng hậu thuẫn cho xu thế đó, những lực lượng nào chống đối lại; những thế lực nào đang nắm vị chi phối sự phát triển trên bàn cờ chung.

Các thế lực lớn đang nắm quyền chi phối trong thế giới hiện thời, có lợi ích, mục tiêu và toan tính khác nhau, có cách nhìn về thời đại khác nhau và cũng không giống với Việt Nam. Đối với nước lớn này, thời đại là giữ vững vị trí siêu cường số 1, hướng dẫn sự phát triển của toàn thế giới. Đối với nước lớn khác, thời đại là trỗi dậy phục hưng, giành lấy địa vị bá chủ trong nửa sau của thế kỷ 21.

Thực tế đã chứng minh rằng sự tương đồng nhất thời về chế độ chính trị không có ý nghĩa trong việc hình thành đồng minh, lựa chọn đối tượng, đối tác. Trong khi các lợi ích dân tộc nổi lên mạnh mẽ, “luật chơi” do kẻ mạnh chi phối, thì những nước như Việt Nam phải chọn cách đi phù hợp, phải có một cương lĩnh tạo ra sự mềm dẻo cao nhất vì lợi ích chính đáng của dân tộc mình, cái “bất biến” duy nhất, không thể nhượng bộ.

5- Một số kiến nghị.

- Chúng ta không có nhiều điều kiện để chủ động đưa ra ý kiến đánh giá độc lập về thời đại và khuynh hướng phát triển của nó, lại càng có ít công cụ để tác động đến sự phát triển đó. Những ý kiến nêu ra về thời đại trong dự thảo phần lớn là tiếp thu và diễn dịch lại ý kiến của người khác, đều mang dấu ấn lợi ích và vị thế riêng của họ. Vì thế cần đặc biệt thận trọng khi “rút ra kết luận” về thời đại.

- Luận điểm “loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” chỉ nên xem là một phán đoán để ngỏ, đúng như thực chất của nó. Phán đoán này vốn không có ý nghĩa chính trị thiết thực (không đề cập gì về thời gian, không gian, thời điểm, các lực lượng tác động, các phương thức), vì vậy, càng không thể được coi là luận điểm xuất phát để xây dựng cương lĩnh chính trị. Tốt nhất là đưa khỏi dự thảo cương lĩnh một phán đoán chưa đủ cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn như vậy để tránh lầm lẫn trong nhận thức.

- Đưa ra cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam là phù hợp với yêu cầu khách quan và khả năng hiện thực của đất nước, phù hợp với xu thế phổ biến trong thời đại ngày nay. Cương lĩnh đó nhất định sẽ tập hợp được lực lượng, tạo ra sức mạnh mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại hiện nay, trong một thế giới đầy biến động, khó lường, đan xen nhiều lợi ích và mâu thuẫn.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,