221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1297905
Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin
1
Article
null
Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin
,

- Khoảng 19h tối 4/8, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam thời hạn 4 tháng đối với ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

>> ’Nếu để Vinashin phá sản, tất cả sẽ thành đống sắt vụn’
>> Vụ Vinashin: Xử nghiêm theo quy định pháp luật

Mô tả ảnh.
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin. Ảnh: TTXVN

Được biết, ông Bình bị bắt để điều tra về hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.

Các quyết định khởi tố, khám xét và lệnh bắt tạm giam bị can đã được Viện KSND Tối cao phê chuẩn trong ngày.

Mô tả ảnh.
Đông đảo phóng viên có mặt tại nhà riêng ông Bình ở số 10 Ngô Văn Sở để săn tin

Khoảng 19h, một tổ công tác của CQĐT bắt đầu thực hiện lệnh khám xét nhà riêng ông Bình tại ngõ 10 phố Ngô Văn Sở (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm). Đây là một ngôi nhà kiểu biệt thự cũ, cùng chung số 10 Ngô Văn Sở và có nhiều hộ dân cùng sinh sống. Theo quan sát của phóng viên, ông Bình không có mặt tại buổi khám xét này. Đến 20h30, việc khám xét tại đây kết thúc.

Mô tả ảnh.
Chiếc xe của cơ quan điều tra rời khỏi nhà ông Bình ở ngõ 10 Ngô Văn Sở, chở theo những tài liệu thu giữ được sau khi thực hiện lệnh khám xét. Ảnh: TPO

Cùng thời điểm trên, 2 mũi công tác khác của cơ quan ANĐT đồng thời tiến hành các thủ tục tại trụ sở Vinashin (172 phố Ngọc Khánh, Ba Đình) và một ngôi nhà khác của gia đình ông Bình tại tầng 16 nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Tuy nhiên, tại cửa ra cầu thang máy tầng 16 toà nhà này cũng được bảo vệ nghiêm ngặt trong quá trình CQĐT làm việc, khiến PV không thể tiếp cận. Khoảng 21 giờ cùng ngày, việc khám xét tại đây kết thúc.

Mô tả ảnh.
Công an bước vào tòa nhà 17T6, khu Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: CH

Những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình

Trước đó, ngày 12/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có văn bản kết luận về những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình là "do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội"

Ông Phạm Thanh Bình sinh năm 1953 ở Thới Bình, Cà Mau, Minh Hải (nay thuộc tỉnh Cà Mau), quê ở An Dương, Hải Phòng. Vào Đảng ngày 9/4/1990, vào Đảng chính thức 1 năm sau đó.

Ông Bình có trình độ chuyên môn là kỹ sư vỏ tàu. Quá trình công tác, ông Bình được đánh giá là người thăng tiến nhanh và gặp nhiều thuận lợi.

Ủy ban này đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, ông Bình thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước cấp, cho vay hoặc bảo lãnh cho vay khi thực hiện các dự án nâng cao năng lực, nâng cấp và xây dựng mới các khu công nghiệp, nhà máy đóng tàu; đầu tư mua sắm nhiều tàu cũ, tàu không thích hợp trong vận tải biển dẫn đến thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng khiến Tập đoàn không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và quá hạn.

Ông Bình đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt và tổ chức đấu thầu các dự án do Tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư.

Chủ tịch Vinashin đã thành lập nhiều đơn vị thành viên, công ty cổ phần không đủ năng lực tài chính, kinh doanh; bổ nhiệm, cử con trai, em trai làm đại diện phần vốn của Nhà nước và giữ nhiều cương vị trái quy định của Đảng, Nhà nước. 

Một ngày sau Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại trụ sở Vinashin, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện Bộ Nội vụ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình, để kiểm điểm trách nhiệm và thanh tra, điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 165: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: 

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

  •  Trường Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,